Chuyên mục: » Báo cáo tổng kết dự án » Chương 3

 

CHƯƠNG 3. BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VÙNG DỰ ÁN

 

Việc đánh giá BĐKH cho ba tỉnh NHQ trong khuôn khổ dự án bao gồm hai nội dung là đánh giá BĐKH cho thời kỳ quá khứ, tức những thập kỷ gần đây, và dự tính BĐKH cho các thời kỳ trong tương lai. Đánh giá BĐKH cho thời kỳ quá khứ (BĐKH-QK) được thực hiện dựa trên việc phân tích xu thế biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu. Số liệu được sử dụng cho đánh giá BĐKH-QK là các chuỗi số liệu quan trắc nhiệt độ và lượng mưa ngày từ tất cả các trạm khí tượng thuộc ba tỉnh NHQ. Phương pháp phân tích xu thế được sử dụng là kiểm nghiệm Mann-Kendall và hệ số góc Sen (Sen, 1968). Dự tính BĐKH cho các thời kỳ tương lai (BĐKH-TL) được thực hiện trên cơ sở kết quả hạ qui mô động lực bằng các mô hình khí hậu khu vực (RCM). Số liệu được sử dụng làm đầu vào cho các RCM là sản phẩm dự tính BĐKH của các mô hình toàn cầu (GCM) theo các kịch bản phát thải khí nhà kính. Thời kỳ chuẩn hay thời kỳ cơ sở được chọn là giai đoạn 1980-1999. Kết quả dự tính sẽ được phân tích cho 3 thời kỳ tương lai là:

·      Thời kỳ tương lai gần (NF): 2011 - 2030,

·      Thời kỳ giữa thế kỷ (MF): 2031 - 2050,

·      Thời kỳ cuối thế kỷ (FF): 2080 - 2099.

3.1. Biểu hiện của BĐKH trong quá khứ

3.1.1. Biến đổi của nhiệt độvà các hiện tượng thời tiết liên quan đến nhiệt độ

Các bảng 3.1-3.2 và các hình 3.1-3.8 dẫn ra kết quả tính toán xu thế biến đổi của các đặc trưng nhiệt độ năm, nhiệt độ trung bình các tháng và các hiện tượng liên quan như số ngày nắng nóng, rét đậm, rét hại cho tất cả các trạm thuộc 3 tỉnh NHQ. Số liệu được sử dụng để tính toán là số liệu ngày từ 16 trạm (Nghệ An 9 trạm, Hà Tĩnh 4 trạm và Quảng Bình 3 trạm, xem bảng 3.1-3.2) giai đoạn 1961-2014. Xu thế của các đặc trưng và hiện tượng được xem xét bao gồm:

·      T2m: Nhiệt độ trung bình năm

·      Tx: Nhiệt độ cực đại trung bình năm

·      Tm: Nhiệt độ cực tiểu trung bình năm

·      TXx: Nhiệt độ cực đại tuyệt đối năm

·      TNn: Nhiệt độ cực tiểu tuyệt đối năm

·      NN35: Số ngày nắng nóng trong năm (số ngày trong năm có nhiệt độ cực đại ngày lớn hơn hoặc bằng 35oC

·      NN37: Số ngày nắng nóng mạnh trong năm (số ngày trong năm có nhiệt độ cực đại ngày lớn hơn hoặc bằng 37oC

·      RD15: Số ngày rét đậm trong năm (số ngày trong năm có nhiệt độ trung bình ngày nhỏ hơn hoặc bằng 15oC

·      RH13: Số ngày rét hại trong năm (số ngày trong năm có nhiệt độ trung bình ngày nhỏ hơn hoặc bằng 13oC

Từ bảng 3.1 có thể thấy, nhiệt độ trên các tỉnh NHQ đều tăng ở tất cả các trạm, trong đó nhiệt độ cực tiểu tăng mạnh hơn nhiệt độ cực đại. Nhiệt độ trung bình năm trên NHQ tăng khoảng 0.22-0.26oC/thập kỷ, nhiệt độ cực đại trung bình và cực đại tuyệt đối tương ứng tăng khoảng0.14-0.22oC/thập kỷ và 0.17-0.29oC/thập kỷ, trong khi đó nhiệt độ cực tiểu trung bình và nhiệt độ cực tiểu tuyệt đối tương ứng tăng khoảng 0.21-0.30oC/thập kỷ và 0.17-0.47oC/thập kỷ. Nói chung mức độ tăng nhiệt độ ở Nghệ An cao nhất, tiếp đến là Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhiệt độ cực tiểu tăng nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ cực đại. Không có sự phân hoá đáng kể về mức tăng của nhiệt độ năm theo không gian (hình 3.1-3.5)

Bảng 3.1: Xu thế biến đổi của các đặc trưng nhiệt độ năm (Đơn vị đo: T2m, Tx, TXx, Tm, TNn: oC/thập kỷ; NN35, NN37, RD15, RH13: ngày/thập kỷ)

 Đặc trưng

Trạm

T2m

Tx

TXx

Tm

TNn

NN35

NN37

RD15

RH13

Quỳ Châu

0.24

0.23

0.33

0.23

0.19

3.51

2.50

-1.61

-1.11

Quỳ Hợp

0.29

0.16

0.33

0.36

0.62

3.89

4.00

-2.93

-1.82

Tây Hiếu

0.31

0.21

0.26

0.31

0.78

4.40

2.92

-2.92

-2.00

Tương Dương

0.25

0.20

0.15

0.26

0.50

3.82

2.56

-1.94

-1.08

Quỳnh Lưu

0.21

0.08

0.00

0.26

0.38

0.73

0.00

-2.22

-0.74

Con Cuông

0.30

0.21

0.11

0.32

0.47

3.69

2.33

-2.97

-1.25

Đô Lương

0.24

0.11

0.19

0.29

0.26

2.73

1.58

-1.94

-0.67

Hòn Ngư

0.23

0.10

0.19

0.22

0.30

1.71

0.61

-1.36

-0.35

Vinh

0.23

0.19

0.24

0.26

0.30

2.97

1.92

-1.67

-0.51

Hương Sơn

0.29

0.10

0.07

0.38

0.74

1.92

0.56

-2.39

-1.11

Hà Tĩnh

0.22

0.15

0.29

0.29

0.27

3.33

2.00

-1.58

-0.45

Hương Khê

0.26

0.18

0.27

0.28

0.62

3.85

3.16

-2.06

-1.07

Kỳ Anh

0.21

0.13

0.06

0.25

0.26

1.43

0.94

-1.25

-0.43

Tuyên Hoá

0.20

0.26

0.33

0.12

0.10

8.10

4.08

-0.36

0.00

Ba Đồn

0.26

0.22

0.33

0.28

0.20

4.02

2.36

-0.97

0.00

Đồng Hới

0.19

0.18

0.20

0.24

0.21

2.17

1.67

-0.91

0.00

Trung bình tất cả các trạm trong từng tỉnh 

Nghệ An

0.26

0.16

0.20

0.28

0.42

3.05

2.05

-2.17

-1.06

Hà Tĩnh

0.25

0.14

0.17

0.30

0.47

2.63

1.67

-1.82

-0.77

Quảng Bình

0.22

0.22

0.29

0.21

0.17

4.77

2.70

-0.74

0.00


Nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông tăng mạnh hơn các tháng mùa hè. Mức độ tăng của nhiệt độ tháng 2 lên tới 0.35-0.42oC/thập kỷ (bảng 3.2). Một điểm đáng chú ý là có sự đan xen về mức độ tăng của nhiệt độ qua các tháng: Các tháng 2, 4, 6, 11 là những tháng có mức độ tăng cao hơn so với các tháng kế cận. Đây có thể là dấu hiệu của sự dịch chuyển mùa liên quan với sự biến đổi trong hoạt động gió mùa trên toàn khu vực Việt Nam đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu gần đây.

Phù hợp với sự gia tăng của nhiệt độ, số ngày nắng nóng (NN35), nắng nóng mạnh (NN37) cũng gia tăng, và số ngày rét đậm, rét hại giảm đi (bảng 3.1). Tính trung bình trên cả ba tỉnh, số ngày nắng nóng tăng khoảng 3-5 ngày/thập kỷ, số ngày nắng nóng mạnh tăng khoảng 2-3 ngày/thập kỷ. Mức độ tăng của số ngày nắng nóng và nắng nóng mạnh tăng nhiều hơn ở Quảng Bình, sau đó là Nghệ An và Hà Tĩnh. Số ngày rét đậm (RD15) giảm 1-2 ngày/thập kỷ, số ngày rét hại (RH13) giảm khoảng 1 ngày/thập kỷ và mức độ giảm của số ngày rét đậm, rét hại giảm dần từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Mặc dù có sự khác nhau về xu thế biến đổi của các đặc trưng nhiệt độ năm giữa các trạm trên 3 tỉnh NHQ nhưng mức độ khác nhau không lớn. Do đó có thể nói xu thế biến đổi của các đặc trưng nhiệt độ và các hiện tượng liên quan trên khu vực NHQ khá nhất quán và tương đối đồng nhất giữa các tỉnh và các vùng trong từng tỉnh (các hình 3.1-3.8).

Bảng 3.2: Xu thế biến đổi của nhiệt độ trung bình tháng (oC/thập kỷ)

 Tháng

Trạm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Quỳ Châu

0.04

0.37

0.32

0.29

0.13

0.25

0.15

0.19

0.19

0.19

0.39

0.16

Quỳ Hợp

0.12

0.45

0.41

0.43

0.16

0.35

0.17

0.20

0.21

0.28

0.59

0.26

Tây Hiếu

0.20

0.42

0.29

0.35

0.24

0.44

0.21

0.21

0.30

0.31

0.41

0.21

Tương Dương

0.22

0.44

0.30

0.29

0.13

0.26

0.15

0.14

0.23

0.17

0.34

0.15

Quỳnh Lưu

0.12

0.36

0.20

0.26

0.01

0.22

0.02

0.03

0.13

0.38

0.37

0.22

Con Cuông

0.15

0.51

0.31

0.34

0.15

0.34

0.16

0.18

0.24

0.25

0.38

0.20

Đô Lương

0.08

0.39

0.20

0.25

0.13

0.33

0.06

0.12

0.19

0.23

0.34

0.12

Hòn Ngư

0.03

0.31

0.22

0.18

0.08

0.21

0.00

0.06

0.05

0.13

0.31

-0.03

Vinh

0.12

0.36

0.21

0.33

0.15

0.40

0.16

0.16

0.18

0.22

0.30

0.10

Hương Sơn

0.25

0.41

0.18

0.26

0.14

0.39

0.12

0.25

0.33

0.30

0.44

0.17

Hà Tĩnh

0.11

0.39

0.18

0.28

0.16

0.40

0.15

0.17

0.15

0.21

0.32

0.09

Hương Khê

0.16

0.50

0.26

0.24

0.16

0.43

0.15

0.18

0.21

0.21

0.32

0.10

Kỳ Anh

0.13

0.38

0.25

0.30

0.06

0.31

0.12

0.14

0.14

0.21

0.37

0.14

Tuyên Hoá

0.03

0.34

0.26

0.27

0.04

0.28

0.05

0.05

0.11

0.13

0.29

0.02

Ba Đồn

0.11

0.42

0.22

0.25

0.15

0.39

0.16

0.14

0.12

0.19

0.41

0.10

Đồng Hới

0.11

0.30

0.17

0.28

0.11

0.31

0.08

0.10

0.10

0.16

0.25

0.12

Trung bình tất cả các trạm trong từng tỉnh 

Nghệ An

0.12

0.40

0.27

0.30

0.13

0.31

0.12

0.14

0.19

0.24

0.38

0.15

Hà Tĩnh

0.16

0.42

0.22

0.27

0.13

0.38

0.14

0.18

0.21

0.23

0.37

0.13

Quảng Bình

0.09

0.35

0.22

0.27

0.10

0.32

0.10

0.10

0.11

0.16

0.32

0.08

Hình 3.1 Xu thế biến đổi của nhiệt độ trung bình năm (T2m) (oC/thập kỷ)

Hình 3.2 Xu thế biến đổi của nhiệt độ cực đại trung bình năm (Tx) (oC/thập kỷ)

Hình 3.3 Xu thế biến đổi của nhiệt độ cực tiểu trung bình năm (Tm) (oC/thập kỷ)

Hình 3.4 Xu thế biến đổi của nhiệt độ cực đại tuyệt đối năm (TXx) (oC/thập kỷ)

Hình 3.5 Xu thế biến đổi của nhiệt độ cực tiểu tuyệt đối năm (TNn) (oC/thập kỷ)

Hình 3.6 Xu thế biến đổi của số ngày nắng nóng năm (NN35) (ngày/thập kỷ)

Hình 3.7 Xu thế biến đổi của số ngày nắng nóng mạnh năm (NN37) (ngày/thập kỷ)

Hình 3.8 Xu thế biến đổi của số ngày rét đậm năm (RD15) (ngày/thập kỷ)

3.1.2. Biến đổi của lượng mưavà một số đặc trưng mưa

Trong các bảng 3.3-3.4 và các hình 3.9-3.16 trình bày xu thế biến đổi của lượng mưa năm, lượng mưa tháng và một số đặc trưng của mưa trên khu vực NHQ. Số liệu được sử dụng tính toán là lượng mưa ngày giai đoạn 1961-2014 từ 54 trạm quan trắc trên toàn khu vực (bảng 3.3-3.4), bao gồm 16 trạm khí tượng (xem mục 3.1.1) và 38 trạm thuỷ văn và trạm đo mưa nhân dân, trong đó Nghệ An có 28 trạm, Hà Tĩnh có 14 trạm và Quảng Bình có 12 trạm. Xu thế của các đặc trưng mưa được xem xét gồm:

·      R: Tổng lượng mưa năm

·      Rwet: Tổng lượng các tháng 5-10

·      Rdry: Tổng lượng các tháng 11-4

·      R50: Số ngày mưa lớn trong năm (số ngày có lượng mưa ngày trên 50mm)

·      Rx1d: Lượng mưa ngày lớn nhất năm

·      R01An: Số ngày trong năm có mưa với lượng mưa trên 0.1mm/ngày

·      R01W: Số ngày các tháng 5-10 có mưa với lượng mưa trên 0.1mm/ngày

·      R01D: Số ngày trong các tháng 11-4 có mưa với lượng mưa trên 0.1mm/ngày

·      Xu thế biến đổi của tổng lượng mưa từng tháng trong năm (%/thập kỷ)

Có thể nhận thấy xu thế biến đổi chung của lượng mưa trên NHQ là giảm nhẹ, kể cả lượng mưa năm (R), lượng mưa các tháng 5-10 (gần trùng với mùa mưa, Rwet) và các tháng 11-4 (mùa khô, Rdry), với mức giảm trung bình khoảng 1-2%/thập kỷ (bảng 3.3). Tuy nhiên, có sự biến động mạnh về xu thế biến đổi của lượng mưa. Nhiều trạm có xu thế giảm tới 6-7%/thập kỷ trong khi một số trạm lại có xu thế tăng với mức tăng phổ biến khoảng 2-3%/thập kỷ. Xu thế biến đổi của lượng mưa mùa khô biến động mạnh hơn của mùa mưa. Nói chung không có sự khác nhau đáng kể về xu thế biến đổi của lượng mưa giữa ba tỉnh. Mặc dù vậy, số trạm có xu thế tăng lượng mưa năm của Nghệ An khá ít hơn so với hai tỉnh còn lại và chủ yếu nằm ở vùng phía nam giáp với Hà Tĩnh (hình 3.9). Dường như các trạm có xu thế lượng mưa tăng ở Hà Tĩnh và Quảng Bình phần lớn thuộc các vùng núi phía tây của các tỉnh (các hình 3.9-3.11).

Xu thế biến đổi của số ngày mưa lớn (R50) không rõ ràng và cũng không có sự khác biệt giữa ba tỉnh. Nói cách khác số ngày mưa lớn nhìn chung là không biến đổi mặc dù giá trị xu thế khác 0. Lượng mưa ngày lớn nhất trong năm (Rx1d) có xu thế giảm nhẹ ở Nghệ An và Hà Tĩnh như tăng nhẹ ở Quảng Bình. Phân bố không gian của xu thế biến đổi của Rx1d đan xen nhau giữa các trạm có xu thế tăng và các trạm có xu thế giảm với mức tăng giảm dao động trong khoảng -5%/thập kỷ đến 5%/thập kỷ (hình 3.13).

Khác với các đặc trưng của lượng mưa, xu thế biến đổi của số ngày mưa trong năm (không tính những ngày có mưa với lượng mưa dưới 0.1mm/ngày) đều tăng ở cả ba tỉnh với mức tăng khoảng 2 ngày/thập kỷ ở Nghệ An, 6 ngày/thập kỷ ở Hà Tĩnh và 8 ngày/thập kỷ ở Quảng Bình. Số ngày mưa trong mùa mưa cũng có dấu hiệu tăng nhẹ, khoảng 1-2 ngày/thập kỷ, trong khi đó số ngày mưa trong mùa mưa tăng mạnh hơn, khoảng 4 ngày/thập kỷ. Có thể nhận thấy sự khác biệt khá rõ về xu thế biến đổi của số ngày mưa ở Nghệ An so với Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong khi ở Nghệ An phần lớn các trạm nằm ở phía bắc có xu thế giảm, chỉ có các trạm ở phía nam tỉnh có xu thế tăng mạnh thì ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình số trạm có xu thế giảm rất ít (các hình 3.14-3.16).

Xu thế biến đổi của lượng mưa tháng có sự khác nhau đáng kể giữa các tháng trong năm và giữa các tỉnh (bảng 3.4). Nhìn chung, lượng mưa có xu thế tăng đáng kể trong các tháng 3, 7, 8 (khoảng từ 3-9%/thập kỷ) và giảm mạnh vào các tháng 6, 9, 11 (khoảng 5-11%/thập kỷ). Lượng mưa tháng 10 có xu thế giảm ở phần lớn các trạm của Nghệ An (trung bình khoảng 4-8%/thập kỷ), trong khi ở Hà Tĩnh và Quảng Bình số trạm có xu thế tăng và giảm gần tương đương nhau và phân bố không gian đan xen nhau, trong đó Quảng Bình tăng khá mạnh. Lượng mưa tháng 3 tăng có thể là dấu hiệu tốt, tuy nhiên nó không có vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ tình trạng khô hạn trong mùa khô. Sự giảm mạnh lượng mưa trong tháng 6 có thể có vai trò làm giảm lũ tiểu mãn trên khu vực. Sự đan xen về xu thế tăng giảm của lượng mưa giữa các tháng cũng có thể là dấu hiệu của sự dịch chuyển mùa như đã đề cập trên đây.

Nói chung, so với nhiệt độ, xu thế biến đổi của lượng mưa ở NHQ phức tạp hơn nhiều, cả về phân bố không gian và thời gian trong năm. Mặc dù xu thế lượng mưa năm là giảm trên toàn vùng, một số nơi vẫn có xu thế tăng, thậm chí tăng mạnh, đồng thời số ngày mưa lại có xu thế tăng phổ biến.

Bảng 3.3: Xu thế biến đổi của các đặc trưng mưa năm và mùa (Đơn vị đo: R, Rwet, Rdry, Rx1d: %/thập kỷ; R50, R01An, R01W, R01D: ngày/thập kỷ)

 Đặc trưng

Trạm

R

Rwet

Rdry

R50

Rx1d

R01An

R01W

R01D

Quỳ Châu

-3.4

-1.5

-2.3

-0.2

0.7

-0.8

-0.5

-1.8

Quỳ Châu (TV)

-4.4

-2.5

 ---

0.0

-0.1

-1.0

-0.3

-2.3

Mường Xén (TV)

1.1

1.1

1.1

0.0

0.4

2.5

-1.7

-0.6

Nông trường 3-2

-3.1

-1.4

-3.0

0.0

-0.9

-0.9

-1.0

0.0

Nông trường 1-5

-9.0

-7.8

-22.1

0.0

-1.8

-23.9

-10.6

-13.6

Quỳ Hợp

-3.8

-3.4

-5.9

0.0

0.5

0.0

0.0

-0.1

Tây Hiếu

-1.0

0.6

-4.2

0.0

0.9

-2.4

-0.9

-1.3

Nghĩa Khánh (TV)

-0.7

0.3

-3.1

-0.6

0.2

4.0

2.2

2.8

Đông Hiếu

-1.0

0.1

2.9

0.0

1.0

-2.1

-1.7

-1.0

Tương Dương

-0.3

1.0

-2.8

0.0

0.3

-2.4

-0.6

-1.8

Hoàng Mai

-1.5

-1.8

1.3

0.0

-2.0

12.9

2.3

6.6

Thạch Giám (TV)

-4.2

-3.3

-2.3

-0.5

1.2

0.0

0.8

-1.0

Khe Bố

-4.8

-6.8

3.4

0.0

-5.5

9.2

2.0

2.3

Quỳnh Lưu

-0.1

-0.3

-2.1

0.0

0.6

-1.4

-0.9

0.0

Khe La

-5.3

-6.2

-9.6

0.0

-1.6

-10.9

-4.1

-7.3

Con Cuông

-1.6

0.0

-3.1

0.0

0.0

2.2

0.0

1.7

Dừa (TV)

-4.3

-3.5

-4.3

0.0

-0.6

0.7

-0.5

1.5

Tăng Thanh

-0.6

1.3

2.3

0.5

-2.0

1.9

-1.1

-1.3

Đô Lương

-0.4

1.3

-1.7

0.2

0.3

0.6

0.5

0.2

Đò Dao

6.1

8.3

-4.0

1.1

0.4

3.6

2.5

--- 

Thác Muối

-1.4

-0.3

-1.9

0.5

1.0

0.6

-1.5

-0.2

Hòn Ngư

0.1

-1.0

-0.9

0.0

1.4

5.5

0.2

3.5

Quán Hành

1.3

1.9

10.5

0.7

-1.6

7.9

0.1

3.8

Cửa Hội (TV)

-0.9

-0.3

0.4

0.0

-1.1

11.7

4.1

6.6

Yên Thượng (TV)

-2.8

1.3

-12.5

-0.4

-7.5

3.7

4.4

-0.4

Nam Đàn (TV)

-0.6

1.0

-5.0

0.3

0.7

7.6

1.6

4.2

Vinh

-0.9

-1.1

-4.3

0.0

-0.4

1.3

0.3

0.6

Thanh Mai

-2.0

-3.0

-3.2

0.0

-1.2

7.0

1.0

0.8

Chợ Tràng (TV)

-1.7

0.5

-8.5

0.0

-1.1

6.6

2.0

4.1

Linh Cảm (TV)

0.2

-0.3

0.1

0.0

-0.3

14.8

4.4

9.9

Hương Sơn

-5.8

-4.7

-11.2

-0.5

-0.9

0.5

-0.2

1.2

Sơn Diệm (TV)

0.2

-0.3

0.1

0.0

-0.3

14.8

4.4

9.9

Đại Lộc

-6.8

-6.4

-4.0

-0.3

-3.0

1.9

-1.3

0.0

Đò Diêm

-6.9

-8.9

6.8

-1.7

-3.7

11.4

2.7

8.3

Hoà Duyệt (TV)

-1.4

-1.9

-2.3

0.0

0.4

6.4

-0.4

3.2

Hà Tĩnh

-2.8

-2.3

-4.4

-0.4

1.0

-1.1

0.0

-1.2

Cẩm Nhượng (TV)

-3.7

-3.1

-0.8

0.0

-1.7

5.0

0.0

1.2

Chư Lễ (TV)

-0.6

-1.2

-4.0

-0.3

1.7

13.0

3.7

6.9

Cẩm Xuyên

-2.0

-1.6

2.4

 ---

-1.9

7.5

1.5

4.0

Hương Khê

-0.1

0.4

-1.4

-0.2

2.0

8.3

3.0

5.9

Bàu Nước

1.7

-1.0

6.2

0.0

1.4

-4.3

-3.4

-0.1

Kỳ Anh

-1.9

-2.6

-1.2

-0.5

1.5

1.7

1.0

0.8

Tuyên Hoá

1.3

1.5

2.5

0.2

2.3

8.7

2.2

3.8

Đồng Tâm (TV)

-2.9

-3.9

-0.9

0.0

-0.9

-5.0

-4.3

-2.9

Minh Hoá

3.1

4.0

-4.3

0.8

5.6

9.0

2.2

4.0

Ba Đồn

-0.6

-0.7

-1.6

0.0

1.9

3.3

0.8

2.1

Mai Hoá (TV)

1.4

2.0

7.6

1.0

-0.7

21.0

5.0

9.8

Tróc

2.2

1.6

-2.9

0.9

1.3

3.3

0.0

 ---

Việt Trung

2.2

-0.2

3.4

0.9

1.2

9.5

1.6

4.6

Đồng Hới

-3.3

-1.8

-7.6

-0.7

-0.2

2.1

0.8

1.3

Trường Sơn

-1.1

3.3

-1.8

0.6

-1.6

7.7

0.5

1.0

Lệ Thuỷ (TV)

-4.1

-7.0

-2.4

0.0

-2.7

18.9

5.0

6.9

Cẩm Ly

1.2

1.7

4.4

0.0

0.9

4.5

0.0

3.8

Kiến Giang (TV)

-0.9

-1.2

3.0

0.3

-1.0

15.0

3.9

6.0

Trung bình tất cả các trạm trong từng tỉnh 

Nghệ An

-1.8

-0.9

-2.8

0.1

-0.6

1.3

-0.1

0.1

Hà Tĩnh

-2.3

-2.4

-1.6

-0.3

-0.4

6.2

1.2

3.9

Quảng Bình

-0.1

-0.1

0.0

0.3

0.5

8.2

1.5

3.7

Bảng 3.4: Xu thế biến đổi của lượng mưa tháng (%/thập kỷ)

 Tháng

Trạm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Quỳ Châu

-3.3

1.2

2.8

1.6

3.5

-5.6

6.0

2.8

-5.8

-5.7

-9.5

10.2

Quỳ Châu (TV)

0.6

3.1

0.8

5.0

5.0

-2.6

3.2

2.8

-10.3

-2.2

-11.7

7.0

Mường Xén (TV)

0.0

0.0

3.6

4.7

6.6

-9.1

10.9

8.5

3.2

-1.6

-1.6

0.0

Nông trường 3-2

-3.0

-1.1

-1.5

-1.0

5.1

-7.4

5.0

-0.7

-5.6

-5.5

-10.4

0.7

Nông trường 1-5

-24.8

-16.7

-6.8

-26.4

-6.9

-13.3

1.3

-3.9

-2.7

-14.9

-22.3

-20.4

Quỳ Hợp

-4.1

-2.0

12.9

-13.4

11.0

-8.0

3.9

-2.6

-5.2

-7.8

-11.6

3.7

Tây Hiếu

-1.6

-5.7

0.2

-2.5

-0.7

3.7

10.9

1.7

-6.6

-4.3

-6.0

5.4

Nghĩa Khánh (TV)

-10.3

1.6

15.1

-11.0

0.5

-16.8

12.4

-4.3

-4.2

1.0

-4.2

11.7

Đông Hiếu

4.1

3.2

10.3

3.7

7.6

-3.1

12.3

-1.4

-4.5

-4.3

-4.6

5.7

Tương Dương

2.3

-0.9

-4.2

-4.4

0.8

2.9

11.4

-0.2

-2.0

-3.9

-12.6

-0.1

Hoàng Mai

4.7

3.8

3.5

7.5

8.9

-25.2

6.0

2.5

-4.9

-3.6

-8.7

9.0

Thạch Giám (TV)

0.0

9.6

-4.5

-0.4

3.2

-5.4

11.8

-0.9

-6.6

-10.5

-6.9

0.0

Khe Bố

0.0

1.8

5.4

11.7

15.6

-17.1

11.2

-0.6

-16.7

-10.4

-12.9

0.0

Quỳnh Lưu

-1.0

-3.4

7.1

0.3

0.1

-6.1

12.9

2.6

-4.2

-4.8

-1.3

3.9

Khe La

-20.1

-2.2

7.3

-11.4

1.6

-13.6

7.0

-2.2

-1.9

-6.9

-9.6

-4.5

Con Cuông

0.8

0.7

4.6

-2.5

0.0

-3.4

7.1

1.5

-6.7

-4.8

-12.8

-2.6

Dừa (TV)

1.7

5.8

-1.7

-0.5

-4.0

-13.5

4.0

5.2

-12.8

0.2

-12.6

-2.0

Tăng Thanh

8.9

5.3

6.7

1.3

3.2

-8.1

6.8

0.7

-3.3

0.7

-8.7

11.4

Đô Lương

0.7

-1.0

5.6

-2.1

2.4

-5.5

11.3

3.1

-4.9

-1.3

-6.0

13.9

Đò Dao

-0.6

-13.6

0.0

-8.2

-6.2

-13.8

19.3

21.5

3.3

5.5

-1.9

11.8

Thác Muối

-4.3

2.6

-0.8

-4.0

5.9

-13.3

2.4

-2.0

-7.3

4.4

-4.1

-11.0

Hòn Ngư

-2.5

-9.0

6.6

-7.6

2.5

-2.1

11.5

7.1

-5.4

-6.8

-9.0

12.8

Quán Hành

21.0

13.1

15.2

3.7

0.5

-11.1

6.5

0.9

-0.3

0.6

0.1

18.4

Cửa Hội (TV)

5.8

0.0

11.9

-0.4

2.8

-10.1

5.8

10.4

-3.3

-2.3

-14.4

6.8

Yên Thượng (TV)

-14.7

-8.6

1.1

-8.0

6.2

-23.2

14.3

6.9

-10.2

7.0

-7.6

0.0

Nam Đàn (TV)

4.6

0.7

-0.5

-1.5

2.2

-12.0

7.7

6.5

-5.1

3.8

-8.1

1.2

Vinh

0.0

-4.6

-1.2

-5.7

-0.3

-3.6

9.2

7.0

-4.9

-1.0

-10.6

3.1

Thanh Mai

-1.2

-4.1

0.2

2.4

-1.7

-9.9

7.8

-3.1

-9.3

0.0

-9.1

-9.5

Chợ Tràng (TV)

-2.7

-2.0

3.0

-4.8

-1.6

-14.0

2.9

8.2

-7.6

0.6

-14.0

-9.5

Linh Cảm (TV)

5.4

10.4

10.2

-1.1

2.7

-12.2

0.9

6.8

-8.5

3.0

-8.6

0.9

Hương Sơn

-9.2

-7.7

-1.1

-10.9

-4.6

-14.4

4.0

-0.3

-12.5

-1.2

-9.4

-12.2

Sơn Diệm (TV)

5.4

10.4

10.2

-1.1

2.7

-12.2

0.9

6.8

-8.5

3.0

-8.6

0.9

Đại Lộc

-3.2

-1.4

-1.8

-0.5

-0.2

-16.1

0.0

3.4

-14.5

-0.1

-12.2

-2.8

Đò Diêm

-1.8

-2.8

25.0

5.2

4.0

-12.1

6.5

4.7

-21.8

-8.8

-8.2

14.3

Hoà Duyệt (TV)

-4.5

4.7

-0.2

0.5

-5.2

-12.8

8.3

0.7

-16.3

7.8

-7.6

-7.6

Hà Tĩnh

-2.6

-7.7

3.9

0.3

2.9

-1.8

3.5

-2.1

-5.7

-2.7

-6.4

-0.7

Cẩm Nhượng (TV)

-2.7

-7.2

0.0

2.7

7.7

-7.7

0.7

4.3

-5.5

-4.5

-4.5

5.9

Chư Lễ (TV)

0.4

2.0

-2.2

-0.9

-0.5

-11.8

0.6

1.7

-7.9

3.7

-4.8

-4.0

Cẩm Xuyên

10.1

6.6

0.0

8.4

3.9

-4.5

4.0

-1.1

-5.2

-3.2

-2.4

2.7

Hương Khê

-0.2

1.9

1.5

1.2

-0.9

-4.2

8.4

1.4

-2.9

2.0

-2.1

1.0

Bàu Nước

14.5

1.6

0.1

4.2

-2.8

-17.4

-3.5

-1.2

-7.4

3.2

0.3

7.8

Kỳ Anh

0.9

-6.3

2.3

3.8

-2.5

-7.9

3.3

-1.0

-0.6

-2.2

-6.9

2.8

Tuyên Hoá

-8.1

-1.7

6.0

3.8

2.3

-4.4

12.0

5.3

-5.2

3.1

-5.4

0.0

Đồng Tâm (TV)

-6.6

3.2

4.5

-5.1

-4.1

-12.7

0.8

1.4

-7.4

1.2

-2.5

-0.7

Minh Hoá

-10.6

3.5

4.9

-6.2

1.1

-13.5

12.6

7.6

-8.4

11.8

-7.2

-0.4

Ba Đồn

-2.2

-7.4

3.5

-0.7

6.2

-5.9

6.9

5.3

-4.7

3.0

-6.2

-0.4

Mai Hoá (TV)

-0.5

7.0

14.7

-6.5

3.2

-14.2

4.9

27.7

-3.7

-3.5

-5.9

19.2

Tróc

-15.3

-2.2

0.8

-6.0

-6.5

-18.1

4.7

5.9

-9.0

10.6

-6.5

1.4

Việt Trung

-1.8

-2.6

5.4

-6.1

-1.6

-18.9

-3.1

1.4

-8.3

7.9

2.7

10.5

Đồng Hới

-0.1

-9.5

4.0

1.2

7.0

-9.7

1.7

2.5

-1.4

-2.2

-10.5

-3.8

Trường Sơn

-11.2

-4.7

26.0

-2.4

5.6

-5.3

7.9

11.2

-2.5

3.7

-18.6

10.8

Lệ Thuỷ (TV)

-5.4

-4.9

13.2

8.5

0.0

-14.9

-1.0

6.9

1.9

-5.5

-9.9

0.8

Cẩm Ly

-2.4

-7.0

8.1

-0.1

5.3

-15.6

-8.7

6.7

2.1

5.3

3.1

6.3

Kiến Giang (TV)

-4.3

2.0

3.6

10.8

9.2

-0.8

-8.8

7.1

-4.3

0.1

-7.9

0.4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung bình tất cả các trạm trong từng tỉnh

Nghệ An

-1.3

-0.7

3.6

-2.5

2.7

-9.2

8.6

2.5

-5.3

-2.8

-8.5

3.1

Hà Tĩnh

0.7

0.2

3.6

0.5

0.4

-10.6

2.9

2.3

-8.9

0.0

-6.8

0.0

Quảng Bình

-5.7

-2.0

7.9

-0.7

2.3

-11.2

2.5

7.4

-4.2

3.0

-6.2

3.7

Hình 3.9 Xu thế biến đổi của lượng mưa năm (R) (%/thập kỷ)

Hình 3.10 Xu thế biến đổi của lượng mưa các tháng 5-10 (Rwet) (%/thập kỷ)

Hình 3.11 Xu thế biến đổi của lượng mưa các tháng 11-4 (Rdry) (%/thập kỷ)

Hình 3.12 Xu thế biến đổi của số ngày mưa lớn năm (R50) (ngày/thập kỷ)

Hình 3.13 Xu thế biến đổi của lượng mưa ngày cực đại năm (Rx1d) (%/thập kỷ)

Hình 3.14 Xu thế biến đổi của số ngày mưa trong năm (R01An) (ngày/thập kỷ)

Hình 3.15 Xu thế biến đổi của số ngày mưa các tháng 5-10 (R01W) (ngày/thập kỷ)

Hình 3.16 Xu thế biến đổi của số ngày mưa các tháng 11-4 (R01D) (ngày/thập kỷ)

3.2. Dự tính BĐKH trong tương lai

Dự tính BĐKH là xác định sự biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu trong tương lai so với khí hậu của thời kỳ chuẩn hay thời kỳ cơ sở. Trên qui mô toàn cầu, bài toán dự tính BĐKH thường được thực hiện bằng cách mô phỏng điều kiện khí hậu tương lai khi sử dụng các mô hình khí hậu toàn cầu với các giả định cho trước của hàm lượng các chất khí nhà kính có thể có trong tương lai. Các giả định về hàm lượng khí nhà kính trong tương lai, gọi là các kịch bản phát thải khí nhà kính, được xây dựng dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ khi Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) được thành lập vào năm 1988 cho đến nay đã có 4 phiên bản kịch bản phát thải khí nhà kính được sử dụng cho việc dự tính BĐKH. Đó là các phiên bản được công bố vào năm 1990 (SA90, 1990 IPCC Scenario A), 1992 (IS92, IS92a-IS92f), 2000 (SRES, Special Report on Emissions Scenarios), và gần đây nhất, 2011 (RCP, Representative Concentration Pathways). Kịch bản SRES đã được sử dụng cho các Báo cáo lần thứ 3 (TAR - Third Asessment Report) (IPCC, 2001) và lần thứ 4 (AR4 - Fourth Assessment Report) (IPCC, 2007) của IPCC. Kịch bản RCP đã được sử dụng cho Báo cáo lần thứ 5 (AR5 - Fifth Assessment Report) (Stocker, 2013).

Các mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) được sử dụng để mô phỏng khí hậu cho thời kỳ chuẩn và dự tính cho thời kỳ tương lai, trong đó hàm lượng khí nhà kính của khí quyển trong thời kỳ chuẩn là giá trị ước tính từ điều kiện thực tế đã qua, còn trong thời kỳ tương lai là giá trị ước tính từ các kịch bản phát thải khí nhà kính.

Do độ phân giải của các mô hình khí hậu toàn cầu quá thô, không đủ chi tiết để mô tả điều kiện khí hậu ở qui mô khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ nên trên cơ sở kết quả mô phỏng và dự tính khí hậu của các mô hình toàn cầu, người ta thường sử dụng các phương pháp hạ qui mô để chi tiết hoá các quá trình khí hậu cho khu vực nghiên cứu được quan tâm. Có hai phương pháp hạ qui mô là phương pháp thống kê và phương pháp động lực, trong đó phương pháp động lực sử dụng các mô hình khí hậu khu vực (RCM) làm công cụ hạ qui mô khi dùng sản phẩm dự tính khí hậu của mô hình làm điều kiện ban đầu và điều kiện biên.

Việc dự tính BĐKH trong dự án được thực hiện bằng phương pháp hạ qui mô động lực với cả kịch bản phát thải khí nhà kính SRES và kịch bản RCP. Các đặc trưng chính được phân tích đánh giá là nhiệt độ và lượng mưa năm và các mùa trong năm. Mức độ biến đổi được xác định trên cơ sở hiệu giữa giá trị trung bình các thời kỳ tương lai so với thời kỷ chuẩn.

Do tính bất định của các kịch bản phát thải khí nhà kính cũng như chính các mô hình khí hậu, cách tiếp cận đa mô hình sẽ được ứng dụng để tạo ra nhiều thành phần tổ hợp cho việc xây dựng các kịch bản BĐKH cho khu vực nghiên cứu của dự án.  

3.2.1. Dự tính biến đổi khí hậu theo kịch bản phát thải SRES

Ở đây, hai kịch bản phát thải trung bình (A1B) và phát thải cao (A2) được lựa chọn. Việc chọn kịch bản A1B nhằm mục đích cung cấp thông tin dự tính BĐKH phục vụ công tác qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội vì đây là phương án có khả năng xảy ra cao nhất. Trong khi thông tin dự tính BĐKH theo kịch bản cao A2 nhằm cung cấp thông tin cho công tác quản lý rủi ro vì đây là khả năng tiêu cực nhất có thể xảy ra.

Sản phẩm dự tính BĐKH cho khu vực dự án nhận được trên cơ sở tổ hợp trung bình kết quả từ 5 mô hình khí hậu khu vực:

·      CCAM (CSIRO, Australia)

·      RegCM (ICTP, Italy),

·      MM5 (NCEP/NCAR, Hoa Kỳ),

·      REMO (Viện Khí tượng Max planck, Đức),

·      PRECIS (Trung tâm Hadley, Anh)

Số liệu dự tính từ 4 mô hình toàn cầu làm điều kiện biên cho các mô hình khu vực, gồm:

·      CCAM (mô hình toàn cầu): Đầu vào cho CCAM khu vực

·      CCSM3 (NCEP/NCAR, Hoa Kỳ): Đầu vào cho RegCM và MM5

·      ECHAM5 (Viện Khí tượng Max planck, Đức): Đầu vào cho REMO

·      HadCM3 (Trung tâm Hadley, Anh): Đầu vào cho PRECIS

Trong đó, sản phẩm của PRECIS chạy với số liệu HadCM3 gồm 6 thành phần. Ngoài các mô hình trên đây, dự án còn khai thác số liệu của mô hình toàn cầu MRI độ phân giải 20km của Nhật chạy với kịch bản A1B. Sơ đồ chạy các mô hình được mô tả trên hình 3.17.

Bên cạnh đó hệ thống còn tích hợp thêm kết quả dự tính của mô hình MRI độ phân giải 20km theo kịch bản A1B, nhận được thông qua hợp tác với Viện Nghiên cứu Khí tượng Nhật Bản. Số liệu dự tính của PRECIS được chia sẻ trong khuôn khổ dự án SEACAM (Southeast Asia Climate Analyses & Modeling), được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore của cơ quan Khí tượng Singapore và Trung tâm Hadley của Anh.

Như vậy, hệ thống tổ hợp các kết quả dự tính BĐKH gồm 11 thành phần với kịch bản A1B, và 4 thành phần với kịch bản A2. Do các kết quả mô hình có độ phân giải tương đối khác nhau, thay đổi từ 20 km đến 36 km, nên khi xây dựng sản phẩm tổ hợp, các kết quả của mô hình sẽ được quy về đồng nhất lưới 0,25º x 0,25º theo phương pháp nội suy song tuyến tính.

Thời kỳ 1980 - 1999 được sử dụng làm thời kỳ chuẩn để so sánh với kết quả dự tính trong tương lai. Ba giai đoạn tương lai được lựa chọn để phân tích, đánh giá là:

·      Thời kỳ tương lai gần (NF): 2011 - 2030,

·      Thời kỳ giữa thế kỷ (MF): 2031 - 2050,

·      Thời kỳ cuối thế kỷ (FF): 2080 - 2099.

Hình 3.17: Các thành phần của hệ thống tổ hợp kết quả dự tính BĐKH.

·    Dự tính biến đổi của nhiệt độ

Mức độ biến đổi của nhiệt độ trung bình năm (oC) so với thời kỳ chuẩn 1980 - 1999 tương ứng với 2 kịch bản phát thải A1B và A2 cho ba tỉnh Nghệ An (NA), Hà Tĩnh (HT) và Quảng Bình (QB) được trình bày trong bảng 3.5. Qua đó nhận thấy, mức tăng nhiệt độ giữa ba tỉnh trong từng thời kì tương lai khá đồng đều. Giai đoạn đầu thế kỷ (NF) nhiệt độ tăng khoảng 0,5ºC, sau đó tăng lên đến khoảng từ 1,0 - 1,4ºC vào giữa thế kỷ (MF), và có thể đạt đến 3.5ºC vào cuối thế kỷ 21 (FF). Kịch bản thát thải A2 cho dự tính nhiệt độ tương đương hoặc thấp hơn một chút so với kịch bản phát thải A1.

Bảng 3.5  Biến đổi nhiệt độ (oC) trung bình theo kịch bản SRES. (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; NF: Tương lai gần, MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn NF

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

NA

HT

QB

A1B

0.51

0.53

0.50

1.33

1.38

1.36

3.51

3.47

3.44

A2

0.43

0.46

0.49

1.02

1.05

1.03

3.04

3.15

3.10


Về phân bố không gian,phía bắc NHQ nhiệt độ có xu thế tăng cao hơn so với phía nam, vùng núi phía Tây tăng nhiều hơn so với vùng ven biển (hình P.3.1, P.3.2). Có sự thống nhất cao giữa các mô hình về xu thế tăng của nhiệt độ, thể hiện ở chỗ hơn 2/3 số mô hình cho kết quả dự tính gần tương tự nhau. Mức tăng nhiệt độ của kịch bản A1B cao hơn so với kịch bản A2 có thể do số thành phần tổ hợp khác nhau giữa hai kịch bản cũng như tính bất định lớn trong kết quả dự tính của các mô hình.

Mức độ biến đổi của nhiệt độ các mùa trong năm (oC) được trình bày trong bảng 3.6. Có thể nhận thấy cả hai kịch bản A1B và A2 đều dự tính nhiệt độ mùa hè có xu hướng tăng mạnh hơn nhiệt độ mùa đông cho cả ba giai đoạn NF, MF và FF. Giai đoạn NF, nhiệt độ mùa đông chỉ tăng khoảng 0,1-0,3oC trong khi nhiệt độ mùa hè tăng đến khoảng 0,6-0,8ºC. Đến cuối thế kỷ, nhiệt độ mùa hè trên toàn miền đều tăng lên đến khoảng 3,5-4,0ºC, trong khi đó nhiệt độ mùa Đông chỉ tăng khoảng 2,5-3,2ºC. Nhìn chung, kịch bản A1 vẫn cho kết quả dự tính cao hơn kịch bản A2 mặc dù một số trường hợp nhiệt độ dự tính theo kịch bản A2 cao hơn kịch bản A1B. Theo kịch bản A2, sự biến động của nhiệt độ giữa các mùa trong năm được dự tính tăng mạnh hơn kịch bản A1B có nghĩa là tần xuất xuất hiện các hiện tượng cực đoan có thể tăng nhiều hơn.

Bảng 3.6. Biến đổi nhiệt độ các mùa trong năm theo kịch bản SRES (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; NF: Tương lai gần, MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hè

Mùa Thu

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

 

Giai đoạn NF

A1B_NF

0.12

0.21

0.23

0.61

0.65

0.63

0.79

0.68

0.54

0.52

0.57

0.61

A2_NF

0.32

0.34

0.31

0.35

0.38

0.41

0.61

0.64

0.69

0.43

0.48

0.53

 

Giai đoạn MF

A1B_MF

1.19

1.35

1.46

1.29

1.41

1.40

1.41

1.38

1.25

1.41

1.38

1.32

A2_MF

0.43

0.47

0.51

1.21

1.32

1.22

1.24

1.22

1.20

1.21

1.18

1.18

 

Giai đoạn FF

A1B_FF

3.24

3.22

3.19

3.58

3.56

3.53

3.61

3.57

3.54

3.59

3.52

3.50

A2_FF

2.51

2.56

2.61

2.82

2.91

3.01

3.61

3.96

3.67

3.21

3.16

3.12


Phân bố không gian của nhiệt độ dự tính cho các mùa trong năm về cơ bản phù hợp với phân bố của nhiệt độ trung bình năm, với nhiệt độ các mùa tăng nhiều hơn ở phía bắc và vùng núi phía tây, tăng ít hơn ở phía nam và đồng bằng ven biển (hình P.3.3, P.3.4). Tuy nhiên mức độ chênh lệch giữa các vùng không lớn, chỉ vào khoảng 0,2oC đến 0,5oC.

·    Dự tính biến đổi của lượng mưa

Mưa là một trong những yếu tố khí tượng biến động phức tạp nhất do tính bất liên tục theo không gian và thời gian rất lớn. Độ chính xác của lượng mưa mô phỏng, dự báo và dự tính bằng các mô hình số nói chung đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Với độ phân giải ngang phổ biến của các mô hình hiện nay, lượng mưa mô hình về cơ bản phụ thuộc vào động lực học và các sơ đồ tham số vật lý. Do đó tính bất định trong lượng mưa dự tính hiện còn rất lớn và rất khác nhau giữa các mô hình. Điều đó muốn nhấn mạnh sản phẩm dự tính lượng mưa nói chung chỉ mang tính tham khảo, vì độ tin cậy rất thấp.

Biến đổi của tổng lượng mưa năm trên vùng nghiên cứu cho các thời kỳ tương lai so với thời kỳ chuẩn được thể hiện trong bảng 3.7. Khác với nhiệt độ, lượng mưa dự tính rất khác nhau giữa các mô hình, giữa các kịch bản phát thải cũng như giữa các tỉnh NHQ. Theo kịch bản phát thải A1B, mức tăng giảm của lượng mưa dự tính phổ biến trong khoảng ±8%. Lượng mưa có xu hướng giảm nhẹ ở giai đoạn NF, sau đó tăng nhẹ ở giai đoạn MF. Trong khi đó, ở kịch bản A2, các mô hình đều cho dự tính giảm nhẹ ngoại trừ ở Quảng Bình trong giai đoạn NF và Hà Tĩnh trong giai đoạn FF.

Bảng 3.7.Biến đổi tổng lượng mưa năm (%) theo kịch bản SRES. (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; NF: Tương lai gần, MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn NF

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

NA

HT

QB

A1B

-8.1

-4.2

-3.3

3.8

1.9

6.8

10.5

-2.2

-6.3

A2

-2.5

-3.6

2.1

-10.2

-3.5

-12.5

-12.8

2.5

-16.4

 

Phân bố không gian của sự biến đổi của tổng lượng mưa năm cũng khá phức tạp (hình P.3.5, P.3.6). Xu thế tăng giảm của lượng mưa năm khác biệt đáng kể giữa các vùng phía bắc và phía nam, giữa vùng núi phía tây và ven biển phía đông. Theo kịch bản A1B, trong các giai đoạn MF và FF, tổng lượng mưa năm có xu thế càng về phía bắc càng tăng, càng về phía nam càng giảm. Xu thế biến đổi của lượng mưa theo kịch bản A2 dường như ngược với kịch bản A1B, tức là lượng mưa có xu thế giảm ở phía bắc và tăng ở phía nam trong cả ba giai đoạn tương lai.

Biến đổi của lượng mưa trong các mùa được trình bày trong bảng 3.8. Qua đó nhận thấy, xu thế tăng, giảm lượng mưa giữa các mùa nhìn chung không rõ ràng. Lượng mưa mùa Đông và mùa Xuân có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn NF và MF nhưng lại tăng nhẹ vào giai đoạn FF theo kịch bản A1B, trong khi đó theo kịch bản A2 chỉ có xu thế giảm. Biến đổi của lượng mưa mùa hè và mùa thu phức tạp hơn và có sự khác nhau đáng kể cả về xu thế cũng như độ lớn. Tuy vậy, xu thế chung là lượng mưa mùa thu (mùa mưa chính trong vùng) được dự tính sẽ tăng lên theo cả hai kịch bản.

Bảng 3.8. Biến đổi tổng lượng mưa các mùa trong năm (%) theo kịch bản SRES (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; NF: Tương lai gần, MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hè

Mùa Thu

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

 

Giai đoạn NF

A1B_NF

-10.3

-8.2

-3.7

-8.3

-12.6

-10.6

-12.5

-19.4

-8.5

-5.2

8.4

6.5

A2_NF

-8.3

-6.5

-5.9

-6.5

-8.5

1.1

9.5

-6.2

-2.4

-3.3

10.5

12.9

 

Giai đoạn MF

A1B_MF

-6.6

-8.9

-5.3

9.3

-2.6

-8.2

6.1

-3.5

-6.9

12.5

8.2

-5.3

A2_MF

-6.5

-6.3

-12.3

-1.1

-3.5

4.7

-8.4

-2.2

11.2

-6.5

-2.2

11.2

 

Giai đoạn FF

A1B_FF

6.4

12.5

6.6

13.5

17.7

-2.2

0.3

-3.7

-6.9

5.3

2.6

-6.6

A2_FF

15.1

-5.2

-3.2

-2.5

-10.9

-15.0

-8.1

-2.2

3.7

-3.5

19.5

12.1


Từ hình hình P.3.7nhận thấy, theo kịch bản A1B, trong giai đoạn NF, lượng mưa có xu thế giảm ở phía bắc trong cả bốn mùa trong khi ở phía nam, lượng mưa có xu thế tăng vào mùa thu và giảm trong các mùa còn lại. Theo kịch bản A2 (hình P.3.8),lượng mưa dự tính có xu thế giảm ở phía bắc trong cả 3 thời kỳ tương lai với mức giảm có thể lên tới 12% và được ghi nhận trong phần lớn các mô hình thành phần. Trong khi đó xu thế tăng nhẹ diễn ra trong 2 thời kỳ đầu thế kỷ ở phía nam và thời kỳ cuối thế kỷ ở vùng duyên hải.

Tóm lại, kết quả dự tính biến đổi nhiệt độ lượng mưa cho ba tỉnh NHQ cho thấy: (1) Nhiệt độ trong tương lai cả ba tỉnh NHQ biến đổi khá đồng đều, phù hợp với xu thế tăng của nhiệt độ toàn cầu, tăng dần theo thời gian từ đầu thế kỷ đến cuối thế kỷ 21 với mức tăng từ 0.5oC đến gần 4oC; (2) Mức tăng nhiệt độ mùa hè mạnh hơn so với mùa đông, kịch bản A1B cho xu thế tăng tương đương hoặc mạnh hơn so với kịch bản A2; (3) Sự biến đổi của lượng mưa dự tính rất bất đồng nhất theo cả không gian và thời gian với mức tăng giảm dao động trong khoảng dưới 10% phụ thuộc vào từng kịch bản, từng mùa cũng như từng khu vực trên địa bàn ba tỉnh NHQ.

3.2.2. Dự tính biến đổi khí hậu theo kịch bản phát thải RCP

Việc dự tính biến đổi của nhiệt độ và lượng mưa theo kịch bản phát thải RCP cho vùng dự án được thực hiện trên cơ sở hạ qui mô động lực bằng mô hình RegCM khi sử dụng sản phẩm dự tính toàn cầu của mô hình CCAM chạy với số liệu nhiệt độ mặt nước biển từ hai mô hình Assess (ký hiệu là RCM_CCAM_Ass hoặc đơn giản hơn, RCA) và NorESM (ký hiệu là RCM_CCAM_Nor hoặc RCN). Độ phân giải của RegCM là 20 km. Hai kịch bản phát thải trung bình thấp (RCP4.5) và phát thải cao (RCP8.5) được lựa chọn. Thời kỳ chuẩn hay thời kỳ cơ sở được chọn để so sánh là 1980 – 1999. Hai thời kỳ tương lai là giai đoạn giữa thế kỷ 21 (MF) 2045 – 2065 và cuối thế kỷ 21 (FF) 2080 – 2099.

·    Dự tính biến đổi của nhiệt độ

Bảng 3.9trình bày mức độ biến đổi (oC) của nhiệt độ trung bình năm trong hai giai đoạn MF và FF so với thời kỳ chuẩn từ hai mô hình RCA và RCN theo hai kịch bản phát thải RCP4.5 và RCP8.5 cho lần lượt ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Có thể nhận thấy, tương tự như kết quả dự tính theo kịch bản SRES, sự khác biệt giữa nhiệt độ dự tính từ RCP cho ba tỉnh là không đáng kể (dưới 0.3ºC). Mức tăng nhiệt độ dự tính theo kịch bản RCP4.5 trung bình của cả RCA và RCN phổ biến dưới 1,2ºC cho giai đoạn MF và lên tới 2,0ºC cho giai đoạn FF. Đối với kịch bản phát thải cao RCP8.5, mức tăng của nhiệt độ dự tính theo RCA cao hơn đáng kể so với RCN. RCA cho nhiệt độ dự tính tăng đến 1,7ºC cho giai đoạn MF, trong khi nhiệt độ dự tính của RCN chỉ tăng 1,1ºC. Vào cuối thế kỷ (FF), theo kết quả dự tính của RCA, nhiệt độ vùng NHQ sẽ tăng lên đến 3,2ºC trong khi RCN dự tính tăng chỉ dưới 2,2ºC.

Bảng 3.9  Biến đổi nhiệt độ (oC) trung bình theo kịch bản RCP. (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

1.2

1.1

1.2

1.7

1.7

1.7

RCN_RCP45

1.2

1.2

1.2

1.7

1.7

1.7

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

1.8

1.7

1.8

3.3

3.1

3.1

RCN_RCP85

1.1

1.1

1.2

2.2

2.2

2.2

Phân bố không gian của biến đổi nhiệt độ dự tính trên toàn vùng khá đồng nhất (hình P.3.9). Không có sự khác biệt đáng kể về mức tăng nhiệt độ giữa phía bắc và phía nam. Trong cả hai giai đoạn MF và FF, khu vực duyên hải có xu thế tăng cao hơn một chút so với vùng núi phía tây. Mặc dù vậy, có thể thấy mức tăng của nhiệt độ dự tính của mô hình RCA theo kịch bản RCP8.5 cao hơn khoảng 1oC so với các trường hợp còn lại.

Sự biển đổi của nhiệt độ dự tính các mùa trong năm được cho trong bảng 3.10. Qua đó nhận thấy, mô hình RCA với kịch bản RCP8.5 cho mức tăng nhiệt độ lớn nhất trong tất cả các mùa và các giai đoạn tương lai so với các trường hợp khác. Mức tăng thấp nhất phổ biến khoảng 0.9oC xuất hiện ở giai đoạn MF vào mùa đông và mùa xuân, trong khi đó, mùa hè và mùa thu ở giai đoạn FF, nhiệt độ có thể tăng đến mức từ 3oC đến 4oC. Nhiệt độ dự tính mùa hè và mùa thu tăng mạnh hơn so với mùa đông và mùa xuân theo kịch bản RCP cũng phù hợp với kết quả dự tính theo kịch bản SRES trên đây.

Bảng 3.10. Biến đổi nhiệt độ các mùa trong năm (oC) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

 

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hè

Mùa Thu

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

1.0

0.9

0.9

0.9

0.9

1.0

1.4

1.4

1.4

1.4

1.4

1.4

RCN_RCP45

1.1

1.1

1.1

1.0

1.0

1.1

1.3

1.2

1.2

1.2

1.3

1.3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

1.3

1.3

1.3

1.6

1.6

1.8

2.1

1.9

1.8

2.2

2.2

2.1

RCN_RCP85

1.1

1.1

1.2

0.8

0.9

1.0

1.2

1.1

1.2

1.4

1.4

1.3

 

Giai đoạn FF

 

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hè

Mùa Thu

 

NA

HT

QB

NA

HT

QB

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

1.3

1.3

1.4

1.9

1.8

1.8

1.5

1.5

1.6

2.0

2.1

2.0

RCN_RCP45

1.4

1.5

1.4

2.1

1.9

1.8

1.7

1.8

1.8

1.7

1.8

1.7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

2.6

2.5

2.5

3.6

3.3

3.3

3.0

2.9

3.1

3.9

3.8

3.7

RCN_RCP85

2.1

2.0

2.0

2.1

2.1

2.3

2.1

2.0

2.0

2.6

2.6

2.6


Trong giai đoạn MF, biến đổi nhiệt độ dự tính không có sự khác biệt vào mùa đông giữa các mô hình và các kịch bản phát thải. Tuy nhiên, vào mùa xuân, hè và thu, RCA theo kịch bản RCP8.5 cho mức tăng nhiệt độ dự tính khoảng 2.0oC, cao hơn RCN (chỉ khoảng dưới 1,3ºC). Cả hai mô hình đều dự tính nhiệt độ mùa hè và mùa thu tăng nhanh hơn so với mùa đông và mùa xuân, nhất là với kịch bản RCP8.5. Ở Giai đoạn FF, theo kịch bản RCP8.5, có sự khác biệt rõ rệt về mức tăng nhiệt độ dự tính giữa RCA và RCN, trong đó RCA cho mức tăng nhiệt độ cao hơn đáng kể so với RCN ở cả bốn mùa trong năm. Phân bố không gian của xu thế biến đổi của nhiệt độ các mùa được cho trên các hình P.3.10, P.3.11. Có thể nhận thấy, RCA theo kịch bản RCP8.5 cho mức tăng nhiệt độ cao, khoảng 3,2-3,7ºC vào các mùa xuân, hè, thu, trong khi RCN chỉ cho mức tăng cao nhất vào khoảng 2,5ºC tại vùng duyên hải vào mùa thu. Tương tự như RCP4.5 và các kịch bản SRES, mức tăng nhiệt độ mùa đông là thấp nhất so với các mùa trong năm, chỉ đạt khoảng 1,3ºC cho RCA và 1.4ºC cho RCN.

Một cách khái quát, so với thời kỳ chuẩn, nhiệt độ dự tính cho mùa đông tăng ít hơn mùa hè và mùa thu trong cả các giai đoạn giữa thế kỷ và cuối thế kỷ 21. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả dự tính nhiệt đội theo các kịch bản phát thải SRES mặc dù mức tăng có thể khác nhau. Mức độ tăng của nhiệt độ dự tính cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình không có sự chênh lệch đáng kể. Kết quả dự tính bằng mô hình RCA với kịch bản RCP8.5 luôn cho mức chênh lệch lớn nhất trong cả hai giai đoạn MF và FF.

·    Dự tính biến đổi của tổng lượng mưa

Kết quả dự tính sự biến đổi của lượng mưa trung bình năm cho hai giai đoạn MF và FF theo hai kịch bản phát thải RCP4.5 và RCP8.5 cho thấy lượng mưa sẽ tăng lên trên toàn vùng NHQ trong tương lai (bảng 3.11). Mức tăng phổ biến của lượng mưa nằm trong khoảng 10 - 30% trong hầu hết các trường hợp. Mô hình RCN tính theo kịch bản phát thải cao RCP8.5 cho lượng mưa dự tính có thể tăng lên đến 40% vào giai đoạn cuối thế kỉ (cao nhất), nhưng chỉ tăng khoảng 10% vào giai đoạn giữa thế kỉ (thấp nhất). Khu vực phía bắc và ven biển NHQ có mức tăng cao hơn so với khu vực phía nam.

Bảng 3.11.Biến đổi tổng lượng mưa năm (%) theo kịch bản RCP. (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

 Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

23.9

25.8

24.2

26.3

29.0

26.2

RCN_RCP45

34.4

30.0

20.0

22.7

23.3

19.8

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

30.4

32.6

29.4

27.9

34.1

35.3

RCN_RCP85

9.0

10.1

11.3

32.3

42.0

43.7


Mức độ biến đổi của tổng lượng mưa năm có sự khác biệt khá rõ rệt giữa vùng núi và vùng ven biển (hình P.3.12). Trong khi ở vùng núi lượng mưa dự tính chủ yếu tăng dưới 20% thì một số khu vực ven biển phía bắc, khu vực tỉnh Nghệ An, có thể tăng đến 40% trong giai đoạn MF và đến 50% trong giai đoạn FF.

Biến đổi của lượng mưa dự tính cho các mùa trong năm được trình bày trong bảng 3.12. Theo đó, so với thời kỳ cơ sở, kết quả dự tính lượng mưa của các mô hình RCA và RCN theo kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 cho thời kỳ MF và thời kỳ FF thể hiện sự phân hoá theo mùa rất rõ rệt. Vào giai đoạn MF, so với thời kỳ chuẩn, lượng mưa được dự tính là tăng vào mùa hè và mùa thu, và giảm nhẹ hoặc tăng không đáng kể vào mùa đông và mùa xuân. Sự tăng mạnh của lượng mưa trong các mùa hè và thu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng của lượng mưa năm trên toàn vùng.

Có sự tương tự nhất định về mức độ biến đổi của lượng mưa dự tính cho các giai đoạn FF và MF, đó là lượng mưa mùa hè và mùa thu đều tăng đáng kể trong hầu hết các trường hợp. Theo mô hình RCA và RCN đến cuối thế kỉ, lượng mưa mùa hè và mùa thu có thể tăng đến 30-50% so với thời kỳ chuẩn. Lượng mưa có thể giảm nhẹ ở Nghệ An, Hà Tĩnh và tăng nhẹ ở tỉnh Quảng Bình vào mùa đông và mùa xuân (hình P.3.13), mức dao động trong khoảng -10% ở Nghệ An theo mô hình RCA, kịch bản RCP8.5, đến 20% theo mô hình RCN kịch bản RCP8.5 ở Quảng Bình. Điều đáng chú ý là sự gia tăng lượng mưa mùa hè và đặc biệt là mùa thu (hình P.3.14)có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng mưa lớn, lũ lụt.

Bảng 3.12. Biến đổi tổng lượng mưa các mùa trong năm (%) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

 

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hè

Mùa Thu

Kịch bản

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

RCA_RCP45

-8.3

3.8

16.0

-18.5

-8.1

-0.5

45.3

33.4

26.8

36.5

57.3

48.4

RCN_RCP45

-9.6

-3.8

-5.2

8.5

16.5

17.7

52.3

50.9

31.5

41.0

42.3

28.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

-14.3

-5.3

1.1

-0.4

8.5

14.4

37.2

36.5

32.9

61.8

74.0

61.8

RCN_RCP85

-7.4

2.0

11.0

11.8

18.4

19.7

15.4

19.3

15.3

0.0

2.3

1.2

 

Giai đoạn FF

 

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hè

Mùa Thu

 

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

NA

HT

BQ

RCA_RCP45

-6.5

17.5

21.8

-12.7

-0.7

7.0

28.9

30.3

23.8

69.0

58.9

51.1

RCN_RCP45

-9.5

-6.3

-7.2

-4.5

-0.5

6.6

31.9

30.6

21.5

40.7

53.3

50.9

 

                     

 

RCA_RCP85

-29.1

-4.5

4.1

-23.9

-14.5

1.9

51.2

51.4

45.0

54.9

78.0

77.7

RCN_RCP85

-7.9

18.4

32.4

10.9

22.5

28.9

39.5

59.3

50.6

52.0

57.3

59.4


·    Dự tính biến đổi của lượng mưa cực đại ngày trong năm (Rx1d)

Lượng mưa ngày cực đại (Rx1d) là lượng mưa tích luỹ trong 24 giờ lớn nhất trong năm. Kết quả dự tính sự biến đổi của Rx1dtrong hai giai đoạn MF và FF so với thời kỳ chuẩn 1980 - 1999 từ các mô hình RCA và RCN theo 2 kịch bản phát thải RCP4.5 và RCP8.5 được cho trong bảng 3.13. Theo đó, xu thế Rx1d tăng mạnh nhưng không đồng đều trên ba tỉnh cũng như theo các kịch bản khác nhau. Theo mô hình RCA, mức tăng của Rx1d phổ biến trong giai đoạn MF khoảng 25-35%, nhưng theo mô hình RCN thì mức tăng biến động mạnh từ 7% ở QB theo kịch bản RCP8.5 đến 51% ở HT theo kịch bản RCP4.5. Trong giai đoạn FF, kết quả dự tính Rx1d của các mô hình tương đối đồng nhất, với mức tăng dao động trong khoảng 30-50%.

Bảng 3.13. Biến đổi của lượng mưa cực đại ngày (Rx1d) trong năm (%) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

22.0

34.9

25.7

32.1

37.5

29.5

RCN_RCP45

45.6

51.4

25.1

31.0

36.3

30.3

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

37.9

43.8

36.5

35.5

52.4

52.7

RCN_RCP85

21.7

17.9

6.9

39.8

50.5

42.2

·    Dự tính biến đổi của số ngày mưa vừa trong năm (R25mm)

Số ngày mưa vừa trong năm (R25mm) là số ngày trong năm có lượng mưa ngày lớn hơn hoặc bằng 25 mm/24 giờ. Bảng 3.14 dẫn ra kết quả dự tính sự biến đổi của R25mmtrong các giai đoạn MF và FF so với thời kỳ chuẩn 1980 - 1999 theo 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 từ các mô hình RCA và RCN. Có thể thấy, so với thời kỳ chuẩn, R25mm được dự tính tăng lên rất nhiều với mức tăng trong khoảng 50% - 80%, cá biệt RCA có thể tăng lên đến 110% theo kịch bản RCP8.5 (Quảng Bình). Theo kịch bản RCP4.5, các mô hình đều dự tính mức biến đổi của R25mm khá đồng đều trong khi theo kịch bản RCP8.5 mô hình RCA có R25mm dự tính lớn hơn rất nhiều vo với RCN.

Bảng 3.14. Biến đổi của số ngày mưa vừa (R25mm) trong năm (%) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

 Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

54.5

54.3

76.4

47.3

52.5

74.0

RCN_RCP45

87.5

74.7

66.3

55.5

50.6

56.0

 

 

 

 

 

 

 

RCA_RCP85

64.4

78.6

110.3

61.7

79.6

129.7

RCN_RCP85

24.3

17.7

26.0

65.1

83.4

108.1

·    Dự tính biến đổi của số ngày mưa lớn trong năm (ML50)

Số ngày mưa lớn trong năm (ML50) là số ngày trong năm có lượng mưa ngày lớn hơn hoặc bằng 50 mm/24 giờ. Kết quả dự tính sự biến đổi của ML50 trong các giai đoạn MF và FF so với thời kỳ chuẩn 1980 - 1999 theo 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 từ các mô hình RCA và RCN được cho trong bảng 3.15. Qua đó nhận thấy, ML50 có xu thế tăng mạnh nhưng không đồng đều giữa các kịch bản cũng như các mô hình khác nhau. Mô hình RCA với kịch bản RCP4.5 dự tính mức tăng ổn định trong cả hai giai đoạn MF và FF với mức tăng trong khoảng 70-80%. Cũng trong giai đoạn này, mô hình RCN dự tính mức tăng ML50lớn hơn nhiều so với mô hình RCA, lên đến 130-150% trong giai đoạn MF và khoảng 90-100% trong giai đoạn FF. Đối với kịch bản RCP8.5, trong khi mô hình RCA cho dự tính ML50tăng khá mạnh, lên tới 100-200% và tăng dần theo tương lai, thì RCN lại cho xu thế tăng ít hơn đáng kể (khoảng 30-50%) trong giai đoạn MF và tăng mạnh trong giai đoạn FF. Trừ trường hợp RCN_RCP85 cho giai đoạn giữa thế kỷ, nói chung ML50có xu thế tăng dần từ bắc vào nam (Nghệ An đến Quảng Bình).

·    Dự tính biến đổi của số ngày mưa rất lớn trong năm (ML100)

Số ngày mưa rất lớn trong năm (ML100) là số ngày trong năm có lượng mưa ngày lớn hơn hoặc bằng 100 mm/24 giờ. Kết quả dự tính số ngày mưa rất lớn có sự khác biệt rất đáng kể giữa các mô hình và các kịch bản cho cả trong hai giai đoạn MF và FF (bảng 3.16). Mức biến đổi dự tính của ML100dao động từ 30% ở QB của mô hình RCN với kịch bản RCP8.5 trong giai đoạn MF lên đến gần 600% của mô hình RCN với kịch bản RCP8.5 trong giai đoạn FF. Điều đó nói lên rằng tần suất của các sự kiện mưa rất lớn có thể tăng lên rất nhiều trong tương lai mà hệ quả là các hiện tượng thuỷ tai liên quan đến lũ lụt có thể gia tăng mạnh.

Bảng 3.15. Biến đổi của số ngày mưa lớn (ML50) trong năm (%) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

83.6

97.3

87.4

90.3

91.3

67.6

RCN_RCP45

156.8

139.3

130.3

93.5

104.5

96.7

RCA_RCP85

115.8

144.9

165.2

105.0

162.3

216.3

RCN_RCP85

56.4

40.4

32.0

129.4

161.8

227.5

Bảng 3.16. Biến đổi của số ngày mưa rất lớn (ML100) trong năm (%) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

RCA_RCP45

117.0

244.5

220.5

168.8

281.5

240.6

RCN_RCP45

411.9

530.8

144.0

179.2

348.9

180.8

RCA_RCP85

257.0

437.9

331.3

224.6

448.7

419.9

RCN_RCP85

207.1

246.5

32.2

344.1

585.8

320.8

·    Dự tính biến đổi lượng mưa ngày cực đoantrong năm (R90p, R95p và R99p)

Lượng mưa ngày cực đoan trong năm R90p, R95p và R99p (mm)là lượng mưa ngày trong năm ứng với các phân vị 90%, 95% và 99%. Biến đổi của lượng mưa ngày cực đoan trong năm (R90p, R95p và R99p) ở đây được xác địnhtrên cơ sở so sánh giá trị trung bình của các R90p, R95p và R99p trong tương lai với giá trị trung bình tương ứng trong thời kỳ chuẩn (1980-1999).Kết quả dự tính sự biến đổi của R90p, R95p và R99ptrong hai giai đoạn MF và FF theo hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 từ các mô hình RCA và RCN được cho trong bảng 3.17. Có thể nhận thấy rằng, R90p, R95p và R99p được dự tính là tăng với mức tăng tương đối đồng đều giữa các tỉnh cũng như các giai đoạn khác nhau trong tương lai. Các mô hình đều cho mức tăng phổ biến trong khoảng 30-50% ngoại trừ mô hình RCN theo kịch bản RCP8.5 có mức tăng dự tính thấp hơn và biến động mạnh hơn. Nhìn chung sự tăng của R90p, R95p và R99p về cơ bản phù hợp với sự tăng của các hiện tượng mưa lớn.

Tóm lại: Nhiệt độ mùa hè và mùa thu được dự tính tăng nhanh hơn so với mùa đông và mùa xuân, phổ biến trong khoảng 0.9oC - 1.6oC vào giữa thế kỉ và 2oC - 3.6oC thậm chí đến gần 4oC (theo mô hình RCA và kịch bản phát thải cao RCP8.5) vào cuối thế kỉ 21. Điều đó có thể dẫn đến biên độ nhiệt độ năm tăng lên, những tháng có nhiệt độ cao sẽ càng nóng hơn, và do đó các hiện tượng cực đoan về nhiệt độ vào mùa hè như nắng nóng có thể có xu hướng gia tăng. Trong tất cả các mùa, mức tăng nhiệt độ giữa ba tỉnh NHQ không có sự khác biệt đáng kể và có sự phù hợp tương đối giữa hai kịch bản SRES và RCP.

Theo kịch bản RCP, biến đổi của lượng mưa dự tính trên toàn vùng NHQ cũng không khác nhau nhiều. Vào các tháng mùa khô (mùa đông và mùa xuân), xu thế tăng giảm của lượng mưa dự tính không đáng kể. Tuy nhiên, lượng mưa được dự tính có thể sẽ tăng lên đáng kể vào các tháng mùa mưa (mùa hè và mùa thu) trong cả hai giai đoạn giữa và cuối thế kỉ, và điều đó có thể dẫn đến tình trạng gia tăng các hiện tượng thuỷ tai như mưa lớn, lũ lụt trong tương lai. Mặc dù vậy, có sự khác biệt đáng kể về kết quả dự tính biến đổi của lượng mưa giữa hai kịch bản RCP và SRES. Do kịch bản RCP cho kết quả dự tính mang tính cực đoan hơn nên với mục đích quản lý rủi ro thì sản phẩm dự tính theo RCP nên được sử dụng.

Khá phù hợp với sự tăng của lượng mưa năm và lượng mưa mùa, các sự kiện mưa lớn và mưa cực đoan cũng được dự tính sẽ tăng tương đối mạnh trong tương lai, đặc biệt là số ngày mưa lớn và mưa rất lớn. Sự gia tăng của các hiện tượng mưa lớn và mưa cực đoan có thể dẫn đến sự gia tăng các hiện tượng lũ lụt trên khu vực NHQ, đặc biệt là Quảng Bình.

Bảng 3.17. Biến đổi của lượng mưa ngày cực đoan (R90p, R95p và R99p)trong năm (%) theo kịch bản RCP (NA: Nghệ An, HT: Hà Tĩnh, QB: Quảng Bình; MF: Giữa thế kỷ, FF: Cuối thế kỷ)

 

Giai đoạn MF

Giai đoạn FF

Kịch bản

NA

HT

QB

NA

HT

QB

R90p

RCA_RCP45

27.5

25.8

27.8

24.8

29.9

28.8

RCN_RCP45

37.1

32.7

23.7

26.4

25.4

23.9

RCA_RCP85

31.3

35.8

35.0

32.5

39.0

43.7

RCN_RCP85

5.9

7.2

10.9

31.2

41.1

42.2

R95p

RCA_RCP45

29.1

28.8

29.8

31.2

32.7

29.5

RCN_RCP45

40.5

36.4

24.8

29.0

28.8

24.4

RCA_RCP85

36.5

41.2

37.9

38.8

47.5

48.7

RCN_RCP85

9.2

8.2

10.4

33.9

41.8

41.8

R99p

RCA_RCP45

29.2

33.3

26.6

37.9

35.5

27.8

RCN_RCP45

47.4

38.9

25.2

31.1

33.1

23.6

RCA_RCP85

44.3

50.0

40.0

39.2

54.6

53.5

RCN_RCP85

20.0

14.9

10.2

42.9

45.4

43.0

 

<Về đầu trang>  <Tiếp Chương 4>