Tài liệu hướng dẫn "Xác định và sử dụng kiến thức bản địa trong thích ứng biến đối khí hậu"

 ngày 02-04-2015 Lúc 07:24:59
Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ của toàn xã hội, các cấp,các ngành, các tổ chức và mọi người dân. Có rất nhiều các giải phápứng phó BĐKH cũng đượcđưa ra như các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, hạ tầng

Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ của toàn xã hội, các cấp,các ngành, các tổ chức và mọi người dân. Có rất nhiều các giải phápứng phó BĐKH cũng đượcđưa ra như các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, hạ tầng. Việc khuyến khích áp dụng KTBĐ trong thích ứng với BĐKH là một trong những hoạt động thuộc chiến lược ứng phó với BĐKH của các bộ, ngành và các địa phương. Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011) đã đề cập đến việc tăng cường sử dụng kiến thức bản địa (KTBĐ) trong các giải pháp thích ứng với BĐKH.

KTBĐ có khả năng thích ứng cao với môi trường của người dân - nơi mà chính những KTBĐ đó đã được hình thành, trải nghiệm và phát triển. KTBĐ là kết quả của sự quan sát, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sinh hoạt và trong sản xuất nông - lâm nghiệp, trong quản lý tài nguyên và quản lý cộng đồng, được hình thành trực tiếp từ quá trình lao động của mọi người dân trong cộng đồng, dần được hoàn thiện và truyền thụ lại cho các thế hệ sau. Vì vậy, việc vận dụng KTBĐtrong thích ứng BĐKH là chìa khóa thành công cho việc phát triển sinh kế bền vững, nhất là đối với người dân tộc thiểu số (DTTS).

Cuốn tài liệu hướng dẫn Xác định và sử dụng kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đối khí hậu dựa vào cộng đồng sẽ giúp cho độc giả thấy rõ hơn về vai trò và giá trị của KTBĐ đối với cộng đồng người DTTS trong thích ứng với BĐKH và coi đó là một trong những biện pháp thích ứng với BĐKH tối ưu của người DTTS, gồm các phần:

Phần 1: Tổng quan về biến đổi khí hậu

BĐKH là sự biến đổi về trạng thái của hệ thống khí hậu, có thể được nhận biết qua sự biến đổi trung bình và sự biến động của các thuộc tính của nó, được duy trì trong một thời gian đủ dài, điển hình là hàng thập kỷ hoặc dài hơn (IPCC, 2007). Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), trong 50 năm qua (1951-2000) nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,50C trên phạm vi cả nước. Xu thế chung nhiệt độ còn tiếp tục tăng ở hầu hết các khu vực của Việt Nam trong thể kỷ 21

Ở Việt Nam, những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương do BĐKH bao gồm: Nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khoẻ. Vùng bị dễ tổn thương nhất là ven biển và miền núi. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, phụ nữ, trẻ em và đồng bào DTTS. Khu vực miền núi phía Bắc là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất với BĐKH do cộng đồng dân cư miền núi phía Bắc là người DTTS với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, và đây cũng là nơi có tỷ lệ nghèo nhất của cả nước.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai một số giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu với những hướng tiếp cận khác nhau, trong đó hướng tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng là một quá trình hướng tới cộng đồng, dựa vào những ưu tiên, nhu cầu, kiến thức và khả năng của cộng đồng nhằm trao quyền cho họ trong việc lập kế hoạch để ứng phó với những tác động của BĐKH đang là hướng phù hợp, bền vững những cũng đòi hỏi về nguồn lực..

Phần 2: Kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Đặc điểm của kiến thức bản địa

  • Dựa trên kinh nghiệm: Được hình thành trong quá trình nghiệm sinh (trải nghiệm và đúc kết thành tri thức).
  • Thường xuyên được kiểm nghiệm qua hàng thế kỷ sử dụng: Luôn có sự chọn lọc trong quá trình vận động của cuộc sống.
  • Thích nghi với đặc điểm văn hoá và môi trường: Phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội của các cộng đồng người. Phản ánh một đặc tính phổ biến của văn hoá là đồng quy (các cộng đồng người sinh sống trong các điều kiện tự nhiên giống nhau, sẽ có các đặc điểm văn hoá tương đồng).
  • Năng động và luôn thay đổi: Không phải là một cấu trúc nhất thành bất biến, luôn có sự tích hợp sau quá trình phát triển tự thân hoặc tiếp biến văn hoá (theo Mai Thanh Sơn và cộng sự)

Vai trò và giá trị của kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Sự đa dạng về hệ thống cây trồng, vật nuôi trong hệ thống góp phần cải thiện và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH, giảm tính dễ bị tổn thương tại cộng đồng. Các giống cây trồng/vật nuôi bản địa thường có khả năng chống chịu tốt, ít bị dịch bệnh hơn so với các giống mới và không yêu cầu đầu tư thâm canh cao phù hợp với nhiều người kể cả người nghèo.
  • KTBĐ là nền tảng cơ bản cho sự tự cung tự cấp và tự quyết của người dân giúp cho người dân ít bị phụ thuộc vào bên ngoài giảm tình trạng dễ bị tổn thương tại cộng đồng do BĐKH gây ra.
  • Người dân đã quen với các kỹ thuật bản địa nên họ có thể hiểu, vận dụng và duy trì các kỹ thuật đó tốt hơn so với các kỹ thuật mới đưa vào từ bên ngoài nên kinh nghiệm và tiếng nói của cộng đồng được phát huy và sử dụng có hiệu quả.
  • KTBĐ cung cấp thêm các giải pháp, lựa chọn trong quá trình thích ứng với BĐKH. Nhờ đó, mà người dân địa phương có thêm các lựa chọn khi đưa ra các giải pháp, mô hình phù hợp với cộng đồng nhằm thích ứng với BĐKH thay vì phụ thuộc vào các yếu tố từ bên ngoài (giống, kỹ thuật mới) (ADC, Báo cáo nghiên cứu Kiến thức bản địa thích ứng với Biến đổi khí hậu, 2013)[1].

Phần 3: Phương pháp và công cụ thu thập kiến thức bản địa trong thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng

Tiến trình xác định các mô hình sản xuất sử dụng KTBĐ thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng

Tiến trình xác định các mô hình sản xuất sử dụng kiến thức bản địa thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng thực chất chính là tiến trình xác định sinh kế chống chịu BĐKH nhưng chỉ tập trung vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp có sử dụng kiến thức bản địa. Tiến trình này thường gắn liền với hoạt động phân tích tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (CVCA). Việc xác định các mô hình sản xuất sử dụng KTBĐ thích ứng BĐKH dựa vào cộng động có thể linh hoạt triển khai theo 2 cách:

  1. Thực hiện đánh giá CVCA trước và sau đó tổ chức nghiên cứu sâu về xác định và sử dụng kiến thức bản địa trong các mô hình sản xuất thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng: Phương pháp này giúp việc nghiên cứu về kiến thức bản địa được sâu và tập trung nhưng đòi hỏi nguồn lực con người và tài chính lớn hơn để triển khai.
  2. Kết hợp cùng đánh giá CVCA bằng cách đưa các câu hỏi liên quan đến kiến thức bản địa lồng ghép ngay vào câu hỏi CVCA. Phương pháp này giúp tiết kiệm nguồn lực, có kết quả nhanh hơn nhưng khiến đánh giá CVCA bị kéo dài và phần thảo luận cũng khó tập trung hơn do đó đòi hỏi khả năng điều hành linh hoạt.

 Bước 1:Xác định kiến thức bản địa của người dân tộc thiểu số trong thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Tìm hiểu và xác định thông tin/kinh nghiệm tại cộng đồng/địa phương thông qua làm việc với cộng đồng.
  • Ghi chép lại tất cả thông tin/kinh nghiệm của người dân địa phương có liên quan đến vấn đề đã được xác định.
  • Đánh giá thông tin đã thu thập được: Tính phù hợp, khả năng áp dụng, hiệu quả…

Ví dụ:Giống bản địa, kỹ thuật canh tác hay biện pháp phòng trừ sâu bệnh….

Bước 2:Đánh giá hiệu quả và tính bền vững của kiến thức bản địa với BĐKH

  • Trong các KTBĐ thu thập được tại cộng đồng không phải KTBĐ nào cũng hữu dụng và đặc biệt là có khả năng thích ứng với BĐKH cũng như khả năng tồn tại bền vững thậm chí có những kiến thức còn có hại trong phát triển bền vững. Vì vậy, cần sàng lọc để tìm ra các KTBĐ có lợi trong thích ứng với BĐKH.
  • Khi đánh giá KTBĐ trong thích ứng với BĐKH cần tìm hiểu rõ những lý do tại sao người dân sử dụng các KTBĐ này để thích ứng với BĐKH. KTBĐ này thích ứng như thế nào đối với BĐKH. Ví dụ ta có thể hỏi: Những giống/kỹ thuật địa phương anh/chị đang sử dụng thích nghi như thế nào với các hiện tượng thời tiết cực đoan (như hạn hán, rét đậm rét hại kéo dài…) và nó có ưu điểm gì hơn so với các giống thông thường khác?Ai (nam giới hay phụ nữ) là người tham gia canh tác/chăm sóc (đối với vật nuôi) trong toàn bộ quá trình? Việc tham gia này có tốn nhiều công sức của người làm không? Có thể có cách nào phân công công việc phù hợp cho cả nam giới và phụ nữ để không phải là gánh nặng cho một bên nào hay không?
  • Từ đó ta xác định được đặc điểm thích ứng của KTBĐ với BĐKH. Nếu KTBĐ có lợi cho cộng đồng trong việc thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững ta có thể phát triển KTBĐ đó.

Bước 3: Thử nghiệm kiến thức bản địa

  • Thông thường thì KTBĐ có hiệu quả, nhưng vẫn có thể cải tiến được. Sự cải tiến giúp nâng cao hiệu quả của KTBĐ (những thay đổi nhỏ trong một hệ thống có thể nâng cao hiệu quả của hệ thống).
  • Các thử nghiệm có thể tiến hành theo cách nghiên cứu, thử nghiệm thực tế tại địa phương, nghiên cứu tại đồng ruộng …..
  • Thử nghiệm để kết hợp, vận dụng linh hoạt và hiệu quả giữa KTBĐ và kiến thức mới (kiến thức khoa học kỹ thuật) để nâng cao giá trị của KTBĐ trong thích ứng với BĐKH.
  • Có những KTBĐ có hiệu quả mà không thể cải tiến được hoặc không cần cải tiến vẫn tiến hành sử dụng một cách thỏa đáng.

Bước 4: Thực hiện mô hình sử dụng KTBĐ trong thích ứng với BĐKH

  • Các KTBĐ sau khi được thu thập và khẳng định được giá trị trong thích ứng với BĐKH sẽ được sử dụng vào thực tiễn tại địa phương.
  • KTBĐ được sử dụng trong thích ứng với BĐKH của địa phương giúp người dân dễ áp dụng và nhân rộng.
  • Các kinh nghiệm của cộng đồng sẽ được phát huy, nâng cao khả năng làm chủ của cộng đồng trong thích ứng với BĐKH.

Phần 4: Một số trường hợp điển hình sử dụng KTBĐ thích ứng với BĐKH của người dân tộc thiếu số miến núi phía bắc

Hiện có rất nhiều hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa được cộng đồng triển khai hiệu quả. Tài liệu này giới thiệu hai điển hình về sử dụng giống và kỹ thuật bản địa trong thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là điều kiện hạn thường xuyên ở khu vực miền núi phía bắc, bao gồm: Mô hình gừng, cây dược liệu xen chuối tây thích ứng hạn  và Mô hình trồng cây đậu xanh thích ứng hạn

Phần 5: Kết luận, khuyến nghị

Kiến thức bản địa đã chứng minh được vai trò trong thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng một cách rõ ràng. Việc kết hợp kiến thức bản địa và kiến thức khoa học kĩ thuật mới một cách phù hợp sẽ càng hiệu quả hơn trong các hoạt động thích ứng. Để những thực hành này được bền vững và mở rộng hơn nữa thì rất cần chính sách, nguồn lực tài chính hỗ trợ cụ thể để thực hành, nghiên cứu, tài liệu hóa, lưu trữ và nhân rộng trong điều kiện phù hợp. Các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương cũng như các chương trình phát triển, xóa đói giảm nghèo (Chương trình 135, Nông thôn mới, chương trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách, chương trình dạy nghề) khác cần có hỗ trợ cụ thể các sáng kiến thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng sử dụng kiến thức bản địa. Cộng đồng có vai trò trong việc thực hành, duy trì và phát triển nguồn KTBĐ và liên kết với nhau để chia sẻ, hỗ trợ nhau thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.