Chuyên mục: » Đề tài QG.22.81

 

Xây dựng hệ thống dự báo mùa

 
hạn hán cho Việt Nam

  

(Development of a seasonal drought prediction system for Vietnam)

 

 

Mục tiêu của đề tài:

  • Xây dựng được phương pháp dự báo các chỉ số hạn hán cho Việt Nam
  • Xây dựng được hệ thống dự báo, cảnh báo khả năng xảy ra hạn hán cho các vùng khí hậu Việt Nam trước 1 đến 6 tháng.

Giới thiệu chung:

Hạn hán là một hiện tượng khí hậu cực đoan thường tái diễn trên các vùng đất liền, gây hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất, môi trường và xã hội (WMO, 2006), và các hệ sinh thái trên cạn nói chung (Van Loon, 2015). Hạn hán là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm nhất, xảy ra hàng năm và gây tác động rộng khắp trên toàn cầu (Wilhite, 2000). Không như các hiện tượng thiên tai khác, như lũ lụt, bão, động đất, lốc xoáy, vòi rồng, v.v., hạn hán thường xảy ra một cách chậm chạp và không quan trắc trực tiếp được. Một khi đã nhận thấy hạn xảy ra thì cũng có nghĩa nó đã gây ra tác động xấu đến môi trường.
Có hai khái niệm cần được phân biệt một cách rõ ràng là hạn hán (drought) và khô hạn (hay khô cằn – Aridity). Khô hạn là đặc điểm khí hậu vốn có của một nơi nào đó, được đặc trưng bởi điều kiện ít mưa. Ví dụ các vùng sa mạc hoặc bán sa mạc là những vùng khí hậu khô hạn. Về mặt cảnh quan địa lý, những vùng khô hạn thường biểu thị bởi bề mặt đất không có thực vật hoặc lớp phủ thực vật thuộc các họ cây thoát hơi ít như cây xương rồng hoặc phi lao, tùng, bách. Trong khi đó hạn hán là trạng thái thiếu nước tạm thời so với trung bình khí hậu, là hiện tượng bất thường hay dị thường khí hậu. Bởi vậy, hạn hán có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu (không nhất thiết chỉ ở các vùng khô hạn) và bất cứ thời điểm nào trong năm (ngay cả trong những tháng mùa mưa).
Hạn hán được thể hiện bởi sự thiếu hụt mưa, dòng chảy mặt, nước sẵn có, độ ẩm đất, nước mặt và cả nước ngầm. Hạn hán có thể được phân chia thành bốn loại (Mishra và Singh, 2010, Wilhite và Glantz, 1985): 1) Hạn khí tượng; 2) Hạn nông nghiệp; 3) Hạn thuỷ văn; và 4) Hạn kinh tế - xã hội.
Hạn khí tượng xuất hiện khi lượng mưa thực tế thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm một cách đáng kể, và có thể kết hợp cả với sự gia tăng lượng bốc hơi (WMO, 2006). Hạn khí tượng thường xảy ra trên một vùng rộng lớn, kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến hàng năm. Do đó, hạn khí tượng có thể có sự khác nhau đáng kể từ vùng này sang vùng khác do sự không đồng nhất về cảnh quan và điều kiện khí hậu. Hạn thuỷ văn liên quan đến sự thiếu hụt nước gây cạn kiệt các dòng sông, các bể chứa nước và các hồ như là hệ quả của hạn khí tượng. Hạn nông nghiệp được thể hiện dưới dạng thiếu hụt độ ẩm đất trong một thời gian nào đó đối với một loại cây trồng cụ thể nào đó, và cũng là hệ quả của hạn khí tượng. Hạn kinh tế - xã hội được định nghĩa như là sự mất cân bằng giữa nhu cầu nước thực tế và khả năng cung cấp nước theo nghĩa khan hiếm nước sử dụng cho các hoạt động kinh tế - xã hội như sản xuất nông nghiệp, hoạt động của các nhà máy thuỷ điện và nước dùng cho sinh hoạt của các hộ gia đình.
Một cách tương đối có thể phân chia việc nghiên cứu về hạn hán thành các hướng chính sau: 1) Đặc điểm phân bố không gian, thời gian và sự biến đổi của hạn hán trong quá khứ; 2) Dự tính sự biến đổi của hạn hán trong tương lai dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu; và 3) Nghiên cứu dự báo hạn hán. Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, một vấn đề cũng đang được nhiều nhà khoa học và các nhà quản lý quan tâm là bài toán quản lý rủi ro hạn hán.
Hướng thứ nhất dựa trên cơ sở các chuỗi số liệu quan trắc dài năm trong quá khứ để xác định sự phân bố không gian, thời gian của các đặc trưng hạn hán, tác động của hạn hán cũng như mối liên hệ giữa hạn hán với các quá trình quy mô lớn. Các đặc trưng thường được chỉ ra trong nghiên cứu hạn bao gồm cường độ, tần suất, độ dài các đợt hạn, khoảng thời gian giữa các lần xuất hiện các đợt hạn cũng như mức độ khắc nghiệt của hạn hán (Dracup và CS, 1980; Ge và CS, 2016; Saghafian và Mehdikhani, 2014). Mỗi một đặc trưng có ảnh hưởng khác nhau, gây nên các hậu quả không giống nhau cho hệ sinh thái và môi trường. Ví dụ, hạn hán nghiêm trọng trong thời gian ngắn có thể tác động mạnh lên cây trồng ở giai đoạn tăng trưởng (Rippey, 2015). Ngược lại, hạn hán ở mức độ nhẹ hoặc trung bình nhưng xảy ra trong một thời gian đủ dài có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với hệ sinh thái cũng như nhu cầu sử dụng nước (AghaKouchak, 2015). Ngoài ra, khoảng thời gian giữa các đợt hạn cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các hệ sinh thái (Schwalm và CS, 2017).
Theo Van Dijk và CS (2013), ở Đông Nam Australia đã xảy ra một đợt hạn thế kỷ kéo dài từ 2001 đến 2009, gây nên sự thiếu hụt hai phần ba lượng nước trong nhiều năm, dẫn đến thay đổi về độ ẩm đất, dòng chảy mặt và nước ngầm. Nguyên nhân của đợt hạn này được cho là do tác động của El Nino và sự nóng lên toàn cầu. Đợt hạn này đã tác động xấu lên tất cả các lĩnh vực trong khu vực như nông nghiệp, các hệ sinh thái, kinh tế và sức khỏe con người. Đợt hạn kỷ lục này chỉ kết thúc khi có một đợt La Nina mạnh vào đầu năm 2010 mang theo các đợt mưa và lũ lớn ở nhiều nơi phía Đông và Đông Nam Australia.
Từ kết quả nghiên cứu của mình, Zhang và Zhou (2016) nhận thấy khu vực Đông Á là nơi bị ảnh hưởng lớn bởi hạn hán. Phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc là khu vực hạn xuất hiện với tần suất và thời gian kéo dài lớn nhất. Theo tác giả, hạn hán ở khu vực phía Đông của Đông Á bị chi phối chủ yếu bởi các mối quan hệ xa do các quá trình quy mô lớn từ Tây bắc Thái Bình Dương và khu vực nhiệt đới Ấn Độ Dương. Nghiên cứu còn cho thấy từ năm 1950 cho tới nay, ở Trung Quốc hạn có xu thế tăng lên ở phía Bắc và giảm ở khu vực Tây bắc.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa hạn hán và các quá trình quy mô lớn như ENSO (El Niño–Southern Oscillation) cũng là những vấn đề được nhiều tác giả quan tâm (Hoerling và CS, 2014; Roundy và CS, 2015; Schubert và CS, 2009; Yuan và CS, 2016).
Hướng thứ hai gồm các công trình nghiên cứu dự tính sự biến đổi của hạn hán trong tương lai dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo Uỷ ban liên quốc gia về BĐKH (IPCC 2001, 2013), hạn hán được dự tính là sẽ gia tăng về cả tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới tương ứng với sự nóng lên toàn cầu. Do đó đã có rất nhiều nghiên cứu về hạn hán và tác động của hạn hán đã được tiến hành từ quy mô toàn cầu đến quy mô châu lục, quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau đây sẽ điểm qua một số ít trong số các công trình này.
Sheffield J. và Eric F. Wood (2008) phân tích sự biến đổi của hạn hán trong tương lai khi sử dụng số liệu độ ẩm đất từ các mô hình toàn cầu theo các kịch bản SRES (Special Report on Emission Scenarios) B1, A1B và A2. Kết quả cho thấy độ ẩm đất toàn cầu giảm đối với tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu. Các khu vực thiếu hụt độ ẩm trở nên trầm trọng và mở rộng hơn, tần suất hạn ngắn tăng lên vào giữa và cuối thế kỷ 21. Thời gian kéo dài của hạn tăng lên gấp ba lần so với thông thường. Theo tác giả, sự gia tăng của hạn hán ở quy mô toàn cầu chủ yếu là do sự giảm lượng mưa và tăng cường bốc hơi bởi nhiệt độ tăng cao hơn.
Lehner và CS (2017) đánh giá nguy cơ hạn hán trong tương lai sử dụng kết quả mô phỏng khí hậu với giới hạn các ngưỡng nhiệt độ toàn cầu tăng 1.5 và 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp (mục tiêu trong Công ước Paris). Kết quả cho thấy hạn hán tăng về cả tần suất lẫn cường độ ở nhiều khu vực trên thế giới trong cả hai kịch bản tăng nhiệt độ. Ở các khu vực Châu Âu, Địa trung hải, Amazon và Châu Phi kịch bản nhiệt độ tăng 1.5oC cho thấy nguy cơ hạn thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng nhiệt độ 2oC. Tuy nhiên, ở khu vực ở Trung và Tây Nam nước Mỹ không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ hạn hán giữa hai kịch bản. Nói chung nếu để nhiệt độ tăng ở mức 1.5oC thì nguy cơ hạn hán giảm đi một cách đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới so với trường hợp nhiệt độ toàn cầu tăng 2oC.
Tính không chắc chắn trong dự tính hạn hán cho tương lai cũng đã được Zhao và CS (2017) đánh giá dựa trên các mô phỏng của mô hình khí hậu, sử dụng các bộ số liệu CMIP3 và CMIP5 và số liệu quan trắc từ năm 1900 đến 2014. Kết quả cho thấy biến đổi hạn trên quy mô toàn cầu và bán cầu từ các mô phỏng theo CMIP3 và CMIP5 phù hợp với quan trắc. Khi đánh giá xu thế hạn trong tương lai, cả CMIP3 và CMIP5 đều dự tính tần suất hạn hán ở quy mô toàn cầu tiếp tục tăng 50-200% trong thế kỷ 21 ngay cả đối với các kịch bản phát thải khí nhà kính trung bình thấp.
Ở quy mô khu vực việc nghiên cứu dự tính biến đổi của hạn hán cũng đã được nhiều tác giả quan tâm. Chẳng hạn, Kim Do-Woo và Hi-Ryong Byun (2009) sử dụng tổ hợp 15 mô hình khí hậu toàn cầu với kịch bản SRES A1B để đánh giá biến đổi lượng mưa và hạn hán ở Châu Á cho cuối thế kỷ 21. Sự biến đổi của hạn hán được đánh giá dựa trên chỉ số hạn EDI (Extreme Drought Index). Kết quả cho thấy lượng mưa tăng ở hầu hết các nơi, tăng nhiều nhất ở khu vực Bắc Á. Do đó tại các khu vực này tần suất hạn giảm đi, thời gian hạn cũng rút ngắn lại. Tuy nhiên, ở khu vực Tây Á tần suất và cường độ hạn lại tăng lên đáng kể. Vào mùa hè hạn hán ở khu vực này được dự tính sẽ trầm trọng hơn.
Sushama và CS (2010) đã dự tính sự biến đổi của các đợt hạn ở Canada trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 bằng mô hình khu vực CRCM (Canadian RCM). Kết quả cho thấy số ngày hạn và mức độ hạn hán trên toàn Canada có xu thế tăng, đặc biệt là ở khu vực phía nam Prairies, cho cả hai giai đoạn giữa và cuối thế kỷ 21.
Để đánh giá sự biến đổi của hạn hán trong tương lai cho Hàn Quốc Rhee và Cho (2016) đã sử dụng kết quả dự tính của CMIP5 theo các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 để tính các chỉ số hạn SPI và SPEI với quy mô thời gian 1, 3 và 12 tháng. Tác giả cho thấy sự thay đổi của tần suất hạn phụ thuộc lớn vào việc lựa chọn chỉ số hạn hơn là các kịch bản dự tính khí hậu trong tương lai. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hạn với quy mô thời gian ngắn sẽ tăng lên trong tương lai. Trong khi đó Hasegawa và CS (2016) lại sử dụng chỉ số SPI tương đối (cSPI) để đánh giá sự biến đổi của hạn khí tượng ở khu vực Châu Á. Theo tác giả, khi sử dụng kết quả tính cSPI cho quy mô 12 tháng thì hạn hán ở khu vực từ Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư khá nghiêm trọng, trong khi đó điều kiện ẩm ướt lại tăng đáng kể ở khu vực Cao nguyên Tibet, Bắc và Nam Ấn độ và quanh khu vực Biển Hoàng Hải (Yellow Sea).
Về hướng thứ ba, dự báo hạn là bài toán hết sức quan trọng vì nó là cơ sở cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho quản lý hạn hán (Hao và CS, 2018). Về quy mô thời gian, dự báo hạn hán là bài toán dự báo hạn mùa (Seasonal Forecasting), tức là thời hạn dự báo từ một vài tháng đến dưới một năm. Có ba cách tiếp cận chủ yếu để dự báo hạn là phương pháp thống kê truyền thống, mô hình động lực và thống kê động lực (thống kê dựa trên các trường dự báo của mô hình động lực – Hybrid method) (Hao và CS, 2018).
Đối với phương pháp thống kê truyền thống, thông thường bài toán dự báo hạn được thực hiện bằng việc mô hình hoá mối liên hệ giữa các chỉ số hạn và tập các nhân tố dự báo tiềm năng, bao gồm các chỉ số khí hậu quy mô lớn, các biến khí hậu địa phương và điều kiện đất ban đầu (Hao và CS, 2018). Phổ biến theo hướng này là xây dựng các phương trình hồi quy hay tổ hợp, hoặc phức tạp hơn là các mô hình thống kê phi tuyến (ANN, ANFIS,…) (Anshuka và CS, 2019) dựa trên mối quan hệ thực nghiệm giữa các bộ số liệu lịch sử mà không tính đến các cơ chế vật lý trong hệ thống khí hậu (Hao và CS, 2014; Lyon và CS, 2012). Trong khi đó, phương pháp mô hình động lực chủ yếu dựa trên các quá trình vật lý của khí quyển, đại dương và bề mặt đất để dự báo các trường khí hậu qua đó tính các chỉ số hạn và dự báo hạn dựa trên các chỉ số này. Dự báo hạn bằng phương pháp động lực là một phần của bài toán dự báo khí hậu hạn mùa bằng các mô hình khí hậu mà sản phẩm dự báo của chúng có thể được sử dụng làm đầu vào cho các mô hình thuỷ văn để dự báo hạn thuỷ văn và hạn nông nghiệp. Theo Hao và CS (2018), vẫn đang còn nhiều thách thức trong dự báo hạn hạn dài, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Trong các mô hình động lực, ảnh hưởng của các quá trình biến đổi chậm, từ xa như tác động của đại dương hay độ ẩm đất luôn được tính đến (Kirtman và Pirani 2009; Yuan và CS, 2015a,b). Tuy nhiên, việc sử dụng các mô hình động lực trong bài toán dự báo hạn hán nói chung phụ thuộc vào nhiều nhân tố như độ phân giải mô hình, sai số hệ thống mô hình, tham số hoá các quá trình vật lý trong mô hình,... Một trong những mô hình dự báo khí hậu hiện đang chạy nghiệp vụ mà sản phẩm của nó có thể dùng để dự báo hạn hán với hạn dự báo khác nhau cho các bang của Mỹ là mô hình NCEP CFS (The National Centers for Environmental Prediction (NCEP) Climate Forecast System (CFS)) (Yuan và CS, 2013). Ngoài ra, việc sử dụng các mô hình khí hậu khu vực (RCM) để hạ quy mô động lực sản phẩm dự báo của các mô hình toàn cầu cũng đã được ứng dụng trong dự báo hạn hán cũng như các hiện tượng cực đoan khác (Sushama và CS, 2010; Déqué và CS, 2007). Phương pháp kết hợp giữa mô hình thống kê và mô hình động lực (thống kê động lực) gồm hai bước: chạy dự báo mô hình động lực để nhận được các trường dự báo, sau đó thực hiện hiệu chỉnh sai số và thực hiện tổ hợp các sản phẩm dự báo (Lim et al., 2011; Robertson et al., 2013; Schepen et al., 2014; Wang et al., 2012).
Hao và CS (2017) đã đưa ra một bức tranh tổng quan về sự phát triển các hệ thống dự báo và giám sát hạn hán (DMAPS) ở quy mô khu vực và toàn cầu. Sau khi giới thiệu các chỉ số hạn, tác giả đã tóm lược việc giám sát hạn dựa trên các công cụ và nguồn số liệu khác nhau, đồng thời trình bày các cách tiếp cận dự báo hạn bằng phương pháp thống kê và động lực. Những ưu điểm trong việc giám sát hạn dựa trên nhiều nguồn số liệu và công cụ khác nhau cũng như việc dự báo hạn bằng phương pháp tổ hợp nhiều mô hình cũng đã được tác giả nhấn mạnh. Ngoài ra tác giả còn đề cập đến những thách thức và cơ hội đối với hệ thống DMAPS, như vấn đề số liệu sử dụng, việc kết nối với bài toán đánh giá tác động, việc nâng cao kỹ năng dự báo hạn và cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo cho cộng đồng.
Ở Việt Nam, hạn hán là một trong những vấn đề được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất, trong đó nổi bật lên là hướng nghiên cứu dự báo hạn hán (hướng thứ ba) và đánh giá hạn hán (hướng thứ nhất) phục vụ công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, hầu hết các công trình nghiên cứu này rất ít được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Phần lớn kết quả nghiên cứu chỉ dừng lại ở các báo cáo tổng kết đề tài các cấp.
Có thể nói rằng, từ cuối những năm 1990 đến nay, chưa tính đến các đề tài cấp Bộ, cấp Tổng cục (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn) và các dự án quốc tế, đã có khá nhiều đề tài cấp Nhà nước được đầu tư nghiên cứu về hạn hán. Hầu như năm nào cũng có ít nhất một đề tài đang trong quá trình hoạt động. Điều đó nói lên vấn đề nghiên cứu hạn hán nói chung, dự báo hạn hán  ở Việt Nam nói riêng là cực kỳ quan trọng và cũng là vấn đề không dễ.
Ngoài các báo cáo khoa học từ các đề tài, dự án, số lượng các công trình công bố trên các tạp chí trong nước về hạn hán thực sự hết sức khiêm tốn. Một số công bố gần đây chủ yếu liên quan đến đánh giá tác động của hạn hán hoặc dự báo hạn hán (chẳng hạn, Nguyễn Lương Bằng, 2014; Nguyễn Văn Hiếu và CS, 2017; Lê Hữu Ngọc Thanh và CS, 2018), tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Vấn đề nghiên cứu hạn hán ở Việt Nam cũng đã được một số tác giả khác công bố như Tran, T. (2012) đề cập đến đặc điểm hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Vu và CS (2015, 2016,2017) đã khảo sát các đặc trưng hạn trên bán đảo Đông Dương, Tây Nguyên và tính bất định của các bộ số liệu mưa lưới được sử dụng trong nghiên cứu hạn hán, Vu-Thanh và CS (2014), Le và CS (2019) đã khảo sát sự biến động theo không gian và thời gian của các đặc trưng hạn hán ở Việt Nam khi sử dụng các số liệu quan trắc trạm. Mặc dù vậy, nhìn chung kết quả nghiên cứu vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Số tác giả nghiên cứu về bài toán này cũng chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở các cơ quan có liên quan đến việc phòng tránh, giảm nhẹ, ứng phó với tác động của hạn hán như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hoặc một số tác giả là các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Tóm lại, việc nghiên cứu về hạn hán đã được đặc biệt quan tâm cả trên thế giới và Việt Nam. Các công trình công bố cực kỳ đa dạng và phong phú. Các hướng nghiên cứu chủ yếu tập trung vào cơ chế gây hạn hán, sự biến đổi của hạn hán và dự tính hạn hán trong tương lai theo các kịch bản biến đổi khí hậu. Vấn đề dự báo hạn hán là một bài toán lớn và còn tiềm ẩn nhiều thách thức, hạn chế. Nhiều trung tâm dự báo đã có các bản tin dự báo nghiệp vụ nhằm cung cấp thông tin cảnh báo sớm khả năng xảy ra hạn hán cho bài toán quản lý hạn, nhất là ở những nơi hạn xảy ra tương đối thường xuyên và tác động nghiêm trọng.
Cho đến nay Việt Nam đã có các bản tin dự báo mùa được phát hành hàng tháng bởi Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, tuy nhiên những thông tin trong đó chủ yếu liên quan đến nhiệt độ, lượng mưa, tình hình ENSO và hoạt động bão (nếu có). Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng đã có các bản tin dự báo, cảnh báo hạn dựa trên chỉ số SPI được cập nhật thường xuyên trên website (https://nchmf.gov.vn/Kttvsite/ vi-VN/1/du-bao-khac-11-15.html). Mặc dù vậy, thông tin cung cấp từ website này không được mô tả rõ ràng về quy mô thời gian của hạn hán cũng như chưa có các đặc trưng hạn dự báo. Nói chung, ở góc độ dự báo nghiệp vụ, Việt Nam chưa có một hệ thống dự báo, cảnh báo, giám sát hạn hán chính thức có thể cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng nói chung, các nhà quản lý nói riêng nhằm phục vụ công tác phòng tránh, giảm nhẹ và ứng phó với thiên tai.
Là một nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm REMOCLIC (Mô hình hoá khí hậu khu vực và biến đổi khí hậu) trong những năm qua đã thực hiện một số đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực dự báo hạn mùa (seasonal prediction) trong đó có những vấn đề liên quan đến hạn hán. Với những kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được về vấn đề dự báo mùa nói chung, nghiên cứu hạn hán nói riêng, với mong muốn đóng góp cho cộng đồng trong việc nâng cao năng lực thích ứng và phòng tránh thiên tai hạn hán, và hơn thế nữa với mong muốn góp phần làm tăng vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc tạo ra các sản phẩm có ích cho xã hội, nhóm REMOCLIC mạnh dạn đề xuất được thực hiện đề tài "Xây dựng hệ thống dự báo mùa hạn hán cho Việt Nam"
Dự báo nghiệp vụ
Ngày 24/08/2024