Chuyên mục: » Giới thiệu DA 11-P04-VIE » Sản phẩm dự kiến

Các kết quả/sản phẩm chủ yếu của dự án

  1. Mô hình làm việc nhóm để thiết lập hệ thống thông tin nhiều bên tham gia: Cơ chế các bên hưởng lợi cùng tham gia bao gồm các nhà khoa học, chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân.
  2. Hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) phục vụ việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và tăng cường sức chống chịu: PIS dựa trên GIS trong đó tích hợp cơ sở tri thức, cơ sở dữ liệu địa lý bao gồm cả số liệu thô (bản đồ nền, điều kiện tự nhiên, đất sử dụng, điều kiện kinh tế-xã hội, khí hậu, thủy văn, các kiến thức bản địa, v.v) và các sản phẩm giá trị gia tăng như các kịch bản BĐKH và thủy tai, các bản đồ tính dễ bị tổn thương, v.v, và các tiện ích để khai thác và quảng bá kết quả.
  3. Nguồn nhân lực: (a) Các khóa đào tạo nâng cao ở các nước phát triển cho các nhà khoa học trẻ: 3 lượt cán bộ trẻ sẽ được cử đi tham gia các đợt tập huấn ở Australia và/hoặc Nhật và/hoặc Italy; (b) Đào tạo Thạc sỹ và tham gia đào tạo Tiến sỹ: 2-4 Thạc sỹ sẽ được đào tạo về lĩnh vực Khí tượng và Khí hậu học, Thủy văn, Biến đổi khí hậu trong quá trình thực hiện dự án và sử dụng kinh phí của dự án, 2 NCS về chuyên ngành Khí tượng và Khí hậu học, và Thủy văn sẽ tham gia làm việc cùng dự án trong khuôn khổ luận án của họ; (c) Nâng cao kỹ năng thực tiễn cho các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương trong việc tích hợp kiến thức bản địa và kiến thức khoa học: Thông qua các đợt khảo sát, nghiên cứu tại hiện trường các cán bộ nghiên cứu và cộng đồng địa phương sẽ có những trao đổi kiến thức khoa học, kinh nghiệm bản địa với nhau; (d) Các cán bộ địa phương tham gia vào việc thiết lập hệ thống PIS và được đào tạo về đánh giá tác động của BĐKH đến hệ thống sản xuất nông nghiệp/thủy sản, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân các vùng đồng bằng và ven biển ở các tỉnh NHQ về tác động của BĐKH đến nông nghiệp và thủy sản: Dự án sẽ trang bị máy tính, các thiết bị cần thiết để truy cập mạng Internet, tổ chức 3 đợt tập huấn về hệ thống PIS cho cộng đồng tại các tỉnh NHQ; (e) Tăng cường tính sẵn sàng và khả năng chống chịu của cộng đồng địa phương.
  4. Xuất bản phẩm, tài liệu, hội nghị, hội thảo, tài liệu truyền thông, website, báo cáo khoa học, sách và các bài báo khoa học. Một trong những nhóm sản phẩm được dự án chú trọng là các công trình khoa học mang tầm quốc tế qua đó góp phần nâng cao vị thế của nền khoa học Việt Nam. Dựa theo các nội dung khoa học, dự án dự kiến sẽ đăng 3-4 bài báo trên các tạp chí quốc tế. Ngoài ra, nhằm phục vụ cộng đồng địa phương NHQ nói riêng và trên cả nước nói chung, ngoài các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước, dự án cũng dự kiến sẽ xuất bản một cuốn sách chuyên khảo về những kết quả của dự án.
  5. Củng cố và tăng cường các mối quan hệ hợp tác và cộng tác giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khí tượng, thủy văn, kinh tế, nông ngư nghiệp, xã hội và giữa các cơ quan nghiên cứu Việt Nam và Đan Mạch: Do tính liên ngành và xuyên ngành của vấn đề nghiên cứu, đội ngũ các nhà khoa học tham gia dự án có chuyên ngành sâu rất khác nhau từ cả phía Việt Nam và Đan Mạch. Bởi vậy quá trình hoạt động nghiên cứu của sẽ tạo ra môi trường làm việc trong đó các nhà khoa học sẽ nâng cao kiến thức của mình đối với các lĩnh vực chuyên môn khác, qua đó hình thành một cộng đồng thống nhất có thể hợp tác lâu dài.