Kiến thưc bản địa trong dự báo thời tiết

 ngày 12-08-2015 Lúc 20:36:40
Điều kiện canh tác nông, lâm, ngư nghiệp hiện nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên nên những kinh nghiệm và kiến thức bản địa trong dự báo các hiện tượng thời tiết ......
Điều kiện canh tác nông, lâm, ngư nghiệp hiện nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên nên những kinh nghiệm và kiến thức bản địa trong dự báo các hiện tượng thời tiết có vai trò quan trọng đối với cộng đồng cư dân trong việc canh tác nông nghiệp, cũng như đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Nhân dân thường căn cứ vào các kinh nghiệm dân gian được cha ông truyền lại thông qua quan sát các hiện tượng tự nhiên từ cây cỏ, động vật, các loại côn trùng, các hiện tượng biến đổi của sắc trời, mây, gió và một số hiện tượng thiên  nhiên khác để đưa ra các dự báo thời tiết phục vụ cho đời sống và sản xuất.

 
1. Mưa, nắng
 
Đối với việc dựa vào các loại cây cỏ để dự báo nắng mưa, người dân ở một số địa phương Bắc Trung bộ thường dựa vào quan sát biểu hiện của một số loại cây cỏ như: cỏ gà, cây ngải tướng quân, cây chuối nước, cây cỏ gừng và một số loại cây ăn quả trong vườn nhà như khế, chanh,…
“Một đám cỏ gà đang xanh mà tự nhiên trắng toát đi thì biết là ít bữa nữa thì mưa. Cỏ gà mà trắng là chắc chắn là mưa”
“Cây cỏ gừng có ba đốt thì mưa, bảy đốt thì lụt”


 
“Cây ngải tướng quân lộ hoa về phía đông thì biết là trời mưa, hoa bắt đầu héo là mưa rồi”
“Hoa ngải tướng quân (hay hoa chuối nước) nở rộ thì báo hiệu sắp mưa to”
“Hoa chuối nước  mà nổ [nở] trắng thì chuẩn bị có mưa to”
“Cây chuối nước đã trổ, trổ hoa mà tàn thì bắt đầu mưa bão, lũ lụt đến hoặc sẽ có một trận mưa lớn”


Cây chuối nước nở hoa là có mưa nhiều
 
“Cây tóc tiên nở hoa và đến khi hoa bắt đầu héo, nở nhiều, nở hàng loạt đều là mưa. Hoa lẻ tẻ, hoa nở không đều coi như là hết”
“Cây tre trổ hoa, cây chuối nước trổ hoa thì năm đấy sẽ mưa nhiều và có khả năng là lụt”


“Một số cây trong vườn nhà nói chung nếu nó mà đương xanh mà nó nảy mầm ra là bắt đầu lên lúm búm chuẩn bị mưa, cây chanh hay cây chè mà ra lộc non thì chuẩn bị mưa, đọt cây khế tự nhiên ra lộc non thì chuẩn bị mưa, cây soài đây này mà lộc non ra nhiều thì chuẩn bị có mưa to này
“Hoa khế tàn, rụng thì có thể sắp có mưa”
 
Các loài động vật, côn trùng trong tự nhiên như cóc, chuồn chuồn, kiến, mối, chim muông,… cho đến những con vật nuôi trong gia đình như con chó, con mèo, con gà,… cũng là những căn cứ quan trọng trong kinh nghiệm dân gian của người dân ở một số địa phương Bắc Trung bộ để dự báo thời tiết mưa, nắng.
- Báo hiệu từ con cóc:
“Nghe cóc nghiến răng, con cóc mà kêu là trời sẽ mưa”
“Cóc trẹo/kêu thì trời sắp mưa. Cóc đau bụng là kêu, kêu là trời mưa, cho nước”
- Báo hiệu từ côn trùng:
“Con kiến đỏ mà tự nhiên dưới tổ lên, kiến cánh nó lên là trời cũng mưa”
“Con kiến chuyển trứng, tha trứng lên cao đó thì sẽ chuẩn bị có mưa to”
“Kiến mà kéo bầy, kéo thức ăn về tổ là chuẩn bị mưa”
“Con kiến lửa bò lên nhà thì trời mưa và khi mưa xong hắn bò đi về tổ”
“Kiến trong tổ trồi lên nhiều”
“Kiến lá mà ra chiều ni là chiều mai mưa”
“Kiến (kiến lửa, kiến đỏ) bò lên tường là nó trở trời là mưa với lụt”
 “Con mối nó tự nhiên mà nó bay lên ở trong hang nó bay lên thì trời sẽ mưa”
“Con tép thành nó mà vang vào vườn là chưa mưa, nó mà vang mãi, vang mãi vào trong nhà là có mưa. Con nớ cánh nó như con cào cào nhưng mà nó cứ kêu tách tách nếu hắn cứ tách tách ở ngoài vườn thì không sao mà nếu hắn bay vào trong nhà là bắt đầu trời mưa”
- Báo hiệu từ chuồn chuồn, chim:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
 “Chim bay lên ngàn chẳng mưa thì gió”
- Báo hiệu từ chó, mèo, gà nuôi trong nhà:
“Chó nhà mình đang nuôi mà ra ăn cỏ thì trời sẽ mưa”
“Chó ăn cỏ rồi, mèo ăn cỏ rồi thì thế nào cũng mưa. Hoặc trời đang mưa mèo ăn cỏ, chó mèo tự nhiên cứ ra gặm cỏ nhai nớ thì là trời hửng rồi đấy, thì là mai mốt có mặt trời lên”
“Muốn biết trời chuẩn bị nắng ráo, hết mưa thì cứ coi gà xỉa cánh nớ là biết”
- Báo hiệu từ cá trong đồng:
“Bắt con cá đồng về mà thấy có trứng già là sắp có trận mưa to”
Về các hiện tượng liên quan đến những biến đổi của bầu trời, mây, gió như trăng, cầu vồng, gió Lào,… người dân ở 3 tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đã đúc rút lên những kinh nghiệm cho việc dự báo trời mưa, nắng.
“Trăng tán thì mưa (Trăng tròn có một vòng nhỏ xung quanh, trăng tán như kiểu chụp đèn mờ cả)”
“Người ta nói mần ruộng tháng 5 coi trăng rằm tháng 8. Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”


“Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa”
“Nhìn lên bầu trời thấy ráng đỏ thì mưa”
“Trông lên trời thấy ráng vàng thì gió mà ráng đỏ thì mưa”


“Cầu vồng mà đổ sang phía nam thì trời lúc đó là đại hạn. Còn nếu cái cầu vồng mà đổ sang núi Thành là phía bắc thì là chuẩn bị có đợt mưa lớn”
“Nhìn cầu vồng biết trời sắp mưa”


 
“Gió Lào nhiều là nắng nhiều”
 “Về mùa nắng thì nhìn vào phía tây này, phía Lào này thấy chớp, đêm mà thấy chớp liên tục thì cảnh báo sẽ là gió Lào nắng là dữ dội”
“Người ta nói mần ruộng tháng 5 coi trăng rằm tháng 8. Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”
 
Thậm chí những biến đổi trong bản thân con người, và những quan sát trong khi đun nấu bằng củi lửa cũng đã trở thành những dấu hiệu quan trọng tạo thành kinh nghiệm dự báo thời tiết mưa, nắng của người dân ở vùng Bắc Trung bộ.
“Khi mô bắt đầu trời trở nắng rồi chuyển bắt đầu mưa là trong người em là em biết, đau đầu 2 ngày, 3 ngày rồi sau nó mưa vào là thôi nó không đau nhức mỏi nữa. Gọi là kinh nghiệm trong người em đấy”
“Nấu ăn củi ấy này, nấu cơm, nấu củi ấy mà nghe thấy lửa hắn cười (lửa cười là nếu mà thổi lên thì hắn xòe ra nớ, hắn đỏ lên, hắn cười hắn xòe ra)”

 
2. Bão
 
Cây tre, cây cỏ gà, cỏ lau, cỏ ống, cây ngải tướng quân là những loại cây quen thuộc đối với người dân 3 tỉnh Bắc Trung Bộ và những biểu hiện của các loại cây cỏ này có vai trò quan trọng trong kinh nghiệm dân gian để dự báo bão.
“Cây chuối nước hay còn gọi là cây ngải tướng quân đã trổ, trổ hoa mà tàn thì bắt đầu mưa bão, lũ lụt đến hoặc sẽ có một trận mưa lớn”


Cây chuối nước nở hoa là có mưa nhiều
 
“Măng tre mà mọc ra ngoài thì năm đó không bão, không gió, mà còn tre mà chen giữa bụi là chắc chắn năm đó có lụt bão”
“Măng tre không mọc ra mà mọc cong chui vào thì trong bụi đấy thì năm đó bão nhiều”
“Măng mọc vào trong bụi, ngọn đâm vào bụi tre thì bão”
“Năm mô mà ngọn tre mà mọc thẳng thì không bão, mà năm mô ngọn tre hắn cong là năm nớ bão to”
“Măng hắn mọc cong trong bụi đấy, măng tre đấy hắn không mọc ra mà hắn mọc cong chui vào trong bụi đấy là năm đó mưa bão nhiều”
“Tầm tháng này [tháng 10 âm lịch] mà nhìn lá tre xanh thì vẫn còn bão, lá tre vàng mới hết bão”


Nhìn măng tre đoán mưa lụt
“Cây cỏ gà mà chuyển sang màu trắng là có mưa bão”
“Có cái loại cỏ ta kêu là cây cỏ chỉ đấy mà nó trắng. Cảnh báo là nếu sắp mưa bão là nó trắng hạt á”
“Cây cỏ gà mà thường thường vào tháng 5 ấy nó biểu hiện lên cái đọt trắng hết là cái năm đó sẽ có mưa bão nhiều”
“Cỏ lau nó mọc lên, có hoa là hết lụt, hết bão”


Các loại cây cỏ
“Nhìn cây ăn quả như cây khế chẳng hạn, năm nào mà quả mọc trên thân nhiều thì năm ấy sẽ có bão to”


Quả khế mọc ở thân cây báo hiệu mưa nhiều
Bên cạnh quan sát biểu hiện của các loại cây cỏ, con kiến, cá bống, cá kình, con chim hét hay chim két lại là những loại động vật cũng là những căn cứ quan trọng trong tri thức dân gian để dự báo bão của người dân nơi đây. Thêm vào đó, cả màu sắc của bầu trời, hướng gió cũng được đúc rút thành những kinh nghiệm để báo trước cho người dân khi nào có bão, hết bão, bão to hay bão nhỏ.
“Kiến nó cứ leo lên trên cao, trên nóc nhà hắn ở thì sẽ có bão lớn”
“Con cá kình đó, hắn mà nhiều là bão to”
“Con cá bống năm nào mà có sạn trên đầu thì năm đó một là lũ to, hai là bão to”
“Con chim hét về là hết lụt, hết bão”
“Con ké ké trên rú [rừng] đó, hắn về nhiều là bão to”
 
Từ những kinh nghiệm quan sát những biến đổi của các loài động, thực vật và môi trường thiên nhiên xung quanh, người dân địa phương có những chuẩn bị để phòng chống bão trên mọi phương diện, giảm thiểu tối đa các thiệt hại.
“Về mùa bão lụt nhìn về phía đông, mặt trời mọc đấy thì là thấy có cái rìa quạt xanh càng lớn thì bão lớn”
“Gió hướng tây bắc thì sắp tới là cũng có bão tố”
“Trống đánh tùng tùng, không chay thì bội” tức là người ta đốt bội cúng đấy, người ta cúng đấy, thì họ nói là “gió heo may thì bão lụt”
“Mùa hè gió Lào to (tháng 4 đến tháng 7 âm lịch) thì đến mùa Thu là bão to”
“Sấm cửa đông thì sẽ có giông bão, tức là sấm mà mình nghe thấy nó từ hướng đông thì sẽ có giông bão”
“Ráng vàng là bão”
“Ráng mỡ gà mà nhìn trên trời mà khi mặt trời nó xuống thấy cái phía đông nó hửng cái màu vàng là biết sẽ có bão có điều không biết bão sẽ vào đâu”

 
3. Lũ, lụt
 
Các loại cây cỏ như cây chuối nước, cây cỏ gừng, cỏ gà, cỏ lau, cỏ ống, cây tre,… và một số cây trồng trong vườn như cây mít…; một số loại vật như cá bống, cá chép, con rạm, con chẫu chuộc (ễnh oàng), cóc, ếch, chim hét,… và côn trùng như kiến, con vò vò, ong…; và thậm chí là các hiện tượng có thể được nhìn và nghe thấy trên bầu trời như sấm, cầu vồng,… với những dấu hiệu cụ thể đã được người dân ở các địa phương vùng Bắc Trung bộ xem là căn cứ để biết trong năm có mấy trận lụt, lụt to hay lụt nhỏ, khi nào hết lụt.
- Dấu hiệu từ cây chuối nước:
“Cây chuối nước đã trổ, trổ hoa mà tàn thì bắt đầu mưa bão, lũ lụt đến hoặc sẽ có một trận mưa lớn”
“Cây chuối nước đổ thì kiểu gì cũng có mưa lụt”
 
- Dấu hiệu từ các loại cây cỏ như cỏ gà, cỏ gừng, cỏ bông lau…
“Cây cỏ gừng thì nó lên mấy khúc thì là có mấy lụt”
“Cây cỏ gà mấy ngấn thì lụt to, mấy ngấn thì mấy lụt”
“Lá mía, nếu mà ngấn su [sâu] là lụt to, ngấn cạn là lụt nhỏ”
“Cây cỏ gừng có những cái ngấn nếu như cái ngấn đóng cao thì lụt to, ngấn đóng thấp thì lụt nhỏ”
“Bông lau nở/trổ hoa là hết lụt”
“Cỏ lau nó mọc lên, có hoa là hết lụt, hết bão”
“Cây lau mà lổ ấy lên cờ trắng thì lúc đấy là hết lụt rồi”
“Bông lau trổ sớm tầm tháng 9 – 10 thì họ sẽ dự kiến là năm nay không có lũ”
“Coi đọt cái cỏ ống đấy có một ngấn thì một trận lũ trong năm đó, mà hai ngấn thì hai lụt”
 
- Dấu hiệu từ cây trồng trong vườn như cây mít, cây tre:
“Cây mít, nếu như mà quả thấp, dưới thấp quả thấp từng mô thì ngập lụt đến đấy, cây mít quả lên trên cao thì năm đó lụt to”
“Hoa cây tre mà ra măng nhiều thì là lụt to”
“Cây tre mọc thẳng thì năm đó báo hiệu lũ lụt”
 
- Dấu hiệu từ một số loài côn trùng như con kiến, con tò vò:
“Con kiến làm tổ cao, rồi là các cái con mà ở dưới nước như là ếch, chão chàng chão chuộc, ễnh ương gì đấy làm bọt (làm tổ) cao là năm đấy lụt cao, chắc chắn lụt to”
“Kiến mà leo lên ngược là lụt”
“Kiến đỏ thình lình hắn ra nhiều thì cũng báo động cho mình biết trời sẽ có lụt”
“Cái tổ vò vò nó đóng cao thì nó lụt to”
“Tổ ong hay làm cao thì thường thường là có lụt lớn”
“Con vò vò mà làm tổ thấp thì năm đó sẽ lũ nhỏ, nếu làm tổ trên trần nhà cao thì năm đó lũ lớn”
- Dấu hiệu từ một số động vật như con chim, con ếch, con cá trên đồng
“Bắt được con cá dưới sông đấy nhìn trong cái buồng trứng đấy, nếu thấy có năm ngăn trứng, thì các cụ kêu năm nay phải có 5 cái lụt thì giờ là 3 lụt rồi”
“Trứng cá, cá nhiều trứng, sắp đẻ thì sắp có nước to, Tháng 6 – 7 âm lịch mà trứng cá non thì là nước muộn”
“Con cá chép có trứng, già trứng mà lên chuẩn bị đẻ lần mô cũng có đợt lũ”
“Con cá bống mũ mà trên đầu hắn có sạn to là lụt”
“Làm ruộng tháng 8 xem rạm tháng 3”. Con rạm cũng giống cái cua đồng, nhỏ hơn mà cái năm nào mà mưa sớm hắn nổi lên sớm mà bắt được nhiều thì lo lụt”
 “Con chim hét về là hết lụt, hết bão”
“Con ễnh oàng [con chẫu chuộc] nó treo tổ đến đâu thì nước lụt đến đó”
“Vào tháng 6, 7, 8, 9 âm lịch hàng năm mà có tiếng cóc kêu, kêu ban đêm, nghiến răng liên tục thì lúc đó sẽ có mưa to gây ra lũ lụt”
- Dấu hiệu từ một số hiện tượng thiên nhiên như sấm, cầu vồng, thuỷ triều:
“Cứ mùa mưa mà có sấm cửa, đây gọi là sấm cửa, tức là sấm phía đông, nói thật đúng là phía Đông bắc thì rất đe dọa đến chuyện lũ lụt”
“Cầu vồng phía Đông thì lũ lụt to”
“Tháng 2, tháng 3 mà khi nào nó trổ một cây cầu vồng trên đấy là năm ấy là chỉ lụt bé thôi, mà năm nào mà nó trổ hai cầu vồng mà nớ, mà đậm là năm ấy lụt rất to. Hai cầu vồng chồng lên nhau đấy”
“Khi mô sấm ngoài biển cũng vang dền, mây dựng đứng thành từng trụ là sắp tới sẽ có mưa, lũ lụt”
“Thủy triều lớn, ở đây gọi là con nước lên mà gặp bão, gặp mưa nhiều là lụt lớn”
“Tôi thì cứ thấy năm nay lụt to rồi thì yên tâm năm sau không lụt to nữa, không có 2 năm nào lụt to liền nhau đâu, ít nhất phải cách một năm”
 
4. Hạn hán

Đối với hiện tượng hạn hán, người dân ở các địa phương vùng Bắc Trung bộ hầu như không căn cứ vào các quan sát từ cây cỏ, các loài vật và côn trùng mà chỉ dựa vào các hiện tượng quan sát được từ mặt trăng vào các thời điểm cụ thể trong năm như “trăng quầng trời hạn”, và hướng xuất hiện của cầu vồng để dự báo.
“Trăng quầng thì hạn”
“Cầu vồng mà đổ sang phía Nam thì trời lúc đó là đại hạn. Còn nếu cái cầu vồng mà đổ sang núi Thành là phía Bắc thì là chuẩn bị có đợt mưa lớn”
“Trăng quầng thì hạn”
“Làm ruộng tháng 5 xem trăng rằm tháng 7. Nếu mà trăng khuyết hoặc là có mây đen nhiều phủ xung quanh ánh trăng là năm đó báo hiệu năm đó là có hạn”
“Trăng khuyết có tán nhiều thì năm đó biểu hiện của hạn”
“Mần ruộng tháng năm thì coi trăng rằm tháng tám”: trăng lu [mờ, không sáng] thì năm đó là được mùa, mưa nhiều, mà trăng sáng thì mất mùa, trời không mưa, trời hạn”
 

5. Nhiễm mặn
 
Kinh nghiệm dự báo hiện tượng nước nhiễm mặn cũng đã được người dân địa phương các tỉnh Bắc Trung bộ đúc kết. Dựa trên quan sát cây mạ, cây lúa trên ruộng bị úa vàng hoặc bị dập đỏ, hoặc sự xuất hiện nhiều của gió Lào, hoặc quan sát nước sông thấy có màu trong và xanh, và ban đêm khỏa mặt nước thấy ánh sáng lấp lánh như đom đóm, hoặc bằng trực giác là nếm nước, hoặc nhìn thấy lớp váng trắng xuất hiện trên mặt ruộng sau khi nước trong ruộng rút cạn, người dân có thể nhận biết được nước sông bị nhiễm mặn. Đây là căn cứ quan trọng đối với họ trong việc quyết định bơm nước hay không bơm nước vào ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Nhìn những dấu hiệu xấu đi của cây mạ, cây lúa bà con biết có hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng. Quan sát hiện tượng gió lào, người dân có thể dự đoán được hiện tượng xâm nhập mặn trong mùa vụ của năm đó. Cụ thể:
“Lúa trỗ lên, chưa ngậm sữa, mới vừa ngậm sữa, lá úa hết, lá vàng hết là lúc đó biết ruộng bị nhiễm mặn”
“Cây lúa hắn cứ đỏ dần dần là biết ruộng bị nhiễm nước mặn”
“Cây mạ đang non mà bỏ cái nước mặn vô là hắn bị úng, nó sẽ bị dập, đỏ, có nơi hắn chết đấy, cây mạ non là hắn chết”
“Năm nào gió Lào về mà cường độ lớn thì năm đó nước mặn. Năm nào thuận lợi mưa nhiều với gió đông nhiều, ít gió Lào thì năm đó không có nước mặn”
“Đợt nào gió nồm lên liên tục là nước mặn nó đẩy lên thì nó lại vào ruộng của mình, xâm nhập mặn đấy”
 
- Nhìn những dấu hiệu trên mặt nước, trên mặt ruộng hay thử nếm cũng là những kinh nghiệm của người dân để xác định có xâm nhập mặn hay không.
“Kinh nghiệm bằng dân gian là trời mà tối anh “khỏa” một phát như này mà thấy nước ánh sáng lên là như vậy nước mặn đấy”
“Nhìn nước sông, mà nước thủy triều lên mà trong và xanh, trong mà xanh màu nước biển thì như vậy cũng là do nước nhiễm mặn đấy”
“Khi mà nước đã rút rồi thì tức là cái ruộng đó, cái đất đó đã bị nhiễm mặn thì khi nước rút nhìn trên mặt có một màu trắng như muối, màu trắng trên mặt ruộng. Một lớp mỏng màu trắng như muối đọng lại trên mặt ruộng, tức là muối nó đóng lại”
“Ban đêm mà coi như đi giặt ngoài sông đấy mà khỏa khỏa nước thấy như ánh lên như đom đóm nổi là nước mặn”
“Thử (nếm) một miếng nước dưới sông đó, nếu mà thấy mặn là thôi”
“Nước mặn trong hơn nước ngọt trong đồng, nước mặn trong mà người ta nếm là người ta biết thôi”
“Nước bị mặn là nhà chị chỉ có cách là nếm thử thôi, uống mà nghe lớ là biết nước mặn đến rồi”
“Năm mô mà mặn nhiều thì con rươi hắn dễ phát triển hơn, hắn như kiểu thích  nước lợ đó”
 

6. Kinh nghiệm dự báo khác
 
Hiện tượng thời tiết khác cũng có ảnh hưởng nhiều đến canh tác nông nghiệp của người dân đó là rét đậm, mưa rét. Hiện tượng thời tiết này cũng được người dân chú ý quan sát những hiện tượng xung quanh trong tự nhiên để dự báo và đúc rút thành kinh nghiệm phục vụ đời sống và sản xuất. Chẳng hạn như người dân ở một số vùng của Hà Tĩnh, hiện tượng cây tro (hay cây cọ) ra quả hay con gà, con vịt dựng lông lên hoặc con cá rô xuất hiện nhiều trên mặt ruộng đều là những dấu hiệu báo cho người dân biết sẽ có không khí lạnh về, có mưa rét. Ở một số vùng của Quảng Bình, sự xuất hiện của con cá ngạnh nhiều và gió nam nhiều cũng là những dấu hiệu báo trước năm đó rét nhiều.