Chuyên mục: » Dự án 11-P04-VIE

 

DỰ ÁN NGHIÊN CỨU THÍ ĐIỂM

Nghiên cứu thủy tai do biến đổi khí hậu

và xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia

nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương

ở Bắc Trung Bộ Việt Nam (CPIS)

Mã số: 11-P04-VIE

Tài trợ bởi DANIDA

(2012-2015)

Văn phòng Dự án: P407, nhà T3, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: +844-3558 3811


Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình (NHQ) có dân số khoảng 5,2 triệu dân, trong đó khoảng 70% đang sinh sống ở các vùng đồng bằng và ven biển, với đại bộ phận cư dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Do điều kiện địa lý và kinh tế xã hội, NHQ nằm trong số những tỉnh thành có GDP bình quân đầu người thấp thứ hai ở Việt Nam. Với đường bờ biển dài hơn 350 km tiếp giáp Biển Đông, vùng đồng bằng và ven biển của những tỉnh này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.

  

Rõ ràng, BĐKH có thể tác động xấu đến một số bộ phận của các cộng đồng trong tương lai, và biện pháp thích ứng dài hạn tốt nhất cho những cộng đồng chịu tổn thương là tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai của họ và thúc đẩy việc phát triển sinh kế bền vững cho họ. Trong bối cảnh mà nông nghiệp và thủy sản, hai hệ thống sản xuất chính (đóng góp tới 35,5% GDP), chủ yếu dựa vào nguồn nước (cả số lượng và chất lượng), những kinh nghiệm tích lũy được trong việc đối phó với thiên tai và những kiến thức bản địa của cộng đồng cư dân đồng bằng và ven biển NHQ có vai trò quyết định trong việc duy trì cuộc sống của họ cho đến nay. Tuy nhiên, tác động của thủy tai gây nên bởi BĐKH rất có thể làm trầm trọng hơn tính dễ bị tổn thương của họ. Do đó, điều quan trọng là cần xác định xem những kiến thức bản địa nào được tích lũy từ đời này qua đời khác trong việc ứng phó với thiên tai có thể nhân rộng trong bối cảnh mới này.

Do bản chất liên ngành và tính chất phức tạp, các chương trình nghiên cứu và thích ứng với BĐKH ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như: về mặt khoa học chưa có được sự hiểu biết một cách cơ bản và đầy đủ mối tương tác phức tạp giữa các điều kiện tự nhiên và xã hội trong bối cảnh BĐKH; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu sự hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực; và đặc biệt là thiếu cơ sở hạ tầng về số liệu không gian (SDI) và những công cụ hữu hiệu được áp dụng trong quá trình ra quyết sách như hệ thống thông tin có nhiều bên tham gia (PIS).

Do đó, những vấn đề đặt ra của dự án là: 1) Nghiên cứu liên ngành nào có thể đóng góp làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ nói riêng và ở Việt Nam nói chung? 2) Làm thế nào để lôi kéo các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cư dân địa phương vào kế hoạch hành động làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH ở các vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ? Và 3) Làm thế nào để chuyển tải những thông tin đa ngành về dạng đơn giản, dễ truy cập và sử dụng được cho cộng đồng và thành những công cụ hữu hiệu để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương cũng như nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân ở các tỉnh NHQ?