Tình hình thiên tai lưu vực sông Lam

 ngày 10-08-2015 Lúc 21:38:35
Tình hình thiên tai lưu vực sông Lam
Lưu vực sông Lam thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai đặc trưng cho khu vục duyên hải Miền Trung như: Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ lụt, hạn hán, lốc tố, dông sét, sạt lở đất, xói lở bờ sông và bờ biển, cháy rừng, xâm nhập mặn, triều cường…Trong đó ảnh hưởng và gây thiệt hại nhiều nhất là bão, ATNĐ và lũ lụt. Bão thường xảy ra ở khu vực đồng bằng ven biển và lũ lụt thường xảy ra chủ yếu ở các huyện đồng bằng trung du và khu vực miền núi. Theo số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2010 lưu vực sông Lam đã hứng chịu 34 trận bão đổ bộ trực tiếp, trung bình mỗi năm hứng chịu từ 1 – 1,5 cơn bão, tốc độ gió do bão gây ra đạt tới cấp 9 ÷ 10 khi giật lên đến cấp 12. Bão thường đổ bộ vào lưu vực sông Lam từ cuối tháng IX, X và đầu tháng XI. Tốc độ gió lớn nhất đã quan trắc được tại Tương Dương 25 m/s hướng tây - bắc (1975), tại Quỳ Châu lớn hơn 20 m/s hướng tây - bắc năm 1973, tại Đô Lương 28 m/s hướng đông - đông - bắc (1965).
 Về lũ lụt trong 21 năm đã có 29 đợt lũ lớn gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, số liệu quan trắc mực nước lũ trong vòng 40 năm trở lại đây cho thấy trên lưu vực các trận lũ lớn xảy ra ở dòng chính sông Lam là trận lũ 1954, 1963, 1973, 1978, 1988, 2007, 2010 trung bình cứ 9 – 10 năm lại xuất hiện những trận lũ lớn. Một số năm đã gây ra hiện tượng vỡ đê như trận lũ năm 1954, 1978, 1988 và 1996. Đặc biệt trận lũ năm 1954, rất nhiều đoạn đê bị vỡ (từ Nam đàn ra đến biển) với lượng nước lũ từ sông chảy vào đồng kéo dài 16 ngày liền. Tổng thiệt hại do bão lũ trong 21 năm 1990 đến 2010 khoảng hơn 3,300 tỷ đồng.
Trong năm 2007 có 7 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 4 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam, trong đó có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Nghệ An là cơn bão số 2 và số 5. Bão đổ bộ đã gây mưa to đến rất to và lũ lớn trên các sông, lượng mưa đo được ở thành phố Hà Tĩnh là 619,2mm, Kỳ Anh 666,2mm, Vũ Quang 563,6mm, Linh Cảm 646mm, Hương Khê 1.153mm. Mực nước lũ đo được tại Chu Lễ (sông Ngàn Sâu) 16,93mm cao hơn mức nước năm 1996 là 0,71mm trên báo động III là 3,13m. Bão lũ năm 2007 đã gây ra thiệt nhiều thiệt hại năng nề cho nhân dân trong vùng, tổng số người chết 38 người, ước tính thiệt hại khoảng gần 900 tỷ đồng.
 
Trong năm 2010 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây ra gây mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ 100 đến 300mm, một số nơi mưa trên 300mm như Vinh 406mm; cửa Hội 357mm; Đô Lương 302mm; Nam Đàn 355 mm. Ngoài ra trong năm cũng xảy ra nhiều đợt lũ lớn trên các sông gây ra nhiều thiệt hại lớn, tổng số tiền thiệt hại trong năm 2010 do bão lũ gây ra ước tính hơn 2,700 tỷ đồng.
Hình 1. Số cơn bão đổ bộ vào lưu vực sông Lam từ 1990 - 2010
Hình 2. Biểu đồ thiệt hại về người lưu vực sông Lam từ 1990 - 2010
Hình 3. Biểu đồ thống kê thiệt hại về kinh tế lưu vực sông Lam từ 1990 – 2010
Dựa vào hai biểu đồ trên thấy rằng tình hình thiệt hai do thiên tai gây ra đang có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Thiệt hại nặng nề nhất vào năm 2010, tổng giá trị thiệt hại khoảng 2,920 tỷ đồng. Điều kiện thời tiết, khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảnh báo dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phát triển của nền kinh tế trong vùng là những nguyên nhân làm gia tăng mức độ thiệt hại do thiên tai gây nên.

Khả năng ứng phó
 - Tổ chức thể chế
 Phần lớn diện tích lưu vực sông Lam thuộc Việt Nam nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai đã có các Ban chỉ huy PCLB & GNTT từ cấp tỉnh đến cấp địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong các hành động. Ngoài ra lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp trong công tác tìm kiếm cứu nạn gồm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Biên Phòng; Công an tỉnh; Hội chữ thập đỏ là các đơn vị chủ lực trong công tác TKCN. Kế hoạch hành động luôn chia ra làm 3 công tác chính: Công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão; công tác triển khai ứng phó khi có bão, lũ xảy ra và công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

 - Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị
 Nghệ An đã xây dựng được 1.214 hồ chứa lớn nhỏ, một số hồ như Vực Mấu (dung tích 62,5 triệu m3), Hô Vệ Rừng (18,6 triệu m3), Hồ Khe Đá (15,4 triệu m3), Hồ Bản Vẽ (2.690 triệu m3); 427 đập dâng nước cho vùng núi; 810 trạm bơm lấy nước từ các sông suối; 586,6 km đê sông, đê nội đồng và đê biển. Trên lưu vực sông Lam có 17 trạm khí tượng và 11 trạm thuỷ văn chuyên đo đạc các yếu tố như mưa, bốc hơi, nhiệt độ, lũ,… hầu hết các trạm được thành lập từ trước năm 1957 và cũng có một số trạm đã dừng đo đạc.
(Nguồn: Báo cáo Đánh giá môi trường - Dự án Quản lý thiên tai Việt Nam WB5, CPO)