- Trang chủ
- Dự án FIRST
- Thông tin Nội bộ
- BKTT_VN
- Dự báo nội mùa và dự báo mùa
- Đề tài QG.22.81
- Dự án 11-P04-VIE
- Giới thiệu DA 11-P04-VIE
- Báo cáo tổng kết dự án
- Hệ thống TTNBTG (PIS)
- Kết quả và tài liệu
- Các công trình công bố
- Dự báo thời tiết
- Ảnh thực địa và tài liệu khác
- Tin tức và sự kiện
- Kiến thức về Biến đổi Khí hậu
- Khoa học về BĐKH
- Tác động và tính DBTT
- Thích ứng và giảm thiểu
- Các thuật ngữ
- Các thành viên tham gia Dự án
- Liên hệ
- Dành cho Sinh viên
Số người đang truy cập
Hiện tại có 20 người đang truy cập, trong đó có 0 thành viên.Tổng số truy cập 4356364
Mở đầu
Hơn 100 năm trước đây con người bắt đầu sử dụng than, dầu và khí đốt trong sinh hoạt gia đình, sản xuất ở các nhà máy và cho hoạt động giao thông vận tải. Việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch đã thải khí carbonic (CO2) và những khí nhà kính khác vào bầu khí quyển, làm gia tăng hàm lượng các chất khí nhà kính, gây nên sự nóng lên của khí hậu Trái đất một cách nhanh hơn so với quá khứ trước đó.
Vậy sự nóng lên đó xảy ra ở mức độ nào? Các nhà khoa học thuộc Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã chỉ ra rằng, trong 100 năm qua nhiệt độ không khí bề mặt Trái đất đã tăng lên trung bình khoảng 0.6oC. Nghe ra điều đó tưởng chừng như Trái đất không bị tác động lớn lắm, ngay cả khi nhiệt độ tăng đến 1oC. Tuy nhiên không hoàn toàn như vậy. Sự tăng lên của nhiệt độ trung bình toàn cầu, dấu hiệu của sự biến đổi khí hậu (BĐKH) Trái đất, đã tác động đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và có thể được nhận thấy qua một số bằng chứng sau đây.
- Trong thế kỷ 20 mực nước biển đã dâng lên khoảng 15cm do băng tan và sự giãn nở vì nhiệt của nước biển. Mực nước biển trung bình toàn cầu được dự báo là có thể tăng lên đến trên 59cm trong thế kỷ 21, đe dọa cộng đồng cư dân sống dọc các miền duyên hải và những vùng đất thấp.
- Năm 1950 độ dày băng biển mùa hè chỉ còn bằng khoảng một nửa so với quá khứ trước đây. Phạm vi băng biển ở các vùng lạnh giá đã bị giảm đi khoảng 10-15% kể từ những năm 1950. Sự tan băng có thể làm biến đổi hoàn lưu đại dương, thúc đẩy nhanh hơn sự nóng lên ở các vùng lạnh giá.
- Hơn 100 năm qua, các sông băng trên núi đã giảm đi đáng kể về phạm vi và khối lượng. Các tảng băng ở Greenland cũng đang tan chảy nhanh hơn. Diện tích lớp phủ tuyết ở Bắc bán cầu đã giảm đi khoảng 10% từ cuối những thập niên 60-70. Băng, tuyết tan và dòng chảy mặt xuất hiện nhiều hơn và sớm hơn. Thời gian bao phủ của băng hồ và băng sông hàng năm ở các vĩ độ trung bình và cao của Bắc bán cầu đã bị giảm đi khoảng hai tuần và biến động nhiều hơn.
- Nước ở các đại dương nông ấm lên đã góp phần làm mất đi khoảng một phần tư các đảo san hô trên thế giới trong vài thập kỷ qua.
- Các sự kiện mưa lớn tăng lên ở một số vùng làm gia tăng thiên tai lũ lụt.
- Nhiệt độ tăng cao hơn làm tăng cường độ bốc hơi và gia tăng hạn hán ở một số vùng trên thế giới.
- Các hệ sinh thái đang bị biến đổi, nhiều loài hoặc di chuyển đến những nơi lạnh hơn hoặc bị chết.
- Tần suất và cường độ bão mạnh, nhất là bão nhiệt đới, có xu hướng gia tăng có thể liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.
- Sóng nóng và các đợt nắng nóng đang trở thành hiện tượng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
- Nhiệt độ tăng tác động đến sức khỏe cộng đồng, như số trường hợp bị chết tăng lên do sóng nóng và hiện tượng dị ứng phấn hoa do mùa sinh trưởng kéo dài hơn.
- Nước biển trở nên nhiều axit hơn. CO2 phân hủy vào trong đại dương, làm tăng tính axit của nước biển. Điều đó có thể tác động đến các loài san hô và các thực thể sống dưới biển khác.
Rõ ràng, BĐKH và sự nóng lên toàn cầu đã tác động xấu và ngày càng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội của loài người. Tính chất nghiêm trọng của vấn đề đã dẫn đến sự ra đời của các Tổ chức và các văn kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như:
- Năm 1988: Ban Liên chính phủ về BĐKH (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) được thành lập bởi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (The United Nations Environment Programme - UNEP) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO);
- Năm 1992: Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC) được ký kết tại Rio De Janeiro, Brazil;
- Năm 1997: Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol - KP) được ký tại Kyoto, Nhật Bản;
- Năm 2009: Hiệp ước Copenhagen (Copenhagen Pact - CP) được ký kết tại Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về BĐKH tổ chức ở Copenhagen, Đan Mạch.
Như vậy, việc nghiên cứu BĐKH, tác động của nó và các giải pháp ứng phó với BĐKH đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Là một nước thuộc khu vực châu Á gió mùa, nằm kề Biển Đông, một bộ phận của ổ bão Tây Thái Bình dương, hàng năm Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thế thời tiết phức tạp mà hậu quả là thiên tai xảy ra thường xuyên. Dưới tác động của BĐKH, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. BĐKH và sự dâng mực nước biển cũng có thể tác động xấu tiềm tàng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và môi trường. Nhận thức được điều đó, ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 Việt Nam đã có những bước chuẩn bị cho việc tham dự Hội nghị Rio De Janeirovà đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC). Gần đây hơn, ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu với các nội dung về quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, phạm vi thực hiện, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và tổ chức thực hiện.
Những nội dung được trình bày ở đây được trích từ cuốn sách "Những kiến thức cơ bản của Biến đổi khí hậu" do tập thể tác giả là các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn trên cơ sở Hợp đồng do Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi toàn cầu, Đại học Quốc gia Hà Nội ký với Dự án ID: 00060851 mà Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường là Cơ quan chủ trì trên cơ sở hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường.
Nội dung được trình bày ở đây gồm:
Phần 1: Khoa học về biến đổi khí hậu
Phần 2: Tác động của biến đổi khí hậu và tính dễ bị tổn thương
Phần 3: Thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu
Ngoài ra, người đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về:
- Các báo cáo của IPCC tại đây
- Báo cáo đặc biệt về Quản lý Rủi ro Các hiện tượng Cực đoan ở Việt Nam (Bản đầy đủ) tại đây
- Chương 4 trong Báo cáo đặc biệt về Quản lý Rủi ro Các hiện tượng Cực đoan ở Việt Nam tại đây
- Bản tóm tắt của Báo cáo đặc biệt về Quản lý Rủi ro Các hiện tượng Cực đoan ở Việt Nam dành cho các cấp quản lý tại đây