Chuyên mục: » Giới thiệu DA 11-P04-VIE

Biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là thông qua các hiện tượng khí hậu cực đoan (ECEs) hiện đang là mối đe dọa chính đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là BĐKH đang có tác động đáng kể và ngày càng gia tăng đến nền kinh tế quốc dân, thậm chí còn tác động mạnh hơn đến sinh kế của những nhóm dân cư nghèo nhất ở khu vực nông thôn. Nhận thức được các nguy cơ trên, chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với BĐKH (NTP) nhằm nâng cao năng lực thích ứng và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do BĐKH của các địa phương trên cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra Khung Kế hoạch Hành động thích ứng và giảm thiểu BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020 (APFAMCC). Cộng đồng quốc tế đã và đang tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững ở các địa phương, đặc biệt là những khu vực kém phát triển và nghèo khó.

Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình (NHQ) có dân số khoảng 5,2 triệu dân, trong đó khoảng 70% đang sinh sống ở các vùng đồng bằng và ven biển, với đại bộ phận cư dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Do điều kiện địa lý và kinh tế xã hội, NHQ nằm trong số những tỉnh thành có GDP bình quân đầu người thấp thứ hai ở Việt Nam. Với đường bờ biển dài hơn 350 km tiếp giáp Biển Đông, vùng đồng bằng và ven biển của những tỉnh này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Chỉ trong năm 2010, vùng ven biển NHQ đã hứng chịu hai sự kiện trái ngược: một đợt hạn hán kéo dài trong tháng 6-7 và 2 đợt lũ, lụt mạnh liên tiếp trong tháng 10. Đợt nắng nóng từ ngày 12 đến 20 tháng 6 đã gây thiệt hại khoảng 30.000 ha lúa vụ hè thu. Trong tháng 10, 2 đợt lũ, lụt liên tiếp do mưa lớn (800 –1.658 mm) khiến một diện tích lớn của NHQ bị tàn phá và thiệt hại nặng nề: trên 155.000 ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn người phải sơ tán, 66 người chết.

Rõ ràng, BĐKH có thể tác động xấu đến một số bộ phận của các cộng đồng trong tương lai, và biện pháp thích ứng dài hạn tốt nhất cho những cộng đồng chịu tổn thương là tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai của họ và thúc đẩy việc phát triển sinh kế bền vững cho họ. Trong bối cảnh mà nông nghiệp và thủy sản, hai hệ thống sản xuất chính (đóng góp tới 35,5% GDP), chủ yếu dựa vào nguồn nước (cả số lượng và chất lượng), những kinh nghiệm tích lũy được trong việc đối phó với thiên tai và những kiến thức bản địa của cộng đồng cư dân đồng bằng và ven biển NHQ có vai trò quyết định trong việc duy trì cuộc sống của họ cho đến nay. Tuy nhiên, tác động của thủy tai gây nên bởi BĐKH rất có thể làm trầm trọng hơn tính dễ bị tổn thương của họ. Do đó, điều quan trọng là cần xác định xem những kiến thức bản địa nào được tích lũy từ đời này qua đời khác trong việc ứng phó với thiên tai có thể nhân rộng trong bối cảnh mới này.

Do bản chất liên ngành và tính chất phức tạp, các chương trình nghiên cứu và thích ứng với BĐKH ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như: về mặt khoa học chưa có được sự hiểu biết một cách cơ bản và đầy đủ mối tương tác phức tạp giữa các điều kiện tự nhiên và xã hội trong bối cảnh BĐKH; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu sự hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực; và đặc biệt là thiếu cơ sở hạ tầng về số liệu không gian (SDI) và những công cụ hữu hiệu được áp dụng trong quá trình ra quyết sách như hệ thống thông tin có nhiều bên tham gia (PIS).

Khái niệm “hệ thống thông tin nhiều bên tham gia” (PIS) gần đây đã được xây dựng và phát triển trong lĩnh vực môi trường và quản lý rủi ro, nhưng hầu như vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hơn nữa, những vấn đề liên quan đến việc đánh giá BĐKH và tác động của nó đến thủy tai, đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH cũng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh NHQ. Tính dễ bị tổn thương do thủy tai được hiểu như là mức độ mà một hộ gia đình, một nhóm cộng đồng hay một quốc gia dễ bị tổn hại bởi, hoặc không thể chống chọi với những ảnh hưởng có hại của thủy tai gây nên do BĐKH. Tính dễ bị tổn thương mang tính đa ngành (kinh tế, chính trị và xã hội) và đa cấp (cá nhân, hộ gia đình, nhóm người hay cộng đồng). Các tài liệu hiện có đã chỉ ra rằng những tác động bất lợi của BĐKH rất khác nhau giữa các nhóm kinh tế-xã hội, trong đó các nhóm nghèo khó và kém phát triển (về chính trị, xã hội) sẽ rất dễ bị tổn thương. Đặc biệt đối với Việt Nam, như Fortier (2010) nhận xét, những người nghèo thường bộc lộ rõ và nhạy cảm với BĐKH. Từ những điều tra thực địa ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam, Few and Tran (2010) đã cho thấy một trong những vấn đề chính mà thông qua đó sự nghèo khó làm trầm trọng tính dễ bị tổn thương hơn là vị trí địa lý của các hộ dân cư nằm trong những vùng chịu ảnh hưởng của bão, lụt.

Do đó, những vấn đề đặt ra của dự án là: 1) Nghiên cứu liên ngành nào có thể đóng góp làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ nói riêng và ở Việt Nam nói chung? 2) Làm thế nào để lôi kéo các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cư dân địa phương vào kế hoạch hành động làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH ở các vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ? Và 3) Làm thế nào để chuyển tải những thông tin đa ngành về dạng đơn giản, dễ truy cập và sử dụng được cho cộng đồng và thành những công cụ hữu hiệu để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương cũng như nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân ở các tỉnh NHQ?

Trên cơ sở đó, dự án sẽ cố gắng làm rõ mối tương tác giữa ba nhóm hưởng lợi (cộng đồng địa phương, chính quyền và các nhà khoa học) dựa trên các giả thiết sau:

1)    Những hiện tượng cực đoan liên quan đến thủy văn có thể bị gia tăng do BĐKH và có tác động xấu hơn đến hệ thống sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các tỉnh NHQ. Hiểu biết đầy đủ những tác động này, và nếu được truyền thông hiệu quả, sẽ góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ.

2)    Cộng đồng địa phương có nhu cầu đối với hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) trong đó tích hợp công nghệ, kiến thức khoa học liên ngành và đa ngành với những kinh nghiệm bản địa. Việc tích hợp như vậy có thể cung cấp công cụ hữu hiệu nhằm tăng cường tính chống chịu của cộng đồng đối với tác động của BĐKH, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững địa phương bằng biện pháp mọi người cùng chung sức xây dựng.

3)    Các hiện tượng cực đoan liên quan đến thủy văn có thể tác động theo những cách khác nhau tới các nhóm bị tổn thương dưới các hình thức mất sinh kế, tài sản và việc làm. Các nhóm dễ bị tổn thương ở đây có thể được xác định trên cả mặt xã hội và phân bố không gian.

4)    Tác động của BĐKH có thể được phân tích rộng hơn trong mối quan hệ tương tác với các nhân tố kinh tế-xã hội và môi trường. Do đó những nỗ lực thích ứng với BĐKH cần phải được định hướng toàn diện, bao gồm cả việc đánh giá thực tiễn quản lý tài nguyên và hỗ trợ cho việc quản lý môi trường.