Những thay đổi để ứng phó với những tác động của các hiện tượng thủy tai của người dân tại xã Võ Ninh
Trong ứng phó với thuỷ tai, người dân xã Võ Ninh đã vận dụng các kinh nghiệm và kiến thức nhằm giúp các hộ gia đình ít bị thiệt hại do bão, lụt, xâm nhập mặn gây nên hoặc vượt qua để tồn tại, “sống chung” với bão, lụt, xâm nhập mặn. Người dân có kinh nghiệm trong dự báo thời tiết, trong canh tác nông nghiệp, trong nuôi trồng thuỷ hải sản. Khảo sát thực địa cho một số phát hiện như sau:
Người dân căn cứ vào những dấu hiệu sinh trưởng của thực vật, những hoạt động sống hàng ngày của động vật để dự đoán về các hiện tượng thời tiết.
Căn cứ vào các dấu hiệu của mây, trời, bà con phán đoán mưa gió đi kèm hay tiếp theo để chuẩn bị cho những công việc trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản.
- Trong canh tác nông nghiệp
Trong canh tác, chuyển đổi các giống lúa từ giống dài ngày sang giống ngắn ngày để thu hoạch vào tháng 7, trước khi mưa bão đến vào tháng 8 và 9 là kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình sản xuất qua các năm và chu kỳ các hiện tượng bão, lụt. Ứng phó với tình trạng đất bị xâm nhập mặn gia tăng, những giống lúa mới, có tính chống chịu mặn cao hơn đã được sử dụng canh tác. Khi nhiễm mặn gia tăng, cây lúa sinh trưởng chậm, lịch thời vụ đã được người dân điều chỉnh theo hướng gieo trồng sớm hơn so với những địa phương khác.
Đối với rau màu, những hộ gia đình có điều kiện sẽ mua thêm lưới etilen để giăng lưới tản mưa, tránh cho rau bị dập nát. Đây còn được gọi là phương thức trồng rau sạch. Phương thức này mới xuất hiện ở địa phương một vài năm gần đây.
Những loại vật nuôi, cây trồng mới phù hợp với điều kiện biến đổi như gia tăng ngập lụt, nhiễm mặn đã được nghiên cứu đưa vào sản xuất: con cua đồng, ốc nhồi, cây rau má. Bà con đã du nhập kiến thức về nuôi trồng từ địa phương khác (một số vùng của tỉnh Thừa Thiên Huế) và tư duy về mức độ phù hợp của những giống vật nuôi, cây trồng mới với điều kiện có những thay đổi do BĐKH gây nên ở địa phương.
- Trong nuôi trồng thuỷ hải sản
Bà con có kiến thức và kinh nghiệm là muốn nuôi được tôm thì phải đo độ mặn của nước bằng máy đo. Nếu độ mặn vượt quá 25% thì phải mua thêm nước ngọt bơm vào đầm, hoặc "bỏ thêm đường".
Đất trồng lúa bị nhiễm mặn, cây lúa sinh trưởng không cho năng suất tốt, chuyển đổi sang thành đầm nuôi tôm, cua, thậm chí ao nuôi cá cho hiệu quả cao hơn nhiều là kinh nghiệm được bà con ở Võ Ninh đúc rút.
Trong nuôi trồng thuỷ hải sản, phương thức mới - nuôi thâm canh được áp dụng, tính mùa nuôi chính vụ là mùa không mưa bão, mùa trái vụ là mùa mưa bão. Chủ yếu nuôi trong thời gian chính vụ. Có hộ gia đình, trái vụ không nuôi nữa. Có hộ gia đình, nuôi thuỷ sản trái vụ thì cần có biện pháp ứng phó như giăng lưới quanh ao hồ tránh cho bão lũ cuốn trôi thuỷ sản. Những gia đình nuôi quy mô lớn có biện pháp ứng phó bằng cách cải tạo cơ sở hạ tầng theo những kinh nghiệm mới như xây tường bao, giăng lưới cao quanh ao hồ để tránh khi mưa bão, thuỷ sản bị cuốn trôi đã được áp dụng. Xây loại tường bao như thế nào, dùng loại lưới nào để giăng đều được bà con đúc rút dần dần qua các năm trong quá trình sản xuất và canh tác.
Trong nuôi tôm, khi có mưa bão, tôm dễ bị mắc bệnh, trong mưa bão, người dân phải rắc vôi bột để trung hoà nước và tránh bệnh cho tôm. Dùng quạt để quạt thêm không khí vào trong hồ khi trời mưa (gọi là sục khí).
Nhiều hộ gia đình có hình thức nuôi cá bè trên các nhánh sông. Áp dụng phương thức cột chặt các bè cá bằng cách đóng cọc trên bên dưới, cột chặt các bè lại để tránh bị trôi bè khi bão lũ.