Chuyên mục: » Báo cáo tổng kết dự án » Mở đầu

MỞ ĐẦU

Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu toàn cầu COP21 diễn ra vào đầu tháng 12 năm 2015 đã nêu quyết tâm hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2oC vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời một lần nữa khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (NHQ) nằm ở Bắc Trung bộ Việt Nam, được xem là một trong những vùng chịu nhiều thiên tai có nguồn gốc khí tượng thuỷ văn. Mặc dù cùng thuộc khu vực gió mùa châu Á, nhưng NHQ nói riêng, miền Trung Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng của các hệ thống gió mùa tây nam về mùa hè và gió mùa đông bắc về mùa đông hoàn toàn khác với các vùng khí hậu phía bắc và phía nam Việt Nam. Với dãy núi Trường Sơn có hướng gần như vuông góc với hướng gió thịnh hành của cả mùa đông và mùa hè, hàng năm NHQ phải hứng chịu một mùa hè khô nóng và một mùa đông lạnh ẩm, hệ quả của sự tương tác giữa các hệ thống hoàn lưu khí quyển và điều kiện địa hình.

Nằm kề biển Đông với đường bờ biển dài trên 350 km, NHQ là nơi chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới và tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn, gây tổn thương nhiều mặt đến cộng đồng cư dân nông thôn, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và nuôi thủy sản. Vì vậy dự án “Nghiên cứu thuỷ tai do biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương ở Bắc Trung bộ Việt Nam” được hình thành, trong đó tích hợp công nghệ, kiến thức khoa học liên ngành và đa ngành với những kinh nghiệm bản địa, nhằm cung cấp công cụ hữu hiệu để tăng cường khả năng phòng tránh và thích ứng của cộng đồng đối với tác động của BĐKH.

Đây là dự án nghiên cứu thí điểm trong khuôn khổ nghị định khung được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch giai đoạn 2011-2013, và được tài trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) thông qua nguồn vốn ODA không hoàn lại. Dự án được thực hiện trong hơn 3 năm, từ 10/2012 đến 7/2016, với sự hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Đại học Roskilde (RUC), Đan Mạch.

Mục tiêu của dự án là 1) Đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu đến thuỷ tai và hệ quả của nó đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các tỉnh NHQ; 2) Xây dựng một mô hình làm việc nhóm bao gồm các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng địa phương; 3) Thiết lập một hệ thống thông tin nhiều bên tham gia phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ quá trình ra quyết định và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương; và 4) Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực BĐKH. Các nội dung khoa học mà dự án cần thực hiện là 1) Điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp dữ liệu (WP1); 2) Tích hợp kiến thức bản địa (WP2); 3) Đánh giá BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan (WP3); 4) Phân tích và đánh giáthuỷ tai (WP4); 5) Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương (WP5); 6) Xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia dựa trên GIS (WP6).

Tham gia thực hiện dự án và có vai trò quyết định đến sự thành công của dự án là đội ngũ đông đảo các nhà khoa học từ trường ĐHKHTN Hà Nội, Viện dân số và các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, các nhà khoa học là cố vấn, tư vấn chuyên môn, cộng tác viên từ nhiều lĩnh vực và cơ quan khác nhau cũng như các Nghiên cứu sinh, Học viên cao học làm luận án, luận văn tốt nghiệp. Những thành quả mà dự án đã đạt được là nhờ sự nỗ lực vô tư, không mệt mỏi, sự năng động, sáng tạo, cống hiến hết mình và sự thống nhất cao của tập thể các thành viên tham gia bên cạnh Ban Giám đốc dự án.

Đóng góp hết sức quan trọng vào sự thành công của dự án là sự quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như những lời động viên, khích lệ của Ban Giám đốc và các Ban chức năng thuộc ĐHQGHN, của lãnh đạo Bộ và Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, của lãnh đạo Chính quyền các cấp ba tỉnh NHQ, và đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ vô điều kiện, cả về vật chất và tinh thần, của Ban Giám hiệu và các Phòng chức năng, của Ban Chủ nhiệm Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường ĐHKHTN Hà Nội.

Một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành dự án cũng như sự thành công của dự án là quá trình đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ và đóng góp vô tư, vô điều kiện, từ những ngày đầu phôi thai và trong quá trình triển khai thực hiện, của PGS. TS. Bùi Duy Cam, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, của PGS. TS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, GS. TS. Phan Tuấn Nghĩa, PGS. TS. Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, của PGS. TS. Trần Thị Hồng, PGS. TS. Trần Quốc Bình cũng như các cán bộ Phòng Khoa học và Công nghệ Trường ĐHKHTN, của TS. Nguyễn Anh Thu, Trưởng ban Quan hệ Quốc tế (nay là Ban Hợp tác và Phát triển), ĐHQGHN, của TS. Trương Việt Hà và nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của đại diện Chính quyền và cộng đồng địa phương như bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Chi cục Bảo vệ Môi trường Nghệ An, ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, lãnh đạo và cộng đồng dân cư các xã Hưng Nhân, Yên Hồ, Võ Ninh cũng như các cán bộ công chức, nhà khoa học, các đồng nghiệp, bạn bè từ các cơ quan, các trường Đại học trên địa bàn ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, như các ông Phan Đình Hùng, ông Hoàng Quốc Kỳ, ông Nguyễn Công Hoan, ông Âu Đức Nhân, ông Nguyễn Thanh Hải, ông Trần Hải và rất nhiều người khác.

Góp phần vào sự thành công của dự án còn có sự phối hợp, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi của nhà tài trợ mà đại diện là Ban quản lý các Dự án Danida (DFC), Bộ ngoại giao Đan Mạch cũng như sự hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Roskilde, Đan Mạch.

Thiếu một trong những nhân tố trên chắc chắn dự án sẽ không thể đạt được những thành quả như đã có. Tập thể thành viên tham gia dự án và Ban Giám đốc dự án vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt thành, vô tư đó. Nhân đây tập thể các thành viên tham gia và Ban Giám đốc dự án xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất, chân thành nhất.

Nội dung của báo cáo tổng kết dự án,ngoài phần mở đầu và kết luận,được bố cục trong 7 chương:

Chương 1: Giới thiệu chung về dự án

Chương 2: Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng dự án

Chương 3: Đánh giá biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan và mức độ tác động của chúng trong vùng dự án.

Chương 4: Đánh giá hiện trạng thuỷ tai, tác động của chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kết quả dự tính các hiện tượng thuỷ tai theo các kịch bản biến đổi khí hậu.

Chương 5: Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và thuỷ tai đối với nông nghiệp và thuỷ sản ở vùng dự án.

Chương 6: Kinh nghiệm, kiến thức bản địa trong việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở vùng dự án.

Chương 7: Xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) đối với vùng dự án.

Trong đó, các chương 1 và 2 có sự đóng góp của các thành viên chính tham gia dự án; chương 3 do Ngô Đức Thành và Trịnh Tuấn Long chịu trách nhiệm; chương 4 do Trần Ngọc Anh và Đặng Đình Khá chịu trách nhiệm; chương 5 do Mẫn Quang Huy chịu trách nhiệm; chương 6 do Lưu Bích Ngọc chịu trách nhiệm; và chương 7 do Bùi Quang Thành và Nguyễn Trung Kiên chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, việc biên tập và hoàn thiện bản báo cáo tổng kết dự án còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ và đóng góp của GS. TSKH. Đặng Trung Thuận, nguyên Chủ nhiệm Khoa Địa lý Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội).

<Về đầu trang>  <Tiếp chương 1>