- Trang chủ
- Dự án FIRST
- Thông tin Nội bộ
- BKTT_VN
- Dự báo nội mùa và dự báo mùa
- Đề tài QG.22.81
- Dự án 11-P04-VIE
- Giới thiệu DA 11-P04-VIE
- Thông tin chung
- Mục tiêu dự án
- Sản phẩm dự kiến
- Kế hoạch thực hiện
- Báo cáo hàng năm
- Nội dung dự án
- Báo cáo tổng kết dự án
- Hệ thống TTNBTG (PIS)
- Kết quả và tài liệu
- Các công trình công bố
- Dự báo thời tiết
- Ảnh thực địa và tài liệu khác
- Tin tức và sự kiện
- Kiến thức về Biến đổi Khí hậu
- Các thành viên tham gia Dự án
- Liên hệ
- Dành cho Sinh viên
Số người đang truy cập
Hiện tại có 52 người đang truy cập, trong đó có 0 thành viên.Tổng số truy cập 4361161
Các hoạt động nghiên cứu
Nội dung 1. Điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp dữ liệu (WP1)
Những công việc chính của nội dung này là điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu và tài liệu từ tất cả những nguồn hiện có ở các tỉnh NHQ, sắp xếp, bố cục lại, kiểm định chất lượng và đánh giá nhu cầu thông tin, dữ liệu đối với các bên hưởng lợi.
Đối với nhóm mô hình hóa BĐKH và đánh giá tác động, cần phải thu thập chuỗi thời gian các bộ số liệu khí tượng thủy văn trên toàn khu vực ba tỉnh NHQ. Số liệu bản đồ bao gồm bản đồ địa hình có độ phân giải đến cấp xã (nếu có thể sẽ lấy đến tỷ lệ từ 1:25000 đến 1:10000 hoặc lớn hơn), các bản đồ chuyên đề (đất, sử dụng đất, tưới tiêu,…), số liệu thống kê về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện kinh tế-xã hội ở qui mô cấp huyện và cấp xã cũng sẽ được thu thập.
Việc điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu cũng sẽ dựa trên cách tiếp cận nhiều bên tham gia và nghiên cứu thực địa tại địa phương. Việc điều tra cơ bản được thực hiện kết hợp với nghiên cứu tính dễ bị tổn thương có thể cung cấp cả những kiến thức ban đầu và được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng địa phương để nghiên cứu sâu hơn và xử lý ở qui mô làng xã có nhiều bên tham gia. Số liệu nền về kinh tế-xã hội và kiến thức bản địa thu thập được là những đối tượng quan trọng của điều tra phỏng vấn ở các địa phương được chọn làm nghiên cứu thí điểm trong quá trình thu thập dữ liệu. Những dữ liệu và tài liệu thu thập được sẽ được chuẩn hóa, kiểm định chất lượng và tập hợp lại dưới dạng là một bộ phận của cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng rộng rãi cho các tỉnh NHQ nhờ PIS.
Nội dung 2. Tích hợp kiến thức bản địa (WP2)
Kiến thức bản địa, kiến thức truyền thống hay kiến thức địa phương thường được hiểu là những tri thức mà người dân và cộng đồng tích lũy được qua nhiều đời ở một môi trường sống cụ thể, một cách tiềm tàng bảo đảm sinh kế ổn định cho họ tại chính nơi mà họ sinh sống. Điều đó có thể bao gồm cả những công nghệ đã được thích ứng, kinh nghiệm thực tiễn, hệ thống tri thức và niềm tin riêng biệt về mặt văn hóa, biểu thị dấu ấn mạnh mẽ trong một bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể. Những kiến thức này được xem là quan trọng trong bối cảnh BĐKH vì nhiều lý do: Chúng có thể đóng góp tiềm tàng vào tri thức chung của nhân loại, tiềm năng của chúng chưa được ứng dụng một cách đầy đủ, và chúng là một bộ phận của cuộc sống hàng ngày của người dân nông thôn. Có rất ít nghiên cứu về kiến thức bản địa trong ứng phó với thời tiết, khí hậu của người nông dân ở Việt Nam, đặc biệt ở NHQ. Việc nghiên cứu hệ thống hóa các kiến thức bản địa trong thích ứng với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên và xã hội ở NHQ là rất hữu ích, vì cộng đồng địa phương ở đây đã phải đối mặt với bão, thủy tai và nhiều thách thức khác hàng thế kỷ nay.
Về mặt phương pháp luận, nội dung này sẽ thực hiện việc điều tra tổng thể kết hợp với đánh giá nông thôn có sự tham gia của nhiều bên (PRA), lập bản đồ cộng đồng, nhóm tiêu điểm và phỏng vấn sâu, các truyền thuyết và các nguồn tư liệu lịch sử. Các hoạt động trong nội dung này liên quan đến 1) Phân tích, phân loại và chuẩn hóa các tài liệu thu thập được về định dạng PIS; 2) Tạo liên kết trực tiếp giữa việc hình thành kiến thức liên tiếp và phổ biến kiến thức trong PIS hướng tới việc tham gia tích cực của các nhóm người dùng; và 3) Đưa vào và cam kết với chính quyền địa phương các cấp (UBND các huyện/xã được lựa chọn thí điểm) việc quản lý tài nguyên và môi trường, dịch vụ mở rộng nông nghiệp, giao lưu văn hóa và thông tin công cộng. Hiển nhiên những kiến thức về tác động của BĐKH và thủy tai cũng như tính dễ bị tổn thương trong nông nghiệp và các khía cạnh khác của cuộc sống người dân địa phương cũng sẽ được đưa vào. Đây là mối liên kết giữa nội dung 2 và nội dung 5 (Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương).
Trong quá trình thực hiện, các cán bộ địa phương (huyện/xã/thôn) được mời tham gia trực tiếp và phối hợp trong việc thu thập các kiến thức bản địa và các cách thức phân loại, chuẩn hóa nhằm mục đích đào tạo tại chỗ và tăng cường năng lực cho cán bộ địa phương, giúp cán bộ địa phương có khả năng cập nhật các kiến thức mới vào PIS đảm bảo tính bền vững của hệ thống.
Nội dung 3. Đánh giá BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan (ECEs) (WP3)
BĐKH và thủy tai có liên quan chặt chẽ với nhau. Như đã được đề cập trong báo cáo lần thứ Tư của Ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC), BĐKH có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng cực đoan, do đó có thể làm gia tăng thủy tai. Nói cách khác, BĐKH có thể ảnh hưởng đến thủy tai thông qua đó làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng đối với hiểm họa thủy văn, đặc biệt làm suy giảm hệ sinh thái và biến đổi sinh kế. Hệ quả là BĐKH làm giảm khả năng đối phó với ngay cả những hiểm họa thủy văn hiện hữu của cộng đồng. Do đó, nội dung này là một trong những thành phần quan trọng nhất của dự án, nhằm cung cấp những thông tin chi tiết về BĐKH và các hiện tượng cực đoan trên khu vực nghiên cứu. Sản phẩm của nội dung này là đầu vào theo yêu cầu của các nội dung khác.
Những vấn đề được đề cập đến trong nội dung này bao gồm: 1) Đánh giá sự BĐKH dựa trên số liệu quan trắc từ mạng lưới trạm khí tượng Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan; 2) Xây dựng các kịch bản BĐKH chi tiết cho tương lai bằng phương pháp hạ thấp qui mô động lực; 3) Đánh giá sự biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan có liên quan tới thủy tai. Để giải quyết vấn đề 2) và 3) các mô hình khí hậu khu vực sẽ được ứng dụng. Để loại trừ tính bất định của các kịch bản dự tính, phương pháp tiếp cận đa mô hình sẽ được sử dụng.
Nội dung 4. Phân tích và đánh giá thủy tai (WP4)
Qua một chuyến khảo sát thực địa trong quá trình xây dựng dự án và phân tích sơ bộ điều kiện tự nhiên trên vùng nghiên cứu có thể nhận thấy những hiện tượng thiên tai thường xuyên đã gây nên những thiệt hại trầm trọng cho cộng đồng địa phương. Những hiện tượng thiên tai liên quan đến thủy văn đáng chú ý là lũ lụt về mùa mưa, hạn hán và xâm nhập mặn về mùa khô.
Nội dung này nhằm cung cấp thông tin chi tiết về hiểm họa thủy tai ở qui mô địa phương cho cộng đồng cư dân và chính quyền địa phương trên các vùng dễ bị tổn thương ở NHQ cũng như cho các nội dung khác. Nội dung này sẽ giải quyết các vấn đề: 1) Phát triển mô hình thủy văn cho các lưu vực nhỏ và mô hình thủy lực cho mạng lưới sông (mô hình một chiều) và mô hình lũ đồng bằng (mô hình hai chiều) để đánh giá hiểm họa lũ lụt trên vùng nghiên cứu với độ phân giải cao, chú trọng đến các vùng thí điểm; 2) Xây dựng các bản đồ ngập lụt (mực nước, độ sâu, vận tốc cực trị, thời gian kéo dài,…) cho vùng nghiên cứu với các tỷ lệ khác nhau từ cấp tỉnh đến cấp xã; 3) Phát triển mô hình tính toán cân bằng nước theo các kịch bản BĐKH và kịch bản phát triển kinh tế-xã hội; 4) Phát triển các mô hình bình lưu/khuếch tán cho mạng lưới sông vùng hạ du để mô phỏng hiện trạng xâm nhập mặn theo các kịch bản BĐKH và nước biển dâng; 5) Phân tích và đồng hóa các kết quả về định dạng GIS; 6) Tiến hành khảo sát bổ sung với sự tham gia đánh giá của nhiều bên và thẩm định kết quả cuối cùng.
Nội dung 5. Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương (WP5)
Trong nội dung này việc đánh giá tính dễ bị tổn thương sẽ được thực hiện trong mối quan hệ với tác động của thủy tai do BĐKH đến nông nghiệp và thủy sản.
Đánh giá tác động chủ yếu căn cứ vào việc phân tích xã hội dựa trên các khung lý thuyết sẵn có về: Đánh giá tác động xã hội và đói nghèo và các công cụ phân tích chính sách và thể chế. Việc đánh giá sẽ dựa vào các bộ số liệu thứ cấp từ các tỉnh kết hợp với số liệu gốc thu thập được từ điều tra hộ gia đình và các phỏng vấn định tính. Số mẫu điều tra được dự kiến sẽ chiếm khoảng 10% số hộ gia đình cho mỗi xã (khoảng 100-150 hộ được điều tra trong một xã). Hơn nữa, các cuộc phỏng vấn định tính với các cá nhân, các nhóm tiêu điểm với kỹ thuật tiếp cận nhiều thành phần tham gia khác nhau sẽ được sử dụng để cung cấp những mô tả chi tiết hơn về các kinh nghiệm ứng phó và tính dễ bị tổn thương trong mối quan hệ với lũ lụt và hạn hán. Cách tiếp cận hỗn hợp như đã được nhóm các nhà khoa học Đan Mạch áp dụng ở Quảng Nam trước đây sẽ cung cấp những hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về những tác động của thủy tai và tính dễ bị tổn thương đối với các hộ gia đình phân theo các nhóm xã hội và các đặc điểm không gian, thời gian.
Nội dung này sẽ xoay quanh các hoạt động sau: 1) Đánh giá tác động của thủy tai do BĐKH: (i) về phương diện kinh tế, xem xét qua hệ thống sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các vùng nghiên cứu; (ii) về phương diện kinh tế-xã hội, đánh giá qua các nhóm bị tổn thương khác nhau; và (iii) về không gian, đánh giá qua các cấp tỉnh/huyện/xã. 2) Phân tích khả năng đối phó của các nhóm xã hội, cộng đồng và chính quyền địa phương đối với thủy tai. 3) Đề xuất chính sách nhằm tăng cường sức chống chịu về mặt kinh tế (cho các hệ thống sản xuất khác nhau), xã hội (cho các nhóm bị tổn thương) và không gian (ở các cấp chính quyền khác nhau). 4) Chuyển tải các thông tin trên về định dạng của PIS và đưa vào PIS để tinh chỉnh việc đánh giá tác động. Trong giai đoạn cuối của dự án, các bước chuẩn bị cho đánh giá tác động của PIS tự nó có thể được thực hiện bằng cách thu thập số liệu đối chứng tại ba cộng đồng không áp dụng PIS. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động đầy đủ của PIS như vậy chỉ có thể khả thi ở giai đoạn II trong tương lai.
Nội dung 6. Xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia dựa trên GIS (WP6)
Hệ thống thông tin cần phải có ba chức năng: (i) lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau; (ii) giúp các nhà khoa học truy cập, phân tích dữ liệu; và (iii) truyền tải thông tin đến cộng đồng người sử dụng.
Để lưu trữ dữ liệu, hệ thống cần cung cấp các công cụ để các bên hưởng lợi tham gia vào việc tạo ra và tinh chỉnh thông tin. Dữ liệu đầu vào có thể có các loại định dạng khác nhau, bao gồm số liệu định lượng và dữ liệu “kiến thức bản địa” nhận được từ cộng đồng. Dữ liệu có thể ở dạng ảnh, phim, bản vẽ, ảnh vệ tinh, văn bản, sản phẩm dự báo các loại. Lượng dữ liệu rất lớn này sau đó sẽ được số hóa, chuẩn hóa, không gian hóa và tích hợp vào cơ sở tri thức dựa trên GIS.
Các nhà khoa học có thể sử dụng các ứng dụng qua mạng để truy cập đến hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu và trích rút các thông tin cần thiết. Hệ thống cũng cho phép người dùng tìm kiếm và tạo tài liệu lưu trữ trên đĩa quang (CD, DVD), bản đồ và sách để gửi cho cộng đồng bị hạn chế trong việc truy cập Internet, nhất là khi có thiên tai xuất hiện.
Đối với đông đảo cộng đồng người sử dụng, hệ thống cho phép truy cập cơ sở tri thức bằng trình duyệt web (trên PC hoặc điện thoại di động) qua Internet. Website cần được thiết kế để có thể truy cập được theo các mức ưu tiên khác nhau cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng địa phương. Giao diện của website phải sao cho thân thiện, mềm dẻo với người sử dụng để họ có thể truy cập và phản hồi thông tin của họ. Thông qua quá trình tinh chỉnh liên tiếp (các phân tích số liệu từ các nhà khoa học, thông tin thẩm định và phản hồi từ người sử dụng) thông tin trong hệ thống sẽ được chứng thực và ngày càng được làm giàu thêm.
Việc lôi cuốn cộng đồng và chính quyền địa phương vào việc xây dựng PIS dựa trên GIS là rất quan trọng để: 1) chia sẻ kiến thức bản địa về hệ thống sản xuất nông nghiệp và thủy sản; 2) hiểu biết đầy đủ phân bố không gian về BĐKH và thủy tai cũng như ảnh hưởng của chúng thông qua các bản đồ chuyên đề (bản đồ cộng đồng); 3) khai thác, cập nhật dữ liệu nhờ tương tác website qua Internet.