- Trang chủ
- Dự án FIRST
- Thông tin Nội bộ
- BKTT_VN
- Dự báo nội mùa và dự báo mùa
- Đề tài QG.22.81
- Dự án 11-P04-VIE
- Giới thiệu DA 11-P04-VIE
- Báo cáo tổng kết dự án
- Hệ thống TTNBTG (PIS)
- Kết quả và tài liệu
- Các công trình công bố
- Dự báo thời tiết
- Ảnh thực địa và tài liệu khác
- Tin tức và sự kiện
- Kiến thức về Biến đổi Khí hậu
- Khoa học về BĐKH
- Tác động và tính DBTT
- Thích ứng và giảm thiểu
- Chương 1. Khái luận
- Chương 2. Thích ứng trong HĐ KTXH
- Chương 3. Giảm nhẹ BĐKH
- Chương 4. PP và Công cụ
- Các thuật ngữ
- Các thành viên tham gia Dự án
- Liên hệ
- Dành cho Sinh viên
Số người đang truy cập
Hiện tại có 44 người đang truy cập, trong đó có 0 thành viên.Tổng số truy cập 4361212
CHƯƠNG 3. GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Các hoạt động kinh tế-xã hội trong các lĩnh vực năng lương, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, sinh hoạt, đặc biệt là việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, khí đốt, than đá…) đã làm gia tăng nhanh chóng lượng phát thải KNK trong bầu khí quyển, một trong những tác nhân gây nên BĐKH. Như mục 1.2.1 phần III đã đề cập, giảm nhẹ BĐKH là sự can thiệp của con người nhằm giảm nguồn phát thải KNK và cũng như làm tăng bể hấp thụ KNK (IPCC, 2001). Chiến lược giảm nhẹ BĐKH cùng với chiến lược thích ứng là 2 hợp phần của Chính sách ứng phó với BĐKH.
Do nhu cầu phát triển kinh tế, nguồn tài nguyên cũng như khả năng giảm nhẹ và thích ứng là khác nhau, các giải pháp giảm nhẹ BĐKH cần phải thực hiện dựa trên các điều kiện kinh tế xã hội cũng như sự khác biệt về điều kiện địa lý của mỗi vùng miền, khu vực. Báo cáo lần thứ 4 của IPCC đưa ra các kết quả và chiến lược giảm nhẹ BĐKH theo từng thành phần kinh tế. Cách tiếp cận này khác với Báo cáo lần thứ 3, trong đó các thành phần như năng lượng, giá thành, chính sách, v.v… được thảo luận đồng thời.
3.1 Tình hình phát thải KNK trên thế giới
Phát thải của các KNK được đề cập đến trong Nghị định thư Kyoto đã tăng 70% (từ 28,7 đến 49,0 GtCO2 tương đương) từ 1970 đến 2004 (trong đó tăng 24% từ 1990 đến 2004). Phát thải CO2 tăng nhiều nhất tới 80%. Mức độ tăng phát thải CO2 lớn nhất đến từ lĩnh vực năng lượng và giao thông đường bộ. Phát thải 5. CH4tăng lên 40% kể từ 1970, trong đó 85% mức tăng do đốt cháy và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nông nghiệp là nguồn phát thải CH4lớn nhất. Phát thải N2O tăng 50% chủ yếu do mức tăng của sử dụng phân bón và tăng trưởng của nông nghiệp. Phát thải công nghiệp của N2O giảm trong giai đoạn này.
Phát thải của các chất phá hủy tầng ôzôn (CFCs, HCFCs) tăng lên từ mức thấp năm 1970 đến khoảng 7,5 GtCO2 tương đương vào năm 1990, chiếm đến 20% tổng lượng phát thải KNK. Do hiệu quả của Nghị định thư Montreal, mức phát thải này giảm xuống còn 1,5 GtCO2 tương đương năm 2004 và tiếp tục giảm đến mức không còn phát thải ở các nước phát triển.
Nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã tăng khoảng 100 ppm từ thời kỳ tiền công nghiệp, đạt tới 379 ppm trong năm 2005, với mức tăng trung bình năm trong giai đoạn 2000-2005 cao hơn giai đoạn 1990. Nồng độ CO2 tương đương tổng cộng của các KNK tồn tại lâu trong khí quyển là khoảng 455 ppm.
Năm 2004, các quốc gia thuộc Phụ lục I của Công ước Khung của LHQ về BĐKH chỉ chiếm 20% số dân toàn cầu nhưng đóng góp đến 46% tổng lượng phát thải KNK. Mức độ đối lập giữa khu vực với mức phát thải đầu người cao nhất (Bắc Mỹ) và thấp nhất (Nam Á) còn rõ rệt hơn: 5% dân số thế giới ở Bắc Mỹ phát thải 19,4% trong khi 30,3% dân số ở Nam Á chỉ phát thải 13,1%.
Vấn đề sử dụng và cung cấp năng lượng, một trong những nguồn phát thải KNK chính được dự tính là vẫn sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là tại các nước phát triển đang trên đường công nghiệp hóa. Nếu như không có những sự thay đổi trong chính sách sử dụng và sản xuất năng lượng, các nguồn cung năng lượng để vận hành nền kinh tế thế giới đến giai đoạn 2025-2030 sẽ không thay đổi, với hơn 80% dựa trên năng lượng hóa thạch. Trên cơ sở này, phát thải CO2trong lĩnh vực năng lượng vào năm 2030 sẽ cao hơn từ 40 đến 110% so với năm 2000, với 2/3 đến 3/4 mức tăng có nguồn gốc từ các nước không thuộc Phụ lục I.
3.2 Các hiệp ước quốc tế nhằm giảm nhẹ BĐKH
BĐKH đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, do đó cần phải có sự phối kết hợp giữa các khu vực và quốc gia nhằm giảm nhẹ BĐKH toàn cầu. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã và đang có những hành động thiết thực, cụ thể, có ý nghĩa lịch sử nhằm giảm nhẹ BĐKH. Trong mục này sẽ đề cập sơ lược về Công ước khung của LHQ về BĐKH, nghị định thư Kyoto, và đề cập đến khái niệm về cơ chế phát triển sạch.
3.2.1 Công ước khung của LHQ về BĐKH
Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) là nền tảng thúc đẩy cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH.Năm 1990, Đại hội đồng LHQ đã ra nghị quyết thành lập Ủy ban đàm phán một công ước khung về BĐKH. Năm 1992, UNFCCC được ký kết tại Rio De Janeiro (Brasil) vào các ngày 03 – 04 tháng 6 năm 1992. Đã có 153 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu tham gia ký kết UNFCCC. Ngày 21 tháng 3 năm 1994, UNFCCC chính thức có hiệu lực.
Mục tiêu nền tảng của Công ước là “sự ổn định nồng độ các KNK trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được tác động nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”. Những mức độ này, không được chi tiết hóa trong Công ước, sẽ được đạt tới trong một khung thời gian đủ để hệ sinh thái thích ứng một cách tự nhiên với BĐKH, đảm bảo an ninh lương thực không bị đe dọa và cho phép kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.
Từ khi các điều khoản của Công ước khung được thực hiện, các bên liên quan họp mặt thường niên tại Hội nghị các Bên (COP) để giám sát việc thực thi và tiếp tục bàn luận tìm cách ngăn chặn BĐKH.
COP 3 (tháng 12 năm 1997 tại Kyoto) là Hội nghị đáng ghi nhớ vì đã thông qua được Nghị định thư Kyoto. Tính đến tháng 10 năm 2010, đã có 191 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết và phê chuẩn nghị định thư này.
Hội nghị các Bên gần đây, COP 15,cũng thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng Quốc tế. Một số nhà quan sát đã kỳ vọng COP 15 là “Hội nghị quan trọng nhất kể từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc” bởi ý nghĩa của nó đối với tương lai của Trái đất. COP 15 diễn ra từ ngày 07 đến ngày 18 tháng 12 năm 2009 tại Copenhagen, Đan Mạch. Mục tiêu của COP 15 là đưa ra được một thỏa thuận mới đầy tham vọng cho thời kỳ sau 2012 khi mà những cam kết trong Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực. COP 15 đã thu hút được gần 120 nguyên thủ của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Tuy nhiên kết quả của COP 15 đã không thành công như mong đợi khi các bên không đạt được một thỏa thuận cụ thể về cắt giảm khí thải sau Nghị định thư Kyoto. Các cuộc “đối đầu” tiêu biểu đã diễn ra quyết liệt giữa các bên đã tham gia Nghị định thư Kyoto và Hoa Kỳ, và giữa nhóm G77/Trung Quốc (gồm 130 quốc gia đang phát triển) và Liên minh châu Âu – EU (gồm 27 quốc gia phát triển). G77/Trung Quốc cho rằng các nước phát triển là tác nhân chính của vấn đề khí thải và phải chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc cắt giảm cũng như khắc phục những hệ quả của BĐKH toàn cầu. Ngược lại, EU cũng yêu cầu các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ phải cam kết mức cắt giảm khí thải và chịu trách nhiệm thoả đáng khi lượng khí thải từ các nước này ngày càng lớn và tăng lên nhanh chóng theo tốc độ phát triển kinh tế. Cuối cùng, dù chưa đạt được một thỏa thuận có tính pháp lý nhưng 25 quốc gia (bao gồm cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, những nước có lượng phát thải lớn nhất) đã đạt được một thỏa thuận chính trị được gọi là “Hiệp ước Copenhagen”. Theo đó, các nước phát triển cam kết khoản hỗ trợ 30 tỉ USD cho các nước nghèo ứng phó với BĐKH từ sau COP 15 đến 2012 và 100 tỉ hàng năm sau 2020. Tuy dự thảo này chỉ là những thỏa thuận chung, chưa phải là khung pháp lý để bắt buộc các bên thực hiện, song đây được xem là hành lang cơ bản thống nhất về mặt chính trị để mở ra các đàm phán tiếp theo trong tương lai (thường được gọi là COP 15+).
Trong UNFCCC có quy định cụ thể các Bên thuộc Phụ lục I và Phụ lục II.
CácBên thuộc Phụ lục I (gọi tắt là Nhóm I) bao gồm các nước công nghiệp có lịch sử đóng góp phần lớn cho việc phát thải KNK dẫn đến kết quả là BĐKH.
Bảng 3.1 Các Bên thuộc Phụ lục I của UNFCCC (dấu * thể hiện các quốc gia đang trải qua quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường)
Úc Áo Belarus* Bỉ Bulgaria* Canada Croatia* Cộng hòa Czech * Đan Mạch Cộng đồng Kinh tế châu Âu Estonia* Phần Lan Pháp |
Đức Hy Lạp Hungary* Iceland Ireland Ý Nhật Bản Latvia* Liechtenstein Lithuania* Luxembourg Monaco Hà Lan New Zealand |
Na Uy Ba Lan* Bồ Đào Nha Romania* Liên bang Nga * Slovakia* Slovenia* Tây Ban Nha Thụy Điển Thụy Sỹ Thổ Nhĩ Kỳ Ucraina* Vương quốc Anh Hoa Kỳ |
Úc Áo Bỉ Canada Đan Mạch Cộng đồng Kinh tế châu Âu Phần Lan Pháp |
Đức Hy Lạp Iceland Ireland Ý Nhật Bản Luxembourg Hà Lan |
New Zealand Na Uy Bồ Đào Nha Tây Ban Nha Thụy Điển Thụy Sỹ Vương quốc Anh Hoa Kỳ |
Dựa vào sự phát thải trong lịch sử của các Bên thuộc Phụ lục I và khả năng về tổ chức cũng như tài chính để giải quyết vấn đề BĐKH, Công ước đã ủy nhiệm các Bên liên quan này sẽ đi đầu trong việc thực thi. Hai nguyên tắc cơ bản được duy trì trong Công ước là công bằng và “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”, đòi hỏi các Bên thuộc Phụ lục I từng bước điều chỉnh xu thế theo thời gian dài của phát thải.
Các Bên thuộc Phụ lục I phải tích cực giảm lượng phát thải các KNK xuống mức năm 1990 vào năm 2000. Tuy vậy, đây là mục tiêu không ràng buộc về mặt pháp lý. Tất cả các Bên thuộc Phụ lục I đồng thời phải đệ trình báo cáo thường kỳ, được gọi là Thông báo Quốc gia, trình bày chi tiết về các chính sách và đánh giá BĐKH đã được thực hiện. Các bên liên quan cũng phải đệ trình bảng kiểm kê hàng năm về KNK. Bên cạnh đó, các Bên thuộc Phụ lục II có nghĩa vụ cung cấp “thông tin và các nguồn tài chính hỗ trợ” cho các nước đang phát triển để giúp họ ứng phó với BĐKH, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao các công nghệ thân thiện môi trường cho cả các nước đang phát triển và các nước có Nền kinh tế quá độ - chủ yếu là các nước Liên Xô cũ.
Tất cả các Bên liên quan không thuộc Phụ lục I, cơ bản là các nước đang phát triển, không có mục tiêu giảm lượng phát thải. Tuy nhiên, họ cũng được yêu cầu phải báo cáo theo kỳ hạn chung về các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề BĐKH và thích ứng với hậu quả của nó. Tùy vào khả năng, các Bên này cũng phải đệ trình Thông báo Quốc gia, nhưng không bắt buộc phải trình kiểm kê hàng năm về KNK.
3.2.2 Nghị định thư Kyoto
Khi tham gia UNFCCC, các Bên nhận thấy cần có những cam kết mạnh mẽ và cụ thể hơn của các nước phát triển trong việc đối phó với những tác động nghiêm trọng của BĐKH. Trong COP 1 họp ở Berlin, Cộng hòa liên bang Đức vào tháng 5/1995 vấn đề này đã được đưa ra thảo luận. Sau một quá trình đàm phán, bản dự thảo được kí kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại COP 3 khi các Bên tham gia nhóm họp tại Kyoto, và sau đó chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 2 năm 2005.
Nghị định thư Kyoto đại diện cho sự thống nhất giữa các quốc gia công nghiệp trong vấn đề cắt giảm khí thải trên 5,2% so với năm 1990 (lưu ý rằng mức độ cắt giảm theo đó đến năm 2010 phải đạt được thì chỉ tiêu này là khoảng 29%). Mức trần đã được qui định cho các nước tham gia cụ thể là 8% mức cắt giảm cho Liên minh Châu Âu và 7% cho Hoa Kỳ, 6% với Nhật Bản trong khi mức hạn ngạch cho phép tăng của Úc là 8%, và 10% cho Iceland. Do ràng buộc với nghị định thư đối với từng nước trong khối có khác nhau nên một số nuớc kém phát triển trong Liên minh Châu Âu có thể được phép giữ cho mức tăng đến 27% (so với 1999). Quy ước này sẽ hết hạn vào năm 2013.
Nghị định thư Kyoto cũng đưa ra “3 cơ chế mềm dẻo” cho phép các nước thuộc Phụ lục I thực hiện cam kết giảm phát thải KNK của họ: đó là Cơ chế đồng thực hiện, Cơ chế buôn bán quyền phát thải và Cơ chế phát triển sạch (CDM). Các nước này có thể mua lượng khí cắt giảm được từ những quốc gia khác. Điều này có thể đạt được dưới hình thức tài chính hay từ những chương trình hỗ trợ công nghệ cho các nước không thuộc Phụ lục I để các nước này hoàn thành mục tiêu đã kí kết trong Nghị định thư. Trong thực tế, điều này có nghĩa là các nền kinh tế nhóm nước đang phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto không bị bắt buộc phải giới hạn lượng khí thải gây ra, nhưng một khi chương trình cắt giảm khí thải được xúc tiến ở các quốc gia này nó sẽ nhận được một lượng hạn ngạch cacbon cho phép, vốn có thể bán cho các nước thuộc Phụ lục I. Qui định này xuất hiện trong Nghị định thư do:
- Có dấu hiệu lo ngại rằng chi phí bỏ ra cho mục tiêu được kí kết trong Nghị định thư là quá đắt đối với các nước thuộc Phụ lục I , đặc biệt là các nước đã đầu tư rất hiệu quả cho việc bảo vệ môi trường trên đất nước họ và đã đạt tiêu chuẩn môi trường sạch. Vì lí do đó Nghị định thư cho phép những nước này mua lượng hạn ngạch cacbon cho phép từ các Bên nước đang phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto thay vì tiến hành nâng cấp tiêu chuẩn môi trường trong nước.
- Điều này được xem như một công cụ hiệu quả nhằm khuyến khích các Bên nước đang phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto giảm thiểu KNK, hơn nữa điều này là rất kinh tế vì lượng đầu tư vào các quốc gia nhóm nước đang phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto sẽ tăng lên thông qua việc mua bán hạn ngạch cacbon cho phép.
3.2.3 Cơ chế phát triển sạch
Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) là một phương thức hợp tác quốc tế mới theo nghị định thư Kyoto nhằm làm giảm sự phát thải KNK trên phạm vị toàn cầu thông qua cơ chế đầu tư giữa các nước đang phát triển, tăng cường khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước phát triển thực hiện các dự án giảm phát thải KNK dưới dạng “Giảm phát thải được chứng nhận (CERs - Certified Emission Reductions)”. Nếu như vài thập kỷ gần đây, phương thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) là phổ biến và được coi là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang và kém phát triển, thì hiện nay trước vấn đề ô nhiễm môi trường đang được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, CDM trở thành một công cụ triển khai chính sách quốc gia về môi trường ở nhiều nước tham gia Nghị định thư Kyoto.
Theo Điều 12 của Nghị định thư Kyoto, mục đích của cơ chế phát triển sạch là nhằm giúp các Bên không thuộc Phụ lục I đạt được sự phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu cuối cùng của Công ước khung, và giúp các Bên thuộc Phục lục I đạt được sự tuân thủ các cam kết của mình về hạn chế lượng phát thải.
Các Bên không thuộc Phụ lục I sẽ được lợi nhờ các hoạt động dự án đưa đến những sự giảm phát thải được chứng nhận.
Các Bên thuộc Phụ lục I có thể sử dụng sự giảm phát thải được chứng nhận đạt được nhờ các hoạt động dự án như vậy để đóng góp vào việc tuân thủ một phần các cam kết của mình về giảm và hạn chế lượng phát thải, như đã xác định bởi Hội nghị các Bên. Lượng KNK thu được từ mỗi dự án CDM sẽ được đo lường bằng các phương pháp đã được quốc tế thông qua và được thể hiện bằng đơn vị đo lường chuẩn gọi là các CERs (1CER = 1 tấn CO2).
Để tham gia CDM, các nước phải đáp ứng được 3 yêu cầu cơ bản là phải phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, tự nguyện tham gia CDM và thành lập cơ quan quốc gia về CDM. Về phạm vi áp dụng, các dự án CDM thích hợp với các lĩnh vực chủ yếu sau: Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái sinh, chuyển đổi nhiên liệu và công nghệ sạch, nông nghiệp và lâm nghiệp (thu hồi và hấp thụ khí phát thải), các quá trình sản xuất công nghiệp phát thải KNK... Ở khía cạnh tài chính, theo quy định, các dự án CDM thành công được nhận CER nhưng cũng phải nộp một mức phí là 2% và được đưa vào một quỹ riêng (gọi là Quỹ thích ứng) để giúp các nước đang phát triển thích nghi với các tác động tiêu cực của BĐKH. Ngoài ra, một số khoản thu khác sẽ góp phần thanh toán các chi phí quản lý CDM. Tuy nhiên, dự án CDM tại các nước kém phát triển có thể không phải chịu mức phí Quỹ thích ứng và các chi phí quản lý.
Với cam kết phải cắt giảm KNK, các quốc gia công nghiệp hóa phải đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ với chi phí rất tốn kém mà hiệu quả mang lại không cao thì có một cách làm tốt hơn là tiến hành đầu tư những dự án CDM ở những nước đang phát triển, nơi trình độ công nghệ chưa cao, môi trường chưa bị ô nhiễm nặng, với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều. Đổi lại, các doanh nghiệp đầu tư nhận được chứng chỉ giảm phát thải đã được công nhận để áp dụng vào chỉ tiêu cắt giảm phát thải ở quốc gia mình. Những quốc gia đang phát triển không bị ràng buộc bởi cam kết phải cắt giảm KNK của nghị định thư Kyoto có thể cải thiện tình hình kinh tế, xã hội và môi trường từ nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ những dự án CDM.
Ở mức độ toàn cầu, thông qua các dự án giảm phát thải, CDM có thể khuyến khích đầu tư quốc tế, cung cấp các nguồn lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới. Bởi vậy ngay từ đầu CDM đã giành được sự quan tâm đặc biệt của cả những nước đang phát triển và những nước công nghiệp hóa.
Về quy trình xây dựng một dự án CDM, trên bình diện quốc tế, để triển khai và giám sát dự án CDM ở mỗi quốc gia, cần thiết có một Ban chấp hành (được thành lập theo Nghị định thư Kyoto và hiện tại gồm 10 quốc gia thành viên) thực hiện chức năng duy trì việc đăng ký và giám sát CDM. Đối với mỗi quốc gia thành viên, trước khi tham gia CDM phải thành lập một Cơ quan quốc gia về CDM để đánh giá, phê duyệt các dự án, đồng thời là đầu mối để phối hợp với quốc tế. Yêu cầu cho việc xây dựng một dự án CDM được nhấn mạnh đến tính cụ thể, xác thực và có thể thu được kết quả rõ ràng (có thể đo đếm được). Về mặt cấu trúc, nói chung một dự án CDM sẽ được triển khai qua các bước được mô tả trên Hình 3.2.
3.3 Chiến lược giảm nhẹ BĐKH trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế xã hội
Nhằm giảm nhẹ BĐKH, ngoài việc phối kết hợp chặt chẽ với quốc tế, các giải pháp giảm nhẹ phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển và ứng phó với BĐKH trong từng lĩnh vực của nền kinh tế xã hội mỗi quốc gia. Những giải pháp giảm nhẹ với từng lĩnh vực sau đây được khuyến nghị thực hiện trong Báo cáo lần thứ 4 của IPCC.
3.3.1 Cung ứng và sử dụng năng lượng
Theo Báo cáo lần thứ 4 của IPCC, mức độ tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng khoảng 1,4%/năm trong giai đoạn 1990-2004, trong đó mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng nhanh ở nhiều nước đang phát triển. Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng ổn định, trong khi tiêu thụ năng lượng nguyên tử cũng vẫn tăng mặc dù với mức độ chậm hơn năm 1980. Các nguồn năng lượng thủy điện và nhiệt điện nhìn chung tương đối ổn định. Trong giai đoạn từ 1970 đến 2004, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 86% xuống 81%. Mức độ cung ứng và sử dụng năng lượng gió và mặt trời cũng đang tăng nhanh.
Năm 2000, phát thải từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là 25 GtCO2 tương đương /năm. Nếu không có những chính sách và biện pháp cụ thể, con số này có thể lên đến 37-54 GtCO2 tương đương vào năm 2030.
Cung ứng và sử dụng năng lượng là một bài toán lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, còn cần phải giảm giá thành cũng như tăng tính bền vững của nguồn cung, đồng thời cần giảm phát thải KNK cũng như các chất ô nhiễm khác. Đối với lĩnh vực năng lượng, một sự chuyển đổi công nghệ lớn sẽ mất rất nhiều thời gian để đầu tư phát triển và thu hồi vốn nên một quyết sách ngày hôm nay sẽ có tác động đến sự phát triển của vài thập kỷ.
Để giảm phát thải KNK trong lĩnh vực cung ứng và sử dụng năng lượng, có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Sử dụng tiết kiệm năng lượng: hạn chế việc thất thoát, sử dụng lãng phí, sử dụng điện hiệu quả trong sinh hoạt và ở cơ quan, công sở. Sử dụng tiết kiệm năng lượng còn bao hàm cả việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng hiệu suất năng lượng hoá thạch, hiệu suất sử dụng điện, …
- Tăng cường sử dụng, phát triển năng lượng thay thế: năng lượng mặt trời, điện gió, thuỷ điện nhỏ, khí sinh học, địa nhiệt..., xem xét phát triển hợp lý nguồn năng lượng hạt nhân.
- Chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt trong các nhà máy sản xuất điện
- Thu hồi nhiệt dư, chuyển đổi nhiên liệu, tái chế và thay thế nguyên liệu trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng (sắt thép, xi măng, giấy, hóa chất...).
3.3.2 Giao thông
Các hoạt động giao thông tăng nhanh trên thế giới khi kinh tế phát triển. Năm 2004, năng lượng dành cho giao thông chiếm đến 26% tổng năng lượng toàn thế giới sử dụng. Các hoạt động giao thông được dự kiến là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nhiều thập kỷ tới. Năng lượng sử dụng cho lĩnh vực này dự kiến tăng 2%/năm, dẫn đến mức sử dụng năng lượng và phát thải KNK trong giao thông năm 2030 có thể tăng 80% so với năm 2002. Khi thu nhập tăng, mức quy đổi giá trị thời gian của các cá nhân tham gia lưu thông sẽ tăng lên, các phương tiện đi lại như ô tô cá nhân, hàng không, tàu siêu tốc do đó sẽ càng ngày càng được lựa chọn nhiều hơn. Một hệ quả là mức độ phát thải KNK sẽ tăng lên, bên cạnh những vấn đề như là ô nhiễm tại các thành phố lớn.
Giao thông đường bộ đóng góp khoảng 74% vào tổng phát thải CO2do lĩnh vực giao thông nói chung gây ra. Phát thải CO2trong lĩnh vực hàng không tăng 1,5 lần từ năm 1990 đến năm 2000, chiếm 2% tổng lượng phát thải CO2nhân tạo, và được dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khoảng 3-4%/năm.
Lĩnh vực giao thông khác biệt với các lĩnh vực sử dụng năng lượng khác do sự phụ thuộc chặt chẽ của nó vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Việc xem xét giảm phát thải KNK cần được kết hợp với các vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc đường, và an ninh năng lượng (nhập khẩu xăng dầu). Các biện pháp giảm phát thải từ lĩnh vực giao thông đã, đang và cần được thực hiện như sau:
- Chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch hơn và các phương tiện có hiệu quả nhiên liệu cao hơn trong ngành giao thông đường bộ. Nhiều chương trình nghiên cứu đã và đang được thực hiện trong đó sử dụng các dạng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, pin nhiên liệu hydro, các loại xe hybrid. Với sự phát triển của công nghệ, dự kiến rằng các loại ô tô mới vào năm 2030 sẽ có lượng phát thải KNK thấp hơn hẳn so với các loại ô tô thời kỳ trước;
- Đối với lĩnh vực hàng không, việc phát triển của công nghệ, trình độ quản lý và khai thác không lưu sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Phát triển về công nghệ có thể làm tăng 20% hiệu quả sử dụng nhiên liệu vào năm 2015 so với năm 1997, và mức tăng này có thể đạt đến 40-50% vào năm 2050. Tuy nhiên với mức tăng chuyến bay khoảng 5% trong hàng không dân dụng, những cải thiện về công nghệ này sẽ không làm giảm phát thải KNK. Việc phát triển loại nhiên liệu sinh học đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không có thể là một giải pháp cho việc cắt giảm phát thải KNK;
- Đối với giao thông đường thủy, Tổ chức Hải văn Quốc tế đánh giá rằng các giải pháp kỹ thuật có thể làm giảm từ 4 đến 30% phát thải KNK. Tuy nhiên, do tuổi thọ dài của các động cơ, sẽ phải mất đến hàng thập kỷ để các biện pháp này có hiệu quả rõ rệt. Các biện pháp ngắn hạn hơn bao gồm việc hoạch định tốt hơn lộ trình cũng như giảm tốc độ của các phương tiện giao thông đường thuỷ cũng có thể làm giảm đáng kể lượng phát thải;
- Đối với ngành đường sắt, để giảm phát thải KNK cần cải tiến khí động học, giảm trọng lượng của tàu, cải tiến kỹ thuật phanh, giảm phát thải KNK từ nguồn sản xuất điện;
- Chuyển đổi phương thức đi lại, từ đường bộ sang đường sắt, từ phương tiện cá nhân sang công cộng có thể đóng góp vào việc giảm nhẹ phát thải KNK. Các điều kiện địa phương cụ thể như mật độ dân số, hạ tầng cơ sở sẽ quyết định phương thức đi lại. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thị phần hành khách của xe buýt tăng lên 5-10%, lượng phát thải CO2có thể sẽ giảm xuống 4-9%;
- Ngoài ra, việc hoạch định chính sách hay các công cụ hỗ trợ giao thông như hệ thống định vị, những kênh thông tin vô tuyến truyền thanh cũng góp phần tích cực vào việc làm giảm phát thải KNK.
3.3.4 Nhà ở và các tòa nhà thương mại
Năm 2004, phát thải trực tiếp từ các tòa nhà, ngoại trừ phát thải từ sử dụng điện là vào khoảng 5 GtCO2tương đương/năm. Nếu tính gộp cả sử dụng điện, con số này là 10,6 GtCO2tương đương/năm. Các kịch bản tương lai cho thấy lượng phát thải từ các tòa nhà sẽ vào khoảng 14,3 GtCO2tương đương vào năm 2030.
Có 3 biện pháp chính để giảm phát thải KNK từ các tòa nhà như sau:
- Giảm mức tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà;
- Chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu ít cacbon, bao gồm cả việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo;
- Quản lý phát thải của các KNK không phải CO2.
Rất nhiều công nghệ mới hiện cho phép xây dựng các tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng thấp thông qua việc cải tiến thiết kế, cải tiến công tác vận hành tòa nhà, tăng cường sử dụng các thiết bị hiệu quả. Ngoài ra thay đổi thói quen sử dụng thiết bị (ví dụ như đặt điều hòa ở 27°C thay vì 18°C trong những ngày hè nóng nực) cũng góp phần làm giảm phát thải KNK. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sử dụng các công nghệ chiếu sáng mới có thể tiết kiệm hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn làm giảm phát thải KNK.
3.3.5 Công nghiệp
Hầu hết các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hiện tại được đặt ở các nước đang phát triển. Năm 2003, các nước đang phát triển sản xuất 42% lượng thép toàn cầu, 57% phân bón nitơ, 78% tổng lượng xi măng và khoảng 50% nhôm. Năm 2004, các nước đang phát triển sử dụng 46% năng lượng dành cho công nghiệp trên thế giới trong khi các nước phát triển sử dụng 43% và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi sử dụng 11%.
Năm 2004, tổng lượng phát thải KNK từ lĩnh vực công nghiệp là vào khoảng12 GtCO2tương đương, chiếm 25% tổng lượng phát thải toàn cầu. Phát thải CO2(bao gồm cả sử dụng điện) tăng từ 6,0 GtCO2năm 1971 lên đến 9,9 GtCO2năm 2004.
Giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực công nghiệp đã và đang được thực hiện thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như thực hiện nhiều công nghệ giảm nhẹ phát thải chuyên biệt. Một số ngành như sản xuất nhôm, amoniac đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong việc giảm phát thải. Ví dụ công nghiệp amoniac năm 2004 giảm cường độ năng lượng 50% so với thời kỳ 1960.
Nhiều giải pháp có khả năng làm giảm phát thải KNK từ công nghiệp. Đa số giải pháp được đề cập đến trong mục 3.3.1, tập trung vào các nhóm: sử dụng hiệu quả năng lượng, chuyển đổi dạng nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, thay đổi dạng sản phẩm, và sử dụng hiệu quả công cụ, thiết bị. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích của quốc gia cũng góp phần hiệu quả vào việc giảm phát thải. Nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp. Các điều luật về thuế cũng thường được đưa ra nhằm khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.
Các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong công nghiệp làm giảm ô nhiễm không khí, rác thải, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, làm giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng, cũng như cải thiện môi trường làm việc, hình ảnh với công chúng, tâm lý, sức khỏe người lao động, v.v…
3.3.6 Nông nghiệp
Kể từ năm 1960, diện tích đất trồng trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 8%, đạt đến 1400 Mha, trong đó diện tích này giảm đi 5% ở các nước phát triển và tăng lên 22% ở các nước đang phát triển. Đến 2020, dự tính sẽ có thêm 500 Mha đất trồng trọt mới, chủ yếu ở châu Mỹ Latin và khu vực cận Sahara của châu Phi.
Năm 2005, phát thải KNK từ nông nghiệp được ước lượng vào khoảng từ 5,1 đến 6,1 GtCO2tương đương, chiếm 10-12% tổng lượng phát thải KNK nhân tạo toàn cầu. CH4đóng góp 3,3 GtCO2tương đương và N2O đóng góp 2,8 GtCO2tương đương. Như vậy lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 50% lượng phát thải nhân tạo CH4và 60% lượng phát thải nhân tạo N2O toàn cầu. Trao đổi CO2giữa khí quyển và đất nông nghiệp là rất lớn, tuy nhiên thông lượng thuần lại nhỏ, chỉ vào khoảng 0.04 GtCO2/năm (ở đây lưu ý rằng phát thải từ việc sử dụng điện và nhiên liệu cho nông nghiệp được tính trong các phần giao thông và nhà ở).
Nếu không có các biện pháp chính sách thích hợp, phát thải N2O và CH4từ nông nghiệp được dự tính tăng lên tương ứng 35-60% và ~60% vào năm 2050 (tăng nhanh hơn so với mức tăng 14% của các KNK không phải CO2giai đoạn 1990 đến 2005).
Để giảm nhẹ phát thải trong nông nghiệp có thể tiến hành các biện pháp sau:
- Cải tiến kỹ thuật tưới tiêu, canh tác cây lúa;
- Cải tiến kỹ thuật chăn nuôi gia súc;
- Cải tiến chế độ phân bón, kỹ thuật sản xuất phân bón;
- Bồi dưỡng đất hữu cơ bị mất dinh dưỡng;
- Bồi hoàn và phục dưỡng đất thoái hóa các loại
Kết quả của biện pháp này là sẽ giảm phát thải CH4trên ruộng lúa, và từ hoạt động chăn nuôi gia súc, làm giảm N2O, nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời sẽ ngăn ngừa được sự thoái hóa đất.
3.3.7 Bảo vệ và phát triển rừng
Rừng trên thế giới hiện bao phủ khoảng 3,9 tỷ hecta, chiếm 30% bề mặt đất toàn cầu. Từ 2000 đến 2005, diện tích rừng giảm với tốc độ khoảng 12,9 triệu ha/năm, nguyên nhân chính là do chuyển đổi từ rừng sang đất nông nghiệp, và cũng do sự mở rộng của việc định cư cũng như hạ tầng xây dựng. Trong những năm 1990, tốc độ mất rừng cao hơn, lên đến 13,1 triệu ha/năm. Những khu vực bị mất rừng nhiều nhất là ở Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á.
Ở quy mô toàn cầu, trong những thập kỷ gần đây, phá rừng ở khu vực nhiệt đới và việc trồng mới phát triển rừng ở khu vực ôn đới là những nhân tố chính chịu trách nhiệm trong phát thải và hấp thụ CO2. Phát thải do phá rừng trong những năm 1990 là vào khoảng 5,8 GtCO2/năm.
Nhằm giảm phát thải và tăng hấp thụ KNK trong lĩnh vực lâm nghiệp, các giải pháp được thực hiện bao gồm:
- Tăng cường trồng rừng, tái tạo rừng;
- Xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý rừng, giảm khai phá rừng, chú trọng vào tính ổn định của cơ cấu diện tích 3 loại rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Xây dựng các chương trình phòng chống cháy rừng và tăng cường các thiết bị chống cháy rừng;
- Thực hiện đồng bộ các chính sách rừng: giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo. Xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH, tăng cường khả năng hấp thụ các-bon của rừng và các hệ sinh thái.
- Quản lý giống loài nhằm tăng sinh khối và hấp thụ BĐKH. Bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gien và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tác động của BĐKH.
3.3.8 Quản lý rác thải
Rác thải liên quan chặt chẽ đến dân số và tình trạng đô thị hóa. Khối lượng rác thải toàn cầu đang tăng lên những năm gần đây, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với tốc độ tăng dân số, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Phát thải năm 2005 từ lĩnh vực rác thải vào khoảng 1300 MtCO2tương đương/năm.
Cải tiến các công nghệ quản lý và xử lý rác thải có thể làm giảm lượng phát thải KNK một cách rõ rệt, các biện pháp như sau có thể được áp dụng thực hiện:
- Cải tiến vấn đề chôn rác thải: với những nơi vẫn sử dụng kỹ thuật chôn rác thải, CH4sẽ tiếp tục được sản sinh trong nhiều thập kỷ, vì thế cần tối ưu kỹ thuật ôxít hóa và thu hồi CH4;
- Tăng cường quản lý và xử lý nước thải;
- Tổ chức sản xuất năng lượng từ rác thải;
- Tái sử dụng rác thải là một trong những biện pháp hứa hẹn làm giảm lượng phát thải KNK cùng với việc tăng sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả.
Trong các phần trên đã đề cập đến nhiều công nghệ, giải pháp và chính sách giảm nhẹ BĐKH chỉ dành cho một lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, một số giải pháp lại mang tính liên ngành. Ví dụ như sử dụng sinh khối và chuyển đổi từ nhiên liệu nhiều cacbon sang khí đốt ảnh hưởng nguồn cung năng lượng, giao thông, công nghiệp và các tòa nhà. Tăng cường công tác giáo dục và truyền thông cũng sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghệ mới, ý thức bảo vệ rừng, v.v… góp phần tích cực vào việc giảm phát thải và làm gia tăng bể hấp thụ KNK.
3.4 Chiến lược giảm nhẹ BĐKH trong một số lĩnh vực tại Việt Nam
Nhận thức được tầm quan trọng trước những thách thức về tác động của BĐKH, Việt Nam luôn là một quốc gia đi đầu trong việc tham gia và thực hiện các hiệp ước quốc tế nhằm giảm nhẹ BĐKH. Việt Nam đã phê chuẩn UNFCCC tháng 11 năm 1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto tháng 9 năm 2002. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm Cơ quan đầu mối của Chính phủ tham gia và thực hiện Nghị định thư Kyoto.
Tháng 3 năm 2003, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường được chỉ định làm Cơ quan thẩm quyền quốc gia về CDM. Ban Tư vấn-Chỉ đạo quốc gia về CDM cũng đã được thành lập vào tháng 4 năm 2003 với sự tham gia của đại diện các Bộ, Cơ quan có liên quan. Thông tin về các dự án CDM của Việt Nam có thể truy cập được tại địa chỉ: http://www.noccop.org.vn. Năm 2010 có 11 dự án CDM đã được đăng ký ở Việt Nam, dự kiến đem lại lượng tín chỉ trung bình hằng năm khoảng 1016 triệu CER, chiếm khoảng 0,3% số lượng tín chỉ CER toàn cầu. Với mức giá 19,5 USD/CER. Mỗi năm Việt Nam dự kiến có thể thu được khoảng 19 triệu USD.
Ngày 02/12/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (gọi tắt là Chương trình). Chương trình có quan điểm như sau:
- Ứng phó với BĐKH được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo.
- Các hoạt động ứng phó với BĐKH được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài; đầu tư cho ứng phó với BĐKH là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững; ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.
- Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.
- Các yếu tố BĐKH phải được tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các cấp, các ngành, các địa phương, cả trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tổ chức thực hiện;
- Triển khai ứng phó với BĐKH theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” được xác định trong Công ước Khung của LHQ về BĐKH, Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nhẹ BĐKH với khả năng của mình và với sự tài trợ và chuyển giao công nghệ cần thiết từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.
Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạnh hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do BĐKH toàn cầu và mức độ tác động của BĐKH (bao gồm cả biến động khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng khí tượng cực đoan) đối với các lĩnh vực, ngành và các địa phương;
- Xác định được các giải pháp ứng phó với BĐKH;
- Tăng cường được các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp ứng phó với BĐKH;
- Củng cố và tăng cường được năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BĐKH;
- Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực;
- Tăng cường được hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với BĐKH; tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp; góp phần cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ BĐKH và bảo vệ hiệu quả hệ thống khí hậu toàn cầu;
- Tích hợp được yếu tố BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và các địa phương;
- Xây dựng và triển khai được các kế hoạch hành động của các bộ/ngành và địa phương ứng phó với BĐKH; triển khai được các dự án thí điểm.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo ba giai đoạn: giai đoạn khởi động (2009-2010), giai đoạn triển khai (2011-2015), và giai đoạn phát triển (sau 2015).
Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, nhiều bộ ngành đã đưa ra những chương trình hành động cụ thể.
Tháng 8/2010, Bộ Công Thương đã ban hànhKế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Công Thương (số 4103/2010/QĐ-BCT), trong đó bên cạnh những mục tiêu “thích ứng” với BĐKH, có đưa ra những mục tiêu cụ thể về giảm nhẹ BĐKH như sau:
- Kiểm soát việc phát thải KNK trong các quá trình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại;
- Phối hợp có hiệu quả với Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và các chương trình khác có liên quan để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu của Chương trình, vừa giảm nhẹ phát thải KNK;
- Triển khai một số dự án thí điểm áp dụng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại theo hướng cacbon thấp, thân thiện với khí hậu;
- Xây dựng các dự án trung hạn, dài hạn; triển khai thí điểm chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với khí hậu cho các sản phẩm tiêu thụ nhiều nhiên liệu, năng lượng trên cơ sở kêu gọi sự tài trợ quốc tế các nguồn lực tài chính và công nghệ;
- Nhân rộng các kết quả đạt được từ những dự án thí điểm trên cơ sở huy động nguồn vốn trong nước, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ theo định hướng thích ứng với BĐKH vừa giảm phát thải KNK, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Tháng 12/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hànhKế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (số 2418/2010/QĐ-BTNMT), trong đó đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2011-2015 là:
- Đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và các kịch bản BĐKH;
- Triển khai nghiên cứu về BĐKH: trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, định hướng công nghệ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội để phát triển hướng tới nền kinh tế các-bon thấp
- Xây dựng thể chế, chính sách về BĐKH;
- Nâng cao nhận thức cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực về BĐKH;
- Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
- Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đối với các lĩnh vực tài nguyên và môi trường: trong đó ưu tiên xác định các giải pháp trong bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát hiệu quả khí mê-tan và các khí nhà kính khác từ các bãi chôn lấp chất thải;
- Tích hợp các vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của ngành tài nguyên và môi trường;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế;
- Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách.
Tháng 01 năm 2011, Bộ Giao thông Vân tải đã ban hànhKế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015 (số 199/2011/QĐ-BGTVT), đưa ra mục tiêu tạo lập năng lực ứng phó với BĐKH nhằm góp phần phát triển bền vững giao thông vận tải. Các nội dung của kế hoạch hành động lien quan đến giảm nhẹ BĐKH có:
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH, giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải trên cơ sở những dự báo, đánh giá mức độ tác động của BĐKH;
- Kiểm tra, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới; phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại các đô thị; tổ chức thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Giao thông vận tải;
- Triển khai thí điểm các giải pháp thích ứng với BĐKH, ứng dụng công nghệ cacbon thấp, phát triển ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trên cơ sở hỗ trợ nguồn lực tài chính, kỹ thuật và công nghệ của quốc tế.
Ngày 23/3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hànhKế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2011-2015 (số 543/2011/QĐ-BNN-KHCN), trong đó có đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 20% trong từng giai đoạn 10 năm. Trong các nội dung của kế hoạch, một số nội dung liên quan đến việc giảm nhẹ BĐKH như sau:
- Phát triển chăn nuôi với ưu tiên các giống vật nuôi có tính thích ứng cao với môi trường sống rộng. Gắn chăn nuôi với phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, đồng thời xử lý phân thải súc vật (dạng khí sinh học);
- Hoàn thiện các quy trình sản xuất, đảm bảo khép kín từ sản xuất nông nghiệp, chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, quản lý chất thải, phù hợp trong điều kiện BĐKH;
- Xây dựng kế hoạch áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác hữu cơ làm phân bón, giảm chôn ủ để hạn chế những tác động xấu đến môi trường và hạn chế phát thải khí mêtan; Thực hiện các biện pháp thu hồi triệt để khí mêtan từ các bãi rác đã có làm nhiên liệu;
- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP- Good Agricultural Practices)trong trồng trọt; sử dụng biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu; sử dụng nước tiết kiệm; làm đất tối thiểu; kỹ thuật điều tiết nước, phân bón để hạn chế phát sinh khí mêtan trên ruộng lúa; điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng giảm cây trồng phát thải nhiều, tăng cây trồng năng lượng sinh học;
- Áp dụng quy trình GAP trong chăn nuôi để nâng cao hệ số sử dụng thức ăn, giảm chất thải, giảm chi phí; áp dụng biogas.
- Thực hiện các chương trình/dự án nâng cao chất lượng rừng và năng lực phòng hộ của rừng nhất là phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió và cát di động ven biển;
- Xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý chống phá rừng, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng; trồng rừng và làm giàu rừng;
- Tập trung xây dựng và triển khai một số chương trình/dự án liên quan tới Cơ chế hậu Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD), Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ phí môi trường rừng; tiếp tục xây dựng và thực hiện các dự án về cơ chế phát triển sạch, gắn với chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES);
- Xây dựng chương trình sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc tạo việc làm cho người lao động, xoá đói, giảm nghèo, định canh, định cư (lồng ghép với công ước sa mạc hóa theo Quyết định 204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ);
- Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và chiến lược quản lý hệ thống các khu bảo tồn của rừng tự nhiên, đa dạng sinh học (lồng ghép với việc thực hiện công ước đa dạng sinh học) thích ứng với BĐKH.
- Xây dựng chương trình nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi, đê điều, phòng chống lụt bão, quản lý an toàn hồ đập, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm;
- Áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước như tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới nông lộ phơi cho lúa; tu bổ, cải tạo, chống tổn thất nước trên hệ thống kênh mương, vận hành hệ thống hợp lý để tăng diện tích tự chảy, tiết kiệm năng lượng bơm nước..
Có thể thấy, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã và đang nỗ lực trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Để ứng phó hiệu quả với BĐKH và phát triển bền vững đất nước, một chiến lược quốc gia về BĐKH với tầm nhìn thế kỷ đang được xây dựng. Dự thảo của chiến lược quốc gia có đưa ra quan điểm rằng:
- Ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia.
- Tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm.
Cũng theo dự thảo chiến lược quốc gia này, đến năm 2100, Việt Nam phấn đấu trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh, phát triển bền vững với nền kinh tế cacbon thấp, ứng phó thành công với BĐKH và có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.