Đề xuất một số giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Nghiên cứu thuộc 3 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình
Từ các kết quả nghiên cứu của dự án, sau khi phân tích và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới cộng đồng cư dân ven biển ba tỉnh miền Trung, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp tích ứng biến đổi khí hậu như sau:
Đối với cư dân địa phương: đa dạng hóa các loại hình sử dụng đất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ sao cho giảm thiểu sự phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Đối với chính quyền: việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch tái định cư cho các hộ dân đặc biệt là sát ven biển cần chú trọng để ý tới các thiên tai, kịch bản biến đổi khí hậu, lường trước các tác động tới sử dụng đất để quy hoạch được ổn định trong thời gian dài.
Những hành động cụ thể mà người dân nên thực hiện để giúp cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường - tác nhân gây biến đổi khí hậu đó là trồng nhiều cây xanh, xây dựng khu vực xử lý rác thải và nhà máy tái chế với các vật dụng có thể tái chế được. Bên cạnh đó là việc sử dụng những nguồn năng lượng có thể tạo ra từ sinh khối hoặc chất thải trong sinh hoạt gia đình đó là: sản xuất ra nguồn nhiên liệu phục vụ đun nấu hằng ngày qua hệ thống biogas từ chất thải gia đình, chất thải vật nuôi và rác hữu cơ có khả năng phân hủy được.
Các giải pháp định hướng sử dụng đất phục vụ nâng cao hiệu quả công tác di dân và cải thiên sinh kế của cư dân nên tập trung vào hai nội dung sau: (i) nâng cao hiệu quả sử dụng đất của cư dân địa phương: đa dạng hóa các loại hình sử dụng đất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ sao cho giảm thiểu sự phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu; (ii) nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và quy hoạch tái định cư của chính quyền địa phương.
Giải pháp mang tầm vĩ mô mà tác giả đưa ra và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cư dân địa phương đó là sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng sạch đó là năng lượng gió, thủy triều và năng lượng mặt trời.
Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có sức đề kháng cao, sức chống chịu tốt với dich bệnh, khô hạn…Áp dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác cao, thân thiện với môi trường. Đối với quỹ đất lúa nước còn lại cần phát huy, hỗ trợ cho người dân các giống có năng suất cao, sức đề kháng tốt với dịch bệnh, hạn hán…, đồng thời thử nghiệm các giống mới cho năng suất cao và chất lượng tốt và thực hiện biện pháp theo hệ thống thâm canh cải tiến trên cơ sở các căn cứ khoa học và thực tiễn sản xuất lúa của khu vực như rửa mặn cho đất, bón phân hữu cơ… để đảm bảo an ninh lương thực.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm hồ ao, mặt nước chuyên dùng, ô nhiễm đất.
Xây dựng hệ thống tưới tiêu, đáp ứng nhu cầu trồng trọt của người dân.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân để có thể hạn chế tác động của thiên tai như xâm nhập mặn, sương muối, hạn hán….ví dụ như có thể thay đổi lịch thời vụ, vào vụ đông xuân - hè thu hoặc sử dụng cây lúa ngắn ngày.
Khuyến khích người dân duy trì các hoạt động nông nghiệp, không bỏ hoang ruộng đất, có thể xen canh tăng vụ vừa nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực vừa không lãng phí tài nguyên đất. Những vùng đất cao không thể trồng đựợc lúa thì trồng các cây ngắn ngày như lạc, khoai, sắn và có xu hướng lựa chon cây trồng thích hợp với đất cát.
Tăng diện tích trồng rau sạch, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới môi trường nước nuôi thủy sản.
Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích trồng lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Những nơi đất trồng trọt đã quá suy giảm thì phải có biện pháp thích hợp nhằm nâng cao năng suất trồng trọt hoặc có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng khác, tránh bỏ hoang ruộng đất.
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên, tránh khai thác bừa bãi. Xây dựng cơ chế khuyến khích ưu đãi người trồng rừng nhằm tăng mật độ che phủ, hạn chế xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất.
Tăng diện tích đất rừng phòng hộ ven biển giúp chắn sóng, chắn gió, hạn chế cát bay, tăng diện tích rừng ngập mặn giúp hạn chế tác động của ngập lụt và nâng cao sự đa dạng các loài thuỷ sinh.