Chuyên mục: » Báo cáo tổng kết dự án » Chương 7

 

CHƯƠNG 7. HỆ THỐNG THÔNG TIN NHIỀU BÊN THAM GIA: CÔNG CỤ HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG TRONG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ THUỶ TAI

 

7.1. Giới thiệu về hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS)

7.1.1. Khái niệm về PIS

Hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) là hệ thống được thiết kế để lưu trữ một lượng dữ liệu lớn với nhiều định dạng khác nhau, được thu thập, xử lý, tính toán bởi các nhà khoa học với sự đóng góp của cộng đồng cũng như những kết quả nhận được trong suốt quá trình nghiên cứu. Đi cùng với cơ sở lưu trữ, PIS còn cung cấp các công cụ cho phép truy cập khai thác, xử lý, phân tích, trích xuất thông tin để tổng hợp thành cơ sở dữ liệu tri thức. PIS cũng là hệ thống truyền tải các thông tin tới chính quyền địa phương và người dân, giúp họ đưa ra các giải pháp để ứng phó với tác động do biến đổi khí hậu gây ra, nhằm giảm thiểu những tổn thất về tính mạng và tài sản.

7.1.2. Sơ lược sự hình thành và phát triển PIS trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới, khái niệm về “Hệ thống thông tin nhiều bên tham gia” được phát triển gần đây trong quản lý môi trường và quản lý rủi ro (Chirowodza et al, 2009;. Haase, 2011) và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quản lý tài nguyên môi trường và quy hoạch lãnh thổ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Internet, việc cung cấp dữ liệu không gian địa lý dựa trên web hiện nay là một phần không thể thiếu của một quốc gia. Web dựa trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) có thể tích hợp, phân tích dữ liệu không gian nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương trong quá trình ra quyết định và cung cấp nền tảng cho các cộng đồng địa phương cùng tham gia. Một PIS dựa trên Web (còn được gọi là Web-GIS) có sự tham gia của nhiều bên (PGIS) nếu người dùng có thể ứng dụng GIS trong PIS để hình dung dữ liệu không gian hoặc để phát triển một mô hình phân tích,... trong quá trình ra quyết định (Sakamoto & Fukui, 2004).

Về mặt kỹ thuật, PIS dựa trên Web không chỉ đơn giản là một phần mở rộng của  kho dữ liệu, thay vào đó nó là một phương tiện phát triển để chia sẻ dữ liệu, xử lý dữ liệu và tương tác các bên liên quan, được thực hiện thông qua Internet. Trong trường hợp dữ liệu không gian, người dùng Internet có thể tập trung vào màn hình hiển thị và truy vấn các nhiệm vụ đơn giản (Paul A. Longley & Michael F. Goodchild, 2005). PIS cũng cho phép các bên tham gia tự động tương tác với đầu vào, để phân tích lựa chọn thay thế, và trao quyền cho các cá nhân và nhóm (Sieber, 2006).

Vấn đề nghiên cứu BĐKH và thích ứng tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như thiếu một nền khoa học có sự tranh luận để hiểu sự tương tác phức tạp giữa thiên nhiên và xã hội trong bối cảnh BĐKH, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao và sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là thiếu các cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian và công cụ hiệu quả để áp dụng trong các quá trình hoạch định chính sách của địa phương. Thực tế ở Việt Nam, việc tạo ra một PIS trong đó các bên liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định dường như còn là vấn đề mới mẻ.

7.2. Xây dựng hệ thống PIS

7.2.1. Mục đích, nhu cầu và chức năng của PIS

Trong khuôn khổ dự án, PIS là sản phẩm trực quan và gần gũi với người sử dụng nhất (hình 7.1). PIS được xây dựng nhằm phục vụ ba nhóm đối tượng chính là các nhà khoa học, những người làm chính sách và cộng đồng. Và do đó, PIS cần đáp ứng được ba chức năng:

1)    Lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau;

2)    Giúp các nhà khoa học cũng như các bên tham gia nói chung truy cập, phân tích, xử lý dữ liệu;

3)    Truyền tải thông tin đến cộng đồng người sử dụng.

Hình 7.1: Mô hình khái niệm PIS

Dữ liệu đầu vào có thể gồm nhiều loại định dạng khác nhau, như số liệu định lượng và dữ liệu “kiến thức bản địa” nhận được từ cộng đồng. Dữ liệu có thể ở dạng ảnh, phim, bản vẽ, ảnh vệ tinh, văn bản, sản phẩm dự báo các loại. Lượng dữ liệu rất lớn này sau đó đã được số hóa, chuẩn hóa, không gian hóa và tích hợp vào cơ sở tri thức dựa trên GIS.

Các nhà khoa học có thể sử dụng các ứng dụng qua mạng nội bộ để truy cập đến hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu và trích xuất các thông tin cần thiết. Hệ thống cũng cho phép người dùng tìm kiếm và tạo ra các bộ dữ liệu thứ sinh để gửi cho cộng đồng bị hạn chế trong việc truy cập Internet, nhất là khi có thiên tai xuất hiện.

Đối với đông đảo cộng đồng người sử dụng, hệ thống cho phép truy cập cơ sở tri thức bằng trình duyệt web (trên PC hoặc điện thoại di động) qua Internet. Giao diện của website được xây dựng đủ thân thiện, mềm dẻo với người sử dụng sao cho họ có thể truy cập và phản hồi thông tin của họ. Thông qua quá trình tinh chỉnh liên tiếp thông tin trong hệ thống sẽ được chứng thực và ngày càng được làm giàu thêm.

Trên cơ sở khảo sát thực tế trong quá trình triển khai dự án cũng như thông qua các hội thảo, seminar có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng dân cư tại các vùng thí điểm của dự án, các nguồn thông tin sau đây đã được thu thập và xử lý:

·      Nhu cầu sử dụng PIS của cộng đồng và các nhà quản lý;

·      Hiện trạng dữ liệu và các báo cáo phân tích, đánh giá;

·      Kết quả phân tích, đánh giá về nhu cầu và mong muốn của người dùng đối với PIS.

Một trong những nhóm dữ liệu quan trọng của PIS là hệ thống các bản đồ. Nhằm khắc phục những nhược điểm cố hữu của các bản đồ in trên giấy, PIS cần được thiết kế sao cho:

·      Cho phép hiển thị bản đồ theo nhiều tỷ lệ khác nhau. Có thể thao tác phóng to thu nhỏ, dịch chuyển bản đồ;

·      Cho phép thể hiện các lớp bản đồ, bật tắt các lớp bản đồ này;

·      Cho phép thay đổi việc hiển thị các đối tượng trên bản đồ một cách dễ dàng mà không phải cập nhật lại dữ liệu;

·      Cho phép đo đạc truy vấn thông tin của bản đồ theo không gian và phi không gian;

·      Cho phép in ấn thông tin của bản đồ ở trạng thái hiện tại.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo người sử dụng, PIS cũng cần có các chức năng nâng cao nhằm hướng tới các chuyên gia và các nhà khoa học. Cụ thể, PIS phải có các chức năng:  

·      Cho phép thống kê thông tin dựa trên các dữ liệu đang có;

·      Cho phép tính toán và hiển thị mức độ tổn thương dựa trên các thông số về độ lộ diện, độ nhạy cảm và năng lực thích ứng;

·      Cho phép xử lý, tính toán, hiển thị theo không gian và thời gian các yếu tố khí tượng thuỷ văn liên quan đến thuỷ tai;

·      Cho phép đăng nhập để quản lý thông tin ở các mức độ khác nhau của người dùng.

Kết quả khảo sát nhu cầu cộng đồng về các công cụ cần có của PIS trên cơ sở phân tích đánh giá hệ thống được trình bày trong bảng 7.1.

7.2.2. Cấu trúc hệ thống PIS

Dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của 3 nhóm người dùng và yêu cầu chung của PIS, một PIS dựa trên GIS đã được thiết kế và xây dựng mà sơ đồ nguyên lý được minh hoạ trên hình 7.2.

Hệ thống được chia thành hai khối với tên gọi qui ước là khối “Cộng đồng” và khối “Cá nhân”. Khối Cộng đồng thực chất là một Website, được thiết kế sao cho giao diện thân thiện, dễ sử dụng để phục vụ đông đảo người sử dụng và có thể tương tác với người sử dụng (cộng đồng, nhà quản lý, nhà khoa học). Nói chung khối Cộng đồng chỉ gồm các dịch vụ hướng tới người dùng đầu cuối. Khối Cá nhân bao gồm hệ thống tính toán hiệu năng cao (để chạy các mô hình khí tượng, thuỷ văn), các máy chủ dịch vụ (Database, Geo, Web, FTP), các máy trạm xử lý dữ liệu và mạng kết nối. Các thành phần trong khối này chỉ có thể được truy cập bởi các thành viên được cấp tài khoản và mật khẩu (các nhà quản lý, các nhà khoa học, các cộng tác viên,...). Trong khối Cá nhân, các thiết bị và dịch vụ đáp ứng yêu cầu lưu trữ dữ liệu và cung cấp phương thức truy cập để xử lý và phân tích dữ liệu.

Bảng 7.1: Các công cụ cần có cho PIS

STT

Công Cụ

1

Công cụ hiển thị lớp bản đồ. Cho phép bật / tắt các lớp bản đồ.

2

Công cụ dịch chuyển bản đồ.

3

Công cụ phóng to / thu nhỏ bản đồ.

4

Công cụ hiển thị bản đồ tại thời điểm lúc trước / lúc sau.

5

Công cụ hiển thị toàn bản đồ.

6

Công cụ in bản đồ.

7

Công cụ truy vấn thông tin theo không gian.

8

Công cụ truy vấn thông tin theo thuộc tính.

9

Công cụ đo diện tích và khoảng cách trên bản đồ.

10

Công cụ tính toán và hiển thị mức độ tổn thương dựa trên các chỉ số về độ lộ diện, độ nhạy cảm, khả năng thích ứng.

11

Công cụ nội suy, hiển thị nhiệt độ, lượng mưa dự tính dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu.

12

Công cụ thống kê các thông tin dựa trên thuộc tính của dữ liệu.

13

Công cụ đăng nhập hệ thống.

14

Công cụ hiển thị tỉ lệ bản đồ.

Hình 7.2: Cấu trúc của PIS

Để lưu trữ được một lượng lớn dữ liệu, với rất nhiều định dạng khác nhau, làm đầu vào cho các công cụ xử lý, một hệ thống lưu trữ file tốc độ cao dựa trên hệ thống tin Lustre đã được xây dựng. Hệ thống có dung lượng lưu trữ hữu dụng khoảng 100TB với tốc độ đọc ghi tổng cộng đạt gần 1GB/s. Hệ thống lưu trữ này đặc biệt quan trọng vì nó phục vụ các bài toán có nhu cầu tính toán và xử lý dữ liệu cực lớn, như mô phỏng và dự tính BĐKH, chạy các mô hình khí tượng, thuỷ văn,... Ngoài hệ thống lưu trữ Lustre, một FTP site để chia sẻ dữ liệu giữa các nhà khoa học và các cộng tác viên cũng đã được thiết kế và xây dựng. Người dùng có thể truy cập vào FTP site này sau khi đã được cấp tài khoản và mật khẩu (ftp://danida.vnu.edu.vn)

Các thành phần chính trong PIS

 Hệ thống WebGIS

Trung tâm của khối Cộng đồng trong PIS chính là hệ thống WebGIS. WebGIS là một loại hình hệ thống thông tin phân tán, bao gồm ít nhất một máy chủ và một máy khách, trong đó máy chủ GIS, còn máy khách là một trình duyệt web, một ứng dụng máy tính, hay ứng dụng chạy trên điện thoại di động.

Hệ thống phần mềm cho WebGIS được lựa chọn dựa trên tiêu chí dễ sử dụng, dễ tuỳ chỉnh, có nhiều ứng dụng thực tế, cũng như có một cộng đồng phát triển mạnh mẽ. Trong dự án này, đã lựa chọn kiến trúc WebGIS dựa trên các thành phần phần mềm mã nguồn mở và hoạt động theo mô hình máy chủ - máy khách (hình 7.3).

Cấu trúc WebGIS này có 3 lớp (hình 7.4):

·      Lớp thứ nhất – Cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu không gian được quản trị bởi hệ quản trị cơ sở dữ liệu không gian PostGreSQL/PostGIS.

·      Lớp thứ hai – Máy chủ ứng dụng: Máy chủ này chạy 2 dịch vụ là GeoServer và GeoWebCache. GeoServer đảm nhận nhiệm vụ tạo lập bản đồ theo yêu cầu gửi tới từ máy khách. GeoServer là một máy chủ mã nguồn mở với mục đích kết nối những thông tin địa lý có sẵn tới các Geoweb (trang Web địa lý) sử dụng chuẩn mở. GeoServer được bắt đầu xây dựng bởi một tổ chức phi lợi nhuận có tên The Open Planning Project (TOPP), nhằm mục đích hỗ trợ việc xử lý thông tin không gian địa lý với chất lượng cao, đơn giản trong sử dụng, là phần mềm mã nguồn mở nhằm cung cấp và chia sẻ dữ liệu. GeoServer được kỳ vọng sẽ trở thành một phương thức đơn giản để kết nối những nguồn thông tin có sẵn từ Google Earth, NASA World Wind nhằm tạo ra các dịch vụ Webmap như Google Maps, Windows Live Local và Yahoo Maps. Các cấu hình cho GeoServer đều tương thích chuẩn OGC (Open Geospatial Consortium). GeoWebCache tăng tốc quá trình truyền dữ liệu và ảnh bằng cách chia vùng cần truyền thành nhiều phần nhỏ kết hợp với sử dụng bộ đệm để tăng tốc độ truyền.

Hình 7.3:  Cấu trúc hệ thống WebGIS

·      Lớp trên cùng – Giao diện người dùng: người dùng truy cập hệ thống bằng trình duyệt web. Giao diện này được thiết kế để dễ sử dụng và thân thiện với người dùng, đặc biệt với người dân tại vùng chịu ảnh hưởng bởi thuỷ tai.

Việc xây dựng hệ thống WebGIS được chia thành nhiều công đoạn chính:

·      Thiết lập danh mục dữ liệu

·      Thiết kế mô hình dữ liệu

·      Chuẩn hoá dữ liệu nền địa lý khu vực nghiên cứu

·      Thu thập và lưu trữ dữ liệu trong cơ sở dữ liệu

·      Xây dựng các công cụ phục vụ hiển thị trên nền Web

Hệ thống sản phẩm WebGIS cuối cùng được cài đặt trên máy chủ đặt tại trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội (http://danida.vnu.edu.vn:8083/). Người dùng có thể sử dụng trình duyệt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để truy cập.

Hình 7.4: Phân lớp CPIS

Hệ thống truyền thông

Ngoài hệ thống WebGIS, để truyền tải thông tin tới người sử dụng cuối, một website cũng đã được thiết kế và xây dựng. Website này về thực chất là một hệ quản trị nội dung (CMS) với các đặc điểm:

·      Được xây dựng dựa trên các thành phần mã nguồn mở: Hệ điều hành CentOS, ngôn ngữ lập trình PHP, hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL và máy chủ web Apache

·      Tương thích cho các trình duyệt thông dụng: IE, Firefox, Chrome,...

·      Các tính năng chính được xây dựng trong phần quản trị nội dung:

o   Phân quyền người dùng: Ba nhóm người dùng sẽ có quyền khác nhau trong việc truy cập vào nguồn số liệu và công bố các thông tin trên website.

o   Trình soạn thảo trên nền web.

o   Quản trị ngôn ngữ (Tiếng Anh/Tiếng Việt)

o   Cho phép tải dữ liệu lên máy chủ hoặc xuống máy tính cá nhân

o   Quản trị tài liệu

Người dùng có thể sử dụng trình duyệt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để truy cập website thông tin qua địa chỉ http://danida.vnu.edu.vn/.

Để đảm bảo tốc độ truy cập cho người sử dụng PIS, giải pháp về đường kết nối Internet cũng đã được quan tâm đặc biệt. Hệ thống được cấu hình để kết nối với Internet qua hai đường liên kết chính. Đường thứ nhất được cung cấp bởi VNPT với băng thông lên tới 40Mbps, đường thứ hai cung cấp bởi Đại học Quốc Gia Hà Nội với băng thông cao nhất đạt 30Mbps. Cả hai đường kết nối đều là cáp quang, cho độ ổn định cũng như tuổi thọ cao. Hai đường kết nối này được cấu hình cân bằng tải, sử dụng router Draytek 3900.

Tất cả các thành phần của PIS, không bao gồm hệ thống lưu trữ Lustre, được đặt trên một máy chủ trung tâm tại trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội. Để đảm bảo tính bảo mật và tránh sự xung đột giữa các phần mềm hay giữa các phiên bản phần mềm khác nhau, các thành phần của PIS được chia thành các nhóm khác nhau, chạy trên các máy ảo khác nhau dựa trên công nghệ ảo hoá Xen.

Cơ sở dữ liệu

Cơ sở dữ liệu dạng bản đồ:

·      Bản đồ địa hình: Đây là nguồn tài liệu không thể thiếu vì nó có thể được dùng làm bản đồ nền cho các dữ liệu chuyên đề khác.

·      Bản đồ hiện trạng sử dụng đất: Là tập các bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các huyện và các xã thuộc vùng dự án tại ba tỉnh NHQ năm 2005 theo bảng hệ thống phân loại hiện trạng sử dụng đất của Tổng cục Địa chính quy định, bao gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng cũng như các đơn vị phân loại chi tiết hơn.

·      Bản đồ quy hoạch sử dụng đất: Về cơ bản, bản đồ quy hoạch sử dụng đất cũng tương tự như bản đồ hiện trạng sử dụng đất, nhưng có thêm phần định hướng sử dụng trong tương lai.

·      Bản đồ địa giới hành chính và bản đồ hành chính: Tư liệu bản đồ này chỉ rõ ranh giới hành chính cấp xã, huyện được phân chia theo nghị định 364/CP của Chính phủ. Đây là nguồn tư liệu chính thống và chính xác về ranh giới hành chính. Bản vẽ trích do các tổ chức được nhà nước giao và cho thuê đất và bản đồ địa chính được dùng làm tư liệu cho khảo sát và phỏng vấn cấp thôn bản và cấp hộ gia đình.

·      Bản đồ lâm nghiệp: Hệ thống bản đồ lâm nghiệp bao gồm bản đồ hiện trạng rừng năm 2006, bản đồ quy hoạch rừng 2010 và bản đồ phân cấp rừng phòng hộ. Đây là những tài liệu có thể dùng để nghiên cứu trực tiếp hiện trạng lớp phủ rừng của từng xã trong vùng NHQ. Ngoài ra chúng có thể dùng để lựa chọn mẫu trong phân loại ảnh vệ tinh và giải đoán ảnh máy bay thời điểm hiện tại và trong quá khứ.

·      Bản đồ địa chất: Đây là tư liệu không thể thiếu trong nghiên cứu các tai biến thiên nhiên như trượt lở, lũ bùn đá… Bản đồ địa chất, kết hợp với các thông tin về địa hình và lớp phủ cho phép mô phỏng không gian đa chiều: độ cao, tầng sâu, mức độ bền vững…

·      Bản đồ lũ quét và sạt lở đất: Là các thông tin về thiên tai do lũ quét và sạt lở đất trên vùng dự án.

Cơ sở dữ liệu dạng thông tin

·      Các video clip, ảnh, thông tin về kiến thức bản địa dạng văn xuôi kèm theo hình ảnh minh họa.

·      Các báo cáo đánh giá, phân tích của các nhà khoa học về BĐKH và thuỷ tai, tính dễ bị tổn thương.

·      Bản tin dự báo thời tiết với hạn dự báo đến 3 ngày.

·      Các bài báo, trang web có nội dung liên quan đến vấn đề nghiên cứu của Dự án.

Cơ sở dữ liệu dạng chuyên đề

·      Là các bản đồ, hình ảnh, biểu đồ, đồ thị minh hoạ kết quả nghiên cứu từ các chuyên đề BĐKH, biến đổi thuỷ tai, tác động của BĐKH và thuỷ tai, tính dễ bị tổn thương,...

·      Các báo cáo dưới dạng văn bản.

Cơ sở dữ liệu dạng khác

·      Các tài liệu số liệu thống kê về lịch sử các khu vực ngập lụt.

·      Các số liệu quan trắc, đo đạc khí tượng thuỷ văn.

·      Thống kê hiện trạng kinh tế xã hội, đặc biệt các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồngthủy sản tại địa phương.

Xây dựng website

Nội dung chính của trang web

Trang web của PIS, một trong những sản phẩm quan trọng của Dự án, được xây dựng nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu liên quan đến tất cả các hoạt động và những kết quả, sản phẩm của dự án. Web của PIS là một mục của trang web của dự án và có địa chỉ tại http://danida.vnu.edu.vn:8083/

Những nội dung chính thể hiện trong web_PIS bao gồm:

·      Giới thiệu về Dự án

·      Các sản phẩm của dự án gồm: 1) Kiến thức bản địa trong ứng phó với thiên tai; 2) Thông tin về đánh giá BĐKH và dự tính khí hậu tương lai; 3) Thông tin về thuỷ tai, bao gồm các bản đồ xâm nhập mặn, độ sâu ngập lụt, thời gian ngập lụt mô phỏng cho quá khứ và dự tính cho tương lai; 4) Tính dễ bị tổn thương gây nên bởi thuỷ tai do BĐKH

·      Công cụ tương tác là bộ công cụ PIS dựa trên GIS

·      Các bản tin dự báo thời tiết

7.3.Giao diện của hệ thống PISvà hướng dẫn sử dụng

7.3.1. Giao diện của PIS

Trang chủ PIS:Hiển thị một số nội dung chính và các thông tin sản phẩm của dự án (hình 7.5)

Hình 7.5:  Trang chủ CPIS

Giới thiệu: Một số thông tin chung về dự án và khu vực nghiên cứu (hình 7.6)

Hình 7.6: Giới thiệu CPIS

Sản phẩm của dự án: Gồm các menu đổ dọc chứa các trang về sản phẩm (hình 7.7) gồm:

·      Kiến thức bản địa: Thông tin về kinh nghiệm của người dân địa phương trong ứng phó với thiên tai.

·      Đánh giá BĐKH: Thông tin về BĐKH trong các thập kỷ gần đây và kết quả dự tính khí hậu tương lai.

·      Phân tích và đánh giá thuỷ tai: Thông tin về thuỷ tai trong những thập kỷ gần đây và kết quả dự tính theo các kịch bản BĐKH.

·      Đánh giá tính dễ bị tổn thương: Tính dễ bị tổn thương đối với các ngành nông nghiệp và thuỷ sản.

·      Cơ sở dữ liệu: Toàn bộ cơ sở dữ liệu của dự án.

Trên hình 7.7 minh hoạ trang “Kiến thức bản địa”.

Hình 7.7: Sản phẩm dự án (Kiến thức bản địa)

Công cụ tương tác: Bộ công cụ phân tích, tính toán, hiển thị kết quả dựa trên GIS. Hình 7.8 minh hoạ kết quả dự tính diện tích ngập lụt vùng dự án thuộc hạ lưu lưu vực sông Lam dựa trên dự tính BĐKH của mô hình RCM_CCAM_Acc theo phát thải RCP8.5 (xem chương 3). Người dùng có thể xem, tra cứu hoặc có thể tính toán mức độ tổn thương theo số liệu đầu vào của mình khi lựa chọn các nội dung tương ứng ở cột bên phải màn hình.

Hình 7.8: Công cụ tương tác

Thời tiết: Hiển thị thông tin dự báo thời tiết cho 3 tỉnh NHQ. Trên hình 7.9 là ví dụ minh hoạ trang bản đồ phân bố dự báo mưa tích luỹ từng 6 giờ một bắt đầu từ 07h-13h ngày 14/10/2016 đến 13h-19h ngày 17/10/2016 với thời điểm dự báo là 07h ngày 14/10/2016. Người dùng có thể tra cứu các thông tin dự báo thời tiết khác như nhiệt độ, tốc độ và hướng gió,… tại trạm hoặc trên toàn miền khi lựa chọn các chức năng tương ứng trên thanh menu.

Hình 7.9: Thông tin dự báo thời tiết khu vực NHQ

7.3.2 Hướng dẫn sử dụng

Trang này chứa thông tin hướng dẫn người dùng khai thác chức năng “Công cụ tương tác”. Chi tiết về nội dung trang này có thể xem tại đường link http://danida.vnu.edu.vn:8083/huong-dan-su-dung-vn (hình 7.10)

Hình 7.10: Hướng dẫn sử dụng

7.4. Đóng góp và phản hồi của người sử dụng

Hệ thống PIS sau khi xây dựng và đưa vào thử nghiệm đã được tiếp tục tham vấn các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng người dùng địa phương. Quá trình tham vấn được thực hiện trực tiếp đối với từng nhóm đối tượng và qua nhiều vòng. Sau mỗi vòng, PIS được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dần từng bước.

Các ý kiến đóng góp được thu thập từ các nhóm chính bao gồm:

-   Nhóm 1: Đại diện cấp tỉnh và các nhà khoa học

-   Nhóm 2: Đại diện cấp huyện và các nhà khoa học

-   Nhóm 3: Đại diện cấp xã và các nhà khoa học

-   Nhóm 4: Cộng đồng cư dân từ 3 xã của 3 tỉnh NHQ.

Các ý kiến đóng góp chủ yếu tập trung vào:

-   Phương pháp, các nguồn tiếp nhận và chuyển thông tin về thuỷ tai.

-   Các hoạt động khi thuỷ tai xảy ra.

-   Cach đánh giá tổn thất hay thiệt hại sau thiên tai.

-   Các thông tin cần thiết cho dân sự.

-   Mức độ chính xác, độ tin cậy của các mô hình, bản đồ,...

-   Nhu cầu về thông tin dự báo thời tiết, dự báo thuỷ tai.

Kết quả của quá trình đóng góp, phản hồi của người dùng đã góp phần hoàn thiện hệ thống. Cuối cùng, hệ thống đã được chuyển giao có đào tạo, tập huấn cho cộng đồng các địa phương từ cấp tỉnh đến các thôn, xóm được chọn làm địa điểm nghiên cứu thí điểm.

 

<Về đầu trang>  <Tiếp Kết luận>