- Trang chủ
- Dự án FIRST
- Thông tin Nội bộ
- BKTT_VN
- Dự báo nội mùa và dự báo mùa
- Đề tài QG.22.81
- Dự án 11-P04-VIE
- Giới thiệu DA 11-P04-VIE
- Báo cáo tổng kết dự án
- Hệ thống TTNBTG (PIS)
- Kết quả và tài liệu
- Các công trình công bố
- Dự báo thời tiết
- Ảnh thực địa và tài liệu khác
- Tin tức và sự kiện
- Kiến thức về Biến đổi Khí hậu
- Khoa học về BĐKH
- Tác động và tính DBTT
- Thích ứng và giảm thiểu
- Chương 1. Khái luận
- Chương 2. Thích ứng trong HĐ KTXH
- Chương 3. Giảm nhẹ BĐKH
- Chương 4. PP và Công cụ
- Các thuật ngữ
- Các thành viên tham gia Dự án
- Liên hệ
- Dành cho Sinh viên
Số người đang truy cập
Hiện tại có 26 người đang truy cập, trong đó có 0 thành viên.Tổng số truy cập 4361090
Khái luận thích ứng và giảm nhẹ BĐKH
CHƯƠNG 1. KHÁI LUẬN THÍCH ỨNG VÀ GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
1.1 Các quan điểm về thích ứng
1.1.1 Khái niệm
Xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH đang là một trọng những nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia đang phát triển (đặc biệt ở những khu vực chịu tác động nghiêm trọng do BĐKH như Việt Nam). Thích ứng là khái niệm rất rộng, trong bối cảnh BĐKH, thích ứng được áp dụng cho nhiều lĩnh vực/đối tượng liên quan bị tác động của BĐKH. Về bản chất, sự thích ứng là quá trình dẫn tới tiến bộ hoặc tiến hóa. Mọi thực thể của hệ thống tự nhiên – xã hội đều có khả năng thích ứng BĐKH. Một số khái niệm thích ứng với BĐKH điển hình có thể kể đến như sau:
· Là một quá trình mà qua đó con người làm giảm những tác động bất lợi của khí hậu đến sức khoẻ, đời sống và sử dụng những cơ hội thuận lợi mà môi trường khí hậu mang lại (Burton, 1992);
· Là sự điều chỉnh một cách chủ động, chống lại nhằm làm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực do BĐKH (Stakhiv, 1993);
· Là sự điều chỉnh của cá nhân, tập thể và các thể chế để giảm mức độ tổn thương do khí hậu (Pielke, 1998).
· Là sự điều chỉnh của hệ thống tự nhiên hoặc con người để ứng phó những tác động thực tại hoặc tương lai của khí hậu do đó làm giảm tác hại hoặc tận dụng những lợi ích mang lại (IPCC, 2001). Trong đó, tăng cường khả năng thích ứng là một phương thức giảm mức độ tổn thương và định hướng phát triển bền vững.
· Là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm giảm khả năng bị tổn thương do BĐKH và tận dụng các cơ hội do nó mang lại (Viện Khoa học KTTV và Môi trường, 2011).
Các khái niệm đã có đều cho thấy mục tiêu của thích ứng với BĐKH được đề cập đến hai nội dung chính: 1) nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương do tác độngBĐKH 2) tận dụng những lợi ích của môi trường khí hậu để duy trì và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Mỗi lĩnh vực đều phải thích ứng theo mức độ tác động khác nhau và phù hợp với các điều kiện mới của BĐKH. Hơn nữa, thích ứng trong từng lĩnh vực đồng thời phải có sự thích ứng tổng hợp liên kết với các lĩnh vực khác trong hệ thống tự nhiên - xã hội hay phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh BĐKH. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, sự thích ứng của người nông dân cần được liên kết với sự thích ứng của những các bên cung cấp và tiêu thụ nông sản, những nhà hoạch định chính sách nông nghiệp,... Do đó, thích ứng cần yêu cầu các đặc điểm sau:
· Thích ứng đòi hỏi sự tham gia của nhiều đối tượng, nhiều thành phần và được thực hiện ở các quy mô khác nhau theo một qui trình thống nhất và lâu dài. Thích ứng cần được thực hiện có hiệu quả nhất và phù hợp nhất, không ảnh hưởng, thay đổi đến sinh kế người dân cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
· Thích ứng mang tính chủ động theo ý chí con người nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương và hướng tới sự phát triển bền vững.
· Thích ứng là một quá trình mang tính liên ngành và tính liên vùng rất cao. Không một ngành nào, một quốc gia nào hoặc một nhóm quốc gia nào có thể hành động đơn phương trong thích ứng.
Ngoài ra, thích ứng còn yêu cầu đánh giá về các công nghệ và biện pháp khác nhau nhằm phòng tránh những hậu quả bất lợi của BĐKH bằng cách ngăn chặn hoặc hạn chế; tạo ra sự thích ứng nhanh với BĐKH; phục hồi có hiệu quả sau những tác động, hay là bằng cách lợi dụng những tác động tích cực. Thích ứng với BĐKH có thể được nâng cao bằng cách đầu tư vào thích ứng với khí hậu hiện tại cũng như thay đổi và biến đổi khí hậu trong tương lai.
1.1.2 Đánh giá khả năng thích ứng
Biến đổi khí hậu, với quy mô tác động toàn cầu, đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, các ngành kinh tế từ các địa phương, các vùng, các quốc gia. Do đó, thích ứng BĐKH rất đa dạng cho những lĩnh vực và cấp độ khác nhau cho mọi đối tượng của hệ thống tự nhiên – xã hội có khả năng thích ứng nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương do BĐKH và thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Khả năng thích ứng (Adaptive capacity)với BĐKH là khả năng/tiềm năng của hệ thống (tự nhiên hoặc con người) để chống lại những thay đổi (IPCC, 2007). Khả năng thích ứng hiện tại là điều kiện quan trọng để thiết lập và xây dựng chiến lược thích ứng BĐKH hiệu quả (Brooks và Adger, 2005). Khả năng thích ứng còn được xem như là mặt đối lập của TDBTT, là hợp phần trong đánh giá tổn thương (Kaly, 2004; Adger, 2005, IPCC, 2007). Trong đó, BĐKH được nhận định là tác nhân gây tổn thương do các tai biến liên quan như bão, lũ lụt, dâng cao mực nước biển,... Theo đó, khả năng thích ứng với BĐKH trong đánh giá TDBTT được xây dựng theo các tiêu chí khác nhau của hệ thống tự nhiên – xã hội (Mục 2.1.2, phần II).
Khả năng thích ứng phụ thuộc vào các yếu tố: con người, cơ sở hạ tầng, tài chính, yếu tố xã hội, tự nhiên với các dạng thích ứng khác nhau có thể phân biệt như thích ứng theo dự đoán, thích ứng tự phát, thích ứng theo kế hoạch, thích ứng cá nhân và cộng đồng.
Đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH là nhằm rà soát lại các thực tiễn, kế hoạch, phương án thích ứng hiện tại của các đối tượng đánh giá có đủ khả năng thích ứng với các rủi ro do biến đổi khí hậu không (Viện Khoa học KTTV và Môi trường, 2011). Đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH của hệ thống xã hội được dựa trên các tiêu chí như thu nhập, sức khỏe, giới tính, độ tuổi, giáo dục, thể chế, khoa học kỹ thuật (Cutter, 2003; Downing, 2002; Brooks và cộng sự, 2005; Tol và Tohe, 2007); của hệ thống tự nhiên như dựa vào khả năng chống chịu với các thay đổi và BĐKH của các hệ sinh thái (Adger, 1999; Pelling, 2006; Mai Trọng Nhuận, 2010; Birkmann, 2010).
Trong các tiêu chí đánh giá, khoa học kỹ thuật được coi là tiềm lực đóng vai trò quan trọng trong thích ứng với BĐKH. Sự phát triển các chiến lược và khoa học kỹ thuật mới có vai trò quan trọng để ứng phó với sự thay đổi các điều kiện khí hậu trong tương lai (Bass, 2005).
1.1.3 Giải pháp thích ứng
Các giải pháp thích ứng với BĐKH được đề cập và xây dựng rất đa dạng. Theo Báo cáo đánh giá thứ 2 của IPCC (1995), có 228 giải pháp thích ứng BĐKH khác nhau đã được mô tả. Dựa theo đặc điểm của thích ứng, các đối tượng bị tác động gắn với đặc điểm các lợi ích dễ thực hiện, áp dụng và đạt hiệu quả cao, các giải pháp thích ứng được xây dựng theo các nhóm khác nhau.
Theo Burtonet và cộng sự (1993), các giải pháp thích ứng BĐKH được chia thành 8 nhóm khác nhau:
· Chấp nhận những tổn thất: các phương pháp thích ứng được lựa chọn là chịu đựng hay chấp nhận những tổn thất. Chấp nhận tổn thất xảy ra khi phải chịu tác động mà không có khả năng chống lại hay ở khu vực mà chi phí phải trả của các hoạt động thích ứng là cao hơn so với mức độ thiệt hại.
· Chia sẻ những tổn thất: chia sẻ những tổn thất giữa cộng đồng lớn như là các hộ gia đình, làng mạc hay là các cộng đồng nhỏ tương tự. Sự chia sẻ tổn thất hiện nay có thể thông qua cứu trợ cộng đồng, phục hồi và tái thiết các hoạt động kinh tế - xã hội, khu vực, cộng đồng chịu ảnh hưởng thông qua viện trợ của các quỹ cộng đồng như bảo hiểm xã hội.
· Giảm nguy hiểm: phương pháp này tập trung làm giảm nhẹ tác động của các tai biến liên quan đến BĐKH.
· Ngăn chặn các tác động: sử dụng các phương pháp thích ứng từng bước để ngăn chặn các tác động của BĐKH.
· Thay đổi cách sử dụng: áp dụng cho những vùng/khu vực chịu tác động lớn của BĐKH như thay thế cây trồng thích hợp với sự thay đổi nhiệt độ; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng trọt có thể trở thành đồng cỏ/trồng rừng,…
· Thay đổi địa điểm: ví dụ như chuyển các cây trồng chủ chốt và vùng nông trại ra khỏi khu vực khô hạn đến khu vực ôn hoà hơn và có thể sẽ thích hợp hơn cho một vài vụ trong tương lai (Rosenzweig và Parry, 1994).
· Nghiên cứu: áp dụng những nghiên cứu, khoa học kỹ thuật với các công nghệ và phương pháp mới.
· Giáo dục, thông tin và khuyến khích thay đổi hành vi: sự phổ biến kiến thức thông qua các chiến dịch thông tin công cộng và giáo dục, dẫn đến việc thay đổi hành vi của con người (một trong những tác nhân gây BĐKH).
Trong các nhóm giải pháp nêu trên, nhóm giải pháp “Chấp nhận tổn thất” hay không có thích ứng (không làm gì để phản ứng/phục hồi lại các tác động bất lợi của BĐKH) có thể được áp dụng trong những trường hợp phải cân nhắc trong những trường hợp vừa phải chịu các mối đe dọa cùng với giá phải trả cho những hành động thích ứng. Như vậy, việc không thích ứng và chấp nhận rủi ro sẽ có lợi hơn là chịu những chi phí thích ứng. Do đó, khi chọn lựa các giải pháp thích ứng, đánh giá, phân tích chi phí-lợi ích là rất cần thiết và quan trọng cho việc xây dựng, ban hành kế hoạch, chiến lược thích ứng. Trong đó, chi phí của giải pháp thích ứng bao gồm: chí phí trực tiếp, chí phí phát sinh và những chi phí khác. Lợi ích của giải pháp gồm lợi ích về xã hội và môi trường, được tính bằng các thiệt hại, tổn thất được ngăn chặn (như cơ sở hạ tầng và sinh kế được bảo vệ).
Dựa vào đặc điểm “quy mô” của thích ứng, các giải pháp thích ứng được đề xuất theo hai nhóm chính:
· Nhóm giải pháp vĩ mô: các chính sách, thể chế hoặc những giải pháp mang tính quốc gia như đầu tư các cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu đồng thời hạn chế tác động xâm nhập mặn, tiêu thoát lũ; hệ thống đê, kè biển chống lại tác động của sóng biển (đặc biệt trong bão), dâng cao mực nước biển; xây dựng chính sách kết hợp nghiên cứu BĐKH vào chính sách phát triển quốc gia, các kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;…
· Nhóm giải pháp vi mô: mang tính chất và ý nghĩa cục bộ hoặc có nghĩa cho một nhóm đối tượng tại địa phương như trồng các loại cây phù hợp; xây dựng các sinh kế bền vững trong hoàn cảnh BĐKH ở địa phương; xây dựng các kế hoạch thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng địa phương; xây dựng các hoạt động, chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng động địa phương về BĐKH,…
Theo mục đích của thích ứng, các giải pháp có thể thực hiện theo các hướng sau: các giải pháp dự phòng (nhằm chuẩn bị ứng phó với các rủi ro do BĐKH); các giải pháp bảo vệ (nhằm giảm các rủi ro BĐKH và bảo vệ tính nguyên trạng); các giải pháp tăng sức chống chịu (nhằm tăng sức chống chịu rủi ro của BĐKH).
Theo các cách tiếp cận trên, một số nhóm giải pháp thích ứng với BĐKH có thể được đề xuất như sau:
Nhóm các giải pháp quản lý
Xây dựng được cơ chế, chính sách, kế hoạch, chiến lược thích ứng BĐKH hiệu quả đang thực sự rất cần thiết và quan trọng của các quốc gia trong bối cảnh thích ứng BĐKH. Ở từng địa phương/vùng/khu vực cần có các chính sách đặc biệt để tăng cường khả năng thích ứng cho những đối tượng bị tổn thương cao (người nghèo, các ngành kinh tế quan trọng,...) như các chế độ bảo hiểm an sinh xã hội cho người nghèo (các chương trình việc làm; các trợ cấp tiền mặt, các trợ cấp kinh phí khi có khủng hoảng, các trợ cấp liên quan đến bảo hiểm); các chính sách quản lý bền vững tài nguyên đất ngập nước; bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái rừng,… Điển hình là Kế hoạch đảm bảo việc làm ở Maharashtra (Ấn Độ) với chương trình trợ cấp tiền và lương thực đã tạo sự ổn định thu nhập hộ gia đình, ngăn chặn khủng hoảng lương thực mà BĐKH là một trong những tác nhân. Sự thành công của Kế hoạch này đã được thúc đẩy trở thành Đạo luật Quốc gia Đảm bảo Việc làm trên toàn Ấn Độ (Báo cáo phát triển con người 2007/2008).
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu mức độ tổn thương do BĐKH, cần ban hành các chính sách để đưa nội dung đánh giá TDBTT của các đối tượng như các ngành kinh tế - xã hội (nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, du lịch, giao thông vận tải, …); các loại tài nguyên (nước, khoáng sản, đất ngập nước,…); các chiến lược giảm thiểu thiệt hại các thiên tai liên quan đến BĐKH (bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…) cũng như các đối tượng khác vào trong nội dung quy hoạch, phát triển của các đối tượng tương ứng. Ở Việt Nam, các cơ quan Liên hiệp Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng vạch ra chiến lược toàn diện nhằm giảm nguy cơ thiên tai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên việc đánh giá TDBTT của các khu dân cư và khu vực sinh thái do BĐKH. Trong đó, việc hoạch định thích ứng được lồng ghép vào chương trình quản lý khu vực biển.
Để hoạch định được chính sách thích ứng thành công cần đầy đủ: thông tin để hoạch định (Information), cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH (Infracstructure), bảo hiểm để quản lý rủi ro xã hội và xóa đói giảm nghèo (Insurance) và các thể chế quản lý rủi ro (Institutions). Trong đó, thông tin như quan trắc, dự báo thời tiết, được xem như là sức mạnh trong công tác hoạch định thích ứng BĐKH. Mật độ các trạm khí tượng của Châu Phi thấp nhất thế giới, trung bình 25.460km2/1 trạm (Washington và cộng sự, 2006). Điều này được IPCC nhận định, các mô hình khí hậu hiện có ở Châu Phi không cung cấp đủ các thông tin để thu thập số liệu về lượng mưa, phân bố các xoáy nhiệt đới, sự xuất hiện của các đợt hạn.
Nhóm giải pháp quy hoạch
Nhóm các giải pháp này được xây dựng dựa trên kết quả đánh giá mức độ tổn thương của các đối tượng bị tổn thương cụ thể như các ngành kinh tế, các loại tài nguyên hay tập hợp các đối tượng thuộc khu vực/cộng đồng do BĐKH.
Đánh giá mức độ tổn thương do BĐKH là quá trình đánh giá được tiếp cận tổng hợp, tương tác giữa các yếu tố gây tổn thương (tác động của BĐKH), các đối tượng bị tổn thương (các đối tượng được đưa vào quy hoạch) và xét đến khả năng ứng phó của các đối tượng với BĐKH. Tùy theo mức độ tổn thương cao/thấp có thể đề xuất, lựa chọn các hình thức phát triển, bảo vệ, bảo tồn theo hướng phát triển bền vững (Mai Trọng Nhuận và cộng sự, 2009). Kết quả quy hoạch đặc biệt có ý nghĩa hơn khi được dựa trên kết quả dự báo mức độ tổn thương do BĐKH trong tương lai.
Nhóm giải pháp tài chính
Chi phi cho cứu trợ thiên tai nhằm tăng khả năng thích ứng với BĐKH đang được đầu tư phát triển mạnh trên thế giới. Năm 2005, viện trợ cho ứng phó BĐKH đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 4% tổng viện trợ. Ước tính đến năm 2015, WB sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD nhằm tăng cường ứng phó với thiên tai và 40 tỷ USD cho phát triển khả năng chống chịu khí hậu (WB, 2007).
Nguồn tài chính đầu tư nhằm tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH được định hướng theo các nhóm: đầu tư phát triển ứng phó với ĐBKH, điều chỉnh các chương trình xóa đói giảm nghèo phù hợp với BĐKH; củng cố hệ thống ứng phó với thiên tai liên quan đến BĐKH (Theo Báo cáo Phát triển con người 2007/2008). Ước tính đầu tư phát triển cở sở hạ tầng ở đồng bằng sông Cửu Long (gia cố hệ thống cấp thoát nước, đê đập xung quanh khu vực dân cư và các vùng nông nghiệp) khoảng 1,3 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2030. Dự án trồng đước để bảo vệ các cộng đồng dân cư sống ven biển do bão ở Việt Nam cho thấy lợi ích kinh tế đạt được cao gấp 52 lần kinh phí bỏ ra (IFRC, 2007).
Nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức
Giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và giáo dục được áp dụng cho cộng đồng dân cư: người dân, các nhà quản lý ở địa phương, các cơ quan/đơn vị nghiên cứu,… Các hình thức tổ chức thông qua các tờ rơi, thông tin truyền thông, các hội thảo, cuộc thi, các nghiên cứu khoa học,...
Công tác đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức (ở cấp quốc gia, quy mô khu vực và quốc tế) nhằm tăng cường đội ngũ chuyên gia về BĐKH và thích ứng với BĐKH. Đây cũng là một trong những biện pháp để đạt mục tiêu cung cấp đầy đủ thông tin về BĐKH nhằm thích ứng chủ động với BĐKH.
Nhóm giải pháp công trình giảm thiểu thiệt hại các tai biến do BĐKH
Các tai biến liên quan đến BĐKH (bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, dâng cao mực nước biển,…) có mức độ tác động khác nhau tùy theo từng khu vực. Ví dụ như ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dâng cao mực nước biển. Do đó cần có những giải pháp công trình phù hợp để thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tai biến này gây ra như: củng cố, xây dựng hệ thống đê kè hạn; trồng rừng ngập mặn…
1.2 Khái niệm và quan điểm về giảm nhẹ
1.2.1 Các khái niệm
Theo báo cáo đánh giá thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC, 2007), phát thải khí nhà kính toàn cầu tăng lên kể từ các thời kỳ tiền công nghiệp hóa, với mức tăng 70% từ năng 1970 đến 2004. Với những chính sách giảm nhẹ BĐKH hiện tại và thực tiễn phát triển bền vững liên quan, việc phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng trong một vài thập kỷ tới (IPCC, 2007). Do đó việc nghiên cứu về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đóng vai trò quan trọng cho việc đề xuất và thực thi các chính sách, chiến lược nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Một số khái niệm về giảm nhẹ BĐKH được đưa ra như sau:
· Là sự can thiệp của con người nhằm giảm nguồn phát thải khí nhà kính và tăng bể chứa khí nhà kính(IPCC, 2001).
· Là sự can thiệp của con người nhằm giảm ảnh hưởng bất lợi đối với BĐKH; giảm nhẹ BĐKH bao gồm cả chiến lược giảm nguồn phát thải và tăng bể chứa khí nhà kính (Canadian Geographic, 2008).
· Là những thay đổi về kỹ thuật và các giải pháp thay thế nhằm giảm nguồn phát thải khí nhà kính. Mặc dù một số chính sách về xã hội, kinh tế và kỹ thuật có thể giảm sự phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ BĐKH mang nghĩa thực thi các chính sách nhằm giảm nhẹ khí nhà kính và tăng bể chứa các khí nhà kính (IPCC, 2007).
· Là sự can thiệp của con người nhằm giảm nguồn phát thải hoặc tăng bể chứa các khí nhà kính. Ví dụ việc sử dụng năng lượng hóa thạch một cách hiệu quả hơn cho các hoạt động công nghiệp hoặc sản xuất điện, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời và năng lượng gió) và mở rộng diện tích rừng và các bể chứa khác nhằm giảm nhẹ CO2trong khí quyển (UNFCCC, 2011).
Nhìn chung, các khái niệm giảm nhẹ BĐKH được đưa ra đều tập trung vào 2 mục tiêu chính là giảm nguồn phát thải khí nhà kính và tăng bể chứa khí nhà kính. Trong đó, khái niệm giảm nhẹ BĐKH do IPCC (2007) đề xuất là khái niệm đầu tiên tổng quát nhất và đầy đủ nhất về các mặt của giảm nhẹ cũng như việc thực thi chiến lược giảm nhẹ BĐKH.
1.2.2 Cách tiếp cận
Những đòi hỏi về phát triển kinh tế, nguồn tài nguyên và khả năng thích ứng và giảm nhẹ giữa các vùng là khác nhau. Không có một cách tiếp cận one-size-fits-all đối với các vấn đề BĐKH, và những giải pháp thích ứng và giảm nhẹ giữa các vùng là khác nhau, phản ánh điều kiện kinh tế khác nhau và ở mức độ thấp hơn là những khác biệt về địa lý. Giảm nhẹ BĐKH được dựa trên các quan điểm sau:
· BĐKH đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, do đó cần phải có sự phối kết hợp giữa các khu vực và quốc gia nhằm giảm nhẹ BĐKH toàn cầu.
· Giảm nhẹ BĐKH bao gồm việc giảm nguồn phát thải và tăng bể chứa khí nhà kính.
· Các giải pháp giảm nhẹ BĐKH phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển và ứng phó với BĐKH của các quốc gia.
· Để giảm nhẹ BĐKH hiệu quả cần phải kết hợp đồng thời giữa sử dụng bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có cũng như phát triển nguồn năng lượng sạch, quản lý chất thải hợp lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Khái niệm tiềm năng giảm nhẹ BĐKH (mitigation potential) được phát triển nhằm đánh giá mức độ giảm khí nhà kính liên quan đến các giới hạn xả thải (emission baseline). Tiềm năng giảm nhẹ BĐKH được phân chia thành 2 thuật ngữ tiềm năng thị trường (market potential) và tiềm năng kinh tế (economic potential).
· Tiềm năng thị trường là tiềm năng giảm nhẹ BĐKH dựa vào tỷ lệ chi phí riêng (private cost) và giảm các chi phí riêng (private discount) có thể được kỳ vọng xuất hiện dưới các điều kiện thị trường được dự báo, bao gồm các chính sách và giải pháp hiện hành.
· Tiền năng kinh tế là tiềm năng giảm nhẹ có tính đến giá trị và lợi ích xã hội với giả thiết rằng hiệu quả thị trường được chứng minh bởi các chính sách và giải pháp và các rào cản được loại trừ.
Những nghiên cứu về tiềm năng thị trường có thể được sử dụng cho những nhà hoạch định chính sách về tiềm năng giảm nhẹ với những chính sách và rào cản đang tồn tại, trong khi những nghiên cứu về tiềm năng kinh tế chỉ ra điều có thể đạt được nếu những chính sách mới và bổ sung hợp lý được thực thi nhằm loại bỏ những rào cản và bao gồm những chi phí và lợi ích xã hội. Do đó, tiền năng kinh tế thông thường lớn hơn tiềm năng thị trường.
Tiềm năng giảm nhẹ được ước tính sử dụng các cách tiếp cận khác nhau: cách tiếp cận từ dưới lên trên (bottom-up approach) và cách tiếp cận từ trên xuống (top-down approache) chủ yếu được dùng để đánh giá tiềm năng kinh tế. Trong đó, những nghiên cứu về giảm nhẹ BĐKH theo cách tiếp cận từ dưới lên trên dựa trên sự đánh giá các lựa chọn giảm nhẹ, tập trung nhấn mạnh công nghệ đặc biệt và các quy định. Đây là những nghiên cứu đặc trưng với giả thiết là kinh tế vĩ mô không đổi. Những ước tính giảm nhẹ BĐKH trên các lĩnh vực được tập hợp lại nhằm cung cấp ước tính về tiềm năng giảm nhẹ BĐKH toàn cầu. Những nghiên cứu về giảm nhẹ BĐKH dựa trên cách tiếp cận từ trên xuống đánh giá tiềm năng mở rộng phát triển kinh tế của các lựa chọn giảm nhẹ. Chúng sử dụng khung nhất quán toàn cầu và các thông tin được tập hợp về lựa chọn giảm nhẹ và đạt được những phản hồi thị trường và kinh tế vĩ mô.
Sau báo cáo thứ 3 của IPCC (2007), mô hình tiếp cận từ trên xuống kết hợp với các lựa chọn giảm nhẹ kỹ thuật và các mô hình tiếp cận từ dưới lên kết hợp nhiều hơn những tác động kinh tế vĩ mô và thị trường cũng như thông qua phân tích rào cản vào cấu trúc mô hình của chúng, chính những điều chỉnh này làm cho 2 cách tiếp cận có nhiều điểm tương đồng.
1.2.3 Các giải pháp giảm nhẹ
Sự thống nhất về khoa học về vấn đề nhiệt độ nóng lên toàn cầu cùng với các nguyên tắc giảm nhẹ BĐKH làm tăng cường các nỗ lực phát triển các công nghệ mới trong nỗ lực nhằm giảm nhẹ sự nóng lên toàn cầu (Schneider và Stephen, 2004). Nhìn chung, hầu hết các phương kế giảm nhẹ BĐKH dường như chỉ tính đến hiệu hiệu quả đối với việc phòng tránh sự nóng lên hơn nữa mà chưa quan tâm thích đáng đến tình trạng nóng hiện tại (Lowe và nnk, 2009). Các cách giảm nhẹ BĐKH bao gồm giảm đòi hỏi của các mặt hàng và dịch vụ xả thải quá mức, tăng lợi ích hiệu quả, tăng sử dụng và phát triển công nghệ ít carbon và giảm phát thải nguyên liệu hóa thạch (Stern, 2007).
Có rất nhiều giải pháp giảm nhẹ BĐKH được thực hiện thông qua các cam kết giữa các bên liên quan với UNFCCC và hiệu lực thực thi Nghị định thư Kyoto tháng 2 năm 2005, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để đảo ngược lại xu thế phát thải khí nhà kính (IPCC, 2007). Kinh nghiệm thực thi ở Châu Âu cho thấy trong khi các chính sách về BĐKH có thể có hiệu quả thì việc thực thi toàn bộ chính sách và điều phối thường rất khó khăn, đòi hỏi phải bổ sung và cải tiến liên tục (IPCC, 2007).
Nhiều chính sách, chiến lược giảm nhẹ BĐKH được đưa ra trong các lĩnh vực khác nhau (xây dựng công trình và dịch vụ, giao thong, công nghiệp, nông nghiệp và quản lý chất thải, năng lượng) (IPCC, 2007). Nhìn chung giải pháp giảm nhẹ BĐKH bao gồm các nội dung chính như sau:
· Sử dụng tiết kiệm năng lượng: cùng với khả năng cung ứng năng lượng hạn chế và việc thất thoát, sử dụng lãng phí, giảm nhẹ BĐKH thong qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách. Sử dụng tiết kiệm năng lượng còn bao hàm cả việc những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng hiệu suất năng lượng hóa thạch, hiệu suất sử dụng điện…
· Phát triển năng lượng mới: phát triển hợp lý nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng thủy điện và năng lượng tái tạo được là các phương án đóng góp tích cực nhất nhằm giảm nhẹ khí nhà kính.
· Quản lý chất thải: tăng cường hiệu quả của công tác quản lý chất thải cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
· Bảo vệ và phát triển rừng: làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính nhằm giảm nhẹ BĐKH.
· Giáo dục và truyền thông: nâng cao năng lực quản lý nhằm giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giảm nhẹ BĐKH, tăng cường hợp tác quốc tế cùng chung tay giải quyết các vấn đề BĐKH toàn cầu.
1.3 Quan hệ giữa thích ứng và giảm nhẹ
Các thuật ngữ về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đóng vai trò quan trọng và là nền tảng cơ bản để giải quyết các vấn đề của BĐKH. Giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH có một số điểm chung như có thể bổ sung, thay thế, độc lập hoặc cạnh tranh nhau và có những đặc điểm, khung thời gian rất khác nhau.
Cả thích ứng và giảm nhẹ đều đòi hỏi năng lực của xã hội có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự thích ứng với BĐKH phụ thuộc vào sự hứng chịu những rủi ro về thời tiết, tài sản tự nhiên hay nhân sinh của xã hội, nguồn lực con người, các thể chế và thu nhập. Tất cả các yếu tố này sẽ quyết định khả năng giảm nhẹ và thích ứng của xã hội. Những chính sách hỗ trợ sự phát triển và nâng cao khả năng thích ứng và giảm nhẹ có thể có một số điểm chung. Các chính có thể được lựa chọn có một số ảnh hưởng lên hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội, tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết phải có sự thỏa hiệp. Các nhân tố chính quyết định khả năng thực thi kế hoạch giảm nhẹ và thích ứng BĐKH bao gồm: tài nguyên, thị trường, tài chính, thông tin và nhiều các vấn đề điều khiển khác.
Các khái niệm về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH cho thấy giảm nhẹ BĐKH sẽ giảm tất cả các tác động (tích cực và tiêu cực) của BĐKH và do đó giảm các cơ hội thích ứng; trong khi đó thích ứng BĐKH có thể phát huy các tác động tích cực và giảm các tác động tiêu cực của BĐKH.
Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đều được thực hiện trên cùng một quy mô địa phương hay khu vực và có thể được thúc đẩy bởi những ưu tiên và mối quan tâm của địa phương, khu vực cũng như quan tâm toàn cầu. Giảm nhẹ BĐKH mang lại lợi ích toàn cầu, và do đó mang lại lợi ích cho địa phương cũng như khu vực. Trong khi đó thích ứng với BĐKH chủ yếu trên quy mô của hệ thống bị ảnh hưởng bởi BĐKH, tốt nhất là quy mô khu vực nhưng hầu hết là quy mô địa phương. Việc giảm phát thải khí nhà kính đạt được bởi các hành động giảm nhẹ khác nhau có thể được so sánh, đặc biệt nếu biết được giá thành giảm nhẹ BĐKH thì chi phí – hiệu quả của các hành động giảm nhẹ có thể được xác định và so sánh. Tuy nhiên, việc so sánh lợi ích của các hành động thích ứng với BĐKH trở lên khó khăn hơn. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, thích ứng với BĐKH ảnh hưởng chủ yếu trên quy mô khu vực và địa phương, do đó những lợi ích của hành động thích ứng với BĐKH được ước tính khác nhau phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị của nơi tiến hành các hành động thích ứng.
Ngoài ra, trên thực tế, phải mất vài thập kỷ để có thể minh chứng những lợi ích của các hành động giảm nhẹ BĐKH trong hiện tại do thời gian tồn tại dài của các khí nhà kính trong không khí; trong khi đó rất nhiều các giải pháp thích ứng BĐKH có thể có hiệu quả nhanh chóng và đạt được những lợi ích bằng cách giảm tính dễ bị tổn thương của các dao động khí hậu. Do đó có một sự gián đoạn giữa việc gánh chịu chi phí giảm nhẹ BĐKH và nhận thấy những lợi ích này, trong khi đó thời gian này đối với thích ứng lại ngắn hơn nhiều.
Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH có liên quan với nhau ở các mức độ khác nhau. Những nỗ lực giảm nhẹ có thể thúc đẩy khả năng thích ứng nếu loại trừ những sai sót và sự thiếu chính xác của thị trường cũng như tiền trợ cấp vô lý …Ở mức độ tổng quan cao, những chi phí giảm nhẹ dường như là hướng tới tài nguyên xã hội hay cá nhân và giảm kinh phí cho thích ứng, tuy nhiên trên thực tế các nguồn kinh phí là khác nhau. Cả 2 sự lựa chọn thay đổi giá trị tương đối, điều này có thể dẫn tới những sự điều chỉnh nhỏ hình thức tiêu thụ và đầu tư, do đó thay đổi phương thức phát triển kinh tế khu vực bị ảnh hưởng. Những nỗ lực thích ứng BĐKH có thể gây cả tác động tích cực và tiêu cực đến giảm nhẹ BĐKH. Ví dụ như việc trồng cây gây rừng như là một phần của chiến lược thích ứng BĐKH khu vực có những đóng góp tích cực cho giảm nhẹ. Ngược lại, hành động thích ứng đòi hỏi việc sử dụng năng lượng từ nguồn phát thải carbon tăng lên.
Các hành động nhằm giảm nhẹ BĐKH chủ yếu liên quan tới các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải (transportation), công nghiệp, dân cư (residential), rừng và nông nghiệp; trong khi đó thích ứng với BĐKH liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, du lịch và giải trí, sức khỏe con người, cung cấp nước, quản lý đới bờ, quy hoạch đô thị và bảo tồn thiên nhiên.
Chiến lược giảm nhẹ BĐKH có nội dung chính là chiến lược giảm khí nhà kính, bao gồm giảm nguồn phát thải khí nhà kính đồng thời với tăng bể hấp thụ khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, chiến lược thích ứng với BĐKH có mục tiêu là ngăn chặn các tác động của BĐKH, bao gồm cả tác động tự nhiên và nhân sinh đối với hệ thống tự nhiên - xã hội.
Chiến lược giảm nhẹ BĐKH có nội dung chủ yếu là chiến lược giảm khí nhà kính, nghĩa là giảm nguồn phát thải và tăng bể chứa khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, chiến lược thích ứng với BĐKH có mục tiêu là ngăn chặn các tác động của BĐKH, kể cả biến đổi tự nhiên và biến đổi do hoạt động của con người tới hệ thống tự nhiên và xã hội trên trái đất.
Nhìn chung, cả chiến lược giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH đều là những hành động can thiệp trực tiếp tới một chu trình gồm 4 yếu tố:
· BĐKH: nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, chế độ mưa, hạn hán, lũ lụt…
· Phát triển kinh tế - xã hội: tăng trưởng kinh tế, công nghệ, dân số và quản lý;
· Nồng độ khí nhà kính và phát thải khí nhà kính;
· Hệ thống tự nhiên - xã hội.
Giảm nhẹ BĐKH can thiệp vào chu trình từ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, thích ứng BĐKH can thiệp vào 2 quá trình: tác động của BĐKH đến hệ thống tự nhiên - xã hội và mối tương tác giữa phát triển kinh tế - xã hội với hệ thống tự nhiên - xã hội.