Chuyên mục: » Kiến thức về Biến đổi Khí hậu » Khoa học về BĐKH » Chương 4. PP XD KB BĐKH
Đăng ngày 10/9/2015 Cập nhật lúc 05:09:22 ngày 10/9/2015

Phương pháp xây dựng kịch bản BĐKH

CHƯƠNG 4. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

4.1 Các kịch bản phát thải khí nhà kính

4.1.1 Khái niệm về kịch bản phát thải khí nhà kính

Kịch bản là hình ảnh của tương lai. Kịch bản không phải là kết quả dự đoán hay dự báo. Mỗi kịch bản là một bức tranh tưởng tượng dựa trên những suy luận có căn cứ khoa học về sự phát triển của tương lai có thể xảy ra.

Những hoạt động của con người trong vài thập kỷ gần đây đã làm tăng đáng kể nồng độ các KNK trong khí quyển, từ đó làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Sự phát thải KNK do hoạt động của con người được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau, như sự tăng dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ khoa học kỹ thuật, v.v. Do đó, nó có thể có những biến động lớn trong tương lai. Với mục đích hỗ trợ cho việc phân tích, đánh giá BĐKH và tác động của nó, tìm giải pháp thích ứng và giảm thiểu BĐKH, các kịch bản phát thải KNK đã được ra đời. Kịch bản phát thải là một công cụ hữu hiệu để phân tích ảnh hưởng của các nhân tố lên tình trạng phát thải, từ đó đưa ra những “viễn cảnh” để lựa chọn cho tương lai. Các kịch bản phát thải KNK được xây dựng dựa trên những thay đổi của các nhân tố như kinh tế, dân số, chính trị hay công nghệ.

Các kịch bản phát thải là thành tố trung tâm của bất kỳ đánh giá BĐKH nào. Phát thải KNK là yếu tố đầu vào cơ bản của các mô hình khí hậu để đánh giá BĐKH trong tương lai. Kết quả về BĐKH có thể xảy ra trong tương lai, cùng với những nhân tố khác như phát triển kinh tế, tăng dân số và điều kiện môi trường đã cung cấp những thông tin cơ bản cho phép đánh giá về những mối đe dọa, những tác động xấu có thể xảy ra và cả những chiến lược thích ứng. Những nhân tố hình thành kịch bản cũng đồng thời cung cấp cơ sở cho những đánh giá về chiến lược giảm thiểu và xây dựng những chính sách để ứng phó với BĐKH.

Từ vài thập kỷ gần đây, nhiều nghiên cứu toàn cầu đã sử dụng các kịch bản như là một công cụ để tiếp cận lượng khí CO2 và các KNK khác được phát thải trong tương lai. Một trong những kịch bản đầu tiên cuối thập kỷ 1970s được tiến hành bởi Viện Quốc Tế về Phân tích các Hệ thống ứng dụng (http://www.iiasa.ac.at) trong một nghiên cứu có tên là Năng lượng trong một thế giới hữu hạn (Energy in a Finite World). Tiếp đó cũng đã có một số nghiên cứu khác về lĩnh vực này. Tuy nhiên, phải đến khi các báo cáo của IPCC được công bố thì các kịch bản về phát thải KNK trong tương lai mới đóng một vai trò thực sự quan trọng. 

Những thay đổi của các nhân tố như kinh tế, dân số, chính trị hay công nghệ tác động đến sự gia tăng phát thải các KNK, có thể dẫn đến sự biến đổi của khí hậu. Việc ước lượng được sự thay đổi đó trong tương lai là vấn đề rất khó do các nhân tố cấu thành chứa đựng trong đó những yếu tố luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên, để có thể so sánh mức độ tác động giữa các thành phần nhằm dự báo khí hậu tương lai, dù các nhân tố luôn biến đổi, IPCC cũng đã quyết định đưa ra các kịch bản phát thải KNK được xây dựng dựa trên những giả định về thế giới tương lai. 3 chuỗi kịch bản đã được IPCC phát triển và công bố vào các năm 1990, 1992 và 2000 đã thay đổi đáng kể theo thời gian về cách phân loại, các giả thiết cũng như các phương pháp sử dụng. Kịch bản sớm nhất là SA90 (1990 IPCC Scenario A), tiếp theo là bộ kịch bản IS92 (IS92a-IS92f) được đưa ra năm 1992, và bộ các kịch bản SRES (Special Report on Emissions Scenarios) được ban hành chính thức năm 2000.

4.1.2 Kịch bản SA90

Tháng 01 năm 1989, Nhóm Làm việc Chiến lược Ứng phó RSWG (the Response Strategies Working Group) yêu cầu một nhóm các chuyên gia Hà Lan và Mỹ chuẩn bị một tập hợp các kịch bản phát thải toàn cầu cho các khí CO2, CH4, N2O, CFCs, NOx và CO đến năm 2100. Các kịch bản này được hoàn thành vào tháng 12 năm 1989 và được sử dụng làm đầu vào cho các mô hình toàn cầu cũng như để đánh giá BĐKH tương lai (theo IPCC, 1990a và b).

Trong các kịch bản của SA90 (bao gồm 4 kịch bản A, B, C, D), dân số được giả thiết sẽ tiệm cận 10,5 tỉ người trong nửa sau của thế kỷ 21. Phát triển kinh tế được giả thiết sẽ tăng khoảng 2-3%/năm trong thập kỷ tiếp sau trong các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và từ 3-5% ở Đông Âu và ở các nước đang phát triển. Mức độ tăng trưởng kinh tế được giả thiết sẽ giảm đi sau đó.

Đối với kịch bản A (Scenario A hay còn được gọi là kịch bản BaU – Business-as-Usual), các giả thiết được đưa ra là năng lượng than đá được sử dụng nhiều và hiệu quả sử dụng năng lượng ít được cải thiện. Sự quản lý mônôxit cacbon (CO) kém, phá rừng vẫn tiếp tục cho đến khi các khu rừng nhiệt đới bị suy kiệt; phát thải khí mêtan và ôxit nitơ từ các hoạt động nông nghiệp là không quản lý được. Nghị định thư Montreal nhằm hạn chế các khí CFCs được đưa vào thực hiện với sự tham gia không đầy đủ từ các nước. 

Trong kịch bản B (Scenario B), cung cấp năng lượng chuyển dịch về phía cacbon thấp. Hiệu quả sử dụng năng lượng tăng cao. Việc quản lý CO được thực hiện chặt chẽ. Các khu rừng được bảo toàn và Nghị định thư Montreal được thực hiện một cách toàn diện.

Trong kịch bản C (Scenario C), chuyển dịch theo hướng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân được đưa ra trong nửa cuối của thế kỷ 21. Các hợp chất CFCs được ngừng sản xuất và phát thải nông nghiệp được hạn chế.

Với kịch bản D (Scenario D), chuyển dịch theo hướng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ 21 và mức phát thải đạt đến độ ổn định ở các nước công nghiệp. Kịch bản này chỉ ra rằng mức độ quản lý nghiêm ngặt trong các nước công nghiệp kết hợp với mức tăng trưởng trung bình trong phát thải ở các nước phát triển có thể làm ổn định nồng độ khí quyển. Phát thải khí cácbônic đến giữa thế kỷ 21 giảm đến 50% so với mức độ phát thải của năm 1985. 

4.1.3 Kịch bản IS92

Hai năm sau khi đưa ra các kịch bản SA90, IPCC đã đưa ra 6 kịch bản phát thải mới gọi là các kịch bản IS92 cho thời đoạn từ 1990 đến 2100. Các kịch bản IS92 theo nhiều khía cạnh là rất tiến bộ. Đây là những kịch bản toàn cầu đầu tiên cung cấp các thông tin đầy đủ về các KNK, và là các kịch bản đầu tiên cung cấp các thông tin phát thải cho SO2.

6 kịch bản phát thải từ IS92a đến IS92f, được đưa ra vào năm 1992.  Các giả thiết sử dụng cho các kịch bản IS92 đến chủ yếu từ các kết quả dự báo đã được công bố bởi các tổ chức quốc tế lớn hoặc từ các phân tích chuyên gia. Các tiền đề cho 2 kịch bản IS92a và IS92b khá giống và cập nhật với kịch bản SA90 được sử dụng trong báo cáo của IPCC lần thứ nhất năm 1990. IS92a được chấp nhận rộng rãi như là một kịch bản tiêu chuẩn dùng để sử dụng cho các nghiên cứu đánh giá tác động, mặc dù các khuyến nghị của IPCC ban đầu là cả 6 kịch bản IS92 cần được sử dụng để biểu diễn khoảng bất định trong các phát thải.  Theo kịch bản này, dân số tăng lên đến 11,3 tỉ người vào năm 2100 và tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 2,3% một năm từ 1990 đến 2100, với việc sử dụng kết hợp giữa nguồn năng lượng truyền thống và nguồn năng lượng tái tạo.

Phát thải KNK nhiều nhất là kịch bản IS92e ở đó kết hợp mức tăng trưởng dân số trung bình, tăng trưởng kinh tế cao, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch trong khi không sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân. Ở phía cực trị ngược lại, IS92c là kịch bản mà ở đó phát thải CO2 sẽ giảm xuống thấp hơn mức phát thải của năm 1990. Kịch bản này giả thiết rằng dân số đầu tiên là sẽ tăng, sau đó giảm từ giữa thế kỷ 21, khi mà kinh tế tăng trưởng chậm và có một số yếu tố hạn chế nguồn cung năng lượng hóa thạch. 

Trong 6 kịch bản IS92, IS92a được coi là ước lượng tốt nhất cho tương lai trong trường hợp các vấn đề về môi trường không ảnh hưởng nhiều tới vấn đề chính trị. Hình 4.1 cho biết mức độ phát thải KNK đến 2100 theo 6 kịch bản năm 1992.

Hình 4.1 Phát thải khí CO2trong thế kỉ tới theo 6 kịch bản của IPCC 1992.

Năm 1994, IPCC đã đánh giá lại các kịch bản IS92 và cho thấy tính đột phá của chúng khi được công bố. Các kịch bản này đã mô tả được tình hình phát thải KNK trên quy mô toàn cầu và khu vực. Đồng thời, bản đánh giá này cũng chỉ ra những hạn chế của các kịch bản này trong việc xác định cường độ phát thải CO­2 tính theo năng lượng cũng như chưa đề cập đến sự khác biệt đáng kể trong thu nhập bình quân giữa các nước phát triển và đang phát triển sau một thế kỷ.

Một điểm khác dẫn đến sự cần thiết phải thay đổi các kịch bản IS92 là các kịch bản này mới chỉ sử dụng số liệu từ trước năm 1990, chưa cập nhật được những số liệu mới. Người ta nhận thấy rằng, ở một số khu vực phát thải SO2 có tầm quan trọng đối với BĐKH tương đương với phát thải các KNK khác. Sự tăng nhanh phát thải SO2 cũng đã đặt ra vấn đề cần cập nhật các kịch bản IS92 này. Bên cạnh đó, những dự án phát thải của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn đến những thay đổi trong luật, hay sự sửa đổi trong đạo luật về không khí sạch của Hoa Kỳ, nghị định thư lần thứ II của Châu Âu về Sunfua đều không được phản ánh trong các kịch bản IS92. Sự tan rã của các nước Đông và Trung Âu; sự ra đời của các nước độc lập tách ra từ Liên Bang Xô Viết cũng không hề được tính đến khi xây dựng IS92. Ngoài ra còn có sự phát triển của các mô hình tổng hợp cho phép đánh giá được tác động nội tại giữa các thành phần như năng lượng, kinh tế, thay đổi sử dụng đất, từ đó có được đánh giá tác động qua lại giữa phát thải và các tác động khí hậu.

IPCC 1994 đã chỉ ra cần phát triển các kịch bản mới trong đó phải đạt được những bước tiến mới như:

-       Ước lượng được tình trạng phát thải trong tương lai, chi tiết cho các trường hợp sử dụng đất khác nhau.

-       Cập nhật những thông tin mới nhất về sự thay đổi tình hình kinh tế thế giới.

-       Mở rộng khoảng phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả sự thu hẹp về thu nhập bình quân giữa các nước đang phát triển và các nước công nghiệp.

-       Kiểm định các xu hướng mới và đánh giá mức độ trong thay đổi về công nghệ.

-       Đánh giá hậu quả của kinh tế thị trường cũng như kinh tế tư nhân.

-       Phản ánh những cam kết về phát thải liên quan với Công ước khung của LHQ về BĐKH.

IPCC 1994 đã chỉ ra bốn hướng sử dụng cơ bản của các kịch bản phát thải IS92 là:

-       Cung cấp đầu vào cho việc đánh giá hậu quả đối với khí hậu và môi trường của phát thải KNK

-       Cung cấp những cơ sở tương tự với những can thiệp về chính trị để giảm phát thải KNK

-       Cung cấp đầu vào cho việc định ra khả năng ứng phó và giảm thiểu cũng như chi phí cần thiết ở các khu vực và vùng kinh tế khác nhau.

-       Cung cấp cơ sở cho các cuộc thương lượng về giảm phát thải KNK.

4.1.4 Kịch bản SRES

Đến tháng 9 năm 1996, tại phiên họp toàn thể ở thành phố Mexico, IPCC đã quyết định phát triển bộ kịch bản phát thải mới. Đó là các họ kịch bản gốc A1, A2, B1 và B2, hay còn gọi là các kịch bản SRES được ban hành chính thức năm 2000. Những kịch bản này bao trùm rộng lớn các nhân tố chính tác động đến phát thải trong tương lai, như dân số, công nghệ hay sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, những kịch bản này còn đề cập đến những nhân tố khác ảnh hưởng tới nguồn phát thải KNK như cấu trúc của hệ thống năng lượng và thay đổi sử dụng đất. Việc xây dựng bộ kịch bản phát thải mới này dựa trên những đánh giá tổng hợp, sử dụng 6 mô hình khác nhau và một “quá trình mở” có sự tham gia và phản hồi các ý kiến từ nhiều cá nhân, tổ chức. Bộ kịch bản này trình bày về những phát thải liên quan đến hoạt động của con người đối với hầu hết các loại KNK (Bảng 4.1). Các kịch bản này bao trùm các khoảng phát thải KNK rất lớn theo các tài liệu về kịch bản đã được xuất bản. Ví dụ như đối với phát thải CO2 vào năm 2100 ở trong khoảng từ dưới 6 cho tới hơn 40 tỷ tấn cacbon nguyên tử (GtC), tức là gần bằng mức phát thải năm 1990 và cho tới gấp 7 lần mức phát thải này.

Bảng 4.1 Tên và công thức hóa học (hoặc ký hiệu) của các KNK được đề cập trong các kịch bản phát thải

Cácbônic

CO2

Mônôxit cacbon

CO

Hydro clorua florua cacbon

HCFCs

Hydro florua cacbon

HFCs

Mêtan

CH4

Ôxit nitơ

N2O

Các ôxit nitơ

NOx

Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa mê tan

NMVOCs

Các hóa chất flo hóa

PFCs

Điôxit sunfua

SO2

Hexaflo sunfua

SF6

 

Các kịch bản mới SRES chỉ hướng vào ba mục đích là:

-       Cung cấp đầu vào cho việc đánh giá hậu quả đối với khí hậu và môi trường của phát thải KNK

-       Cung cấp đầu vào cho việc định ra khả năng ứng phó và giảm thiểu cũng như chi phí cần thiết ở các khu vực và vùng kinh tế khác nhau.

-       Cung cấp cơ sở cho các cuộc thương lượng về giảm phát thải KNK.

Các mục đích này không bao gồm bất kỳ một chính sách nào cụ thể cho việc giảm phát thải KNK. Do vậy, không thể trực tiếp sử dụng các kịch bản này cho mục đích thứ hai của kịch bản IS92 (xem phía trên). Thay vào đó, chúng có thể sử dụng trong các trường hợp tham khảo để xây dựng các thỏa hiệp chính trị.

Với ba mục đích nêu trên, các kịch bản phát thải mới đã chia thành 3 cộng đồng sử dụng chính:

-       Nhóm I, bao gồm các nhà mô hình hóa khí hậu, những người sử dụng các chiến lược phát thải trong tương lai làm đầu vào cho các mô hình khí hậu để xây dựng các kịch bản BĐKH.

-       Nhóm II, bao gồm các nhà phân tích, đánh giá tác động, ảnh hưởng dựa trên sản phẩm của nhóm I. Việc phân tích, đánh giá tác động căn cứ vào những kiến thức liên quan về thay đổi trong kinh tế - xã hội, như tác động của BĐKH tới hệ sinh thái và con người phụ thuộc vào nhiều nhân tố.

-       Nhóm III, phân tích các phương án giảm thiểu để ứng phó với BĐKH.

Những vấn đề được quan tâm của từng nhóm sử dụng đã tạo ra nhu cầu tự nhiên mà các kịch bản phát thải cần thỏa mãn. Ví dụ như các nhà mô hình hóa khí hậu và những người phân tích, đánh giá tác động cần các kịch bản ở quy mô khoảng 100 năm hoặc dài hơn do đòi hỏi về thời gian phản ứng lại của hệ thống khí hậu. Nhưng các nhà hoạch định chính sách thì lại cần tập trung vào quy mô trung hạn, từ 20 đến 50 năm. Các kịch bản phát thải do vậy cần thu thập đủ các thông tin có hiệu quả cho các nhóm sử dụng khác nhau.

Trong việc xây dựng các kịch bản phát thải của IPCC, đồng nhất thức Kaya đóng một vai trò như là một hạt nhân chính. Đồng nhất thức được lấy theo tên của nhà kinh tế học năng lượng Nhật Bản Yoichi Kaya, được biểu diễn dưới dạng:

F = P × (G / P) × (E / G) × (F / E) = P × g × e × f

trong đó F là phát thải CO2 do hoạt động của con người, P là dân số, G là tổng sản phẩm nội địa GDP và g=(G/P) là GDP theo đầu người; E là mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng và e=(E/G) là mật độ năng lượng tính theo GDP, nghĩa là năng lượng sử dụng cho một đơn vị GDP; f=(F/E) là mật độ cacbon theo năng lượng, nghĩa là mức độ phát thải cacbon trên một đơn vị năng lượng tiêu thụ.

Đồng nhất thức Kaya rất đơn giản, và dựa trên các số liệu có được, đồng nhất thức này là một công cụ để tính toán phát thải CO2. Các kịch bản sẽ đưa ra các giả thiết về sự phát triển của 4 thành phần P, g, e, f trong tương lai. Dự tính tăng trưởng dân số được thực hiện độc lập bởi các nghiên cứu về nhân khẩu học; xu hướng GDP theo đầu người, mật độ năng lượng theo GDP và mật độ cacbon theo năng lượng được thực hiện bởi kinh tế thống kê và kinh tế lượng. Các dự tính phát thải cacbon là cơ sở để dự tính nồng độ CO2và sự BĐKH trong tương lai.

4.1.4.1 Các họ kịch bản gốc của SRES

Các kịch bản phát thải SRES gồm một tập 40 kịch bản phản ánh khá đa dạng khả năng phát thải KNK có thể xảy ra trong thế kỷ XXI và được tổ chức thành bốn họ kịch bản gốc: A1, A2, B1, B2. Các kịch bản này khác nhau về tốc độ tăng dân số, tốc độ phát triển kinh tế, cách thức sử dụng năng lượng cùng với những đặc điểm riêng như khả năng xây dựng và tương tác văn hóa, xã hội của các vùng trên thế giới.

Hình 4.2 Bốn họ kịch bản với các nội dung được minh họa bằng cái cây hai chiều. Hai chiều đó là kinh tế hoặc môi trường, toàn cầu hoặc khu vực.

Nội dung của các họ kịch bản gốc có thể được tóm tắt như sau:

- Kịch bản gốc A1: Mô tả một thế giới tương lai với sự phát triển kinh tế rất nhanh, dân số thế giới tăng đạt đỉnh vào khoảng giữa thế kỷ 21 và giảm dần sau đó; các công nghệ mới phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Các đặc điểm nổi bật là sự tương đồng giữa các khu vực, sự tăng cường giao lưu về văn hóa, xã hội, sự thu hẹp khác biệt về thu nhập giữa các vùng. Họ kịch bản A1 được phát triển thành 3 nhóm dựa trên các hướng phát triển của công nghệ trong hệ thống năng lượng:

+ A1FI: sử dụng thái quá nhiên liệu hóa thạch (kịch bản phát thải cao)

+ A1B: cân bằng giữa các nguồn năng lượng (kịch bản phát thải trung bình)

+ A1T: chú trọng đến việc sử dụng các nguồn năng lượng phi hoá thạch (kịch bản phát thải thấp)

- Kịch bản gốc A2 (kịch bản phát thải cao): Mô tả một thể giới rất không đồng nhất. Các đặc điểm nổi bật là tính độc lập, bảo vệ các đặc điểm địa phương, dân số thế giới tiếp tục tăng, kinh tế phát triển theo định hướng khu vực, thay đổi về công nghệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế tính theo đầu người chậm và riêng rẽ hơn so với các họ kịch bản khác.

- Kịch bản gốc B1 (phát thải thấp): Thể hiện một thế giới tương đồng với dân số thế giới đạt đỉnh vào giữa thế kỷ 21 và giảm xuống sau đấy giống như trong họ kịch bản gốc A1, nhưng có sự thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc kinh tế theo hướng kinh tế dịch vụ và thông tin, giảm cường độ tiêu hao nguyên vật liệu; phát triển các công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên; chú trọng đến các giải pháp toàn cầu về bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.

- Kịch bản gốc B2 (phát thải trung bình):Mô tả một thế giới với sự nhấn mạnh vào các giải pháp địa phương về bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Dân số thế giới vẫn tăng trưởng liên tục nhưng thấp hơn A2, phát triển kinh tế ở mức trung bình, chuyển đổi công nghệ chậm và không đồng bộ như trong B1 và A1. Cũng hướng đến việc bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, B2 tập trung vào quy mô địa phương và khu vực.

Để xây dựng các kịch bản phát thải, IPCC đã sử dụng các mô hình. Chính vì vậy khi nhắc đến các kịch bản phát thải mới của IPCC, ta thường thấy chúng được gọi bằng những tên như A1B-MARIA, A2-MESSAGE. Có thể thấy các tên gọi này gồm hai phần chính là các họ kịch bản và mô hình sử dụng để đưa ra kết quả. Các mô hình được sử dụng bao gồm:

-       AIM: Mô hình tổng hợp Châu Á Thái Bình dương (Asian Pacific Integrated Model), Học viện Quốc gia về nghiên cứu môi trường Nhật Bản.

-       ASF: Mô hình khí quyển ổn định (Atmospheric Stabilization Framework Model), Mỹ.

-       IMAGE: Mô hình tổng hợp đánh giá hiệu ứng nhà kính (Integrated Model to Assess the Greenhouse Effect), Hà Lan.

-       MARIA: Mô hình phân bố tài nguyên và công nghiệp đa khu vực (Multiregional Approach for Resource and Industry Allocation), Nhật Bản.

-       MESSAGE: Mô hình chiến lược đa khả năng cung cấp năng lượng và tác động chung tới môi trường (Model for Energy Supply Strategy Alternatives and their General Environmental Impact), Áo.

-       MiniCAM: Mô hình đánh giá khí hậu thu nhỏ (Mini Climate Assessment Model), Mỹ.

Bên cạnh đó, Nhóm I của IPCC còn phân chia các khu vực để phát triển các kịch bản dựa trên 6 mô hình. Có 4 vùng vĩ mô chung cho các mô hình, mỗi kịch bản được tính riêng cho từng vùng tương ứng:

-       OECD90: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (1990).

-       REF: Các nước cải cách kinh tế, Đông, Trung Châu Âu và các nước Liên bang Xô viết cũ.

-       ASIA: Tất cả các nước đang phát triển ở Châu Á (gồm Trung Đông).

-       ALM: Phần còn lại của thế giới tức là các nước đang phát triển ở Châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông.

OECD90 và REF chỉ các nước công nghiệp phát triển (IND), ASIA và ALM chỉ nhóm đang phát triển (DEV). 

4.1.4.2 Kết quả của kịch bản phát thải khí nhà kính

Các bảng từ 4.2 đến 4.5 cho kết quả lượng phát thải và nồng độ phát thải của một số chất KNK khác nhau theo các kịch bản với các mốc thời gian khác nhau đến 2100. Phát thải từ kịch bản IS92a cũng được đưa vào để so sánh.

Bảng 4.2  Lượng phát thải CO2theo các kịch bản (tỷ tấn CO2/năm)

Năm

A1B

A1T

A1FI

A2

B1

B2

IS92a

2000

7.97

7.97

7.97

7.97

7.97

7.97

8.4

2010

10.88

9.38

9.73

9.58

9.28

8.78

9.9

2020

12.64

10.26

12.73

12.25

10.63

9.05

11.4

2030

14.48

12.38

16.19

14.72

11.11

9.90

12.66

2040

15.35

12.65

19.97

16.07

11.72

10.69

13.58

2050

16.38

12.26

23.90

17.43

11.29

11.01

14.5

2060

16.00

11.38

25.69

19.16

9.74

11.49

15.22

2070

15.73

9.87

27.28

20.89

8.18

11.62

15.94

2080

15.18

8.02

28.68

23.22

6.70

12.15

17.12

2090

14.30

6.26

28.42

26.15

5.32

12.79

18.76

2100

13.49

4.32

28.24

29.09

4.23

13.32

20.3

 
Bảng 4.3  Lượng phát thải CH4 theo các kịch bản (triệu tấn CH4/năm)

Năm

A1B

A1T

A1FI

A2

B1

B2

IS92a

2000

323

323

323

323

347

347

390

2010

373

362

359

370

349

349

433

2020

421

415

416

424

377

384

477

2030

466

483

489

486

385

426

529

2040

458

495

567

542

381

466

580

2050

452

500

630

598

359

504

630

2060

410

459

655

654

342

522

654

2070

373

404

677

711

324

544

678

2080

341

359

695

770

293

566

704

2090

314

317

715

829

266

579

733

2100

289

274

735

889

236

597

762

 
Bảng 4.4  Lượng phát thải N2O theo các kịch bản (triệu tấn N/năm) 

Năm

A1B

A1T

A1FI

A2

B1

B2

IS92a

2000

7.0

7.0

7.0

7.0

7.0

7.0

5.5

2010

7.0

6.1

8.0

8.1

7.5

6.2

6.2

2020

7.2

6.1

9.3

9.6

8.1

6.1

7.1

2030

7.3

6.2

10.9

10.7

8.2

6.1

7.7

2040

7.4

6.2

12.8

11.3

8.3

6.2

8.0

2050

7.4

6.1

14.5

12.0

8.3

6.3

8.3

2060

7.3

6.0

15.0

12.9

7.7

6.4

8.3

2070

7.2

5.7

15.4

13.9

7.4

6.6

8.4

2080

7.1

5.6

15.7

14.8

7.0

6.7

8.5

2090

7.1

5.5

16.1

15.7

6.4

6.8

8.6

2100

7.0

5.4

16.6

16.5

5.7

6.9

8.7

 
Bảng 4.5  Lượng phát thải S2O theo các kịch bản (triệu tấn S/năm)

Năm

A1B

A1T

A1FI

A2

B1

B2

IS92a

2000

69.0

69.0

69.0

69.0

69.0

69.0

79.0

2010

87.1

64.7

80.8

74.7

73.9

65.9

95.0

2020

100.2

59.9

86.9

99.5

74.6

61.3

111.0

2030

91.0

59.6

96.1

112.5

78.2

60.3

125.8

2040

68.9

45.9

94.0

109.0

78.5

59.0

139.4

2050

64.1

40.2

80.5

105.4

68.9

55.7

153.0

2060

46.9

34.4

56.3

89.6

55.8

53.8

151.8

2070

35.7

30.1

42.6

73.7

44.3

50.9

150.6

2080

30.7

25.2

39.4

64.7

36.1

50.0

149.4

2090

29.1

23.3

39.8

62.5

29.8

49.0

148.2

2100

27.6

20.2

40.1

60.3

24.9

47.9

147.0

 
Đối với mỗi kịch bản phát thải, dự tính nồng độ CO2 được tính toán bởi các mô hình chu trình cacbon khác nhau. Hình 4.3 biểu diễn nồng độ của CO2 dự tính từ 2 mô hình khác nhau là ISAM (http://www.ipcc-data.org/ancilliary/tar-isam.txt) và BERN (http://www.ipcc-data.org/ancilliary/tar-bern.txt) đến 2100 theo các kịch bản và biểu diễn cả nồng độ CO2 quan trắc tại vị trí Mauna Loa  (Hawaii) từ 1958 đến 2008.
Hình 4.3 Nồng độ CO2khí quyển được quan trắc tại Mauna Loa từ 1958 đến 2008 (đường đứt màu đen) và dự tính bởi 6 họ kịch bản SRES. 2 mô hình chu trình cacbon được sử dụng cho mỗi họ kịch bản là BERN (đường liền) và ISAM (đường đứt)

4.2 Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu

Xây dựng kịch bản BĐKH toàn cầu, còn gọi là dự tính BĐKH toàn cầu là việc đưa ra những thông tin phản ánh điều kiện khí hậu trong tương lai khi sử dụng các mô hình khí hậu chạy với đầu vào là các kịch bản phát thải KNK.

Các tác động của con người đến hệ thống khí hậu có thể được dự tính bằng cách tính toán tất cả các quá trình quan trọng xảy ra trong hệ thống thông qua việc biểu diễn chúng dựa trên các nguyên lý của vật lý học, hóa học và sinh học vào trong một mô hình toán học. Do tính phức tạp của các quá trình này, chúng chỉ có thể thực hiện được bởi các chương trình máy tính, hay còn gọi là các mô hình khí hậu. Nếu như tất cả các hiểu biết của chúng ta về hệ thống khí hậu được tính đến, mô hình sẽ trở nên cực kỳ phức tạp và không thể chạy trên bất cứ một hệ thống máy tính dù tối tân đến mức nào. Do vậy trên thực tế, các phép đơn giản hóa đã được thực hiện để làm giảm tính phức tạp cũng như các đòi hỏi về tài nguyên tính toán (ví dụ giảm số chiều mô phỏng xuống thành 2 chiều, thậm chí 0 chiều). Các mô hình đơn giản cho phép nghiên cứu độ nhạy của khí hậu đến một quá trình riêng biệt với một phổ rộng các tham số. Theo mức độ phức tạp, có thể sắp xếp các mô hình khí hậu theo thứ tự từ những mô hình cân bằng năng lượng đơn giản đến các mô hình rất phức tạp, đòi hỏi phải có các máy tính lớn, tốc độ tính toán nhanh và những kỹ thuật tính toán phức tạp. Các mô hình khí hậu phức tạp nhất là các mô hình kết hợp đại dương khí quyển kết hợp giữa mô hình khí quyển 3 chiều, mô hình đại dương, mô hình băng biển, và mô hình bề mặt đất. Với các mô hình kết hợp, thông tin về trạng thái của khí quyển và đại dương được sử dụng để tính toán trao đổi nhiệt lượng, độ ẩm và động lượng giữa 2 thành phần này.

4.2.1 Mô hình khí hậu toàn cầu

Mô hình khí hậu toàn cầu GCM hiện đại có nguồn gốc từ các mô hình toán học được phát triển trước hết để dự báo các hình thế thời tiết hạn vài ngày. Năm 1922, Richardson L. F. là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng thời tiết trong tương lai có thể dự báo được bằng việc tích phân số các phương trình chuyển động của chất lỏng khi sử dụng thời tiết hiện tại như là điều kiện ban đầu. Richardson đã cố gắng tính toán dự báo thời tiết bằng tay khi ông đang là một lái xe cứu thương ở Pháp trong chiến tranh Thế giới thứ I. Kết quả dự báo sai quá mức, bởi vì những điều kiện ban đầu của ông có chứa thành phần hội tụ gió giả tạo lớn. Dự báo bằng mô hình số thành công đầu tiên đã sử dụng các phương trình đã được đơn giản hóa rất nhiều so với những phương trình của Richardson, trong đó nghiệm của chúng ít nhạy cảm với điều kiện ban đầu.

Dự báo thời tiết bằng phương pháp số được đề xuất như là một khả năng ứng dụng của máy tính điện tử được John von Neumann phát triển vào cuối những năm 1940. Thành công đầu tiên của dự báo thời tiết số sử dụng máy tính điện tử là ở Viện nghiên cứu nâng cao Princeton, New Jersey, được thực hiện bởi một nhóm do Jule Charney lãnh đạo. Mô hình này chỉ có một lớp khí quyển và chỉ mô tả vùng lục địa nước Mỹ. Thí nghiệm số đầu tiên có tính đến bức xạ và sự tiêu tán đã được xây dựng khi sử dụng một mô hình đơn giản hai mực theo chiều thẳng đứng. Sau đó để mô phỏng chi tiết hơn hoàn lưu chung khí quyển, người ta đã đưa vào các phương trình chuyển động chính xác hơn, tăng độ phân giải không gian ngang và đứng, và các quá trình vật lý điều khiển hoàn lưu chung khí quyển, như bức xạ, sự giải phóng ẩn nhiệt, và tiêu tán do ma sát được mô tả sát thực hơn. Chất lượng của những mô phỏng nhận được bằng các mô hình khí quyển đã dần dần được cải thiện nhờ nghiên cứu thực nghiệm chuyên sâu liên quan đến việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết thực tế. Cùng với sự nỗ lực để tăng chất lượng dự báo thời tiết là sự cố gắng lớn trong việc thu thập số liệu quan trắc thời tiết tại bề mặt và tại các mực khí quyển trên cao. Những quan trắc này có thể dùng để mô tả trạng thái khí quyển dùng cho việc điều chỉnh những dự báo ban đầu.

Khởi đầu của việc ứng dụng các GCM trong nghiên cứu khí hậu là mô hình hoàn lưu chung khí quyển đơn giản được Philip xây dựng lần đầu tiên vào năm 1956. Sau đó, các mô hình hoàn lưu chung khí quyển bắt đầu được nghiên cứu rộng rãi ở nhiều cơ sở khác nhau của Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc và nhiều nơi khác. Từ những năm 1970, các mô hình hoàn lưu chung khí quyển đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khí tượng, khí hậu học. Đánh dấu cho sự phát triển mô hình khí hậu là sự hình thành nhóm nghiên cứu BĐKH của IPCC vào những năm 1980. Nhận thức được mối liên hệ giữa sự nóng lên của khí hậu Trái đất và sự gia tăng hiệu ứng nhà kính do nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên, các nhà khí hậu học bắt đầu quan tâm đến các tác động dài hạn của sự tích luỹ CO2 trong khí quyển do phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch. Một số công trình đãsử dụng mô hình GCM để tính sự biến đổi trong cấu trúc ba chiều của khí quyển khi nồng độ CO2 tăng gấp đôi.

Do tầm quan trọng của đại dương đối với hệ thống khí hậu nên các nhà mô hình hoá đã bắt đầu “ghép” mô hình hoàn lưu chung đại dương (OGCM) với mô hình hoàn lưu chung khí quyển (AGCM) để tạo thành hệ thống mô hình kết hợp đại dương khí quyển (AOGCM). Đến giữa những năm 1980 các mô hình AOGCM đã được thiết lập như một tiêu chuẩn mới đối với mô hình hoá khí hậu. Các mô hình AOGCM đã có thể mô phỏng được (a) Thông lượng nhiệt và ẩm (bốc hơi) từ đại dương vào lớp biên khí quyển; (b) Thông lượng nhiệt và giáng thủy từ khí quyển vào đại dương; (c) Sự điều khiển gió của hoàn lưu đại dương; (d) Sự biến đổi độ cản gió do biến đổi độ cao sóng và (e) Các quá trình quan trọng khác tại mặt phân cách khí quyển - đại dương là kết quả của sự vận chuyển các xon khí từ các hạt nước biển và vận chuyển hóa học giữa không khí và nước. Các mô hình AOGCM đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện thông qua việc tăng độ phân giải không gian cũng như cải tiến các mô đun động lực và các sơ đồ tham số hóa (chẳng hạn băng biển, lớp biên khí quyển, lớp xáo trộn đại dương). Nhiều quá trình rất quan trọng đã được đưa vào trong các mô hình, bao gồm những quá trình ảnh hưởng đến các nhân tố tác động (ví dụ xon khí bây giờ đã được mô hình hóa trong mối tương tác với các quá trình khác trong nhiều mô hình).

Khả năng mô phỏng khí hậu toàn cầu trên các quy mô từ mùa đến nhiều năm của GCM đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. GCM cũng có thể dự báo mùa sự hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới trên Đại Tây Dương thông qua việc dự báo khu vực phát triển chính của chúng. Hiện nay, nhiều GCM đang được nghiên cứu ứng dụng trong mô phỏng khí hậu quá khứ và dự tính khí hậu tương lai theo các kịch bản BĐKH, như CCSM (Community Climate System Model), ECHAM (European Centre Hamburg Model),... Theo kết quả tổng hợp trong Báo cáo lần thứ 4 của IPCC, cho đến nay các mô hình đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong mô phỏng nhiều khía cạnh của khí hậu trung bình hiện tại. Các mô phỏng giáng thủy, khí áp mực biển và nhiệt độ bề mặt nhìn chung đã được cải thiện mặc dù vẫn còn một số khiếm khuyết, nhất là đối với giáng thủy vùng nhiệt đới. Đối với giáng thủy, các mô hình nói chung vẫn cho mô phỏng thấp hơn thực tế trong hầu hết các sự kiện cực đoan. Việc mô phỏng xoáy thuận ngoại nhiệt đới cũng đã có nhiều tiến bộ. Một số mô hình đã được sử dụng để dự tính sự biến đổi của xoáy thuận nhiệt đới. Kết quả cho thấy chúng có thể mô phỏng khá thành công tần suất và sự phân bố của xoáy thuận nhiệt đới quan trắc. Các mô hình cũng đã mô phỏng được các dạng chủ đạo của biến động khí hậu ngoại nhiệt đới, như NAM/SAM (the Northern and Southern hemisphere Annular Modes), PNA (Pacific/North American), PDO (Pacific Decadal Oscillation). Mặc dù vậy, các mô hình vẫn chưa tái tạo được một số đặc điểm của các dạng biến động này. Hiện tại đã có một số mô hình có thể mô phỏng nhiều đặc tính quan trọng của ENSO (El Nino/Southern Oscillation), nhưng mô phỏng dao động Madden-Julian nói chung vẫn còn chưa tốt.

Đối với bài toán dự tính BĐKH, từ các kịch bản phát thải KNK, những thông tin phản ánh điều kiện khí hậu trong tương lai sẽ được xác định khi chạy các mô hình khí hậu toàn cầu với hàm lượng KNK dự tính của khí quyển. Các kịch bản BĐKH toàn cầu sau đó được xây dựng dựa trên những kết quả dự tính này. Nói chung các mô hình khác nhau đưa ra những sản phẩm dự tính không giống nhau do tính bất định luôn luôn tiềm ẩn trong các mô hình. Theo Báo cáo lần thứ 4 của IPCC, kết quả từ các mô hình GCM khi mô phỏng khí hậu toàn cầu đã cho thấy nhiệt độ và lượng mưa trung bình trên từng khu vực có sai số mang tính hệ thống so với quan trắc. Nhiệt độ mô phỏng thấp hơn còn giáng thủy lại mạnh hơn so với thực tế trên tất cả các khu vực trong hầu hết các mùa. Sai số mô phỏng nhiệt độ trung bình năm biến thiên từ -2.5oC trên cao nguyên Tây Tạng đến -1.4oC trên Nam Á. Tại hầu hết các khu vực, sai số nhiệt độ của từng mô hình riêng lẻ dao động từ 6 đến 7oC, ngoại trừ trên khu vực Đông Nam Á, sai số này giảm còn 3.6oC. Đối với lượng mưa, sai số lớn hơn ở Bắc Á và Đông Á và rất lớn ở cao nguyên Tây Tạng. Các mô hình GCM trong trường hợp này rõ ràng là có vấn đề khi mô phỏng điều kiện khí hậu khu vực cao nguyên Tây Tạng vì không mô tả được hiệu ứng của địa hình phức tạp ở đây cũng như quá trình hồi tiếp albedo do sự mở rộng tuyết trên đỉnh núi.

Trong mỗi mô hình đơn lẻ luôn tồn tại những điểm mạnh và những điểm yếu khiến cho “không một mô hình nào được xem là tốt nhất và việc sử dụng kết quả từ nhiều mô hình là quan trọng”. Nếu hiểu các sai số mô phỏng trong các mô hình khác nhau là độc lập, trung bình của các mô hình có thể được kỳ vọng sẽ tốt hơn mỗi thành phần riêng lẻ, do vậy sẽ cung cấp một dự tính “tốt nhất”. Một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra điều này, cho các dự báo mùa và cho cả việc tái tạo điều kiện khí hậu hiện tại từ các mô phỏng, dự tính khí hậu hạn dài. Bởi vậy, để giảm bớt tính bất định, với cùng một kịch bản phát thải, sản phẩm dự tính của nhiều mô hình khác nhau được sử dụng để xây dựng các kịch bản BĐKH. Việc sử dụng tổ hợp các mô hình toàn cầu chạy ở các trung tâm mô hình hóa khác nhau đã được triển khai cho các dự tính/dự báo khí hậu ở các quy mô thời gian từ mùa đến nhiều năm và thế kỷ. Một trong những dự án quan trọng nhất trong vấn đề này có thể kể đến là dự án so sánh đa mô hình khí hậu (CMIP), thu thập dữ liệu đầu ra của 25 mô hình/phiên bản mô hình toàn cầu nhằm phục vụ cho Báo cáo đánh giá lần thứ 4 thực hiện bởi nhóm làm việc thứ nhất  của IPCC. Hiện nay, dự án CMIP5 đang được tiến hành, tiếp nối dự án CMIP3 với mục tiêu phục vụ Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của IPCC dự kiến xuất bản vào tháng 9 năm 2013.

4.2.2 Một số kết quả dự tính BĐKH toàn cầu từ IPCC

Nói chung các mô hình khác nhau đưa ra những sản phẩm dự tính không giống nhau do tính bất định luôn luôn tiềm ẩn trong các mô hình. Bởi vậy, để giảm bớt tính bất định, với cùng một kịch bản phát thải, sản phẩm dự tính của nhiều mô hình khác nhau được sử dụng để xây dựng các kịch bản BĐKH. Dựa trên nguyên tắc đó, IPCC đã tổng hợp, phân tích và đưa ra các kịch bản BĐKH toàn cầu và đã công bố trong Báo cáo lần thứ 4, năm 2007. Dưới đây là một số kết quả về xu hướng BĐKH toàn cầu với các kịch bản khác nhau của một số yếu tố khí hậu cơ bản.

Nhiệt độ:Với các kịch bản không tính đến việc chủ động giảm phát thải, các mô hình đều cho thấy nhiệt độ trung bình bề mặt tiếp tục tăng lên trong thế kỷ 21, chủ yếu là do sự tăng nồng độ KNK nhân tạo. Phân tích sản phẩm của các mô hình toàn cầu với các kịch bản phát thải B1, A1B và A2 cho thấy nhiệt độ trung bình của giai đoạn 2011-2030 sẽ cao hơn nhiệt độ trung bình của giai đoạn 1980-1999 khoảng từ 0,64º đến 0,69º.

Từ giữa thế kỷ 21 (2046-2065), việc lựa chọn kịch bản phát thải trở nên quan trọng do có sự khác biệt đáng kể về sự tăng nhiệt độ trung bình bề mặt giữa các kịch bản: 1,3ºC, 1,7ºC,  và 1,8ºC tương ứng với B1, A1B và A2. Sự ấm lên của bề mặt đi kèm với khoảng bất định của giai đoạn 2090-2099 so với giai đoạn 1980-1999 là B1: 1,8°C (1,1 đến 2,9°C), B2: 2,4°C (1,4 đến 3,8°C), A1B: 2,8°C (1,7 đến 4,4°C), A1T: 2,4°C (1,4 đến 3,8°C), A2: 3,4°C (2,0 đến 5,4°C) và A1FI: 4,0°C (2,4 đến 6,4°C).

Rất nhiều khả năng những đợt nóng sẽ trở nên khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài hơn trong tương lai. Các giai đoạn lạnh sẽ giảm rõ rệt. Hầu như ở mọi nơi, nhiệt độ thấp nhất ngày có tốc độ tăng nhanh hơn so với nhiệt độ cao nhất ngày, dẫn tới việc giảm biên độ biến trình ngày của nhiệt độ. Ở những vùng vĩ độ cao và trung bình số ngày đông giá sẽ ít hơn.

Hình 4.4 Nhiệt độ trung bình bề mặt (so với giai đoạn 1980-1999) cho các kịch bản phát thải A2, A1B, và B1 trong thế kỷ 20 và trong tương lai [IPCC, 2007]

Mưa:Các mô hình hiện tại cho thấy rằng lượng mưa nhìn chung tăng lên ở những nơi mưa nhiều thuộc các vùng nhiệt đới (ví dụ, khu vực gió mùa) đặc biệt là vùng nhiệt đới Thái Bình dương; vùng cận nhiệt đới có xu hướng giảm mưa, trong khi mưa lại nhiều lên ở các vùng vĩ độ cao. Đó là kết quả của việc tăng cường chu trình nước toàn cầu. Giá trị trung bình toàn cầu của hơi nước, bốc hơi và lượng mưa đều có xu hướng tăng.

Các hiện tượng mưa cực đoan cũng được dự tính sẽ tăng lên, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và vĩ độ cao, nơi lượng mưa trung bình tăng. Ngay cả ở những nơi mà lượng mưa trung bình giảm, cực trị mưa cũng tăng và khoảng thời gian giữa các sự kiện mưa có thể tăng lên. Có xu hướng khô hạn ở những vùng sâu trong các lục địa kèm theo nguy cơ hạn hán ở các vùng này.

Hình 4.5 Biến đổi từ trung bình các mô hình với (a) Lượng mưa (mm/ngày), (b) độ ẩm đất (%), (c) dòng chảy (runoff, mm/ngày) và (d) bốc hơi (mm/ngày). Những vùng có dấu chấm là nơi có đến 80% mô hình có cùng dấu. Biến đổi này là trung bình năm của kịch bản SRES A1B cho giai đoạn 2080-2099 tương ứng với 1980-1999 [IPCC, 2007]

ENSO:Tất cả các mô hình đều chỉ ra dao động nhiều năm của hiện tượng ENSO, tuy nhiên chưa có dấu hiệu thống nhất giữa các mô hình về cường độ cũng như tần suất xuất hiện các sự kiện ENSO trong thể kỷ 21.

Xoáy thuận nhiệt đới:Kết quả từ nhiều mô hình cho thấy, cùng với sự tăng lên liên tiếp của nhiệt độ bề mặt biển nhiệt đới, dường như xoáy thuận nhiệt đới trong tương lai sẽ mạnh hơn với đỉnh của phổ tốc độ gió lớn hơn và mưa lớn do bão nhiều hơn. Một vài mô hình dự tính tổng số lượng xoáy thuận nhiệt đới toàn cầu có thể giảm đi, nhưng kết quả này có độ tin cậy kém. Những mô hình gần đây đã không mô phỏng được đầy đủ sự tăng lên rõ rệt của tỷ lệ các cơn bão cực mạnh từ năm 1970 đến nay trên một số khu vực.

Mực nước biển:Mực nước biển trung bình hiện tại (1980-1999) và cuối thế kỷ 21 (2090-2099) dự kiến sẽ tăng tương ứng với các kịch bản phát thải là: B1 từ 0,18 đến 0,38m, B2 từ 0,20 đến 0,43m, A1B từ 0,21 đến 0,48m, A1T từ 0,20 đến 0,45m, A2 từ 0,23 đến 0,51m, và A1FI từ 0,26 đến 0,59m. Trong tất cả các kịch bản, tốc độ tăng trung bình của thế kỷ 21 dường như vượt quá tốc độ tăng trung bình của giai đoạn 1961-2003 (1,8 ± 0,5 mm/năm). Với kịch bản A1B, tốc độ trung bình dự tính mực nước biển dâng giai đoạn 2090 – 2099 là 3,8 mm/năm. Sự giãn nở vì nhiệt là nguyên nhân chủ yếu (chiếm đến 70-72%) làm cho nước biển dâng trong tất cả các kịch bản. Ngoài ra, sự tan băng cũng là một phần nguyên nhân của nước biển dâng.

Hình 4.6 Kết quả dự tính và khoảng bất định (5 đến 95%) của mức tăng mực nước biển trung bình toàn cầu và các thành phần của nó cho giai đoạn 2090-2099 (so với thời kỳ chuẩn 1980-1999) cho 6 họ kịch bản gốc [IPCC, 2007]

4.3 Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu quy mô khu vực

Các mô hình hoàn lưu chung kết hợp đại dương khí quyển là các công cụ chính để nắm bắt các biểu hiện của hệ thống khí hậu toàn cầu. Bởi tính phức tạp cũng như nhu cầu chạy toàn cầu cho thời gian dài, độ phân giải của các AOGCM hiện tại nằm trong khoảng từ 400 đến 125 km. Độ phân giải này là thô, không đủ chi tiết cho việc phân tích, đánh giá BĐKH và tác động của nó ở quy mô khu vực. Vì vậy, để xây dựng các kịch bản BĐKH cho từng khu vực, từng quốc gia và vùng lãnh thổ cần phảihạ thấp quy mô sản phẩm của các mô hình toàn cầu, nghĩa là tạo ra các thông tin ở quy mô dưới lưới của AOGCM. Có hai cách tiếp cận chính là hạ thấp quy mô là phương pháp thống kê và phương pháp động lực. Ngoài ra còn có một cách tiếp cận ít được sử dụng hơn là nội suy trực tiếp từ đầu ra của AOGCM.

4.3.1 Nội suy đơn giản từ ô lưới của mô hình toàn cầu

Đầu ra của các AOGCM thường là dữ liệu trên lưới phân giải thô. Để nhận được các thông tin ở độ phân giải thấp hơn, một trong những phương pháp đơn giản nhất là nội suy đơn giản. Có 2 cách thường được sử dụng là:

-       Sử dụng thông tin trực tiếp trên ô lưới của mô hình

-       Nội suy xuống một lưới tinh hơn sử dụng kỹ thuật đơn giản

Cách tiếp cận đầu tiên sử dụng giá trị ở điểm lưới gần nhất. Điểm lưới gần nhất là điểm lưới có khoảng cách ngắn nhất đến điểm địa phương đang xem xét, hoặc điểm lưới có cùng độ cao và đặc điểm khí hậu. Cách tiếp cận này có một số nhược điểm chính như sau:

-       Thiếu hụt độ tin cậy trong các kết quả BĐKH ở quy mô khu vực từ đầu ra mô hình toàn cầu, dẫn đến quy mô không gian của khu vực xem xét phải chiếm ít nhất 4 hoặc nhiều hơn ô lưới của AOGCM;

-       Các vị trí gần nhau nhưng lại nằm trong 2 ô lưới khác nhau mặc dù có thể có đặc điểm khí hậu rất gần nhau trong thời kỳ chuẩn nhưng lại sẽ rất khác nhau theo các kịch bản trong tương lai;

-       Một vị trí trên đất liền có thể nằm trên một ô lưới của GCM được định nghĩa ở trên biển.

Cách tiếp cận thứ 2, nội suy đầu ra của GCM là phương pháp hạ quy mô đơn giản nhất (Hình 4.7). Các trường khí hậu sẽ được nội suy từ các ô lưới gần đó. Cách tiếp cận này giải quyết được vấn đề về tính không liên tục trong các biến đổi giữa các vị trí gần nhau nhưng thuộc 2 ô lưới khác nhau.

Hình 4.7 Minh họa về phương pháp nội suy đơn giản

4.3.2 Phương pháp hạ thấp quy mô thống kê

Phương pháp hạ thấp quy mô thống kê dựa trên quan điểm rằng khí hậu khu vực được tạo thành từ 2 nhân tố: trạng thái khí hậu quy mô lớn và các đặc điểm địa phương/khu vực (ví dụ như địa hình, phân bố đất biển, tình trạng sử dụng đất). Đầu tiên, mối quan hệ thống kê giữa các yếu tố khí tượng quy mô địa phương/khu vực (còn gọi là yếu tố dự báo) với các biến khí hậu quy mô lớn (còn lại là nhân tố dự báo) sẽ được xây dựng. Chấp nhận giả thiết rằng mối quan hệ này được duy trì trong tương lai, áp dụng chúng cho đầu ra của các mô phỏng GCM sẽ nhận được các thông tin về đặc điểm khí hậu tương lai cho địa phương và khu vực. Hạ thấp qui mô thống kê có ưu điểm là đơn giản và không đòi hỏi tài nguyên máy tính lớn, do đó có thể áp dụng cho nhiều thử nghiệm kết quả GCM khác nhau. Một ưu điểm khác là phương pháp này có thể sử dụng để cung cấp thông tin cho một địa điểm cụ thể, rất cần thiết đối với các nghiên cứu về tác động của BĐKH. Ngoài ra phương pháp có thể áp dụng cho cả các biến không phải là sản phẩm của mô hình. Nhược điểm chính của phương pháp này là phải chấp nhận giả thiết về sự không đổi của mối quan hệ thống kê giữa qui mô toàn cầu và qui mô khu vực trong bối cảnh BĐKH tương lai, và do đó các quá trình hồi tiếp của khu vực sẽ không được tính đến. Ngoài ra, phương pháp này cũng đòi hỏi phải có một nguồn số liệu đủ dài để có thể xây dựng được các quan hệ thống kê.

Đối với phương pháp hạ quy mô thống kê, có 3 kỹ thuật chính là: phân loại thời tiết (weather classification), mô hình hồi quy (regression models) và nguồn sinh thời tiết (WG -weather generator).

Kỹ thuật “phân loại thời tiết” nhóm các ngày vào trong một số hữu hạn các dạng thời tiết dựa trên tính tương đồng về đặc điểm synop. Yếu tố dự báo sẽ được tính dựa trên trạng thái thời tiết thịnh hành và được nhân bản trong điều kiện khí hậu thay đổi bằng cách lấy mẫu lại hoặc sử dụng các hàm hồi quy.

Các mô hình hồi quy là các công cụ đơn giản biểu diễn các quan hệ tuyến tính và phi tuyến giữa các yếu tố dự báo và các trường khí quyển quy mô lớn. Các kỹ thuật hay dùng là hồi quy đa biến, phân tích tương quan chính tắc, và mạng thần kinh nhân tạo, một dạng  gần giống hồi quy phi tuyến.

“Nguồn sinh thời tiết” WG là kỹ thuật nhân bản các  thông tin thống kê của các biến khí hậu địa phương (ví dụ như giá trị trung bình và phương sai). Kỹ thuật này dựa trên việc biểu diễn xuất hiện của mưa thông qua các quá trình Markov cho các ngày ẩm ướt/khô hoặc các đợt chuyển tiếp. Các biến phụ thuộc như số ngày ẩm ướt, nhiệt độ và bức xạ mặt trời thường được mô phỏng dựa trên sự xuất hiện của mưa (ví dụ như các ngày khô trong mùa hè bình quân có nhiều nắng hơn các ngày ẩm ướt). Kỹ thuật WG sử dụng cho hạ quy mô thống kê bằng cách gắn kết các tham số của WG vào các nhân tố dự báo quy mô lớn, trạng thái thời tiết hoặc đặc điểm mưa.

 Sau khi được hiệu chỉnh, các mô hình hạ quy mô thống kê có thể biểu diễn được rất tốt các đặc điểm thống kê của trạng thái khí hậu địa phương. Các kịch bản BĐKH quy mô khu vực từ đó có thể được tạo ra bằng cách áp dụng các mô hình hạ quy mô này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiệt độ và lượng mưa địa phương tạo bởi phương pháp hạ quy mô thống kê khác biệt đáng kể và cho các cấu trúc không gian mịn hơn so với các sản phẩm được nội suy trực tiếp từ mô hình toàn cầu.

4.3.3 Các mô hình GCM khí quyển phân giải cao

Các mô hình GCM chỉ với thành phần khí quyển (AGCMs) bao gồm các sơ đồ tương tác bề mặt đất giống như trong một mô hình kết hợp AOGCM nhưng chỉ yêu cầu các thông tin về nhiệ độ bề mặt biển SST và băng biển như là điều kiện biên dưới. Do quy mô thời gian gắn với các quá trình khí quyển và bề mặt đất là ngắn hơn so với các quá trình trong đại dương, các mô hình AGCMs này có thể chạy với độ phân giải không gian cao cho một khoảng thời gian tương đối ngắn (khoảng vài thập kỷ). Các thông tin về SST và băng biển  dùng để chạy mô hình có thể nhận được từ các quan trắc hoặc từ các AOGCMs.

Phân giải của các mô hình AGCM hiện có thể đạt được đến 50-100 km. Đặc biệt Viện nghiên cứu khí tượng của Nhật (MRI) cũng đã chạy dự tính cho toàn cầu với độ phân giải 20 km cho kịch bản A1B đến 2100. Một số mô hình AGCM cho phép độ phân giải thay đổi tập trung vào một khu vực nhất định. Các mô hình này được gọi là VRGCMs (Variable-Resolution AGCM), trong đó một ví dụ tiêu biểu là mô hình bảo giác lập phương CCAM của Úc, hiện đang được chạy tại Bộ môn Khí tượng, Đại học Khoa học Tự nhiên. Các mô hình VRGCM, thông qua những phép co dãn cho phép có những tăng cường phân giải cho một số khu vực nhất định trong khi vẫn giữ được tương tác của khí quyển toàn cầu và số điểm lưới tính toán không bị tăng lên.

Cùng với sự phát triển của năng lực tính toán và công nghệ, trong tương lai, các mô hình toàn cầu hứa hẹn sẽ đạt đến mức độ chi tiết theo quy mô khu vực.

4.3.4 Hạ thấp quy mô động lực bằng mô hình khí hậu khu vực

Mặc dù các GCM đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc tái tạo khí hậu quá khứ và dự tính khí hậu tương lai nhưng chúng vẫn chưa thể mô phỏng tốt khí hậu cho từng khu vực do hầu hết các GCM đều có độ phân giải thấp tính đến thời điểm hiện tại, không đủ để có thể mô tả các đặc trưng khu vực như khí hậu gió mùa, địa hình và hệ sinh thái phức tạp, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của con người. Do đó, từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, các mô hình khu vực hạn chế (LAM) đã được áp dụng vào nghiên cứu khí hậu khu vực thông qua kỹ thuật “lồng ghép” một chiều, trong đó các điều kiện ban đầu (IC) và điều kiện biên xung quanh (LBC) cần để chạy LAM được cung cấp bởi số liệu tái phân tích toàn cầu hoặc từ sản phẩm của GCM. Đó là các mô hình khí hậu khu vực (RCM). Phương pháp lồng ghép RCM vào GCM thường được gọi là hạ thấp quy mô động lực, hay chi tiết hóa động lực (Hình 4.8, 4.9).

Các RCM có các điều kiện biên xung quanh là gió, nhiệt và ẩm từ các trường khí quyển quy mô lớn và các điều kiện biên dưới là SST và băng biển. Các trường điều khiển giữ cho kết quả của RCM thống nhất với hoàn lưu khí quyển của mô hình toàn cầu. Các quá trình vật lý quy mô dưới lưới cũng được tham số hóa một cách thích hợp, tích hợp được các chi tiết địa hình, tương phản đất, biển và sử dụng đất.

Hình 4.8 Minh hoạ về phương pháp hạ quy mô động lực sử dụng RCM

Phương pháp hạ thấp quy mô động lực có ưu điểm là nắm bắt được các hiệu ứng phi tuyến quy mô vừa và đưa ra được các thông tin thống nhất chặt chẽ giữa các biến khí hậu, cho phép mô tả chi tiết, đầy đủ các quá trình mang tính địa phương và khu vực. Sản phẩm của các mô hình khí hậu khu vực rất đa dạng, phong phú và đồng bộ. Nhược điểm chính của phương pháp này là đòi hỏi cao về năng lực tính toán và lưu trữ của hệ thống máy tính. Ngoài ra các sơ đồ tham số hóa sử dụng trong các quá trình quy mô dưới lưới có thể không thích hợp trong bối cảnh khí hậu tương lai. Độ chính xác cũng như độ bất định của sản phẩm dự tính phụ thuộc lớn vào bản chất động lực và các sơ đồ tham số hóa vật lí của từng mô hình. Một số so sánh giữa phương pháp hạ thấp quy mô động lực và phương pháp hạ thấp quy mô thống kê được liệt kê ở Bảng 4.6.

Hình 4.9 Lưới 1,4°×1,4° đầu ra của mô hình toàn cầu CCSM và lưới 0,3°×0,3° kết quả hạ quy mô động lực từ CCSM sử dụng mô hình khu vực RegCM. Khu vực được hiển thị là đồng bằng sông Hồng

Bảng 4.6 So sánh một số đặc điểm của 2 phương pháp hạ quy mô: thống kê và động lực

Hạ quy mô thống kê

Hạ quy mô động lực

Các biến đầu ra không phải lúc nào cũng mang tính thống nhất vật lý

Mang tính thống nhất giữa các biến địa phương/khu vực

Đòi hỏi tài nguyên tính toán ít, do đó có thể tổ hợp hoặc thực hiện nhiều thử nghiệm khác nhau

Đòi hỏi tài nguyên tính toán cao, do đó chỉ có thể tiến hành một số ít  thử nghiệm

Đầu ra có các đặc điểm thống kê tương tự với các quan trắc được sử dụng

Đầu ra trên lưới với các đặc điểm thống kê phụ thuộc vào quy mô ô lưới

Phân giải thời gian phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, thường từ tháng đến ngày

Phân giải thời gian cao

Thông tin khí hậu địa phương (quy mô điểm) được dẫn xuất từ đầu ra của GCM; có thể đưa ra các biến không có trong đầu ra của mô hình

Thông tin khí hậu với độ phân giải cao (10-60 km) được dẫn xuất từ đầu ra của GCM sử dụng RCM

 

Đòi hỏi những nỗ lực trong việc thu thập dữ liệu và triển khai phương pháp hạ quy mô;

Đòi hỏi chuỗi dữ liệu quan trắc tương đối dài

Đòi hỏi những nỗ lực trong việc sử dụng được các đầu ra của GCM làm điều kiện biên cho mô hình khí hậu khu vực

Các yếu tố dự báo thể hiện tốt trong quá khứ khi so sánh với quan trắc có thể sẽ không có chất lượng tương tự như vậy trong tương lai.

Các sơ đồ tham số hóa có thể không còn thích hợp cho tương lai

 

Nếu RCM được điều khiển bởi số liệu tái phân tích, IC và LBC được xem là gần với trạng thái thực của khí quyển, và do đó số liệu đầu vào được coi như là các trường dự báo toàn cầu “hoàn hảo”. Chính vì vậy, người ta thường sử dụng các trường tái phân tích làm IC và LBC để nghiên cứu, đánh giá kỹ năng của các RCM. Kỹ năng của các RCM trong trường hợp này phụ thuộc vào bản chất động lực học và vật lý của mô hình, như hệ phương trình mô tả trạng thái khí quyển, hệ tọa độ, phương pháp tích phân thời gian, không gian, độ phân giải, các sơ đồ tham số hóa vật lý,… Do vậy, để nghiên cứu, phát triển và cải tiến các RCM,  số liệu tái phân tích thường đươc sử dụng trong các bài toán mô phỏng, khảo sát độ nhạy thông qua việc đánh giá khả năng tái tạo điều kiện khí hậu quá khứ của mô hình.

Sau khi được thẩm định kỹ năng qua mô phỏng khí hậu tại từng khu vực, trong từng mùa, các mô hình RCM có thể được ứng dụng để dự báo khí hậu khu vực với IC và LBC lấy từ các trường dự báo/dự tính của các GCM. Sai số dự báo/dự tính của RCM trong trường hợp này có thể bao gồm sai số của chính mô hình (khả năng của mô hình) và sai số của GCM

 Nhờ những cải tiến trong các RCM về động lực học và các sơ đồ tham số hóa cũng như độ chính xác trong các trường tái phân tích tăng lên do được bổ sung nhiều nguồn quan trắc khác nhau (số liệu vệ tinh, rada, thám sát máy bay,…), sai số hệ thống trung bình khu vực của các trường mô phỏng bởi RCM đã giảm đáng kể. Nhiều thử nghiệm cho thấy phân bố không gian của các trường của RCM phù hợp với thực tế hơn so với GCM vì đã biểu diễn được các tác động địa hình và tương phản đất -biển với độ phân giải cao hơn (Hình 4.10). Thông thường thì RCM sẽ cho sai số hệ thống thấp hơn GCM vì độ phân giải ngang đặc biệt quan trọng, nhất là đối với mô phỏng chu trình thủy văn.

Tương tự như các mô hình khu vực dự báo thời tiết, các mô hình khí hậu khu vực cũng sử dụng các trường toàn cầu làm điều kiện ban đầu và điều kiện biên phụ thuộc thời gian. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản giữa hai loại mô hình này là trong khi điều kiện ban đầu có ý nghĩa quyết định đến độ chính xác dự báo của các mô hình thời tiết thì đối với các mô hình khí hậu đó là vai trò của điều kiện biên.

Thông thường RCM cập nhật điều kiện biên xung quanh từ các trường toàn cầu được cung cấp sau từng khoảng thời gian cách nhau 6h. Vai trò điều khiển của trường toàn cầu được thực hiện thông qua việc “truyền thông tin” qua vùng đệm là dải biên ngoài của miền tính mô hình vào phía trong. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài kỹ năng vốn có được xác định bởi động lực học và vật lý của mô hình, độ chính xác mô phỏng của RCM có liên quan mật thiết với việc lựa chọn miền tính. Kích thước miền càng nhỏ, ảnh hưởng của LBC đến kết quả mô phỏng càng lớn. Ngược lại, khi miền tính có kích thước lớn, càng xa biên vào phía trong miền tính kết quả mô phỏng chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng của mô hình; thời gian tích phân càng dài sự thích ứng của mô hình đối với tác động của điều kiện biên càng giảm, dẫn đến sự không phù hợp giữa mô phỏng của mô hình và tác động qui mô lớn từ điều kiện biên truyền vào. Do đó, cần lựa chọn miền tính sao cho kích thước không quá lớn nhưng vẫn bảo đảm sao cho những tác động địa phương được thể hiện khi tăng độ phân giải đồng thời vai trò điều khiển của trường toàn cầu thông qua điều kiện biên vẫn phát huy tác dụng. Ngoài ra, vị trí miền tính còn phụ thuộc vào nguồn số liệu đầu vào. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng do sự khiếm khuyết số liệu trên các vùng đại dương nhiệt đới, việc mở rộng miền tính về phía vĩ độ thấp có thể làm giảm độ chính xác mô phỏng của RCM do chất lượng của trường toàn cầu kém. Vị trí của miền tính đi qua các khu vực có địa hình phức tạp cũng có thể gây ra nhiễu và ảnh hưởng xấu tới kết quả mô phỏng do sự không phù hợp giữa giá trị trường trên lưới độ phân giải thô của GCM và giá trị nội suy về lưới độ phân giải tinh hơn của RCM. Ở những nơi có địa hình cao, sai số mô phỏng còn được sinh ra do việc “ngoại suy” các biến bề mặt của các trường điều khiển. Nói chung cần phải tránh việc đặt biên trên những khu vực có địa hình phức tạp.

Độ phân giải của mô hình cũng rất quan trọng khi thiết lập thử nghiệm mô phỏng khí hậu khu vực. Lựa chọn độ phân giải khác nhau có thể dẫn đến việc điều chỉnh hiệu ứng của các tác động vật lý và các tham số hoá khác nhau. Khi tăng độ phân giải có thể biểu diễn tốt hơn chu trình thuỷ văn do địa hình được mô tả chi tiết hơn. Độ phân giải cao có thể cải thiện khả năng biểu diễn các hệ thống xoáy thuận và xoáy thẳng đứng, nhưng có thể sinh nhiễu và do đó đôi khi làm tăng sai số mô phỏng một vài khía cạnh khí hậu của mô hình. Chính vì vậy, trong quá trình thử nghiệm cần lựa chọn các độ phân giải khác nhau để biểu diễn các quá trình có qui mô khác nhau. Nói chung không có một sự lựa chọn duy nhất về độ phân giải cho mọi miền địa lý. Tác động của sự thay đổi độ phân giải thẳng đứng đối với kết quả mô phỏng khí hậu khu vực của các RCM hầu như chưa được đề cập nhiều và cho đến nay cũng chưa có kết luận rõ ràng.

Với độ phân giải hiện nay của các mô hình khí hậu, kể cả các mô hình toàn cầu và mô hình khu vực, các quá trình vật lý quy mô dưới lưới hầu như không thể mô tả được. Và vì vậy để tính đến những quá trình này cần phải tìm cách biểu diễn chúng thông qua các biến giải được ở quy mô lưới mô hình. Đó là bài toán tham số hóa. Trong các mô hình khí hậu những quá trình vật lý qui mô dưới lưới được tham số hóa bao gồm tham số hóa bức xạ, tham số hóa mây và đối lưu, tham số hóa lớp biên hành tinh, tham số hóa các quá trình bề mặt đất. Chi tiết về các bài toán tham số hóa này được mô tả chi tiết trong một số tài liệu như “Climate System Modeling” [Trenberth, 1995], “Báo cáo tổng kết đề tài KC08.29/06-10: Nghiên cứu tác động của BĐKH toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó” do GS. TS. Phan Văn Tânchủ trì [Phan Văn Tân, 2010].

4.3.5 Một số kết quả dự tính BĐKH quy mô khu vực từ IPCC

Tổng hợp kết quả về các kịch bản BĐKH được xây dựng (đa số với kịch bản phát thải trung bình A1B) ở qui mô khu vực, Báo cáo lần thứ 4 của IPCC đã có một số nhận định chính như sau (xem thêm Hình 4.11 và 4.12):

Với các khu vực nói chung trên trái đất, rất nhiều khả năng tất cả các khu vực đều ấm lên trong thế kỷ 21.

Tạichâu Phi, ấm lên trên toàn châu lục với tốc độ nhanh hơn tốc độ trung bình của toàn cầu vào tất cả các mùa, trong đó khu vực cận nhiệt đới khô ấm lên nhiều hơn so với khu vực nhiệt đới ẩm. Lượng mưa trung bình năm dường như giảm trên vùng Địa Trung Hải thuộc Châu Phi và phía Nam Sahara. Mưa ở Nam Phi giảm chủ yếu vào mùa đông và bờ phía Tây. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lượng mưa trung bình năm ở Đông Phi tăng.

Nhiệt độ trung bình Châu Âu dường như tăng nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Theo mùa, Bắc Âu vào mùa đông và Địa Trung Hải vào mùa hè nhiệt độ tăng nhiều nhất. Nhiệt độ tối thấp mùa đông ở Bắc Âu dường như tăng nhiều hơn so với trung bình. Nhiệt độ tối cao mùa hè tăng nhiều hơn ở Nam và Trung Âu. Lượng mưa năm cũng dường như tăng ở khắp Bắc Âu và giảm ở hầu hết khu vực Địa Trung Hải. Tại Trung Âu, lượng mưa tăng vào mùa đông và giảm vào mùa hè. Các hiện tượng cực đoan mưa ngày dường như tăng ở Bắc Âu. Số lượng ngày mưa trong năm dường như giảm ở khu vực Địa Trung Hải. Nguy cơ về hạn hán mùa hè có xu hướng tăng ở Trung Âu và ở khu vực Địa Trung Hải. Độ dài của mùa tuyết bị rút ngắn và lượng tuyết cũng có xu hướng giảm ở hầu hết các khu vực của châu Âu.

TạiBắc Mỹ, ấm lên với tốc độ lớn hơn tốc độ trung bình toàn cầu ở hầu hết các khu vực. Theo mùa, sự ấm lên dường như mạnh nhất trong mùa đông ở các vùng phía Bắc và trong mùa hè ở phía Tây Nam. Nhiệt độ tối thấp mùa đông dường như tăng nhiều hơn trung bình ở Bắc của Bắc Mỹ. Nhiệt độ tối cao mùa hè dường như tăng nhiều hơn trung bình ở phía Tây Nam. Lượng mưa trung bình năm có xu hướng tăng ở Canada và Đông Bắc Hoa Kỳ, và dường như giảm ở vùng Tây Nam. Phía Nam của Canada, lượng mưa dường như tăng vào mùa đông và mùa xuân nhưng giảm vào mùa hè. Độ dài mùa tuyết và lượng tuyết có xu hướng giảm ở hầu hết khu vực Bắc Mỹ ngoại trừ bắc Canada.

Trung và Nam Mỹ có tốcđộ ấm lên trung bình khu vực dường như lớn hơn tốc độ ấm lên toàn cầu ngoại trừ Nam của Nam Mỹ (nơi tốc độ ấm lên tương đương tốc độ trung bình toàn cầu). Lượng mưa trung bình năm dường như giảm ở hầu hết khu vực Trung Mỹ và ở phía nam dãy Andes. Mưa mùa đông ở Tierra del Fuego (giữa Chile và Achentina) và mưa mùa hè ở Đông Nam của Nam Mỹ dường như tăng lên.

Châu Úc và New Zealand có tốc độ ấm lên dường như lớn hơn các đại dương xung quanh, nhưng xấp xỉ mức tăng trung bình toàn cầu. Sự ấm lên ít hơn ở phía Nam, nhất là trong mùa đông, với tốc độ ấm lên ở Đảo Nam (South Island) của New Zealand dường như nhỏ hơn tốc độ ấm lên trung binh toàn cầu. Lượng mưa có xu hướng giảm ở Nam và Tây Nam châu Úc vào mùa đông và dường như giảm ở Nam châu Úc vào mùa xuân. Ở Tây của Đảo Nam của New Zealand, lượng mưa dường như tăng lên. Sự thay đổi của lượng mưa ở Bắc và Trung Úc là không rõ ràng. Tần suất các ngày nhiệt độ cao cực đoan ở Úc và New Zealand có xu hướng tăng. Tần suất của hiện tượng lạnh cực đoan có xu hướng giảm. Các sự kiện mưa cực đoan tăng, ngoại trừ những vùng có lượng mưa trung bình giảm rõ rệt (Nam Úc mùa đông và mùa xuân). Nguy cơ xảy ra hạn hán ở các khu vực phía Nam châu Úc cũng tăng lên.

Trong thế kỷ 21, Bắc Cực có xu hướng ấm lên nhanh hơn so với tốc độ trung bình toàn cầu. Lượng mưa năm có xu hướng tăng lên rõ rệt. Lượng mưa tăng nhiều nhất vào mùa đông và ít nhất trong mùa hè. Băng ở Bắc Cực có xu hướng giảm cả về độ phủ lẫn độ dày. Tại Nam Cực cũng có xu hướng ấm lên và lượng mưa tăng trên lục địa. Ngoài ra chưa có những kết luận rõ ràng về việc thay đổi tần suất của các sự kiện mưa và nhiệt cực đoan tại vùng cực.

Đối với khu vực Châu Á, nhiệt độ dường như tăng nhiều hơn trung bình toàn cầu tại Trung Á, cao nguyên Tây Tạng và Bắc Á. Khu vực Đông Nam Á mức tăng nhiệt độ xấp xỉ trung bình toàn cầu. Lượng mưa trong mùa đông tăng lên ở Bắc Á và cao nguyên Tây Tạng, và dường như cả ở Tây Á và phía nam của Đông Nam Á.  Lượng mưa trong mùa hè dường như tăng ở Bắc Á, Tây Á, Nam Á và phần lớn Đông Nam Á, nhưng lại giảm ở Trung Á (Hình 5.9). Các đợt nóng vào mùa hè sẽ kéo dài hơn, với cường độ và tần suất nhiều hơn ở Đông Á. Số ngày lạnh sẽ ít hơn ở Đông Á và Nam Á. Tần suất của các sự kiện mưa lớn có xu hướng tăng ở một số nơi thuộc Nam Á, và Đông Á. Các hiện tượng mưa cực đoan và gió đi kèm trong xoáy thuận nhiệt đới dường như tăng tại Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.

 

(GS. TS. Phan Văn Tân)