Chuyên mục: » Kiến thức về Biến đổi Khí hậu » Tác động và tính DBTT » Chương 1. Tác động và đánh giá TĐ

CHƯƠNG 1. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1.1 Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu

1.1.1 Tác động của biến đổi khí hậu

Theo UNEP (2009), đánh giá  tác động của biến đổi khí hậu thường được dựa trên các kịch bản của biến đổi khí hậu trong tương lai và được biểu hiện như là thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và những thông tin khác. Chúng ta có thể phân tích những thay đổi và xu hướng trong các thông số khí hậu bằng cách sử dụng thông tin và dữ liệu sẵn có. Khi phân tích các tác động của biến đổi khí hậu, điều quan trọng là phải đánh giá được những tác động trực tiếp và hậu quả kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu, và xem xét vai trò của các dịch vụ hệ sinh thái và quy mô xã hội của tác động biến đổi khí hậu. Những tác động này có thể còn dẫn đến tác động kinh tế (như suy giảm cơ sở hạ tầng, thay đổi hoặc làm mất doanh thu trong sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp...), các tác động lên các dịch vụ hệ sinh thái (như là nguồn nước ngọt, chất đốt và lương thực; lụt, ngăn chặn bệnh dịch và các giá trị văn hóa) và các tác động xã hội (bệnh tật, tử vong, giảm năng suất lao động, xung đột về tài nguyên, di dân và thay đổi trong các mạng xã hội.

Bảng 1. Ví dụ về những tác động dự tính quan trong lên một số ngành lĩnh vực lựa chọn 

 

Hiện tượng do khí hậu điều khiển

Nông nghiệp, lâm nghiệp và hệ sinh thái

Tài nguyên nước

Sức khỏe con người

Công nghiệp, khu dân cư và xã hội

Nhiệt độ thay đổi. Ngày và đêm ấm hơn và ít ngày/đêm lạnh hơn, ngày và đêm nóng thường xuyên hơn, trên vùng đất liền.

Năng xuất tăng lên trong môi trường lạnh hơn; Năng xuất giảm đi trong môi trường ấm hơn; Dịch bệnh tăng lên.

Tác động lên tài nguyên nước do băng tan. Tác động lên một số nguồn cấp nước.

Tỷ lệ tử vong giảm do lạnh ít đi

Nhu cầu sử dụng năng lượng cho sưởi ấm giảm và nhu cầu làm mát tăng. Chất lượng không khí trong thành phố giảm. Giảm sự cố giao thông do băng tuyết. Tác động đến du lịch mùa đông.

Những đợt nóng. Tần suất tăng lên trên phần lớn vùng đất liền

Năng xuất giảm đi trong vùng ấm hơn; vì nắng nóng Nguy cơ cháy rừng tăng lên.

Nhu cầu nước tăng. Vấn đề chất lượng nước (ví dụ: nước nở hoa)

Tăng nguy cơ tử vong liên quan đến nắng nóng, đặc biệt cho người già, bệnh kinh niên và trẻ sơ sinh.

Giảm chất lượng cuộc sống của những người dân sống trong vùng nắng nóng khi thiếu nhà ở. Tác động lên người già, trẻ em và người nghèo.

Những hiện tượng mưa to. Tần xuất tăng lên trên phần lớn vùng đất liền

Thiệt hại do mưa lớn. Xói mòn đất. Không có khả năng canh tác do đất   bị úng nước

Tác động tiêu cực lên chất lượng nước mặt và nước ngầm. Ô nhiễm nguồn cấp nước. Căng thẳng về nước có thể được giảm nhẹ. 

Tăng nguy cơ tử vong, thương tật, các bệnh truyền nhiễm, phổi và da.

Sự cố của khu cư dân, thương mại, giao thông và xã hội do lũ lụt. Áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn. Mất tài sản.

Diện tích bị tác động khô hạn tăng lên

Suy thoái đất đai. Thiệt hại và mất mùa. Tăng tỷ lệ tử vong của gia súc. Tăng nguy cơ cháy rừng.

Căng thẳng về nước nhiều hơn

Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Tăng nguy cơ bệnh do nước và thực phẩm

Thiếu nước cho khu dân cư, công nghiệp và xã hội. Tiềm năng phát điện thủy điện giảm.

Nguồn : UNEP, 2009.

 

Nói chung, việc thu thập thông tin là một thách thức cho một đánh giá toàn diện về tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai lên các khu vực và lĩnh vực cụ thể, như tác động lên nước, đất, sản xuất nông nghiệp và khu dân cư từ những thông tin và tài liệu sẵn có. Một số tác động cụ thể, như là sự thay đổi các đặc điểm của nguồn cung cấp nước hoặc các tác động lên các loại cây trồng nhất định có thể được mô hình hóa thông qua sử dụng kết quả đầu ra từ kịch bản biến đổi khí hậu. Những dự báo về tác động khác, chẳng hạn như tác động lên đa dạng sinh học, quần thể động thực vật cụ thể, những thay đổi về sự xuất hiện một vài loại bệnh và một hiện tượng khí hậu cực đoan, có thể không thu được từ các mô hình khí hậu và tài nguyên thiên nhiên hiện có cho phần lớn đánh giá môi trường và khí hậu, và do đó các phương pháp khác phải được sử dụng để đánh giá các tác động có liên quan. Những phương pháp này bao gồm đánh giá tổng quan, kiểm tra các xu hướng lịch sử và tác động của nhiễu loạn khí hậu hiện nay trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên như đa dạng sinh học, quần thể động thực vật, nước và đất đai, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Một ví dụ về so sánh các hậu quả của tác động hiện tại của biến động khí hậu và dự báo tương lai được trình bày trong Bảng 2 sau đây.

Bảng 2. Ví dụ về mối liên kết giữa xu thế quan sát được, dự báo và hậu quả tiềm năng của tác động do biến động khí hậu

Biến số khí hậu

Quan sát

Dự báo

Hậu quả được xác định của những dự báo cho những vùng nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm và tri thức của những người có liên quan

Lượng mưa

Mưa lớn tăng lên 5% dẫn đến ngập lụt địa phương

Dự báo lượng mưa sẽ tăng từ 3-10%

Phá hủy cơ sở hạ tầng và tài sản và xói mòn tăng lên.

Giảm sản xuất nông nghiệp

Mất đất vùng đất nông nghiệp màu mỡ

Mất sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi

Hoạt động kinh tế chậm lại do mùa mưa lớn

Suy thoái cơ sở hạ tầng bao gồm thiệt hại đường giao thông dẫn đến khó khăn trong tiếp cận thị trường.

Chết hoặc bị thương do lũ lụt, trượt lở đất và đổ nhà.

Nguồn : UNEP, 2009

1.1.2 Cách tiếp cận trong đánh giá  tác động của biến đổi khí hậu

 

IPCC (2007) đã sử dụng một số phương pháp chính được áp dụng trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là cách tiếp cận theo kịch bản (scenario-driven approach) và các cách tiếp cận khác (ví dụ như đánh giá thích ứng hiện tại và tương lai tới biến đổi khí hậu, đánh giá năng lực thích ứng, đánh giá tính dễ bị tổn thương xã hội, đánh giá đa áp lực (multiple stresses), và thích ứng trong bối cảnh phát triển bền vững). Hơn nữa, quản lý rủi ro cũng được sử dụng trong những khuôn khổ này, nhằm thiết kế cho việc hoạch định chính sách trong điều kiện bất định. Từ một số cách tiếp cận này, IPCC đã phát triển thành tài liệu “Đánh giá cho Biến đổi khí hậu cho tác động, thích ứng và tính dễ bị tổn thương” và được thể hiện trong báo cáo của Nhóm 2 (Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vullnerability).

Bảng 3. Một vài đặc điểm của các cách tiếp cận khác nhau trong đánh giá CCIAV (Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vullnerability)

 

Cách tiếp cận

 

Tác động

Tính dễ bị tổn thương

Thích ứng

Tích hợp

Mục tiêu khoa học

Tác động và rủi ro trong khí hậu tương lai

Quá trình ảnh hưởng tới tính dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu

Quá trình ảnh hưởng tới thích ứng và năng lực thích ứng

Tác động tương hỗ và phản hồi giữa động lực và tác động đa chiều

Mục đích thực tiễn

Hành động để giảm rủi ro

Hành động để giảm tính dễ bị tổn thương

Hành động để tăng tính thích ứng

Cơ hội và chi phí chính sách toàn cầu

Phương pháp nghiên cứu

Tiếp cận chuẩn tới CCIAV

Phương pháp DPSIR

Đánh giá rủi ro theo nguy cơ (hazard-driven assessment)

Tiêu chí và mặt cắt tính dễ bị tổn thương

Nguy cơ khí hậu trong quá khứ và hiện tại

Phân tích sinh kế

Phương pháp dựa trên tác nhân (agent)

Phương pháp kể chuyện

Cảm nhận rủi ro, bao gồm ngưỡng tới hạn

Hiệu lực chính sách phát triển/bền vững

Quan hệ của năng lực thích ứng tới phát triển bền vững.

 

Mô hình hóa đánh giá tích hợp

Tác động tương hỗ xuyên ngành

Tích hợp khí hậu với những động lực khác

Thảo luận giữa các bên liên quan

Mô hình liên kết giữa các loại và quy mô

Các cách tiếp cận/phương pháp kết hợp

Lĩnh vực không gian

Trên-xuống

Toàn cầu-địa phương

Dưới-lên

Địa phương-cấp vùng

(cách tiếp cận kinh tế vĩ mô là theo cách từ trên xuống)

Liên kết quy mô

Toàn cầu/khu vực

Dựa trên ô lưới

Loại kịch bản

Kịch bản thăm dò của khí hậu và yếu tố khác (như của SRES)

Kịch bản quy chuẩn

Điều kiện kinh tế-xã hội

Kịch bản hoặc phương pháp nghịch đảo

Thích ứng nền

Thích ứng tương tự từ lịch sử, địa điểm khác hoặc hoạt động khác

Kịch bản thăm dò: ngoại sinh và thường nội sinh (bao gồm phản hồi)

Đường quy chuẩn

Động lực

Theo nghiên cứu

Theo nghiên cứu/bên liên quan

Theo bên liên quan/nghiên cứu

Theo nghiên cứu/bên liên quan

Nguồn : IPCC, 2007: 137

1.1.3 Cơ sở khung đánh giá các tác động của nước biển dâng 

Các nghiên cứu về tác động của mực nước biển dâng cao thường tập trung vào đánh giá các tác động và sự ứng phó. Khung đánh giá Tính tổn thương và tác động của nước biển dâng đối với vùng ven biển – DIVA-COST (Nicholls, 2002) làm nền tảng cho thực hiện diễn giải và so sánh. Mực nước biển dâng, cho dù do nguyên nhân nào thì nó cũng có những tác động như tăng xói lở và ngập lụt. Ngược lại các tác động này lại có những tác động đến kinh tế xã hội gián tiếp tùy thuộc vào sự tiếp xúc của con người trước các thay đổi này. Các hệ thống bị tác động đồng thời cũng có những sự phản hồi như sự tự điều chỉnh và thích ứng với những biến đổi trên. Các vùng ven biển là khu vực bị tác động nhiều nhất khi nước biển dâng vì đây là nơi diễn ra các quá trình tương tác giữa các hệ thống tự nhiên và hệ thống kinh tế xã hội.

Hình 1.  Cơ sở khung đánh giá Tính tổn thương và tác động của nước biển dâng đối với vùng ven biển (Nguồn: Nicholl, 2002)

Cả hai hệ thống này đều được đặc trưng bởi các mức độ ảnh hưởng (tiếp xúc), tính nhạy cảm và khả năng thích ứng trước nước biển dâng cao và các thay đổi khác liên quan đến khí hậu và các nguyên nhân không liên quan đến khí hậu. Tính nhạy cảm và khả năng thích ứng kết hợp với mức độ tiếp xúc sẽ xác định tính dễ tổn thương của mỗi hệ thống.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (2011), trong “Tài liệu hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xác định các giải pháp thích ứng” đã đề xuất cách tiếp cận trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu như sau:

i)                 Đầu tiên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở thời điểm hiện tại (ứng với các điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường hiện tại);

ii)                Sau đó đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai (ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu và điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường trong tương lai, theo khung thời gian đánh giá);

iii)              Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai nên được thực hiện theo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng khác nhau và các kịch bản phát triển kinh tế xã hội khác nhau của địa phương;

iv)              Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cần được cập nhật khi các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được cập nhật hoặc khi có các điều chỉnh quan trọng về chiến lược, chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành và phát triển kinh tế xã hội của địa phương;

v)                Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu có thể được thực hiện theo ngành, theo vùng địa lý, theo ranh giới hệ sinh thái hay theo lưu vực sông... Trong khuôn khổ của một kế hoạch cấp tỉnh thì cách tiếp cận đánh giá theo vùng địa lý và theo ngành được khuyến nghị sử dụng. Đối với một tỉnh/thành thì một đánh giá tổng thểcho toàn bộ địa bàn nên được thực hiện trước. Trên cơ sở đó, các đánh giá chuyên sâu sẽ được thực hiện cho các ngành trong tỉnh/thành và các khu vực có khả năng dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu;

vi)              Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cần có sự tham gia của các bên có liên quan ở địa phương. Cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở thời điểm hiện tại;

vii)             Các yếu tố giới cần được xem xét trong quá trình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.

Vì vậy, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (2011) đề xuất quy trình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu như sau: i) Bước 1: Xác định các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ii) Bước 2: Xác định các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội; iii) Bước 3: Xác định ngành và đối tượng ưu tiên đánh giá; iv) Bước 4: Lựa chọn và phân tích các công cụ đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; v) Bước 5: Đánh giá tác động do biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo kịch bản: Đánh giá tác động đến môi trường tự nhiên và đánh giá tác động kinh tế xã hội; vi) Bước 6: Đánh giá mức độ rủi ro thiệt hại do các tác động của biến đổi khí hậu; vii) Bước 7: Đánh giá khả năng thích ứng với các rủi ro và khả năng dễ bị tổn thương.

1.1.4 Những hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu đã được quan trắc lên hệ tự nhiên và hệ do con người quản lý  

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC, 2007) đã tổng kết những hiểu biết hiện tại về những tác động của biến đối khí hậu đưa ra những tác động hiện tại cũng như trong tương lai của biến đổi khí hậu.

1). Kiến thức hiện tại về những tác động của biến đổi khí hậu đã được quan trắc đối với môi trường tự nhiên và con người

Những bằng chứng quan sát được từ khắp các châu lục và hầu hết các đại dương cho thấy rằng nhiều hệ tự nhiên đang bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu khu vực, đặc biệt là sự gia tăng nhiệt độ.

 Một đánh giá dữ liệu toàn cầu từ năm 1970 đã cho thấy dường như sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã có một ảnh hưởng rõ rệt trên nhiều hệ thống tự nhiên và sinh học.

Các hiệu ứng khác của biến đổi khí hậu khu vực về môi trường tự nhiên và con người đang nổi lên, mặc dù cũng khá khó khăn để phân biệt nguyên nhân là do động lực thích ứng và phi-khí hậu.

2). Kiến thức hiện tại về những tác động trong tương lai

a) Các thông tin cụ thể hiện nay đã có sẵn trên một phạm vi rộng lớn các hệ thống và các ngành liên quan đến bản chất của các tác động trong tương lai, kể cả đối với một số lĩnh vực không nằm trong đánh giá trước đó, như Tài nguyên nước ngọt và quản lý nước; Các hệ sinh thái; Thực phẩm, chất sợi và các sản phẩm rừng; Các vùng đất thấp và vùng ven biển;  Công nghiệp, khu dân cư và xã hội; Y tế.

b) Các thông tin cụ thể hiện đã có cho các vùng trên thế giới liên quan đến bản chất của các tác động trong tương lai, bao gồm các châu lục như Châu Phi, Châu Á, Australia và New Zealand, Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh, Bắc Mỹ, Vùng cực và các hòn đảo nhỏ.

c) Quy mô của các tác động được đánh giá có hệ thống hơn cho sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.

d) Tác động do thay đổi tần số và cường độ của các hiện tượng thời tiết, khí hậu, cực đoan và nước biển dâng rất có khả năng đang thay đổi.

e) Một số sự kiện khí hậu quy mô lớn có tiềm năng gây ra tác động rất lớn, đặc biệt vào sau thế kỷ 21.

f) Tác động của biến đổi khí hậu sẽ khác nhau tùy theo từng khu vực nhưng, tổng hợp và xem xét cho đến nay, chúng rất có khả năng gây ra những chi phí hàng năm sẽ tăng lên theo thời gian khi nhiệt độ toàn cầu tăng.

1.2 Tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới

1.2.1 Tác động của biến đổi khí hậu tới một số lĩnh vực nhạy cảm

 Một số lĩnh vực chính bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu là tài nguyên nước ngọt, hệ sinh thái, sản xuất lương thực và lâm nghiệp, vùng ven biển và vùng đất thấp, công nghiệp và khu cư dân,  sức khỏe con người (IPCC, 2007).

1). Tác động đến tài nguyên nước ngọt và hình thức quản lý                     

Theo IPCC (2007) những tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống nước ngọt và hình thức quản lý chúng chủ yếu là do sự gia tăng về nhiệt độ, bốc hơi nước, mực nước biển và biến đổi lượng mưa đã được quan sát và dự báo.

Khu vực khô hạn và bán khô hạn đặc biệt phải đối mặt với  tác động của biến đổi khí hậu đối về vấn đề nước ngọt.

Những tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước ngọt được thể hiện như sau: (IPCC, 2007: Box TS.5: 42)

+ Khối lượng nước được lưu trữ trong các sông băng và vùng tuyết bao phủ rất có khả năng bị suy giảm, làm giảm dòng chảy mùa hè và mùa thu ở những vùng đất với hơn một phần sáu dân số thế giới hiện đang sinh sống.

+ Nước mặt và nguồn nước có sẵn rất có khả năng sẽ tăng lên ở các vĩ độ cao hơn và trong một số vùng nhiệt đới ẩm ướt, bao gồm cả các khu vực đông dân cư ở Đông và Đông Nam châu Á, và sẽ giảm ở các vĩ độ trung bình và vùng nhiệt đới khô hạn, nơi mà hiện nay đang là vùng căng thẳng về nước.

+ Các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán có thể sẽ mở rộng, và các hiện tượng mưa cực đoan tăng lên về tần số và cường độ, sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt. Tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt và hạn hán sẽ tác động đến phát triển bền vững.

+ Khoảng 20% dân số thế giới sống ở các lưu vực sông có khả năng bị ảnh hưởng bởi hiểm họa lũ lụt tăng vào những năm 2080 trong quá trình nóng lên toàn cầu

+ Nhiều vùng bán khô hạn (ví dụ như lưu vực Địa Trung Hải, miền tây Hoa Kỳ, miền nam châu Phi và phía đông bắc Brazil) sẽ bị giảm tài nguyên nước do biến đổi khí hậu.

+ Số lượng người dân sống trong lưu vực sông bị căng thẳng nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng đáng kể từ 1,4-1,6 tỷ người trong năm 1995 lên tới 4,3-6,9 tỷ người vào năm 2050, cho các kịch bản A2 của SRES.

+ Mực nước biển tăng sẽ mở rộng các khu vực nhiễm mặn nước ngầm và vùng cửa sông, dẫn đến giảm lượng nước ngọt sẵn có cho con người và hệ sinh thái ở các vùng ven biển.

+ Việc nạp nước ngầm sẽ giảm đi đáng kể ở một số vùng căng thẳng về nước, nơi mà khả năng dễ bị tổn thương lại càng trầm trọng hơn do sự gia tăng nhanh chóng về dân số và nhu cầu nước.

+ Nhiệt độ nước cao hơn, cường độ mưa tăng lên và thời gian dòng kiệt dài hơn có thể sẽ làm trầm trọng thêm các hình thức ô nhiễm nguồn nước, tác động lên hệ sinh thái, sức khỏe con người, và hệ thống nước và chi phí vận hành.

+ Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của cơ sở hạ tầng nước hiện có cũng như thực tiễn quản lý nước.

+ Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hệ thống nước ngọt lớn hơn lợi ích của chúng đem lại.

+ Khu vực có dòng chảy bề mặt giảm sút sẽ đối mặt với sự giảm giá trị dịch vụ do tài nguyên nước đem lại. Những tác động có lợi của dòng chảy hàng năm tăng ở các khu vực khác sẽ được kiềm chế bởi những tác động tiêu cực của biến đổi lượng mưa gia tăng và thay đổi dòng chảy theo mùa về cấp nước, chất lượng nước và rủi ro lũ lụt

 2). Tác động đối với hệ sinh thái

+ Các khả năng chống chịu của nhiều hệ sinh thái (khả năng thích ứng của chúng một cách  tự nhiên) có thể sẽ vượt qua ngưỡng chịu đựng vào năm 2100 do tác động của sự kết hợp chưa từng thấy của biến đổi khí hậu, những rối loạn kèm theo (ví dụ,  lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, côn trùng, đại dương bị axit hóa), và những động lực thay đổi toàn cầu khác (ví dụ như, thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên).

+ Các hệ sinh thái trên đất liền có khả năng trở thành một nguồn bổ sung thêm carbon vào năm 2100, do đó làm khuếch đại biến đổi khí hậu, do phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục ở tốc độ hiện tại hoặc cao hơn và những biến đối toàn cầu không giảm bớt, chẳng hạn chế biến đổi sử dụng đất.

+ Khoảng 20 đến 30% của các loài được đánh giá (thay đổi từ 1% đến 80% số lượng loài giữa các vùng sinh thái) cho đến nay có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngày càng cao khi nhiệt độ toàn cầu trung bình là vượt quá 2 đến 3°C so với mức nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

+ Các hệ sinh thái dưới đây được xác định là dễ bị tổn thương nhất, và hầu như chắc chắn chịu tác động sinh thái nghiêm trọng nhất, kể cả sự tuyệt chủng các loài và những thay đổi quần xã sinh vật lớn. Trên các lục địa: lãnh nguyên, rừng phương bắc, các hệ sinh thái miền núi và  kiểu vùng Địa Trung Hải. Dọc theo vùng duyên hải: rừng ngập mặn và đầm lầy. Và trong các đại dương: rạn san hô và các quần xã sinh vật biển lạnh.

+ Đối với việc nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng lên đến 2 °C, một số năng suất sơ cấp ròng tăng lên ở các vĩ độ cao, trong khi một sự suy giảm năng suất sơ cấp ròng (đại dương và đất) có thể xảy ra ở các vĩ độ thấp.

+ Rừng Amazon, rừng taiga ở Trung Quốc, và phần lớn lãnh nguyên Siberi và Canada là rất có khả năng phải chịu những thay đổi lớn với sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên quá 3°C. Trong khi mở rộng diện tích rừng được dự đoán xảy ra ở Bắc Mỹ và vùng Âu-Á khi nhiệt độ ấm lên < 2°C, rừng nhiệt đới có thể chịu những tác động nghiêm trọng, bao gồm cả mất mát đa dạng sinh học.

+ Đối với nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng lên khoảng 1,5 đến 3°C, các vùng năng suất thấp trong các đại dương cận nhiệt đới có khả năng mở rộng khoảng 5% (Bắc bán cầu) và khoảng 10% (Nam bán cầu), nhưng đồng thời những quần xã sinh vật vùng cực giá lạnh năng suất cao rất có khả năng giảm đi khoảng 40% (Bắc bán cầu) và khoảng 20% (Nam bán cầu).

+ Khi những quần xã sinh vật vùng cực giá lạnh năng suất cao giảm đi, các loài sinh vật sống ở vùng cực, bao gồm động vật săn mồi như chim cánh cụt, hải cẩu và gấu bắc cực, rất có khả năng đối mặt với môi trường sống suy giảm và mất mát.

+ Mất san hô do tẩy trắng (hiện tượng bị a-xít hóa do CO2 tăng lên trong nước biển) rất dễ xảy ra trong vòng 50 năm tới, đặc biệt đối với Great Barrier Reef, nơi khí hậu thay đổi và tác động trực tiếp của con người như ô nhiễm và khai thác san hô dự kiến sẽ gây tẩy trắng hàng năm (khoảng năm 2030-2050) dẫn đến san hô chết hàng loạt.

+ Tăng cường độ và quy mô các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên quy mô toàn cầu, khi nhiệt độ tăng lên và những đợt khô nóng trở thành thường xuyên và dai dẳng hơn.

+ Sự biến động lượng mưa lớn hơn có khả năng làm tổn thương các loài sinh vật sống ở vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn ven biển thông qua các thay đổi về chế độ thủy triều, thời gian và độ sâu của vùng ngập nước.

 3). Tác động đối với sản xuất lương thực và lâm nghiệp 

+ Tại những vùng vĩ độ trung bình đến vĩ độ cao, sự nóng lên chút ít đem lại lợi ích cho sản lượng ngũ cốc và chăn nuôi vùng đồng cỏ, nhưng sự tăng nhiệt độ này lại làm giảm sản lượng lương thực ở vùng nhiệt đới và khô hạn theo mùa. Nếu sự nóng lên tăng lên thì càng tác động tiêu cực ở tất cả các vùng trên thế giới.

+ Biến đổi khí hậu làm tăng số người có nguy cơ thiếu đói ở một số vùng trên thế giới.

+ Những thay đổi được dự báo trong tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ gây hậu quả đáng kể lên sản xuất lương thực và sản xuất lâm nghiệp, và gây ra mất an ninh lương thực.

+ Những nông dân sản xuất nhỏ và tự cung tự cấp, chăn nuôi gia súc và ngư dân  có khả năng chịu tác động phức tạp mang tính địa phương của biến đổi khí hậu.

+ Tiềm năng sản xuất lương thực toàn cầu sẽ tăng lên với sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên đến khoảng 3 °C, nhưng nếu nhiệt độ tăng cao hơn giá trì này thì sản lượng này rất có khả năng giảm.

+ Trên quy mô toàn cầu, sản xuất lâm nghiệp ước tính chỉ thay đổi chút ít do biến đổi khí hậu trong ngắn và trung hạn. Sự gia tăng sản lượng sẽ chuyển từ các vùng có vĩ độ thấp trong ngắn hạn, đến các vùng vĩ độ cao trong dài hạn.

+ Sự tuyệt chủng của các loài cá địa phương cụ thể có thể xảy ra.

+ Thương mại về lương thực và lâm nghiệp dự kiến sẽ tăng lên để đáp ứng biến đổi khí hậu, với sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực ngày càng tăng của hầu hết các nước đang phát triển.

  4). Tác động tới vùng ven biển và vùng đất thấp

+ Vùng ven biển đang phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực của hiểm họa liên quan đến khí hậu và nước biển dâng và tác động này sẽ bị trầm trọng hơn do gia tăng áp lực con người trên vùng ven biển.

+ Rặng san hô sẽ phải đối mặt với sự suy giảm lớn do tẩy trắng và tỷ lệ tử vong tăng lên do nhiệt độ nước biển tăng lên. Đầm lầy và rừng ngập mặn ven biển sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nước biển dâng.

+ Tất cả các hệ sinh thái ven biển đều dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là rặng san hô, đầm lầy và rừng ngập mặn ven biển.

+ Rặng san hô là dễ bị tổn thương do sốc nhiệt và nhiệt độ bề mặt nước biển được dự báo tăng từ 1 đến 3oC vào thế kỷ 21 sẽ gây ra hiện tượng tẩy trắng thường xuyên hơn và san hô chết hàng hoạt, trừ khi các rặng san hô thích ứng được với sự thay đổi này.

+ Vùng đất ngập nước ven biển, bao gồm đầm lầy mặn và rừng ngập mặn, rất nhạy cảm với nước biển dâng, với dự báo thiệt hại toàn cầu là 33% cho trường hợp nước biển dâng lên 36 cm trong giai đoạn 2000-2080. Các tổn thất lớn nhất có khả năng xảy ra ở vùng ven biển Đại Tây Dương và Vịnh Mexico của nước Mỹ, vùng Địa Trung Hải, vùng biển Baltic, và các đảo nhỏ.

 + Axit hóa đại dương là một vấn đề mới nổi lên có tác động tiềm năng lớn trong khu vực ven biển, nhưng có rất ít các thông tin chi tiết.

+ Ngập lụt ven biển ở vùng trũng rất có khả năng trở thành một nguy cơ lớn hơn so với hiện nay do nước biển dâng và có thể còn lớn hơn các trận bão lớn ven biển, trừ khi có sự thích ứng. Những tác động rất nhạy cảm với nước biển dâng, tương lai kinh tế xã hội, và mức độ thích ứng. Nếu không có giải pháp thích ứng, hơn 100 triệu người có thể phảo chịu cảnh ngập lụt chỉ do nguyên nhân là nước biển dâng.

+ Khả năng dễ bị tổn thương của con người do biến đổi khí hậu và nước biển dâng xảy ra ở những nơi khi những căng thẳng về hệ tự nhiên ven biển vùng đất thấp  trùng với khả năng thích ứng thấp của con người và/hoặc mức độ tiếp xúc cao và bao gồm những vùng : i) Đồng bằng châu thổ, đặc biệt là đồng bằng rộng lớn ở châu Á (ví dụ như đồng bằng sông Hằng, đồng bằng sông Brahmaputra ở Bangladesh và Tây Bengal); ii) Vùng đô thị ven biển trên đất thấp, đặc biệt là những nơi dễ bị sụt lún tự nhiên hoặc con người gây ra và những nơi bão nhiệt đới hay đổ bộ vào (ví dụ, New Orleans, Thượng Hải); iii) Những hòn đảo nhỏ, đặc biệt là vùng đất thấp, vùng đảo san hô.

+ Tính dễ tổn thương tăng nhanh nhất theo khu vực có thể sẽ là vùng Đông, Đông Nam và Nam Á, và các khu vực đô thị hóa ven biển trên khắp châu Phi, và các hòn đảo nhỏ, đặc biệt ở châu Á.

 + Mực nước biển tăng lên nhưng có độ trễ đáng kể so với các yếu tố biến đổi khí hậu khác, và hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên sau năm 2100 cho nhiều thế kỷ. Sự ổn định của khí hậu có thể giảm đi, nhưng  mực nước biển dâng sẽ không dừng lại. Do đó, cần có một cam kết để thích ứng ở các vùng ven biển liên quan đến các quy hoạch không gian dài hạn.

 5). Tác động tới công nghiệp và khu cư dân

+ Lợi ích và chi phí của biến đổi khí hậu cho công nghiệp, khu dân cư và xã hội sẽ rất khác nhau theo vị trí và quy mô. Một số tác động ở vùng ôn đới và vùng cực sẽ là tích cực và ở một số nơi khác sẽ là tiêu cực. Tuy nhiên, tác động chung dường như theo hướng rất tiêu cực dưới tác động của sự nóng lên rộng lớn hoặc nhanh chóng hơn.

+ Khả năng dễ bị tổn thương của ngành công nghiệp, cơ sở hạ tầng, các khu dân cư và xã hội đối với biến đổi khí hậu nói chung là lớn hơn tại những địa điểm có nguy cơ cao, đặc biệt là vùng ven biển, ven sông, những vùng dễ bị tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, và các khu vực có nền kinh tế gắn liền với tài nguyên nhạy cảm với khí hậu, chẳng hạn như các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, nhu cầu nước và du lịch; Khả năng dễ bị tổn thương này có xu hướng đặc trưng theo vùng địa phương nhưng lại đang có xu hướng lớn hơn và ngày càng phát triển.

+ Ở những nơi các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên mạnh hơn và/hoặc thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, chi phí kinh tế của các hiện tượng cực đoan đó sẽ tăng lên, và sự gia tăng đó có thể sẽ là đáng kể trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Kinh nghiệm cho thấy rằng chi phí của các hiện tượng lớn này có thể chiếm từ vài phần trăm GDP hàng năm và thu nhập của khu vực trong những vùng rất lớn với nền kinh tế rất lớn, tới hơn 25% ở các khu vực nhỏ hơn bị tác động của các hiện tượng cực đoan này.

+ Một số cộng đồng và các hộ gia đình nghèo đã bị căng thẳng từ biến đổi khí hậu và hiện tượng cực đoan liên quan đến khí hậu; và họ có thể đặc biệt dễ bị tổn thương tới biến đổi khí hậu vì chúng có xu hướng tập trung ở các vùng có nguy cơ tương đối cao, nơi khả năng tiếp cận hạn chế tới các dịch vụ và các nguồn lực khác để đối phó, và trong một số khu vực họ còn bị phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên nhạy cảm với khí hậu, như nguồn cung cấp nước và cung cấp lương thực ở địa phương.

+ Tăng chi phí kinh tế từ các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết lại làm gia tăng sự cần thiết phải quản lý rủi ro về  kinh tế và tài chính hiệu quả. Trong những vùng và địa điểm nơi có nguy cơ đang gia tăng với hệ thống bảo hiểm tư nhân là một lựa chọn quản lý rủi ro cơ bản, thì giá cả có thể lại là một động lực cho công tác thích ứng; Trong những vùng không có hệ thống bảo hiểm tư nhân, các cơ chế  quản lý rủi ro khác sẽ là cần thiết. Trong mọi tình huống, các nhóm người dân nghèo hơn sẽ cần trợ giúp đặc biệt trong quản lý rủi ro và công tác thích ứng.

+ Ở nhiều vùng, biến đổi khí hậu có thể tạo ra vấn đề công bằng xã hội và làm gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng của chính phủ và năng lực thể chế.

+ Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và đáng tin cậy là đặc biệt quan trọng cho công tác quản lý rủi ro liên quan tới khí hậu. Những cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp nước đô thị rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các vùng ven biển, tới nước biển dâng và lượng mưa suy giảm trong khu vực; và mật độ dân số lớn thiếu cơ sở hạ tầng sẽ là dễ bị tổn thương hơn tới biến đổi khí hậu.

 6). Tác động tới sức khỏe con người

+ Các rủi ro dự báo do biến đổi khí hậu vào năm 2030 cho thấy sự gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở một số nước châu Á. Sau đó trong thế kỷ này, xu hướng dự báo về sự nóng lên sẽ làm giảm sản lượng cây trồng ở các vùng khô hạn theo mùa và vùng nhiệt đới. Điều này sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu đói, suy dinh dưỡng và các hậu quả khác liên quan tới tăng trưởng và phát triển của trẻ em, đặc biệt ở những khu vực mà hiện nay là vùng dễ bị tổn thương nhất về mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở châu Phi.

+ Đến năm 2030, lũ lụt vùng ven biển được dự đoán sẽ gây ra sự gia tăng lớn tỉ lệ tử vong. Nhìn chung, dân số có nguy cơ chịu lũ lụt dự kiến tăng lên từ 2 đến 3 lần vào năm 2080.

+ Ước tính sự gia tăng số người có nguy cơ tử vong do nóng nực khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào địa điểm, số người có tuổi, và các biện pháp thích ứng tại chỗ. Nhìn chung,  số người chết được ước tính gia tăng đáng kể trong thế kỷ này.

+ Những dự báo về bệnh sốt rét được nhìn thấy trước: trên toàn cầu, số người dân có nguy cơ bị bệnh ước tính tăng thêm từ 220 triệu người (theo kịch bản A1FI) tới 400 triệu người (theo kịch bản A2). Tại châu Phi, theo dự báo, lây lan bệnh tật ở Đông Nam châu Phi sẽ giảm đi vào năm 2020 và tăng lên ở xung quanh vùng Sahel và trung nam châu Phi vào 2080, gia tăng theo vùng và ở vùng núi cao. Đối với Anh, Úc, Ấn Độ và Bồ Đào Nha cũng dự báo chịu nguy cơ cao.

+ Đến năm 2030, chi phí của bệnh tiêu chảy ở các vùng có thu nhập thấp ước tính gia tăng thêm khoảng 2-5%. Vào năm 2050, ước tính sự gia tăng hàng năm là 5-18%  đối với các cộng đồng thổ dân ở Úc. Các trường hợp ngộ độc thực phẩm ước tính cũng sẽ được tăng lên cho Vương quốc Anh khi nhiệt độ tăng từ 1-3 °C.

+ Vào năm 2085, số người có nguy cơ bị bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu, ước tính đạt khoảng 3,5 tỷ người.

+ Ở nước Anh, số lượng ca tử vong giảm đi liên quan đến thời tiết lạnh do biến đổi khí hậu được dự báo sẽ lớn hơn số ca tử vong tăng lên liên quan đến nắng nóng.

1.2.2 Tác động của biến đổi khí hậu đối tới một số khu vực trên thế giới

Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ của biến đổi khí hậu (IPCC, 2007) và Tổ chức các nước hợp tác kinh tế và phát triển (OECD, 2009) thì biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các châu lục và vùng lãnh thổ, như Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh, Châu Bắc Mỹ, Châu Úc và Tân Tây Lan cùng như ở vùng Cực và các đảo nhỏ.

1). Châu Phi

+ Sản xuất nông nghiệp, bao gồm tiếp cận tới lương thực, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thời gian gieo trồng và năng suất tiềm năng, đặc biệt ở vùng ven với những vùng khô hạn và bán khô hạn, sẽ bị giảm sút.

+ Vào năm 2020, năng suất cây trồng từ nông nghiệp mưa trời có thể bị giảm sút đáng kể.

+ Vào năm 2020, trong khoảng từ 75 đến 250 triệu dân sẽ có thể phải đối mặt với căng thẳng về nước tăng lên do biến đổi khí hậu. Vào năm 2050, trong khoảng 350 đến 600 triệu người sẽ đối mặt với nguy cơ căng thẳng về nước, đặc biệt là dân cư ở Bắc và Nam Phi.

+ Vào năm 2050, sản suất của nhiều loại cây trồng ở Ai Cập sẽ bị giảm đi, tới 11% đối với lúa và 28% đối với cây đậu tương.

+ Nước biển dâng sẽ tác động đáng kể lên vùng ven biển. Vào năm 2050, tại Guinea, khoảng 130 đến 235 km2 ruộng lúa (tương đương với 17 đến 30% diện tích trồng lúa hiện nay) có thể bị mất đi là hậu quả của tình trạng ngập nước thường xuyên do nước biển dâng.

+ Vào năm 2050, phần lớn vùng Tây Sabel và Trung-Nam Phi có thể không thích hợp cho lan truyền bệnh sốt rét. Trong lúc đó, những vùng núi cao hoàn toàn không bị sốt rét ngày nay ở Ethiopia, Kenya và Rwanda và Burundi lại có thể bị bệnh sốt rét xâm nhập.

2). Châu Á

+ Vào năm 2050, khoảng 49 triệu người nữa sẽ có nguy cơ bị đói. Một vài dự báo còn đưa ra con số từ 7% đến 15% dân cư có nguy cơ bị đói.

+ Sự khác biệt đáng kể theo vùng về năng suất lúa mỳ, ngô và gạo sẽ được dự báo. Năng suất cây trồng có thể tăng thêm 20% ở Đông và Đông Nam châu Á và giảm đi tới 30% tại Trung và Nam Á.

+ Biến đổi khí hậu dường như sẽ dẫn đến diện tích đất nông nghiệp cần được tưới tiêu tăng lên, trong khi tài nguyên nước sẵn có lại giảm đi. Nhiệt độ tăng lên 1oC sẽ dự báo làm tăng nhu cầu sử dụng nước trong tưới tiêu nông nghiệp lên 10% tại những vùng khô hạn và bán khô hạn của Đông Á.

+ Vào năm 2050, 132 triệu người dân nữa có nguy cơ bị đói.

+ Vào năm 2050, tại Bangladesh, sản xuất lúa và lúa mỳ có thể giảm đi tương ứng là 8% và 32%.

+ Vào năm 2050, nước ngọt tại Trung, Nam, và Đông Nam châu Á, đặc biệt tại những lưu vực sông lớn, sẽ bị giảm sút như là hậu quả của biến đổi khí hậu, trong khi nhu cầu lại tăng lên cùng với sự gia tăng dân số và mức sống. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến hơn 1 tỷ người tại châu Á vào những năm 2050.

+ Sự tan chảy các dòng sông băng liên quan đến biến đổi khí hậu có thể tác động đến vùng Himalây-Hindu-Kush và ¼ tỷ người Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nước từ tan băng cho nhu cầu cung cấp nước.

+ Những vùng ven biển, đặc biệt là những khu đông dân cư ở Nam, Đông và Đông Nam châu Á sẽ bị rủi ro cao nhất của ngập lụt do nước biển dâng, và ở một vài khu vực, là do sông ngòi.

+ Vào năm 2050, hơn 1 triệu người dân sẽ bị tác động trực tiếp của nước biển dâng trong mỗi vùng đồng bằng Ganges-Brâhmputra-Meghna tại Bangladesh và Đông Nam châu Á tại đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam.

+ Sự hoành hành và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm liên quan chủ yếu với tình trạng lũ lụt và hạn hán được dự báo là sẽ tăng lên ở Đông, Nam và Đông Nam châu Á theo những dự báo thay đổi trong chu trình thủy văn.

+ Biến đổi khí hậu dự báo là pha trộn giữa áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường liên quan đến quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng. Khoảng 50% đa dạng sinh học ở châu Á có nguy cơ bị tác động.

+ Từ 24% đến 30% những rặng san hô có thể biến mất trong vòng 10 đến 30 năm nữa.

3). Châu Âu

+ Vào những năm 2070, dòng chảy hàng năm dự báo sẽ tăng ở miền bắc châu Âu, và giảm tới 36% ở miền nam châu Âu, với dòng chảy mùa hè có thể thấp giảm tới 80%.

+ Tỷ lệ diện tích lưu vực sông trong phân loại căng thẳng về nước (nước khai thác/lưu lượng nước lớn hơn 0,4) dự kiến sẽ tăng lên từ 19% hiện nay lên 34-36% vào những năm 2070.

+ Số người bổ sung thêm sống các lưu vực sông căng thẳng về nước tại 17 nước Tây Âu có khả năng tăng từ 16 đển 44 triệu người vào năm 2080, tùy thuộc vào các kịch bản.

+ Vào những năm 2070, tiềm năng thủy điện cho toàn bộ châu Âu dự kiến sẽ giảm đi 6%, cùng với biến động theo vùng rất lớn, giảm từ 20 đến 50% ở khu vực Địa Trung Hải và đồng thời lại tăng lên từ 15 đến 30% ở miền bắc và miền đông châu Âu.

+ Một tỷ lệ lớn của hệ thực vật châu Âu có thể trở nên dễ bị tổn thương, nguy cấp, cực kỳ nguy cấp hoặc tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21 theo một loạt các kịch bản SRES.

+ Đến năm 2050, diện tích canh tác dự kiến sẽ mở rộng về phía bắc trong khu vực. Sự gia tăng lớn nhất trong sản lượng cây trồng liên quan đến khí hậu dự kiến sẽ ở Bắc Âu (ví dụ, lúa mì: 2-9% vào năm 2020, 8-25% vào năm 2050, 10-30% vào năm 2080), trong khi suy giảm lớn nhất dự kiến xảy ra ở phía Nam (ví dụ, lúa mì: +3 tới +4% vào năm 2020, -8 đến 22% vào năm 2050, -15 đến +32% vào năm 2080).

+ Diện tích rừng có khả năng tăng lên ở phía bắc và giảm ở phía nam. Các loài cây dự kiến sẽ phân bố lại, bao gồm cả giới hạn phân bố cây trên núi cao. Nguy cơ cháy rừng gần như chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể ở miền nam châu Âu.

 + Hầu hết các loài động vật lưỡng cư (45 đến 69%) và các loài bò sát (61 đến 89%) sẽ mở rộng phạm vi môi trường sống của mình nếu khả năng phân tán không bị cản trở.

+ Những sông băng Alpine nhỏ ở các vùng khác nhau sẽ biến mất, trong khi các sông băng lớn hơn sẽ bị suy giảm khối lượng từ 30% và 70% vào năm 2050 theo một loạt các kịch bản phát thải, đồng thời với mức giảm lượng tuyết tan vào mùa xuân và mùa hè.

4). Châu Nam Mỹ và vùng Carribê

+ Vào năm 2020, sự suy giảm trong năng suất lúa và gia tăng năng suất đậu tương (với tác động của CO2 được xem xét) được dự báo.

+ Vào năm 2020, khoảng 5 triệu người dân nữa có thể có nguy cơ bị thiếu đói (không tính đến tác động của CO2).

+ Căng thẳng do nắng nóng và khô hạn hơn có thể làm giảm năng suất cây trồng trong những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khi sản lượng đã đến giới hạn của sức chịu đựng.

+ Vào năm 2020, trong vùng ôn đới như ở vùng đồng cỏ của Argentina và Uruguya, năng suất đồng cỏ có thể tăng lên thêm trong khoảng từ 1 đến 9%.

+ Vào năm 2020, lượng số người tăng lên thêm chịu căng thẳng về nước có thể nằm giữa 7 và 77 triệu người.

+ Trong những thập kỷ tới, những sông băng núi cao giữa các vùng nhiệt đới được dự báo sẽ biến mất, tác động đến nguồn nước và sản sinh năng lượng thủy điện.

+ Ở Peru, sự suy giảm sông băng sẽ tác động đến nguồn cung cấp nước cho 60% dân số.

+ Dưới khía cạnh tác động đến sức khỏe, những vấn đề chính là căng thẳng về nắng nóng, bệnh sốt rét, tả và các bệnh khác liên quan đến nguồn nước.

+ Vào năm 2050, sa mạc hóa và mặn hóa được dự báo tác động đến 50% đất nông nghiệp.

+ Vào năm 2050, khoảng 26 triệu người nữa sẽ có thể có nguy cơ bị thiếu đói (không tính đến tác động của CO2).

+ Đối với những nông dân quy mô nhỏ, năng xuất ngô dự báo sẽ suy giảm đi 10% vào năm 2055.

+ Vào giữa thế kỷ tới, sự gia tăng nhiệt độ và sự suy giảm nước trong đất được dự báo dẫn đến chuyển đổi rừng nhiệt đới thành savan ở Đông Amazone.

+ Nguy cơ mất đa dạng sinh học đáng kể do tuyệt chủng loài được dự báo trong nhiều vùng của châu Nam Mỹ nhiệt đới.

+ Sự tuyệt chủng 24% của 138 loài cây gỗ của vùng savan Trung Brazil có thể gây ra gia tăng nhiệt độ bề mặt. Rừng nhiệt đới trên vùng núi cao sẽ bị đe dọa nếu nhiệt độ tăng lên tư 1oC đến 2oC.

5). Châu Bắc Mỹ

+ Sự gia tăng dân số, tăng giá trị tài sản và đầu tư liên tục sẽ làm tăng khả năng dễ bị tổn thương ở vùng ven biển. Việc gia tăng sự phá hoại của các cơn bão ven biển là rất có khả năng dẫn đến sự gia tăng đáng kể thiệt hại từ thời tiết cực đoan và bão lớn, với những thiệt hại trầm trọng do mực nước biển dâng. Công việc thích ứng không đồng đều và người nghèo sẽ phải đối mặt với những thách thức trên.

 + Mực nước biển dâng và các hiện tượng có liên quan trong gia tăng triều cường và lũ lụt sẽ có khả năng làm ảnh hưởng đến giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng dọc theo vùng Vịnh, vùng ven biển Đại Tây Dương và vùng phía Bắc, như đường bộ và đường sắt, cầu, hầm, hải cảng và kho tàng trung chuyển.

 + Các đợt nắng nóng, đặc trưng bởi khối không khí oi nóng ban ngày và nhiệt độ giảm mạnh ban đêm, có khả năng gia tăng về số lượng, cường độ và thời gian ở các thành phố nơi mà chúng đã xảy ra, và có tác động đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người cao tuổi.

+ Giảm nguồn cung cấp nước cùng với sự gia tăng nhu cầu có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tài nguyên nước.

 + Biến đổi khí hậu trong một vài thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 có khả năng tăng sản xuất lâm nghiệp, nhưng với tác động của hạn hán, bão, côn trùng phá hại và các yếu tố khác.

 + Biến đổi khí hậu vừa phải trong những thập kỷ đầu của thế kỷ này có thể làm tăng tổng sản lượng nông nghiệp mưa trời từ 5 đến 20%, nhưng với khác biệt lớn giữa các vùng.

+ Đến nửa sau của thế kỷ 21, những tác động lớn nhất lên rừng có thể là do sự xáo trộn các nguyên nhân như sâu, bệnh và cháy rừng. Nhiệt độ ấm hơn vào mùa hè được dự đoán sẽ làm tăng nguy cơ cháy cao từ 10 đến 30%, và tăng diện tích bị cháy từ 74-118% tại Canada vào năm 2100.

 + Tốc độ mất đất ngập nước ven biển hiện nay dự kiến tăng lên do mực nước biển tăng  tương đối nhanh. Đa dạng sinh học dự kiến sẽ giảm ở trong đầm lầy mặn ven biển phía đông bắc.

 + Tính dễ bị tổn thương tới biến đổi khí hậu có thể sẽ được tập trung vào một số nhóm dân cư và khu vực cụ thể, bao gồm cả người dân bản địa và những người khác phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hạn chế, và những người nghèo và người cao tuổi ở các thành phố.

 + Đầu tư tiếp tục trong việc thích ứng theo kinh nghiệm truyền thống chứ không dựa vào điều kiện dự báo trong tương lai có khả năng làm tăng tính dễ bị tổn thương của nhiều lĩnh vực đối với biến đổi khí hậu. Phát triển cơ sở hạ tầng, với thời gian đầu tư dài hạn, cần phải được cân nhắc đến những thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu.

1.3 Tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam phần lớn mới được đề cập trong thời gian gần đây. Ở cấp độ quốc gia, những tác động của biến đổi khí hậu được trình bày một cách khá đầy đủ trong nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008, 2009), Nguyễn Đức Ngữ (2008); Nguyễn Đức Ngữ và Nguyễn Văn Hiệu (2009); của Viện Nghiên cứu Chiến lược Tài nguyên và Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (IPONRE, 2009), của Lưu Đức Hải (2009), và gần đây nhất của Viện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (2011).  Một số nghiên cứu cũng đề cập đến tác động của nước biển dâng lên vùng ven biển của Việt Nam, như của Carew-Reid (2008), về ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Hữu Ninh, 2007), và ở thành phố Hồ Chí Minh (ADB, 2010). 

1.3.1 Tóm tắt những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008), những tác động nghiêm trọng nhất của BĐKH đối với Việt Nam có thể được tóm tắt theo tác động của nước biển dâng, tác động của sự nóng lên toàn cầu và Tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai.

1). Tác động của nước biển dâng

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, hơn một triệu km2 lãnh hải và trên 3.000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp ven biển. Những vùng này hàng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. BĐKH và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nói trên, làm tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, gây rủi ro lớn đối với các công trình xây dựng ven biển như đê biển, đường giao thông, bến cảng, các nhà máy, các đô thị và khu dân cư ven biển. Mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, gây nguy cơ đối với các rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến nền tảng sinh học cho các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển. Tất cả những điều trên đây đòi hỏi phải có đầu tư rất lớn để xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, nhằm ứng phó với mực nước biển dâng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, di dời và xây dựng các khu dân cư và đô thị có khả năng thích ứng cao với nước biển dâng.

2). Tác động của sự nóng lên toàn cầu

Nhiệt độ tăng lên ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và hệ sinh thái nước ngọt, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng, một số loài có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới có thể bị mất đi dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ có thể bị thay đổi ở một số vùng, trong đó vụ đông ở miền Bắc có thể bị rút ngắn lại hoặc thậm chí không còn vụ đông; vụ mùa kéo dài hơn. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi kỹ thuật canh tác. Nhiệt độ tăng và tính biến động của nhiệt độ lớn hơn, kể cả các nhiệt độ cực đại và cực tiểu, cùng với biến động của các yếu tố thời tiết khác và thiên tai làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ và rủi ro đối với nông nghiệp và an ninh lương thực.

Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao làm gia tăng sức ép về nhiệt đối với cơ thể con người, nhất là người già và trẻ em, làm tăng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm thông qua sự phát triển của các loài vi khuẩn, các côn trùng và vật chủ mang bệnh, chế độ dinh dưỡng và vệ sinh môi trường suy giảm.

Sự gia tăng của nhiệt độ còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, du lịch, thương mại,… liên quan đến chi phí gia tăng cho việc làm mát, thông gió, bảo quản và vận hành thiết bị, phương tiện, sức bền vật liệu.

3). Tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai

Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần số và cường độ do BĐKH là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố lốc là thiên tai xảy ra hàng năm ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

BĐKH sẽ làm cho các thiên tai nói trên trở nên ác liệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Những vùng/khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Bảng 4. Một số ví dụ về tác động của biến đổi khí hậu

Thông số

Tác động tiềm năng

Biến động về nhiệt độ(nhiệt độ tăng vào mùa nóng, giảm vào mùa lạnh, tăng nhiệt độ cực đại, tăng số lượng các đợt nóng có cường độ cao...)

+ Tăng lượng bốc hơi và làm giảm cân bằng nước, làm trầm trọng hơn tình trạng hạn hán.

+ Tăng các bệnh truyền nhiễm, tăng các trường hợp tử vong và bệnh mãn tính ở người già.

+ Tăng áp lực lên gia súc và động vật hoang dã.

+ Tăng nguy cơ cháy rừng.

+ Tăng nhu cầu sử dụng điện để làm mát và làm giảm độ ổn định và tuổi thọ của hệ thống cung cấp điện.

Thay đổi về lượng mưa(tăng về mùa mưa, giảm về mùa khô)

+ Tăng dòng chảy lũ và ngập lụt.

+ Tăng khả năng sản xuất thủy điện

+ Tăng nguy cơ xói mòn và sạt lở đất

+ Tăng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô

+ Thay đổi hệ sinh thái lưu vực sông và các vùng ngập nước

Tăng cường độ và tần suất bão

+ Tăng ngập lụt vùng ven biển và ven sông

+ Tăng nguy cơ tổn thất về người, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế xã hội

+ Tăng nguy cơ tàn phá các hệ sinh thái ven biển

Nước biển dâng

+ Tăng ngập lụt vùng ven biển và ven sông

+ Xâm nhập mặn sâu hơn làm ảnh hưởng tới các hoạt động cung cấp nước, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

+ Giảm khả năng tiêu thoát nước.

Nguồn: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, 2011: Bảng 2.1, trang 6

Bảng 5. Tác động của biến đổi khí hậu lên các ngành và đối tượng dễ bị tổn thương

Vùng địa lý

Tác động của biến đổi khí hậu

Ngành chịu tác động

Đối tượng dễ bị tổn thương

Vùng ven biển và hải đảo

+ Mực nước biển dâng

+ Gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới

+ Gia tăng lũ lụt và sạt lở đất (Trung Bộ)

+ Nông nghiệp và an ninh lương thực

+ Thủy sản

+ Giao thông vận tải

+ Xây dựng, hạ tầng, phát triển đô thị, nông thôn

+ Môi trường, tài nguyên nước, đa dạng sinh học

+ Y tế, sức khỏe cộng đồng, các vấn đề xã hội khác.

+ Kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch

+ Nông dân và ngư dân nghèo ven biển

+ Người già, trẻ em, phụ nữ

Vùng đồng bằng

+ Mực nước biển dâng

+ Gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới

+ Lũ lụt và sạt lở đất (Bắc Bộ)

+ Xâm nhập mặn

+ Nông nghiệp và an ninh lương thực

+ Thủy sản

+ Công nghiệp

+ Giao thông vận tải

+ Xây dựng, hạ tầng, phát triển đô thị, nông thôn

+ Môi trường, tài nguyên nước, đa dạng sinh học

+ Y tế, sức khỏe cộng đồng, các vấn đề xã hội khác.

+ Kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch

+ Nông dân nghèo

+ Người già, trẻ em, phụ nữ

Vùng núi và trung du

+ Gia tăng lũ và sạt lở đất

+ Gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan

+ Nhiệt độ gia tăng và hạn hán (Tây nguyên, miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ)

+ An ninh lương thực

+ Giao thông vận tải

+ Môi trường, tài nguyên nước, đa dạng sinh học

+ Y tế, sức khỏe cộng đồng, các vấn đề xã hội khác.

 

+ Dân cư miền núi, nhất là dân tộc thiểu số

+ Người già, phụ nữ, trẻ em.

Vùng đô thị

+ Mực nước biển dâng

+ Gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới

+ Gia tăng lũ lụt và ngập úng

+ Nhiệt độ tăng

+ Công nghiệp

+ Giao thông vận tải

+ Xây dựng, hạ tầng, phát triển đô thị

+ Môi trường, tài nguyên nước

+ Y tế, sức khỏe cộng đồng, các vấn đề xã hội khác.

+ Kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch

+ Năng lượng

+ Người nghèo, thu nhập thấp, công nhân

+ Người già, phụ nữ, trẻ em.

+ Người lao động

+ Người nhập cư

Nguồn: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, 2011: Bảng 2.2, trang 7

1.3.2 Tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực chủ yếu

Bộ tài nguyên và Môi trường (2008) trong Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu đã xác định một số lĩnh vực bị tác động ở Việt Nam, bao gồm tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng – giao thông vận tải, công nghiệp và xây dựng, sức khỏe con người, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

1). Tài nguyên nước

Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ lên tài nguyên nước của nước ta (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008) tài nguyên nước đang chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất điện.

Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán vào mùa khô, gây khó khăn cho việc cấp nước và tăng mâu thuẫn trong sử dụng nước. Trên các sông lớn như sông Hồng và sông Cửu Long, xu hướng giảm nhiều hơn đối với dòng chảy năm và dòng chảy kiệt; xu thế tăng nhiều hơn đối với dòng chảy lũ.

Các kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2009) chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu (BÐKH) trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn tới các nguồn nước ở Việt Nam, nhất là với hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Công. Theo các kịch bản về BÐKH, những năm tới, hai dòng chảy quan trọng này sẽ tác động tới nguồn tài nguyên nước của Việt Nam. Theo đó, so với hiện nay, vào năm 2070, dòng chảy năm sẽ biến đổi trong khoảng từ (+5,8%) đến (+19,0%) đối với sông Hồng và (+4,2%) đến (-14,5%) đối với sông Mê Công; dòng chảy kiệt biến đổi trong khoảng (-10,3%) đến (-14,5%) đối với sông Hồng và (-2,0%) đến (-24,0%) đối với sông Mê Công; dòng chảy lũ biến đổi trong khoảng (+12,0%) đến (-5,0%) đối với sông Hồng và (+15,0%) đến (-7,0%) đối với sông Mê Kông.

2). Nông nghiệp và an ninh lương thực

Biến đổi khí hậu sẽ tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta trong thời gian tới (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008; Đào Xuân Học, 2009; Cuong, 2008; Tô Văn Trường, 2009) và vì thế ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở nước ta (Tô Văn Trường, 2009).

BĐKH có tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. BĐKH ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm

Với sự nóng lên trên phạm vi toàn lãnh thổ, thời gian thích nghi của cây trồng nhiệt đới mở rộng và của cây trồng á nhiệt đới thu hẹp lại. Ranh giới của cây trồng nhiệt đới dịch chuyển về phía vùng núi cao hơn và các vĩ độ phía Bắc. Phạm vi thích nghi của cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp thêm. Vào những năm 2070, cây á nhiệt đới ở vùng núi chỉ có thể sinh trưởng ở những độ cao trên 100 - 500m và lùi xa hơn về phía Bắc 100 - 200 km so với hiện nay.

BĐKH có khả năng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, tố, lốc, các thiên tai liên quan đến nhiệt độ và mưa như thời tiết khô nóng, lũ lụt, ngập úng hay hạn hán, rét hại, xâm nhập mặn, sâu bệnh, làm giảm năng suất và sản lượng của cây trồng và vật nuôi.

BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp ở vùng đất thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long bị ngập mặn do nước biển dâng, nếu không có các biện pháp ứng phó thích hợp.

Ranh giới của cây trồng nhiệt đới dịch chuyển về phía vùng núi cao hơn và các vĩ độ phía Bắc. Phạm vi thích nghi của cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp thêm. Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết có thể làm nảy sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm và phát triển thành dịch hay đại dịch. Hơn nữa, dòng chảy và xói mòn đất tăng lên gây ra suy thoái độ màu mỡ của đất và vì vậy, làm suy giảm năng suất.

Ở Việt Nam, Mô hình mô phỏng sinh thái-động (Dynamic-Ecological simulation Model) do Tập đoàn DINA-COAST xây dựng, dự báo giảm sản lượng lúa xuân 2,4% vào năm 2020 và 8,4% vào năm 2050 theo kịch bản A1B (Bảng 7). Lúa hè thu ít nhạy cảm hơn đối với biến đổi khí hậu so với lúa xuân nhưng cũng giảm đi 0,77% sản lượng vào năm 2050. Như vậy, sản lượng lúa ở miền Bắc và miền Trung sẽ bị tác động mạnh hơn so với ở miền Nam.

Bảng 6. Thay đổi sản lượng lúa ở Việt Nam (so với các năm 1980-1990), %

Vị trí

Lúa xuân

Lúa hè thu

2020

2050

2020

2050

Hà Nội (miền Bắc)

- 3,7

- 12,5

- 1,0

- 3,7

Đà Nẵng (miền Trung)

- 2,4

- 6,8

- 1,2

- 4,2

TP. Hồ Chí Minh (miền Nam)

- 1,1

- 6,0

- 0,2

- 1,7

Trung bình

- 2,4

- 8,4

- 0,8

- 3,2

  Nguồn: Cuong, 2008

3). Lâm nghiệp

Biến đổi khí hậu đã tác động đã tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái rừng, phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008; Phạm Minh Thoa và Phạm Mạnh Cường, 2008).

Do BĐKH, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng theo các chiều hướng khác nhau

- Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặn hiện có, tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở các tỉnh Nam Bộ.

- Ranh giới rừng nguyên sinh cũng như rừng thứ sinh có thể dịch chuyển. Rừng cây họ dầu mở rộng lên phía Bắc và các dải cao hơn, rừng rụng lá với nhiều cây chịu hạn phát triển mạnh.

- Nhiệt độ cao kết hợp với ánh sáng dồi dào thúc đẩy quá trình quang hợp dẫn đến tăng cường quá trình đồng hóa của cây xanh. Tuy vậy, chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng có thể giảm do độ ẩm giảm.

- Nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật gia tăng, một số loài động, thực vật quý hiếm có thể bị suy kiệt.

- Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh...

Sự biến động phức tạp của thời tiết đang và sẽ gây ra nhiều tác hại tới rừng và nghề rừng (Phạm Minh Thoa và Phạm Mạnh Cường, 2008). Biến đổi khí hậu đe dọa tới đa dạng sinh học rừng, làm tăng nguy cơ mất rừng, nguy cơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp và do đó làm tăng nguy cơ phát thải khí nhà kính. Nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, tăng dịch bệnh và làm giảm khả năng chống chọi của các hệ sinh thái rừng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi tổ thành và cấu trúc của một số hệ sinh thái rừng, buộc các loài phải di cư và tìm cách thích ứng với điều kiện sống mới. Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ tuyệt chủng một số loài động thực vật, gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Ở nước ta, hạn hán xảy ra ở rất nhiều nơi với những thiệt hại ngày càng lớn hơn. Hạn hán và nắng nóng đã gây ra cháy rừng. Có thể kế ra đây một số đợt hạn hán nghiêm trọng nhất. Đó là đợt hạn hán 1997-1998. Riêng 6 tháng đầu năm 1998 có 60 vụ cháy rừng ở Đồng Nai (làm mất 1.200 ha) và ở Đắc Lắc (làm mất 316 ha). Đợt khô hạn từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1998 đã làm 11.370 ha rừng bị cháy. Theo ước tính, thiệt hại tổng cộng trong cả nước lên tới trên 5.000 tỷ đồng.Cháy rừng đã làm huỷ hoại nhiều cánh rừng trên đất nước.

Khoảng 5 triệu ha rừng bị liệt vào loại dễ cháy ở bất cứ mùa nào trong năm. Trong số diện tích rừng hiện có, 56% dễ bị cháy trong mùa khô. Mỗi đe doạ cháy rừng lớn nhất là rừng thông ở vùng cao nguyên Trung Bộ và rừng tràm ở châu thổ sông Mê Công. Trong mùa khô 1997-1998, do thời tiết khô nóng đã có 1.681 vụ cháy rừng trên toàn quốc làm mất khoảng 19.819 ha, trong đó có 6.293 ha rừng tự nhiên, 7.888 ha rừng trồng, 494 ha rừng tre nứa và 5.123 ha cỏ và cây bụi. Ở Quảng Ninh và Lâm Đồng, các vụ cháy rừng thông đã làm tê liệt nhiều nhà máy sản xuất nhựa thông (Cục Kiểm Lâm, 1999). Mực nước tại một số điểm đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hạn này đã hạ thấp tới mức – 0,3 tới – 0,4 m. Trong tất cả các vụ cháy rừng, vụ cháy rừng U Minh Thượng năm 2002 là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất, đã phá huỷ trên 5.000 ha rừng ngập mặn có giá trị đa dạng sinh học cao, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Các loại rừng bị cháy thường là các loại rừng non mới tái sinh, rừng trồng từ 3-5 tuổi, trảng cỏ và cây bụi. Gần đây nhất là đợt hán hán kéo dài 9 tháng liền năm 2004-2005 đã gây tổn thất nhiều cho sản xuất lâm nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên.

4). Thủy sản

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động mạnh mẽ đến phát triển thủy hải sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008) và dẫn đến các hậu quả sau đây:

- Nước mặn lấn sâu vào nội địa, làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số loài thủy sản nước ngọt.

- Rừng ngập mặn hiện có bị thu hẹp, ảnh hưởng đến nơi cư trú của một số loài thủy sản.

- Khả năng cố định chất hữu cơ của hệ sinh thái rong biển giảm, dẫn đến giảm nguồn cung cấp sản phẩm quang hợp và chất dinh dưỡng cho sinh vật đáy. Do vậy, chất lượng môi trường sống của nhiều loại thủy sản xấu đi.

Nhiệt độ tăng cũng dẫn đến một số hậu quả:

- Gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt độ rõ rệt trong thủy vực nước đứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật.

- Một số loài di chuyển lên phía Bắc hoặc xuống sâu hơn làm thay đổi cơ cấu phân bố thủy sinh vật theo chiều sâu.

- Quá trình quang hóa và phân huỷ các chất hữu cơ nhanh hơn, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sinh vật. Các sinh vật tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cho quá trình hô hấp cũng như các hoạt động sống khác làm giảm năng suất và chất lượng thủy sản.

- Suy thoái và phá huỷ các rạn san hô, thay đổi các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra trong mối quan hệ cộng sinh giữa san hô và tảo.

- Cường độ và lượng mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò,...) bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng độ muối thay đổi.

Đối với nguồn lợi hải sản và nghề cá, BĐKH gây ra các tác động:

- Nước biển dâng làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi. Kết quả là các quần xã hiện hữu thay đổi cấu trúc và thành phần, trữ lượng giảm sút.

- Nhiệt độ tăng làm cho nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn. Cá ở các rạn san hô đa phần bị tiêu diệt.

- Các loài thực vật nổi, mắt xích đầu tiên của chuỗi thức ăn cho động vật nổi bị huỷ diệt, làm giảm mạnh động vật nổi, do đó làm giảm nguồn thức ăn chủ yếu của các động vật tầng giữa và tầng trên.

5). Năng lượng – giao thông vận tải

Tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành nghề như năng lượng và giao thông vận tải và thể hiện ở khía cạnh sau (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008).

Nước biển dâng gây các tác động sau đây:

- Ảnh hưởng tới hoạt động của các dàn khoan được xây dựng trên biển, hệ thống dẫn khí và các nhà máy điện chạy khí được xây dựng ven biển, làm tăng chi phí bảo dưỡng, duy tu, vận hành máy móc, phương tiện,...

- Các trạm phân phối điện trên các dải ven biển phải tăng thêm năng lượng tiêu hao cho bơm tiêu nước ở các vùng thấp ven biển. Mặt khác, dòng chảy các sông lớn có công trình thủy điện cũng chịu ảnh hưởng đáng kể.

Nhiệt độ tăng cũng gây tác động đến ngành năng lượng:

- Tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện.

- Tiêu thụ điện cho sinh hoạt gia tăng và chi phí làm mát trong các ngành công nghiệp, giao thông, thương mại và các lĩnh vực khác cũng gia tăng đáng kể.

- Nhiệt độ tăng kèm theo lượng bốc hơi tăng kết hợp với sự thất thường trong chế độ mưa dẫn đến thay đổi lượng nước dự trữ và lưu lượng vào của các hồ thủy điện.

BĐKH theo hướng gia tăng cường độ và lượng mưa, bão, dông sét cũng ảnh hưởng, trước hết đến hệ thống dàn khoan ngoài khơi, hệ thống vận chuyển dầu và khí vào bờ, hệ thống truyền tải và phân phối điện,…

Yêu cầu hạn chế tốc độ tăng phát thải khí nhà kính (KNK) cũng ảnh hưởng đến hoạt động của ngành năng lượng.

BĐKH có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông vận tải, một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải KNK không ngừng tăng lên trong tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc kiểm soát và hạn chế tốc độ tăng phát thải KNK đòi hỏi ngành phải đổi mới và áp dụng các công nghệ ít chất thải và công nghệ sạch dẫn đến tăng chi phí lớn.

Nhiệt độ tăng làm tiêu hao năng lượng của các động cơ, trong đó có các yêu cầu làm mát, thông gió trong các phương tiện giao thông cũng góp phần tăng chi phí trong ngành GTVT.

6). Tác động của biến đổi khí hậu đối với công nghiệp và xây dựng

Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ tới ngành công nghiệp và xây dựng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008).

Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, phát triển nhanh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các khu công nghiệp là các cơ sở kinh tế quan trọng của đất nước đang và sẽ được xây dựng nhiều ở vùng đồng bằng phải đối diện nhiều hơn với nguy cơ ngập lụt và thách thức trong thoát nước do nước lũ từ sông và mực nước biển dâng. Vấn đề này đòi hỏi các đánh giá và tăng đầu tư lớn trong xây dựng các khu công nghiệp và đô thị, các hệ thống đê biển, đê sông để bảo vệ, hệ thống tiêu thoát nước, áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, đặc biệt những khu công nghiệp có rác thải và hóa chất độc hại được xây dựng trên vùng đất thấp.

BĐKH làm tăng khó khăn trong việc cung cấp nước và nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp và xây dựng như dệt may, chế tạo, khai thác và chế biến khoáng sản, nông, lâm, thủy, hải sản, xây dựng công nghiệp và dân dụng, công nghệ hạt nhân, thông tin, truyền thông, v.v. Các điều kiện khí hậu cực đoan gia tăng cùng với thiên tai làm cho tuổi thọ của vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị và các công trình giảm đi, đòi hỏi những chi phí tăng lên để khắc phục.

BĐKH còn đòi hỏi các ngành này phải xem xét lại các quy hoạch, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành nhằm thích ứng với BĐKH.

7). Sức khỏe con người

Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ sức khỏe của người dân (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008).

Nhiệt độ tăng làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh.

Tình trạng nóng lên làm thay đổi cấu trúc mùa nhiệt hàng năm. Ở miền Bắc, mùa đông sẽ ấm lên, dẫn tới thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người.

BĐKH làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới: sốt rét, sốt xuất huyết, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh, làm tăng số lượng người bị bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan,...

Thiên tai như bão, tố, nước dâng, ngập lụt, hạn hán, mưa lớn và sạt lở đất v.v... gia tăng về cường độ và tần số làm tăng số người bị thiệt mạng và ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe thông qua ô nhiễm môi trường, suy dinh dưỡng, bệnh tật hoặc do những đổ vỡ của kế hoạch dân số, kinh tế – xã hội, cơ hội việc làm và thu nhập. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những nông dân nghèo, các dân tộc thiểu số ở miền núi, người già, trẻ em và phụ nữ.

8). Hệ sinh thái và đa dạng sinh học

Biến đổi khí hậu tác động đến đa dạng sinh học chưa được nghiên cứu nhiều, ngoài một số nghiên cứu bước đầu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008; Trương Quang Học, 2007), hay đến hệ sinh thái ven biển (Phan Nguyên Hồng và Trần Thục, 2009).

BĐKH và ĐDSH có sự tương tác nhân quả với nhau và trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của tự nhiên và con người.

Một mặt, các quá trình diễn ra trong các HST, nhất là trong HST nông nghiệp, HST rừng và các hoạt động sản xuất của con người (trồng trọt, chăn nuôi) góp phần làm tăng lượng phát thải KNK - tác nhân chủ yếu gây ra BĐKH. Mặt khác, một số HST mà quan trọng nhất là HST rừng lại có chức năng điều hòa khí hậu và hấp thụ CO2 trong quá trình quang hợp, góp phần làm giảm lượng KNK trong khí quyển.

Tác động của BĐKH như làm nước biển dâng, nhiệt độ trung bình tăng, chu kỳ sinh khí hậu thay đổi (số ngày có nhiệt độ < 20oC giảm và số ngày có nhiệt độ > 25oC tăng, tổng lượng nhiệt tăng, nhiệt độ tối thấp tăng), tài nguyên nước thay đổi – suy giảm về chất lượng và trữ lượng; thiên tai (bão lụt, lũ quét, hạn hán, sạt lở) xảy ra với cường độ và tần suất cao hơn, có tác động phức tạp tới các mặt khác nhau của đời sống xã hội nói chung và ĐDSH nói riêng.

Đối với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn - các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước – nơi sinh sống của các công đồng dân cư lâu đời (hiện có tỷ lệ đói nghèo cao), vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất và các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa bao gồm cả các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển.

Nhiệt độ tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần xã sinh vật của nhiều HST: các loài nhiệt đới sẽ giảm đi trong các HST ven biển và có xu hướng chuyển dịch lên các đới và vĩ độ cao hơn trong các HST trên cạn; các loài ôn đới sẽ giảm đi; cấu trúc chuỗi và lưới thức ăn cũng thay đổi. Ví dụ đối với vùng vĩ độ trung bình (24-600), các đới nhiệt độ hiện nay có khả năng dịch chuyển 150-550 km.

BĐKH còn ảnh hưởng đến các thuỷ vực nội địa (sông, hồ, đầm lầy...) qua sự thay đổi nhiệt độ nước và mực nước làm thay đổi lớn tới thời tiết (chế độ mưa, bão, hạn hán, cháy rừng, El-nino…), đặc biệt là tần suất và thời gian của những trận lũ và hạn hán lớn sẽ làm giảm năng suất sinh học của cây trồng nông, công và lâm nghiệp, và sự diệt vong của nhiều loài động, thực vật bản địa, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Bão, sự biến đổi bất thường của nhiệt độ , lũ lụt, hỏa hoạn và những thay đổi điều kiện sinh thái khác sẽ dẫn tới các thảm họa chết người, ốm đau, thương tích, suy dinh dưỡng và các bệnh dịch mới, nhất là các bệnh do vectơ truyền có tỷ lệ tử vong cao. Một yếu tố quan trọng trong đánh giá hậu quả của BĐKH là độ trơ của hệ thống khí hậu: sự thay đổi của khí hậu xảy ra từ từ và khi sự thay đổi đáng kể xảy ra thì khó phục hồi lại trạng thái ban đầu. Do đó thậm chí khi nồng độ các KNK đã được ổn định thì sự ấm lên của Trái đất vẫn tiếp tục xảy ra trong vài thập kỷ và mực nước vẫn tiếp tục tăng lên trong hàng thế kỷ tiếp sau.

Đối với Việt Nam, có lẽ vùng ven biển, tài nguyên nước ngọt và sau đó là ĐDSH sẽ là những vùng/ lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH.

1.3.3 Tác động của biến đổi khí hậu đối với các khu vực chủ yếu

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (2011),  biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động đến các vùng địa lý tiêu biểu của Việt Nam như i) Vùng ven biển và hải đảo; ii) Vùng đồng bằng; iii) Vùng miền núi và trung du; và iv) Các khu vực độ thị cũng như các ngành lĩnh vực bị tác động của mỗi vùng.

i) Vùng ven biển và hải đảo

Vùng ven biển và hải đảo của Việt Nam có thể được chia thành 3 khu vực: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Các khu vực này thường xuyên chịu nhiều tác động của các hiện tượng liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt ở vùng Trung Bộ; lũ lụt và sạt lở đất, đặc biệt là vùng ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ. Bên cạnh đó, vùng ven biển là nơi tập trung của nhiều đô thị và các dịch vụ nên hầu hết các ngành và hoạt đọng kinh tế xã hội đã, đang và sẽ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Hai ngành có khả năng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu trong tương lai ở vùng duyên hải là du lịch và thủy sản

ii) Vùng đồng bằng

Việt Nam có hai vùng đồng bằng chính là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Đây là các vùng thấp nên thường xuyên chịu các tác động của úng ngập. Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chịu nhiều tác động của bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và xói lở trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô. Theo dự tính, trong tương lai, dưới tác động của nước biển dâng thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

iii) Vùng núi và trung du

Vùng núi và trung du Việt Nam có thể được chia thành các khu vực chủ yếu: Vùng núi và Trung du Bắc Bộ, vùng núi Trung Bộ và Tây Nguyên. Các khu vực này thường chịu ảnh hưởng của lũ, lũ quét và sạt lở đất; cháy rừng, hạn hán (đặc biệt là vùng núi Bắc Bộ và Trung Bộ). Các lĩnh vực: An ninh lương thực; Lâm nghiệp; Giao thông vận tải; Môi trường/Tài nguyên nước/Đa dạng sinh học; Y tế, sức khỏe cộng đồng, các vấn đề xã hội khác thuộc vùng núi và trung du Việt Nam có nguy cơ chịu tác động đáng kể của biến đổi khí hậu.

iv) Vùng đô thị

Ở Việt Nam, các đô thị tập trung chủ yếu dọc theo vùng ven biển và các vùng đồng bằng. Các đô thị trên miền núi và trung du có quy mô không lớn, tuy nhiên các đô thị này giữ một vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị quốc gia.

Về cơ bản, các đô thị nằm ở vùng nào thì sẽ chịu những tác động tiêu bỉêu của vùng đó. Do hầu hết các đô thị lớn nằm ở khu vực đồng bằng và ven biển nên nước biển dâng, bão và lũ lụt là những mối nguy hại nghiêm trọng nhất. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội ở khu vực đô thị đều chịu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, do đô thị là trung tâm kinh tế văn hóa chính trị nên khả năng dễ bị tổn thương và thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường và cơ sở hạ tầng sẽ lớn hơn. Các cộng đồng có khả năng dễ bị tổn thương cũng đa dạng hơn do các vấn đề xã hội ở đô thị phức tạp hơn.

Tuy nhiên, khả năng ứng phó ở các khu vực đô thị luôn cao hơn các khu vực nông thôn do có mặt bằng chung về nhận thức cao hơn, trình độ và năng lực quản lý, hệ thống hạ tầng tốt hơn.

Bảng 7. Tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành và cộng đồng dễ bị tổn thương

Tác động

Vùng nhạy cảm, dễ tổn thương

Ngành, lĩnh vực dễ bị tổn thương

Cộng đồng dễ bị tổn thương

Tăng nhiệt độ

+ Vùng núi: Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

+ Đồng bằng Bắc Bộ

+ Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản)

+ Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học

+ Năng lượng (sản xuất và tiêu thụ)

+ Sức khỏe cộng đồng

+ Nông dân nghèo

+ Các dân tộc thiểu số, người già, trẻ em, phụ nữ

Nước biển dâng, xâm nhập mặn

+ Dải ven biển: ĐB Bắc Bộ, ĐB sông Cửu Long, Duyên hải Trung Bộ

+ Hải đảo

+ Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản)

+ Các hệ sinh thái biển và ven biển

+ Tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm)

+ Cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, năng lượng

+ Nơi cư trú, sức khỏe cộng đồng

+ Dân cư ven biển, nhất là nông dân nghèo, ngư dân

+ Người già, phụ nữ, trẻ em

Lũ lụt, tiêu thoát nước và sạt lở đất

+ Dải ven biển: ĐB Bắc Bộ, ĐB sông Cửu Long, Duyên hải Trung Bộ

+ Vùng núi: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên

+ Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản)

+ Tài nguyên nước (sinh hoạt, công nghiệp)

+ Cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải

+ Nơi cư trú, sức khỏe và đời sống

+ Dân cư ven biển

+ Dân cư miền núi, nhất là dân tộc thiểu số

+ Người già, phụ nữ, trẻ em

Bão, áp thấp nhiệt đới

+ Dải ven biển: ĐB Bắc Bộ, ĐB sông Cửu Long, duyên hải Trung Bộ

+ Hải đảo

+ Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản)

+ Các hoạt động trên biển và ven biển

+ Cơ sở hạ tầng, năng lượng (dầu khí), giao thông

+ Nơi cư trú, sức khỏe và đời sống

+ Dân cư ven biển, nhất là ngư dân

+ Người già, phụ nữ, trẻ em

Hạn hán

+ Trung Bộ, đặc biệt là Nam Trung Bộ

+ Đồng bằng và trung du Bắc Bộ

+ ĐB sông Cửu Long

+ Tây Nguyên

+ Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).

+ Năng lượng (thủy điện)

+ Giao thông thủy

+ Tài nguyên nước

+ Nông dân, nhất là các dân tộc thiểu số ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

+ Người già, phụ nữ, trẻ em

Các hiện tượng khí hậu cực đoan khác(*)

+ Dải ven biển Trung Bộ

+ Vùng núi và Trung du Bắc Bộ

+ Nông nghiệp và an ninh lương thực

+ Sức khỏe và đời sống

+ Nông dân, nhất là ở miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ

+ Người già, phụ nữ, trẻ em

Ghi chú: (*) Các hiện tượng khí hậu cực đoan khác gồm: Các đợt nắng nóng và số ngày nắng nóng, các đợt rét và số ngày rét đậm, rét hại, mưa cực lớn, dông, tố, lốc…

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008

 

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng tác động mạnh mẽ lên các vùng sinh thái của Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008; Nguyễn Đức Ngữ, 2008).

1). Vùng núi Tây bắc và Đông bắc

BĐKH chắc chắn kéo dài theo nhiều biến đổi khí hậu về thời tiết hàng năm và chế độ khí hậu lâu dài.

+ Tần số front lạnh trên các vĩ độ phía Bắc trong các thập kỷ sắp tới có thể giảm đi nhiều so với các thập kỷ vừa qua.

+ Nhiệt độ trong các năm tới phổ biến cao hơn nền chung của các thập kỷ vừa qua.

+ Lượng mưa trong các năm sắp tới có thể tăng lên ở nơi này và giảm đi ở nơi khác và xấp xỉ các thập kỷ vừa qua.

Đặc biệt, tính thất thường của chế độ mưa trở nên sâu sắc hơn: các kỷ lục cao về mưa (lượng mưa ngày, lượng mưa tháng...) đều tăng lên đồng thời với việc gia tăng tần số các đợt mưa lớn diện rộng cũng như những đợt hạn hán diện rộng.

Mùa mưa cũng như mùa khô trở nên thiếu quy luật : bắt đầu hoạch kết thúc, mưa dồn dâp hơn trong các tháng cao điểm của mùa mưa và tình trạng khô hạn khốc liệt hơn trong các tháng cuối mùa khô.

+ Lượng bốc hơn trong các năm tới có thể cao hơn nền chung của các thập kỷ trước, góp phần thúc đẩy quá trính thiếu hụt nước, gia tăng tần số và cường độ hạn hán.

+ Độ ẩm tương đối trong các năm sắp tới có thể giảm đi so với các thập kỷ vừa qua, chủ yếu do nền nhiệt tăng lên.

Các biến đổi thời tiết hàng năm có khả năng ảnh hưởng đến các ngành kinh tế quốc dân trên khu vực:

+ Phân phối dòng chảy trên khu vực có thể thuận lợi hơn sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành các công trình thủy điện lớn. Tuy vậy, lũ lụt, nhất là lũ quét trên các triền núi vẫn là mối đe dọa thường xuyên trong mùa mưa. Ngược lại, vào mùa khô, dòng chảy kiệt lại giảm đi đáng kể, tần số hạn hạn gia tăng.

+ Danh giới của cây trồng nhiệt đới dịch chuyển về phía vùng núi cao hơn và phạm vi thích nghi của cây trồng á nhiệt đới thu hẹp lại, làm suy giảm một số thực vật ưa lạnh như pơmu, gỗ đỏ, cây dược liệu. Nhiệt độ tăng và độ ẩm giảm làm giảm chỉ số tăng trưởng sinh khối và làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Sản xuất nông nghiệp phải có nhiều thây đổi để thích ứng với tình trạng tăng nền nhiệt độ cao hơn, mùa nóng dài hơn và mùa lạnh ngắn đi. Có thể phải điều chỉnh cơ cấu cây trồng và cả lịch thời vụ cây trồng cho một số vùng có điều kiện nhiệt ẩm không bảo đảm chắc chắn cho yêu cầu sinh lý của một số cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Nhiệt độ cao hơn cũng góp phần gia tăng nguy cơ phát triển sâu bệnh và hạn hán với tần suất cao hơn cũng làm tăng chi phí sản xuất hoặc làm giảm năng suất và chất lượng một số cây trồng chủ yếu.

2). Vùng đồng bằng Trung du Bắc bộ và Quảng Ninh

BĐKH chắc chắn kéo theo những biến đổi đáng lưu ý về thời tiết hàng năm cũng như chế độ khí hậu, rõ nét nhất về các yếu tố:

+ Xoáy thuận nhiệt đới (bão) hoạt động trên biển Đông và cả xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng hoặc đổ bộ vào đoạn bờ biển Bắc Bộ trong các thập kỷ sắp tới có thể nhiều lên về tần số hoặc tăng lên về cường độ so với các thập kỷ qua. Hơn nữa mùa bão trên dải ven biển và đồng bằng Bắc bộ có thể thất thường hơn (đến trước tháng 6 và kéo dài đế tháng 11, tháng 12).

+ Tần số front lạnh tràn qua đồng bằng và ven biển Bắc Bộ trong các thập kỷ sắp tới có thể giảm đi về tần số hoặc suy yếu hơn về cường độ so với các thập kỷ trước.

Nhiệt độ trong các năm sắp tới phổ biến cao hoen nền chung của các thập kỷ vừa qua.

Lượng mưa trong các năm tới có thể tăng lên ở nơi này nhưng giảm đi ở nơi khác, nhưng không sai khác nhiều so với nền chung của các thập kỷ vừa qua.

Lượng bốc hơi nước trong các năm sắp tới có thể cao hơn nền chung của các thập kỷ vừa qua, và do đó, chỉ số khô hạn trở nên cao hơn, đồng thời với tăng tần số hạn hán.

Trong dải đồng bằng ven biển, mực nước biển tiếp tục tăng lên với tốc độ khoảng 0,5-0,6 cm/năm, cao hơn các thập kỷ vừa qua.

Các thay đổi tiềm năng về biến đổi khí hậu có thể dẫn đến các tác động sau đây:

+ Dòng chảy trên các sông, nhất là dòng chảy kiệt có thể giảm đi mặc dù vẫn có khả năng gia tăng dòng chảy lũ trong một số năm nhất định. Nguồn nước, nhất là trong mùa khô trở nên khan hiếm hơn, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

+ Thời gian tích nghi của một số cây trồng á nhiệt đới rút ngắn đi và do đó, vai trò của sản xuất vụ đông trở nên khiêm tốn hơn. Trong tương lai tương đối xa, cơ cấu cây trồng và cơ cấu thời vụ đều phải điều chỉnh theo hướng tận dụng điều kiện nhiệt độ phong phú hơn.

Nước biển dâng lên vừa làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn vừa đưa thuỷ triều xâm nhập sâu hơn vào vùng đồng bằng cửa sông của đồng bằng Bắc Bộ. Mặt khác, nước biển dâng lên đến mức nhất định đòi hỏi phải nâng cấp các công trình giao thông, cầu cảng ven biển và trên các đảo. Nước biển dâng cũng đòi hỏi chi phí cao hơn đối với các công trình xây dựng, công nghiệp, năng lượng... trên các vùng ven biển và hải đảo.

Trong đời sống hàng ngày của cư dân đồng bằng ven biển Bắc Bộ nhu cầu về nước cao hơn song nguồn nước sạch cung cấp lại suy giảm đáng kể. Thiếu nước, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo cùng với tình trạng nắng nóng gia tăng... chắc chắn dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mùa hè.

3). Vùng đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ

Nguyễn Đức Ngữ (2008) và Nguyễn Đức Ngữ và Nguyễn Trọng Hiệu (2009) đã tổng hợp nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên các vùng của Việt Nam. Đối với vùng Duyên hải miền Trung, biến đổi khí hậu chắc chắn kéo theo nhiều biến đổi về thời tiết hàng năm cũng như chế độ khí hậu.

Áp thấp nhiệt đới (xoáy thuận nhiệt đới) trên biển Đông và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng hoặc đổ bộ vào vùng Duyên hải miền Trung trong các thập kỷ tới có thể nhiều lên (về tần xuất) và mạnh lên (về cường độ) so với các thập niên vừa qua. Mùa bão trên các đoạn bờ biển có thể giao động nhiều hơn có thể lên đến 6 tháng (từ trước tháng VIII - tháng XII) hoặc chỉ tập trung vào một vài tháng (tháng VIII  - tháng IX).

Nhiệt độ trong các thập kỷ sắp tới cao hơn so với các thập kỷ vừa qua. Mùa gió Tây khô nóng có xu thế đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn  so với trước đây. Kỷ lục của nhiệt độ cao và thời gian kéo dài các đợt bắng nóng có thể được nâng lên trong khi kry lục thấp của nhiệt độ hiện có sẽ còn được duy trì lâu dài. Mùa lạnh ở các tỉnh phía bắc Trung Bộ sẽ ngắn đi và giới hạn phía nam của mùa lạnh lùi về các vĩ độ cao hơn hiện nay. Sương muối rất hiếm khi xảy ra thậm chí biến mất.

Lượng mưa trong các năm sắp tới có thể tăng lên ở nơi này và giảm đi ở nơi khác song không khác nhiều với nền chung của các thập kỷ qua. Có điều là trong tương lai xa hơn, lượng mưa phổ biến tăng lên rõ rệt, nhất là mùa mưa. Không loại trừ khả năng các trung tâm mưa lớn như Kỳ Anh, Trà My, Ba Tơ... và các trung tâm mưa bé như Tương Dương, Ninh Thuận lại trở nên rõ rệt hơn và ngược lại.

Mùa mưa vốn đã dồn vào các tháng thu đông có thể còn dồn dập hơn nữa. Ở Nam Trung Bộ, mùa khô vẫn tiếp tục tồn tại từ tháng XII, tháng I cho đến tháng VIII, tháng IX và ở Bắc Trung Bộ, tháng V, tháng VI có thể trở thành các tháng khô nóng thường xuyên như ở Nam Trung Bộ.

Trên dải đồng bằng duyên hải Trung Bộ, các kỷ lục về lượng mưa ngày, lượng mưa tháng và lượng mưa năm sẽ được nâng cao. Ngược lại, tình trạng hạn hán trở nên thường xuyên hơn và khốc liệt hơn. Lượng bốc hơi trong các thập kỷ tới có thể cao hơn nền chung của các thập ký đã qua, góp phần gia tăng chỉ số khô hạn và cường độ hạn hán.

Nước biển tiếp tục dâng lên với tốc độ 0,5-0,6 cm/năm trong các thập kỷ sắp tới. Đây cũng là yếu tố dẫn đến vùng Duyên hải Trung bộ trở thành khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động tiềm tàng của BĐKH.

Các biến đổi nói trên và các yếu tố khí hậu tất yếu dẫn đến các tác động  đối với một số lĩnh vực kinh tế - xã hội sau đây:

- Dòng chảy năm trên hầu hết lưu vực sông đều giảm đi, trong đó dòng chảy lũ có thể không thay đổi song dòng chảy kiệt suy giảm rõ rệt. Nguồn nước, nhất là nước trong nhiều tháng mùa khô trở nên khan hiếm hơn, nhất là ở các tỉnh cực nam Trung Bộ.

- Trong tương lai không xa, cơ cấu cây trồng và cả cơ cấu thời vụ cần phải điều chỉnh theo hướng phù hợp với nền nhiệt độ cao hơn. Chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm nông nghiệp tăng lên do nhu cầu tưới cao hơn và thời gian chống hạn dài hơn.

- Nước biển dâng vừa thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, tạo điều kiện xói lở bờ biển vừa gây nhiều khó khăn cho nghề cá do những thay đổi theo hướng xấu đi của phần lớn nguồn lợi thủy sản. Nước biển dâng vừa thu hẹp diện tích khu dân cư sinh sống ven biển, vừa tăng cường khả năng xói lở bờ biển, trực tiếp đe dọa các công trình giao thông, xây dựng, công nghiệp và một số đô thị trên nhiều tuyến bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam.

- Nhiệt độ tăng, nguồn nước suy giảm cũng là nguyên nhân tạo ra nhiều khó khăn cho cuộc sống bình thường, thậm chí góp phần gia tăng dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mùa nóng

4). Vùng Tây Nguyên

Đối với vùng Tây Nguyên, biến đổi khí hậu chắc chắn kéo theo nhiều biến đổi về thời tiết hàng năm cũng như chế độ khí hậu.

Áp thấp nhiệt đới vẫn có ảnh hưởng đến Tây Nguyên nhất là ở vùng thấp của Tây Nguyên theo các thung lũng sông của Nam Trung Bộ. Cũng như các thập kỷ vừa qua, ảnh hưởng trực tiếp của các khối không khí cực đới ở khu vực Tây Nguyên còn ít hơn ở các tỉnh phía Bắc của Nam Trung Bộ.

Nhiệt độ trong các thập kỷ sắp tới phổ biến cao hơn các thập kỷ vừa qua. Nhiệt độ cao nhất có thể đạt tới những kỷ lục cao hơn, nhất là các vùng núi thấp và trung lưu, hạ lưu các sông lớn. Các đợt nắng nóng có thể xuất hiện với tần suất cao hơn trên các sườn núi thấp và lòng chảo hoặc thung lũng sông. Với xu thế tăng của nhiệt độ, các vành đai nhiệt độ hoặc tổng nhiệt độ lùi về phía các vùng núi cao hơn. Mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp dài thêm và mùa lạnh trên các vùng vừa cao thu hẹp lại.

Lượng mưa trong các thập kỷ sắp tới có thể tăng lên ở vùng này và giảm đi ở các vùng khác song không sai khác nhiều với các thập kỷ vừa qua. Có điều là, trong tương lai xa hơn, lượng mưa mùa mưa sẽ nhiều lên và lượng mưa mùa khô dao động mạnh hơn. Các trung tâm mưa bão lớn Bảo Lộc, Phước Long cũng như các trung tâm mưa bé như Đắk Lây vẫn tiếp tục là những nơi mưa nhiều nhất hoặc ít nhất hàng năm ở Tây Nguyên nhưng vẫn có những năm mưa ở trung tâm mưa này không theo quy luật.

Tính bất ổn định trong chế độ mưa sẽ tăng lên. Các kỷ lục về lượng mưa ngày, lượng mưa tháng, lượng mưa năm tiếp tục tăng lên trong khi các đợt hạn hán về nửa cuối mùa đông ngày càng gay gắt hơn. Mùa mưa cũng như mùa khô trở nên thất thường về thời kỳ bắt đầu, thời kỳ kết thúc và cả thời kỳ cao điểm. Lượng bốc hơi trong các thập kỷ sắp tới cũng tăng lên góp phần gia tăng tình trạng khô hạn trong các tháng đầu năm.

Biến đổi về thời tiết hàng năm có khả năng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên khu vực:

- Dòng chảy năm trên các sông giảm đi so với các thập kỷ trước, chủ yếu do giảm dòng chảy kiệt. Lũ lụt, nhất là lũ quét vẫn là mối đe dọa thường xuyên trong mùa mưa trên các vùng trung lưu, hạ lưu các sông. Ngược lại, với tình trạng khô hạn ngày càng gắt gao, hầu hết các vùng cũng ngày càng khan hiếm.

- Sản xuất nông nghiệp phải có nhiều thay đổi để thích ứng với môi trường nhiệt độ cao hơn và mưa thất thường hơn. Sản xuất các cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su,... đòi hỏi phải gia tăng kinh phí và do đó, giá thành sản phẩm cũng cao hơn.

 

Rừng nửa nhiệt đới của Tây Nguyên như thông, pơ mu,... và các cây ưa lạnh khác có thể mất đi một phần diệt tích đáng kể do sự chuyển dịch các vành đai tổng nhiệt độ về phía núi cao. Ngược lại, các cây nhiệt đới điển hình, nhất là cây công nghiệp, có khả năng phát triển ở một số vùng hiện có điều kiện nhiệt ít nhiều thấp hơn tiêu chuẩn nhiệt đới.

Nhiệt độ cao hơn tạo điều kiện phát sinh và phát triển nhiều loại vi khuẩn, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và cả cư dân sinh sống ở Tây Nguyên.

5). Vùng Nam Bộ

BĐKH chắc chắn kéo theo những biến đổi đáng lưu ý về thời tiết hàng năm ở Nam Bộ thể hiện ở các yếu tố cơ bản sau đây:

+ Bão nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và bão ảnh hưởng hoặc đổ bô vào Nam Bộ trong các thập kỷ sắp tới không thay đổi nhiều so với các thập kỷ vừa qua. Có điều là, mùa bão có thể trở nên bất ổn định hơn, và không loại trừ một số cơn bão đổ bộ vào Nam Bộ vào các tháng 9, 10, 11, vốn là mùa bão của các vĩ độ Nam Trung Bộ hay Bắc Trung Bộ.

+ Nhiệt độ trong các năm sắp tới cao hơn nền chung của các thập kỷ vừa qua. Nhiều khả năng một số địa phương ghi nhận được các kỷ lục mới về nhiệt độ cao. Nắng nóng vào các tháng đầu năm có thể trở nên gay gắt hơn, làm gia tăng cường độ hạn hán.

+ Lượng mưa trong các năm sắp tới tăng lên ở nơi này và ít đi ở nơi khác song phổ biến xấp xỉ tình hình chung của các thập kỷ vừa qua. Có điều là, trong tương lai xa hơn,  lượng mưa mùa mưa nhiều lên và lượng mưa mùa khô dao động nhiều hơn. Bức tranh phân bố lượng mưa trên các vùng (thuộc Nam Bộ) không những thay đổi đáng kể song mùa mưa có thể bất ổn định hơn. Mùa mưa, bất luận về thời gian bắt đầu và kết thúc, có thể rất khác nhau giữa các năm.

Thay đổi nhiều nhất về chế độ mưa có thể về cường độ mưa. Các kỷ lục về lượng mưa ngày hay lượng mưa các đợt mưa lớn có thể tiến tới xấp xỉ hoặc bằng Nam Trung Bộ.

+ Lượng bốc hơn chắc chắn tăng lên cùng với nhiệt độ và do đó, chỉ số khô hạn cả năm càng cao hơn, nhất là vào các tháng cuối mùa khô (tháng 4, 5).

+ Mực nước biển tiếp tục dâng lên với tốc độ khoảng 0,5-0,6 cm/năm, trở thành yếu tố có biến đổi đáng lo ngại nhất.

Thay đổi về thời tiết hàng năm gây ra nhiều tác động với các lĩnh vực kinh tế - xã hội sau:

+ Dòng chảy sông Mê Kông có xu thế giảm đi, chủ yếu do dòng chảy kiệt kiệt giảm đi. Từ nay đến năm 2070, dòng chảy lũ thiên về biến đổi dương và dòng chảy kiệt thiên về biến đổi âm.

Lượng mưa tuy không thay đổi nhiều nhưng do chế độ mưa thất thường hơn nên nguồn nước mùa khô trở nên khan hiếm hơn, nhất là vào những năm mùa mưa (trước đó) chấm dứt sớm và mùa mưa đến muộn. Hạn hán không những tăng cường trong mùa khô mà còn có khả năng phát sinh trong một số thời điểm nhất định của mùa mưa.

+ Nhiệt độ cao và bốc mạnh góp phần thúc đẩy quá trình bốc thoát hơn nước trên các ruộng lúa Nam Bộ, làm tăng nhu cầu về nước cũng như chi phí sản xuất cho từng vụ và do đó, giá thành của một đơn vị sản phẩm tăng lên. Cũng do nhiệt độ cao và bốc hơi mạnh, nguy cơ cháy rừng trong các tháng mùa khô trở nên thường xuyên hơn.

+ Trong tương lai, khi nước biển dâng đến mức đáng kể, gây ra ngâp mặn ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Kông. Theo ước tính, diện tích ngập mặn vào nửa cuối thế kỷ 21 tăng lên đáng kể so với nửa đầu thế kỷ.

Nước biển dâng làm hẹp diện tích rừng ngập mặn và tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất phèn. Ngoài ra, nước mặn lấn sâu vào nội địa vừa làm giảm địa bàn sinh sống của một số loài thủy sản nước ngọt, vừa làm giảm đáng kể nguồn nước sinh hoạt của cư dân cũng như nguồn nước tưới cho cây trồng các loại. Nước biển xâm nhập cũng thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất trên các vùng ven biển. Nước biển dâng là yếu tố dẫn đến vùng đồng bằng Nam Bộ trở thành trở thành khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động tiềm tàng của BĐKH.

+ Do nắng nóng hơn, nguồn nước khan hiếm hơn nên môi trường sinh sống trở nên mất vệ sinh hơn tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.