Chuyên mục: » Báo cáo tổng kết dự án » Chương 6

 

CHƯƠNG 6. KIẾN THỨC VÀ KINH NGHIỆM BẢN ĐỊA TRONG VIỆC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ THUỶ TAI

 

6.1.Kiến thức và kinh nghiệm bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu

6.1.1. Khái niệm kiến thức bản địa

Kiến thức là một thuật ngữmang tính triết học và có thể được định nghĩa là một tập hợp các sự kiện khác nhau vàcác đặc tính thông tin,được chia thành hai loại: kiến thức khoa học vàkiến thức bản địa (KTBĐ).

Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu nhóm cư dân địa phương, mỗi nhóm sở hữu một nền văn hóa, một hệ thống tri thức của riêng mình. Do sự đa dạng của các nhóm cư dân địa phương nên việc định nghĩa KTBĐ vẫn còn là một chủ đề tranh luận. Cho đến nay, khái niệm “kiến thức bản địa” được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau và ngày càng được bổ sung và hoàn thiện hơn. Các tên gọi khác của nó bao gồm: “kiến thức địa phương”(local knowledge), “kiến thức dân gian” (folk knowledge), “kiến thức của nhân dân” (people’s knowledge), “trí tuệ truyền thống” (traditional wisdom) hay “khoa học truyền thống” (traditional science), “kiến thức truyền thống” (traditional knowledge), “kiến thức địa phương” (local knowledge), “kiến thức kỹ thuật bản xứ” (indigenous technical knowledge), kiến thức về môi trường/sinh thái truyền thống (traditional environment/ecological knowledge)(UNESCO, 2010; Ashok Das Gupta, 2011).

Theo UNESCO (2010), KTBĐlà những tri ​​thức địa phương, là duy nhất và đặc trưng cho một nền văn hóa và xã hội. Ashok Das Gupta (2012) cho rằng KTBĐ là một hệ thống của các tri thức mà người dân địa phương đạt được thông qua việc tích lũy kinh nghiệm, và các thử nghiệm không chính thức, và sự hiểu biết sâu sắc về môi trường trong một nền văn hóa cụ thể. Nhóm tác giả E. N. Ajani, R. N. Mgbenka và M. N. Okeke (2013)lại định nghĩa kiến thức bản địa là kiến thức địa phương được thể chế hóa, được xây dựng dựa trên lời nói vàđược truyền từngười/thế hệ này sangngười/thế hệ khác bằng lời nói. Nó là cơ sở để ra quyết định ở cấp địa phương trong nông nghiệp, y tế, chế biến thực phẩm, giáo dục, quản lý tài nguyên thiên nhiên và một loạt các hoạt động khác trong cộng đồng nông thôn (Ashok Das Gupta, 2012; E. N. Ajani và CS, 2013).

Theo Stephen A. Hansen và CS(2007), “kiến thức truyền thống” là những thông tin mà mọi người trong một cộng đồng dựa trên kinh nghiệm và sự thích ứng với văn hóa và môi trường địa phương, đã phát triển theo thời gian và tiếp tục phát triển. Kiến thức này được sử dụng để duy trì cộng đồng và văn hóa của cộng đồng, duy trì nguồn gen cần thiết cho sự tồn tại tiếp tục của cộng đồng. Kiến thức truyền thống bao gồm các bản kê của các nguồn tài nguyên sinh học địa phương, giống vật nuôi, cây trồng địa phương. Nó có thể bao gồm những thông tin như là các loại cây lâu năm và các loại cây ngắn ngày có thể phát triển tốt khi được trồng cùng với nhau, và các loại thực vật chỉ thị chẳng hạn như các loại cây trồng có thể cho biết độ mặn của đất, hoặc thời kỳ cây nở hoa sẽ bắt đầu mùa mưa. Kiến thức truyền thống cũng bao gồm cả những thực hành và công nghệ, chẳng hạn như việc xử lý hạt giống và các phương pháp bảo quản và công cụ được sử dụng để trồng trọt và thu hoạch.

Như vậy,KTBĐ rất có giá trị không chỉ đối với các nền văn hóamà trong đó nó phát triển, mà còn cho các nhà khoa học và các nhà lập kế hoạchcố gắng phấn đấu để cải thiện điều kiện trên địa bàn nông thôn. Hệ thống kiến thức này bị ảnh hưởng bởi những quan sát và trải nghiệmcủa các thế hệ trước và cung cấp một kết nối cố hữu của các vùng và môi trường xung quanh. Do đó, KTBĐ có thể chuyển giao và cung cấp cho các mối quan hệ kết nối một cách trực tiếp con người với môi trường và những thay đổi xảy ra bên trong nó, bao gồm cả biến đổi khí hậu.

6.1.2. Đặc điểm cấu thành của kiến thức bản địa

Muốn nghiên cứu KTBĐ, cần hiểu rõ các đặc điểm cấu thành để nhận diện, đồng thời có thể phân biệt KTBĐ với các kiến thức khác. Để làm nổi bật hơn những đặc điểm của tri thức bản địa, Louise Grenier (1998) đã đưa ra một bảng so sánh để phân biệt KTBĐ với kiến thức khoa học (bảng 6.1).

Bảng 6.1: Phân biệt kiến thức bản địa với kiến thức khoa học quốc tế

Lĩnh vực        so sánh

Tri thức bản địa

Tri thức khoa học quốc tế

Mối quan hệ

Kém quan trọng hơn

Có tính ưu thế hơn

Phương thức/  Lối suy nghĩ

·    Thuộc về trực giác,

·    Tiếp cận mang tính tổng thể

·    Mang tính phân tích,

·    Tiếp cận đơn lẻ bộ phận

Thông tin/ Truyền thông

·    Truyền miệng, kể chuyện, hát

·    Mang tính chủ quan

·    Bằng văn bản;

·    Mang tính khách quan

Truyền dạy

Học được qua quan sát hoặc kinh nghiệm thực tế

Được dạy và học trong một tình huống cụ thể thường là tách ra khỏi bối cảnh áp dụng

Hiệu quả

·    Chậm

·    Không thuyết phục

·    Nhanh

·    Thuyết phục

Việc tạo dữ liệu

·    Dựa trên các quan sát mang tính cá nhân, thử và sai, và được tổng hợp từ thực tế;

·    Dữ liệu được tạo ra bởi những người sử dụng tài nguyên

·    Dựa trên các thí nghiệm thực tế và các tích lũy mang tính tổng hợp và có suy nghĩ;

·    Dữ liệu được tạo ra bởi cán bộ chuyên môn, các nhà nghiên cứu

Loại dữ liệu

·    Định tính;

·    Mang tính lịch sử (chuỗi thời gian dài ở một địa phương)

·    Định lượng;

·    Mang tính thống kê (chuỗi thời gian ngắn ở một khu vực rộng lớn

Sự giải thích

·    Thuộc về tôn giáo;

·    Thuộc về đạo đức

·    Các giả thuyết; các quy luật;

·    Mang tính cơ học, giá trị tự do

Sự phân loại

Thuộc về môi trường

Mang tính khái quát và thứ bậc

(Nguồn:Louise Grenier, 1998, Working with indigenous knowledge: A guide for researchers, International Development Research Centre, 115 pages, p.52 http://idl-bnc.idrc.ca/dspace/bitstream/10625/16526/9/107736.pdf)

Ở Việt Nam, tác giả Lâm Bá Nam (2012) đã cho rằng “kiến thức địa phương” có 4 đặc điểm sau:

       (1)     Khác với kiến thức khoa học, kiến thức địa phương không tồn tại như một hệ thống lý thuyết nhất quán. Về phương thức hình thành, kiến thức địa phương không phải hình thành qua thực nghiệm khoa học và sau đó được tổng kết thành hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh, mà được hình thành gắn với các yêu cầu trực tiếp của đời sống, mang tính kinh nghiệm và ứng dụng hơn là lý thuyết học thuật.

       (2)     Kiến thức địa phương được hình thành gắn với đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử của một địa bàn nhất định, do đó phạm vi áp dụng của nó không phải là phổ biến, nó gắn chặt với địa bàn và cộng đồng cư dân nơi kiến thức đó được hình thành.

       (3)     Bản thân tri thức địa phương của một cộng đồng cũng không phải là thống nhất, mà mỗi cá nhân trong cộng đồng lại có những tri thức riêng.

       (4)     Tri thức địa phương là nói đến một hệ thống tri thức động, luôn luôn có sự vận động, biến đổi, giao thoa và tích hợp, gắn liền với quá trình sinh sống, sản xuất và tái sản xuất của cộng đồng.

6.1.3. Vai trò của kiến thức bản địa trong phát triển

Nói về vai trò quan trọng của KTBĐ đối với quá trình phát triển của cộng đồng, James D. Wolfensohn (Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thế giới) đã từng khẳng định: KTBĐ là một phần không thể thiếu của nền văn hóa và lịch sử của một cộng đồng địa phương. Chúng ta cần phải học hỏi từ cộng đồng địa phương để làm phong phú thêm quá trình phát triển”.Điều này có nghĩa là trong quá trình phát triển, việc bỏ qua những KTBĐ không chỉ đồng nghĩa với việc bỏ qua một nguồn lực phát triển tiềm năng lớn, mà cũng chính là đã bỏ qua sự tham gia của người dân địa phương (Paul Mundy, 1993).

Sở dĩ KTBĐ có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển của các cộng đồng bản địa là bởi hai lý do sau: thứ nhất, so với kiến thức khoa học thông thường, việc sử dụng KTBĐ sẽ nhanh hơn và ít tốn kém hơn; và thứ hai, KTBĐ không đơn thuần dựa vào các quan sát thụ động, mà nó còn bao gồm các thử nghiệm mang tính khoa học một cách tích cực chủ động bởi sự tồn tại của người dân bản địa phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, và do đó họ đã thu được những tri thức giá trị qua các thế hệ nhờ vào các quan sát tỉ mỉ về các mô hình và sắc thái môi trường. Do đó, hệ thống KTBĐ là có tính khoa học đáng tin cậy (G’Nece Jones, 2012).

Đối với quá trình phát triển bền vững, tác giả Nicolas Gorjestani (2000) đã khẳng định, việc khai thác sử dụng KTBĐ sẽ trao quyền cho cộng đồng, giúp tăng cường sự hỗ trợ hiệu quả trong quá trình giảm nghèo, và là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. KTBĐ được sử dụng ở cấp độ địa phương bởi các cộng đồng như là cơ sở cho những quyết định liên quan đến an ninh lương thực, sức khỏe con người và động vật, giáo dục, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động sống khác.

6.1.4. Vai trò của kiến thức bản địa trong thích ứng với BĐKH

KTBĐ trong thích ứng với BĐKH là việc vận dụng các KTBĐ để điều chỉnh các hoạt động sống của một cộng đồng địa phương nhằm làm giảm thiểu những tác động tiêu cực và tối ưu hóa các tác động tích cực của sự thay đổi các điều kiện khí hậu (K. Adebayo và CS, 2011:8).

Đề cập đến vai trò của KTBĐ trong ứng phó với BĐKH, Hội nghị chuyên đề về Biến đổi khí hậu và thích ứng của Châu Phitổ chức năm 2011 đã khẳng định, KTBĐvà kiến thức địa phương (Indigenous and local knowledge) nên đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị khả năng ứng phó với khí hậu, và có thể được khai thác và phù hợp để đảm bảo cộng đồng có thể làm giảm tính dễ tổn thương với BĐKH. Kết hợp KTBĐ vào các chính sách BĐKH có thể mang đến sự phát triển của các chiến lược thích ứng hiệu quả về kinh tế, có sự tham gia của cộng đồng và có tính bền vững (Robinson và Herbert, 2001).

Ngoài ra, theo nhóm tác giả E. N. Ajani và CS (2013), KTBĐ có ý nghĩa lớn làm tăng giá trị chocác nghiên cứu BĐKH theo những cách sau đây:

·      Hệ thống KTBĐtạo ra một nền kinh tế đạo đức. Nó giúp nhận diện mộtcon người trong một bối cảnh văn hóa cụ thể, bởi vậy quá trình ban hành quyết định hay quy tắc ngón tay cái được tuân theo dựa trên các chỉ số quan sát các mối quan hệ giữa các sự kiện. Các thành viên của cộng đồng hành động theo những quy tắc này để duy trì an ninh và bảo đảm tránh khỏi nguy cơ bị cô lập từ cộng đồng của họ;

·      KTBĐngày càng cho thấy có một sự tương đồng với các phương pháp khoa học như nhiều ý tưởng trong KTBĐ trước kia đã từng được xem là cổ xưa và sai lầm, nhưng hiện naylại được coi là thích hợp và giàu kinh nghiệm;

·      Hệ thống KTBĐ cung cấp cơ chế cho phương pháp tiếp cận có sự tham gia. Một yêu cầu quan trọng đối với tính bền vững của bất kỳ một dự án phát triển cộng đồng nào đó chính là người dân địa phương phải được xem là đối tác trong dự án với sở hữu chung. Điều nàysẽ mang lại thành tựu tốt nhất khi các cộng đồng tham gia một cách hiệu quả trong quá trình thiết kếvà thực hiện các dự án đó;

·      Hệ thống KTBĐchia sẻ các nguyên tắc hướng dẫn cùng với khuôn khổ phát triển bền vững vớimối quan tâm 3E - kinh tế (Economy), công bằng (Equality) và môi trường (Environment). Bản chất của hầu hết các dự án, chính sách liên quan đến BĐKH là xóa đói giảm nghèo và đảm bảo phát triển bền vững;

·      Hệ thống KTBĐ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiểu biết và giao tiếp hiệu quả, đồng thời tăng tỷ lệ phổ biến và sử dụng các giải pháp thích ứngvới BĐKH. Quản lý đất đai và nguồn nước bền vững kết hợp với công nghệ nông nghiệp tiên tiến có thể giúp nông dân thích ứng với tác động của BĐKH.

6.2. Kinh nghiệm quốc tế về lồng ghép kiến thức bản địa ứng phó với BĐKH

6.2.1. Kết hợp kiến thức bản địa và kiến thức khoa học là một biện pháp thích ứng với BĐKH

Nghiên cứu của Mirjam Macchi và CS (2008) đã chỉ ra BĐKH có những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sinh kế và văn hóa của các cộng đồng dân cư truyền thống và dân cư bản địa. Một trong những khuyến nghị được nhóm tác giả này đưa ra nhằm giúp cộng đồng tăng cường khả năng thích ứng với những rủi ro của BĐKH là việc kết hợp giữa kiến thức khoa học và KTBĐ. Bởi người dân địa phương có biện pháp thích nghi dựa trên cơ sở những tri thức truyền thống đã được phát triển dựa trên những quan sát và cách giải thích của chính bản thân họ về tính biến thiên và sự thay đổi của thời tiết. Tuy nhiên, các tác giả này cũng khuyến cáo những quan sát riêng của họ và các hệ thống dự báo thời tiết trong tương lai có thể trở nên ít có ý nghĩa, hoặc thậm chí chỉ dẫn sai trong các quyết định của họ, bởi vì BĐKH toàn cầu diễn ra nhanh hơn và phức tạp hơn. Do đó, cần tạo điều kiện để người dân địa phương tiếp cận với những công nghệ và thông tin khoa học như là hệ thống cảnh báo sớm, chiến lược di tản, hoặc nâng cấp kỹ thuật xây dựng có thể giúp giảm tính dễ bị tổn thương của những người dân địa phương trước các mối nguy hiểm.

Tích hợp KTBĐvà kiến thức hiện đại trong thích ứng với BĐKH cũng là một trong những khuyến nghị quan trọng được các tác giả Anselm A. Enete, Taofeeq A. Amusa (2010) và Hanson Nyantakyi-Frimpong (2013)đưa ra dựa trên các nghiên cứu trường hợp tại hai quốc gia Châu Phi là Nigeria và Ghana, coi đó như là giải pháp để dung hòa lợi ích, mối quan tâm giữa các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cư dân địa phương.

6.2.2. Kiến thức bản địa giúp phát triển hệ thống cảnh báo sớm để thích ứng với BĐKH

Khí hậu là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến đời sống của con người, đến các hoạt động sản xuất và môi trường sinh thái, đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở những quốc gia kém và đang phát triển khi mà hoạt động canh tác của người nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên. Do đó, việc có khả năng dự đoán những bất thường của khí hậu là điều rất quan trọng.

Jan Salick và Anja Byg (2007)cho rằng người dân bản địa luôn tìm cách giải thích và phản ứng với các tác động của BĐKH theo những cách sáng tạo, dựa trên kiến thức truyền thống cũng như các công nghệ mới để tìm giải pháp có thể giúp cộng đồng nói chung ứng phó với những thay đổi sắp xảy ra. Trên thực tế, người dân địa phương đã có những cách thức riêng của mình để quan sát các hiện tượng của BĐKH như: Những thay đổi nhiệt độ; Những thay đổi về mưa và tuyết (dựa trên những thay đổi về sự đều đặn, độ dài, cường độ và thời gian kết bông); Những thay đổi về mùa và hiện tượng thời tiết; Những thay đổi về gió, sóng và các cơn bão mạnh; Sự thay đổi tần suất giữa các năm; Những thay đổi của các dòng sông băng, sự che phủ của tuyết, băng, các dòng sông và hồ. Cũng theo nhóm tác giả này, người dân địa phương không chỉlà người quan sát tinh tường các hiện tượng BĐKH mà cũng đang tích cực cố gắng để thích nghi với các điều kiện thay đổi. Trong một số trường hợp, người ta có thể sử dụng những cơ chế đã tồn tại để đối phó với điều kiện khí hậu bất lợitrong ngắn hạn như hạn hán hoặc lũ lụt.

Nghiên cứu của E.N. Ajani và CS (2013)đã chỉ ra rằng, những người nông dân địa phương ở châu Phi cận Sahara đã phát triển một số các biện pháp thích ứngnhằm giúp họ giảm thiểu tính dễ bị tổn thương bởi BĐKH vàcác hiện tượng thời tiết cực đoan. Một bước quan trọng trong việc làm giảm các tổn thương từ rủi ro của khí hậu là việc phát triển một hệ thống cảnh báo sớm để dự báo các sự kiện thời tiết.Theo nhóm tác giả này, tại các vùng khác nhau của châu Phi cận Sahara, những người nông dân sở hữu rất nhiều KTBĐ liên quan đến việc dự báo thời tiết và khí hậu. Họ đã phát triển những hệ thống phức tạp về thu thập, dự báo, giải thích và đưa ra quyết định liên quan đến thời tiết. Các hệ thống dự báo khí hậu này rất hữu ích đối với người nông dân trong việc giảm thiểutính dễ bị tổn thương của họ.Việc dự báo sớm được các hiện tượng thời tiết cực đoan tại địa phương sẽ giúp cho người nông dân đưa ra được các quyết định phù hợp liên quan đến các khuôn mẫu thu hoạch và quyết địnhlịch trồng trọt dựa trên các mô hình văn hóa phức tạp về thời tiết.

6.2.3. Kiến thức bản địa hỗ trợ thay đổi các chiến lược sinh kế để ứng phó với BĐKH

Các cộng đồng dân cư địa phương đã có thời gian dài thích ứng với các tác động của thời tiết và khí hậu thông qua một loạt các hoạt động trong chiến lược sinh kế của họ bao gồm đa dạng hóa cây trồng, thủy lợi, quản lý nước, quản lý rủi ro thiên tai và bảo hiểm. Tuy nhiên, khí hậu thay đổi đang đặt ra những nguy cơ và rủi ro mới nằm ngoài phạm vi của kinh nghiệm mà cộng đồng đã có, như là các tác động liên quan đến hạn hán, sóng nhiệt, cường độ bão,… Có khả năng là BĐKH sẽ làm thay đổi hệ sinh thái của việc lây truyền bệnh và khi đó những thực hành bản địa như quản lý dịch hại sẽ là chiến lược thích ứng hữu ích (IPCC, 2007b).

Jan Salick và Anja Byg (2007)đã tổng kết một số biện pháp thích ứng sáng tạo của người dân địa phương từ các địa điểm khác nhau trên thế giới như: Đa dạng các nguồn tài nguyên; Thay đổi về giống cây trồng và loài vật nuôi; Thay đổi về thời gian hoạt động sản xuất/canh tác; Thay đổi kỹ thuật như bảo quản thực phẩm, kỹ thuật thủy lợi để đảm bảo tưới tiêugiúp thay thế nền sản xuất nông nghiệp chỉ dựa hoàn toàn vào lượng mưa; Thay đổi chỗ ở, địa điểm định cư; Thay đổi về nguồn tài nguyên sử dụng và/hoặc lối sống; Trao đổi các nguồn thực phẩm và tài nguyên với bên ngoài; Quản lý nguồn tài nguyên khan hiếm vàdễ bị tổn thương.

Tương tự, Mirjam Macchi và CS (2008) cũng cho rằng việc thay đổi môi trường ảnh hưởng đến các sinh kế vốn đã được hình thành trong quá khứ của người dân địa phương, trong nhiều trường hợp, những người dân địa phương phải phát triển những chiến lược cụ thể để ứng phó với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Các chiến lược thích ứng với BĐKH của các cộng đồng bản địa bao gồm: Đa dạng hóa cây trồng/mùa vụ; Thay đổi nơi cư trú và một loạt các mô hình di chuyển; Thay đổi thời gian săn bắn và hái lượm; Thay đổi về giống và loài; Thay đổi phương pháp bảo quản thực phẩm; Thay đổi thói quen, tập quán ăn uống; Rừng như là nguồn cung cấp lương thực trong trường hợp khẩn cấp; Những thay đổi trong môi trường (các thói quen/tập quán về trồng cây có thể không còn liên quan đến tuần trăng hoặc thủy triều cao/thấp…); Tìm kiếm các nguyên vật liệu mới.

Như vậy, có thể thấy các chiến lược sinh kế nhằm thích ứng với BĐKH của các cư dân và cộng đồng địa phương được triển khai một cách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống, liên quan đến hoạt động trồng trọt và chăn nuôi (giống, kỹ thuật canh tác, lịch thời vụ,…), thay đổi nơi cư trú, phương pháp và kỹ thuật bảo quản lương thực, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguồn nước, năng lượng,…), thay đổi về thói quen, phong tục tập quán… Những chiến lược này được xây dựng dựa trên các kinh nghiệm và hệ thống KTBĐ đúc kết từ thực tiễn cuộc sống trước những thay đổi của điều kiện khí hậu tại địa phương.

6.2.4. Sự tham gia của phụ nữ trong thực hành kiến thức bản địa để ứng phó với BĐKH

Bên cạnh việc chỉ ra các chiến lược sinh kế cụ thể ứng phó với BĐKH dựa trên các thực hành KTBĐ của người nông dân, một số nghiên cứu cũng đã đề cập đến vai trò, sự tham gia của người phụ nữ trong việc sử dụng các KTBĐ để ứng phó với BĐKH. Chẳng hạn như: phụ nữ châu Phi được được biết đến trong việc sử dụng KTBĐ để giúp duy trì an ninh lương thực hộ gia đình, đặc biệt là trong thời gian hạn hán và nạn đói. Họ thường dựa vào những cây trồng bản địa có thể chống chịu nhiều hơn với hạn hán và sâu bệnh, cung cấp lương thực dự trữ trong thời gian dài trong điều kiện khó khăn kinh tế. Chẳng hạn, ở miền nam Sudan, phụ nữ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc lựa chọn tất cả các hạt giống lúa trồng mỗi năm. Họ duy trì sự phát tán của loại hạt giống sẽ đảm bảo sức đề kháng với một loạt các điều kiện thời tiết, và trong bất cứ mùa nào cũng có thể phát triển được (IPCC, 2007b:457).

E. N. Ajani và cộng sự (2013)cũng quan tâm đề cập đến yếu tố giới trong chiến lược ứng phó với BĐKH của các hộ gia đình, đó là vai trò của phụ nữ nông thôntrong sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm ứng phó với những thách thức của BĐKH. Đối với hiện tượng biến đổi lượng mưa, nghiên cứu này cũng chỉ ra một số chiến lược quan trọng của người nông dân sử dụng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn và/hoặc khả năng chịuđược áp lực nhiệt độ, tận dụng triệt để nguồn nước có sẵn và sử dụng hiệu quả, và nhiều loại cây trồng được canh tác trên cùng một thửa đất hoặc ở thửa đất khác nhau, do đó làm giảm nguy cơ mất mùa hoàn toàn bởi vì các loại cây trồng khác nhau bị ảnh hưởng khác nhau từ BĐKH. Sự thích nghiở cấp độ hộ gia đình nông dân như vậy nhằm mục đích tăng năng suất và đối phó vớicác điều kiện khí hậu hiện tại và rút ra tri thức của người nông dân và kinh nghiệm nghề nông.

6.3. Kiến thức bản địa của người dân các tỉnh NHQ trong dự báo thời tiết

Hoạt động canh tác nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam hiện nay nói chung và ở các tỉnh NHQ nói riêng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, nên những kinh nghiệm và KTBĐ trong dự báo các hiện tượng thời tiết có vai trò quan trọng đối với cộng đồng cư dân trong canh tác nông nghiệp, cũng như đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Người dân ở NHQ thường căn cứ vào các kinh nghiệm dân gian được cha ông truyền lại thông qua quan sát các hiện tượng tự nhiên từ cây cỏ, động vật, các loại côn trùng, các hiện tượng biến đổi của sắc trời, mây, gió và một số hiện tượng thiên nhiên khác để đưa ra các dự báo thời tiết phục vụ cho đời sống và sản xuất.

·    Dự báo mưa, nắng

Để dự báo nắng mưa, người dân ở một số địa phương Bắc Trung Bộ thường dựa vào quan sát biểu hiện của một số loại cây cỏ như: cỏ gà, cây ngải tướng quân, cây chuối nước, cây cỏ gừng và một số loại cây ăn quả trong vườn nhà như khế, chanh,…

Các loài động vật, côn trùng trong tự nhiên như cóc, chuồn chuồn, kiến, mối, chim muông,… cho đến những con vật nuôi trong gia đình như chó, mèo, gà,… cũng là những căn cứ quan trọng trong kinh nghiệm dân gian của người dân ở NHQ  để dự báo thời tiết mưa, nắng.

Về các hiện tượng liên quan đến những biến đổi của bầu trời, mây, gió như trăng, cầu vồng, gió Lào,… người dân ở NHQ cũng đã đúc kết những kinh nghiệm cho việc dự báo trời mưa, nắng.

·    Dự báo bão

Cây tre, cây cỏ gà, cỏ lau, cỏ ống, cây ngải tướng quân là những loại cây quen thuộc đối với người dân ở NHQ và những biểu hiện của các loại cây cỏ này có vai trò quan trọng trong kinh nghiệm dân gian để dự báo bão.

Bên cạnh quan sát biểu hiện của các loại cây cỏ, thì những loại động vật như con kiến, cá bống, cá kình, con chim hét hay còn gọi là chim két cũng là những căn cứ quan trọng trong tri thức dân gian để dự báo bão của người dân nơi đây. Thêm vào đó, cả màu sắc của bầu trời, hướng gió cũng được đúc rút thành những kinh nghiệm để báo trước cho người dân khi nào có bão, hết bão, bão to hay bão nhỏ.

·    Dự báo lũ, lụt

Các loại cây cỏ như cây chuối nước, cây cỏ gừng, cỏ gà, cỏ lau, cỏ ống, cây tre,… và một số cây trồng trong vườn như cây mít…; một số loại vật như cá bống, cá chép, con rạm, con chẫu chuộc (ễnh oàng), cóc, ếch, chim hét,… và côn trùng như kiến, con tò vò, ong…; và thậm chí là các hiện tượng có thể được nhìn và nghe thấy trên bầu trời như sấm, cầu vồng,… với những dấu hiệu cụ thể đã được người dân ở NHQ xem là căn cứ để nhận biết trong năm có mấy trận lụt, lụt to hay lụt nhỏ, khi nào hết lụt.

·    Dự báo hạn hán

Đối với hiện tượng hạn hán, người dân NHQ hầu như không căn cứ vào các quan sát từ cây cỏ, các loài vật và côn trùng, mà chỉ dựa vào các hiện tượng quan sát được từ mặt trăng vào các thời điểm cụ thể trong năm như “trăng quầng trời hạn”, và hướng xuất hiện của cầu vồng để dự báo.

·    Dự báo nhiễm mặn

Kinh nghiệm dự báo hiện tượng nước nhiễm mặn cũng đã được người dân địa phương các tỉnh NHQ đúc kết. Dựa trên quan sát cây mạ, cây lúa trên ruộng bị úa vàng hoặc bị dập đỏ, hoặc sự xuất hiện nhiều của gió Lào, hoặc quan sát nước sông thấy có màu trong và xanh, và ban đêm khỏa mặt nước thấy ánh sáng lấp lánh như đom đóm, hoặc bằng trực giác là nếm nước, hoặc nhìn thấy lớp váng trắng xuất hiện trên mặt ruộng sau khi nước trong ruộng rút cạn, người dân có thể nhận biết được nước sông bị nhiễm mặn. Đây là căn cứ quan trọng đối với họ trong việc quyết định bơm nước, hay không bơm nước vào ruộng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tri thức bản địa của người dân 3 tỉnh NHQ được đúc kết qua các câu thành ngữ, ca dao để dự đoán một số loại hình thuỷ tai trong bảng 6.2.

6.4. Kiến thức bản địa của người dân NHQ trong ứng phó với thuỷ tai do biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất

Cha ông ta từ xưa đã có tổng kết kinh nghiệm để có hiệu quả cao trong sản xuất và canh tác trồng trọt, đó là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Hiện nay, đối với các khu vực, đặc biệt như các tỉnh NHQ vùng Bắc Trung bộ, bà con nông dân phải đối mặt với những hiện tượng thuỷ tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt hơn. Những kinh nghiệm của người dân trong việc ứng phó với những hiện tượng thời tiết này đảm bảo cho canh tác được duy trì, ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ rất có giá trị. Một số kinh nghiệm của người dân được ghi nhận lại dưới đây sẽ giúp ích cho  nông dân ở các vùng đang phải chống chịu với những hiện tượng thuỷ tai biến động bất thường trong thời gian tới.

Bảng 6.2: Tri thức bản địa của cộng đồng dân cư các tỉnh NHQ

TT

Tri thức bản địa được đúc kết qua các câu thành ngữ, ca dao

Loại thuỷ tai được dự đoán

1

Cây cỏ gừng có ba đốt thì mưa, bảy đốt thì lụt

Lũ lụt

2

Hoa chuối nước mà nở trắng thì chuẩn bị có mưa to

Lũ lụt

3

Cây tre trổ hoa thì năm đấy sẽ mưa nhiều và khả năng là lụt

Lũ lụt

4

Hoa khế tàn, rụng thì có thể sắp có mưa

Mưa

5

Cóc kêu thì trời sắp mưa

Mưa

6

Con kiến chuyển trứng, tha trứng lên cao thì chuẩn bị có mưa to

Lũ lụt

7

Kiến (kiến lửa, kiến đỏ) bò lên tường là trở trời, mưa với lụt

Lũ lụt

8

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Mưa, nắng

9

Chim bay lên ngàn chẳng mưa thì gió

Mưa

10

Chó nhà mình đang nuôi mà ra ăn cỏ thì trời sẽ mưa

Mưa

11

Muốn biết trời chuẩn bị nắng ráo, hết mưa thì cứ coi gà xỉa cánh là biết

Nắng

12

Làm ruộng tháng 5 coi trăng rằm tháng 8. Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa

Mưa, nắng

13

Ráng(1) vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa

Mưa, nắng

14

Gió Lào nhiều là nắng nhiều

Nắng

15

Măng tre mà mọc ra ngoài thì năm đó không bão, không gió; Măng tre mà chen giữa bụi là chắc chắn năm đó có lụt bão

Bão, lũ lụt

16

Tháng 10 âm lịch mà là tre xanh thì vẫn còn bão, lá tre vàng mới hết bão

Bão

17

Cây cỏ gà mà chuyển sang màu trắng là có mưa bão

Bão, lũ lụt

18

Cỏ lau mọc lên, có hoa là hết lụt, hết bão

Bão, lũ lụt

19

Nhìn cây khế, năm nào quả mọc trên thân nhiều thì năm ấy sẽ có bão to

Bão

20

Nhiều cá kình là có bão to

Bão

21

Con cá bống mà có sạn trên đầu thì năm đó lũ to, hoặc bão lớn

Bão, lũ lụt

22

Mùa bão lụt nhìn về hướng Đông, mặt trời mọc thấy cái rìa quạt xanh càng lớn thì bão lớn

Bão

23

Gió hướng Tây Bắc thì sắp tới là có bão tố

Bão

24

Nếu lá mía có ngấn sâu thì lụt to, ngấn cạn thì lụt nhỏ

Lũ lụt

25

Cây cỏ gừng có bao nhiêu khúc thì có bấy nhiêu trận lụt

Lũ lụt

26

Bông lau nở hoa là hết lụt

Lũ lụt

27

Tò vò xây tổ cao thì có lụt to

Lũ lụt

28

Con ong mà làm tổ cao thì thường có lụt lớn

Lũ lụt

29

Con chẫu chuộc làm tổ đến đâu thì nước lụt đến đó

Lũ lụt

30

Cầu vồng(2) phía Đông thì có lũ to

Lũ lụt

31

Trăng quầng(3) thì hạn, trăng tán(4) thì mưa

Hạn hán, mưa

32

Cây lúa cứ đỏ dần là biết ruộng bị nhiễm nước mặn

Nhiễm mặn

33

Năm nào có gió Lào mạnh thì năm đó nước mặn

Nhiễm mặn

34

Dịp nào gió nồm thổi liên tục là ruộng bị nhiễm mặn

Nhiễm mặn

35

Nước sông có màu trong và xanh màu nước biển là nước bị nhiễm mặn

Nhiễm mặn

36

Khi nước rút, nhìn trên mặt ruộng có màu trắng như muối là ruộng bị nhiễm mặn

Nhiễm mặn

Chú thích :(1) Ráng là đám mây ở chân trời phản chiếu ánh mặt trời về đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều; (2) Cầu vồng là dải màu hình vòm thường xuất hiện khi mưa ; (3) Quầng là vòng sáng hình tròn lớn, bao quanh mặt Trăng ; (4) Tán  là vòng sáng hình tròn nhỏ, bao quanh mặt Trăng.

6.4.1. Kinh nghiệm trong làm đất

·    Ngập lụt tạo nên hiện tượng bồi lắng, giảm thiểu được sâu bệnh cho mùa vụ kế tiếp – đây cần được coi là nguồn lợi cho canh tác nông nghiệp và cần được tận dụng

Ở những vùng ngoài đê hay cửa sông, sau mỗi đợt lũ lụt, ngập úng, chất lượng đất canh tác hầu như không bị ảnh hưởng gì, thậm chí còn được cải thiện do được bồi đắp thêm phù sa. Ngoài ra, bên cạnh việc giúp tăng độ màu mỡ của đất canh tác, lũ lụt về còn mang đến một ích lợi khác đối với sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, đó là diệt được các loại sâu bọ và chuột gây hại cho mùa màng. Có thể nói, ích lợi từ phù sa về và sâu bệnh, chuột bị tiêu diệt khi có mưa lũ là những cơ hội để người nông dân có thể tận dụng canh tác tốt trong vụ kế tiếp.

·    Thau chua, rửa mặn đối với những vùng đất bị nhiễm mặn sau bão, ngập lụt, đắp lại những chỗ đất bị xói lở nhiều và bón thêm phân để tăng lại độ màu cho đất ở những ruộng bị xói lở

Ở một số vùng đất nằm ngoài đê (điển hình như Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An), lũ lụt hàng năm mặc dù làm tăng độ màu mỡ cho đất do được phù sa bồi đắp, song lượng phù sa quá nhiều cũng lại làm ảnh hưởng rất lớn đến hiện trạng đất canh tác. Vì vậy, sau mỗi đợt lũ lụt, nông dân thường phải bỏ rất nhiều công sức để cải tạo đất như xúc bỏ bớt đi những chỗ phù sa bồi lẫn cát, hoặc đắp lại những chỗ ruộng bị xói lở, bón thêm phân trâu, phân bò vào những chân ruộng bị xói lở mới được đắp lại.

Đối với những chân ruộng ở gần vùng cửa sông, cửa biển, sau hạn hán, đất có hiện tượng nhiễm mặn, nhiễm phèn, việc làm đất cần thực hiện theo kỹ thuật canh tác tuần tự theo các bước từ cày bừa, bón vôi bột để làm giảm độ phèn trong đất, sau cùng là bón phân hữu cơ để có thể cấy trồng vụ sau. Việc bón phân vô cơ được nông dân ở nhiều vùng đánh giá là không hiệu quả, chỉ lãng phí.

Kinh nghiệm của nông dân ở một số vùng về biện pháp xử lý, cải tạo đất canh tác bị nhiễm mặn là bơm nước ngọt vào ngâm trong ruộng đã được cày xới lên rồi sau đó lại tháo nước ra để rửa đất. Công việc này được lặp đi lặp lại như vậy mấy lần thì sẽ giảm được độ nhiễm mặn của đất. Việc bơm nước ngọt rửa mặn đòi hỏi phải dựa vào hệ thống thuỷ nông.

6.4.2. Kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc, bón phân

·    Sử dụng mô hình “nhà kính” bằng ni-lông mái vòm cho gieo mạ để tránh mưa, rét, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây mạ, tiết kiệm và hiệu quả hơn so với dùng tro bếp

Khi gieo mạ, nếu gặp gió mùa Đông Bắc, theo kinh nghiệm dân gian trước đây, người ta thường sử dụng tro bếp để giữ ấm cho chân mạ, tuy nhiên biện pháp này có nhược điểm là tro bếp rất dễ hút nước, làm khô ruộng nên khiến cây mạ có thể chết. Hiện nay người dân thường sử dụng tre nứa làm mái vòm và bao nilông để che phủ chống rét cho mạ thay cho tro bếp, độ an toàn sẽ cao hơn, không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây mạ. Gieo mạ cho vụ hè thu có thể gặp mưa lớn thất thường gây thiệt hại, phương pháp “bắt mạ” trong các vòm che ni-lông giúp mạ có thể phát triển bình thường, không bị thiệt hại.

Hình 6.1: Vòm ni-lông – “công nghệ” mới hiệu quả cho “gieo mạ”

Hình 6.2: Vòm ni-lông giúp cây mạ sinh trưởng tốt trong hoàn cảnh thời tiết biến đổi

·  Sử dụng màn lưới, vòm ni-lông  để che chắn cho rau màu trong điều kiện nắng nóng, hạn hán và bảo vệ rau màu nếu có bão, lụt

Kinh nghiệm trồng rau màu của người dân ở một số nơi (như Võ Ninh, Quảng Bình) là sử dụng màn lưới để che chắn cho rau màu trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời quá cao để cây trồng không bị chết.

Hình 6.3: Che lưới chống nắng, mưa cho rau màu

Hình 6.4: Đánh luống cao để tránh bị ngập úng và che lưới cho rau màu

Ngoài ra, việc đánh luống rau màu cao hơn, hoặc khơi thông mương rãnh, hoặc sử dụng tre nứa và nilông để che phủ cũng là những giải pháp giúp hạn chế tác hại của úng ngập đối với cây rau màu một cách hiệu quả.

·    Trong hoàn cảnh có ngập lụt và xâm nhập mặn, việc bón phân cho lúa hay các loại cây trồng cần được chú ý, “nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây”

Người nông dân, trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đã chia ra các giai đoạn quan trọng cần phải bón phân cho lúa, gồm: (i) giai đoạn “bón lót” trước khi xuống cấy; (ii) bón thúc sau khi cấy khoảng hai mươi, hai lăm ngày để giúp cây lúa đẻ nhánh; (iii) bón đòng khi cây lúa đã hình thành đòng. Đó là 3 giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa cần được chăm bón tốt và nó sẽ quyết định năng suất lúa.

Việc bón phân cho lúa như thế nào, bón phân loại gì cũng liên quan nhiều đến điều kiện thời tiết và chất lượng đất ruộng. Theo kinh nghiệm của nhiều người, với những ruộng có độ phì nhiêu lớn do mới được phù sa bồi đắp sau bão lụt nhưng lại có độ phèn cao thì phải giảm bón đạm, mà phải tăng bón vôi để khử chua. Ở những thửa ruộng không màu mỡ, bị xói mòn do lũ thì phải bón nhiều phân chuồng, kết hợp với các loại phân đạm và kali. Nếu ruộng trũng, có độ phì cao, bón nhiều đạm thì sẽ làm cây lúa tốt lá, mềm yếu và dễ sinh các loại sâu hại như rệp, rầy nâu hoặc bệnh khô vằn… đặc biệt có thể phát sinh mạnh trong thời tiết nóng kéo dài sau bão.

Điều kiện thời tiết như nắng, mưa, gió… cũng là những yếu tố được người dân quan tâm xem xét khi quyết định có bón phân cho lúa hay không. Bởi vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tác dụng của các loại phân bón đối với sự phát triển của cây lúa. Kinh nghiệm của nông dân là chỉ bón phân sau mưa, trước khi mưa hay còn có dấu hiệu mưa bão lớn thì không nên bón phân.

Tóm lại, theo kinh nghiệm nhà nông, việc bón phân cho cây trồng cần được hết sức lưu ý, dựa vào việc quan sát ba yếu tố “nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây” để quyết định.

6.4.3. Kinh nghiệm điều chỉnh lịch thời vụ

Người dân đều biết điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và diễn biến tình hình thời tiết là những căn cứ quan trọng để xác định thời vụ gieo trồng. Cụ thể là: Chất đất có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng, đất thịt thì cây trồng sẽ phát triển nhanh, đất bùn thì cây phát triển chậm hơn. Cộng thêm với điều kiện thời tiết nóng hay lạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Nếu hiểu biết rõ về chất đất ở địa phương, có được những thông tin về thời tiết, người dân sẽ tính toán được thời vụ, thời điểm gieo trồng để tránh được sâu bệnh và tránh cả lũ lụt.

·    Trong canh tác lúa, lịch thời vụ được điều chỉnh sớm hơn để thu hoạch vụ mùa trước khi mưa lũ đến

Hiện nay, ở NHQ mùa lũ có xu hướng đến sớm hơn những năm trước đây, ngập lụt hàng năm thường rơi vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, nên lịch thời vụ trồng lúa thường được được tính toán để đảm bảo tránh được ngập lụt. Nông dân ở nhiều nơi đã chia sẻ kinh nghiệm là vụ chiêm (hay vụ Đông xuân) thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch năm sau thì thu hoạch. Đây cũng là thời điểm trước khi xuất hiện lũ tiểu mãn trên các sông của miền Trung. Vụ Hè thu thường được gối liền ngay sau đó. Khi lúa chiêm còn chưa thu hoạch thì đã gieo mạ để chuẩn bị cho vụ Hè thu, phải đảm bảo vụ Hè thu được thu hoạch vào tháng 7, trước tháng 8 âm lịch để còn kịp tránh mùa mưa lũ.

Có những địa phương (như Hưng Nguyên, Nghệ An), căn cứ trên điều kiện tự nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng, và khí hậu, nông dân đã áp dụng lịch thời vụ sớm hơn so với lịch thời vụ chung của toàn tỉnh để tránh thiệt hai do lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, thường mưa lũ về nhiều, có thể không canh tác lúa để tránh bị thiệt hại, có thể chuyển sang các hình thức nuôi tôm, cua, cá nhưng có các điều kiện ứng phó với mưa, ngập lụt.

Lịch thời vụ và điều chỉnh lịch thời vụ cần được chính quyền địa phương từ huyện đến xã, ban khuyến nông xã xây dựng và chỉ đạo nhân dân thực hiện dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn tình hình bão lũ của địa phương nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lụt gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, trước khi ban hành lịch thời vụ hàng năm chính quyền địa phương cũng cần tham vấn ý kiến của bà con nông dân, để đảm bảo mọi xã viên trong Hợp tác xã đều đồng tình và tuân thủ theo lịch thời vụ đã đề ra. Sản xuất cần đi đồng bộ, nếu sản xuất nhỏ lẻ, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

·    Chuyển đổi mùa vụ để tránh bớt thiệt hại

Bên cạnh canh tác lúa, nông dân ở nhiều địa phương vùng Bắc Trung Bộ đang  chuyển sang trồng rau màu thương mại (ví dụ ở Võ Ninh, Quảng Bình). Rau màu chủ yếu được trồng vào vụ Hè. Sang vụ Đông tháng 8 và 9 âm lịch, đối với những khu vực trũng thấp nông dân thường chuyển sang trồng rau màu để tránh bị ngập úng, đó cũng là giải pháp ứng phó với BĐKH. Các cây được trồng nhiều là cải, rau má, ớt, mướp, đậu, vừng.

6.4.4 Kinh nghiệm trong chọn giống cây trồng

·    Chọn lựa các giống cây trồng phù hợp với loại đất phù sa được bồi đắp sau bão, lũ lụt

Sau lũ lụt, nếu đất phù sa bồi quá lớn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc canh tác, lựa chọn giống cây trồng phù hợp cho đất mới bồi. Đặc điểm của đất phù sa là rất rắn, dẻo và quoánh không thích hợp với cây lạc – một loại cây trồng phổ biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đất phù sa lại rất thích hợp cho cây ngô sinh trưởng và phát triển nhanh.

·    Các giống lúa ngắn ngày được sử dụng thay giống lúa dài ngày

Trong bối cảnh có biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường, mùa lũ đến sớm, người nông dân ở các địa phương NHQ đã chuyển đổi sang trồng những giống lúa ngắn ngày. Giống lúa này có thể xem là một trong những lựa chọn tối ưu, là cứu cánh trong vụ hè thu để tránh thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Mặc dù so với các giống lúa dài ngày thì giống lúa ngắn ngày năng suất không bằng, nhưng đảm bảo có thể thu hoạch được trước mùa mưa bão và lũ lụt, tránh tình trạng mất trắng do thiên tai. Sử dụng giống lúa ngắn ngày có thể xem như là một kinh nghiệm “sống chung với lũ” của bà con ở những vùng chịu ảnh hưởng mạnh từ thuỷ tai.

Vụ Đông Xuân, nếu căn cứ vào điều kiện thời tiết thuận lợi, có thể cấy giống lúa dài ngày cho năng suất cao, nhưng nếu không thuận lợi thì nên đổi sang giống lúa ngắn ngày, thu hoạch sớm để chuyển sang vụ Hè thu sớm. Hiện ở nhiều địa phương, đã cấy giống ngắn ngày, thay vì giống cũ có thời gian sinh trưởng lên tới 150-160 ngày thì với giống lúa mới, thời gian cho một vụ chỉ còn kéo dài 120-130 ngày.

·    Đối vớicanh tác cây màu vụ Đông cũng chọn những giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, đảm bảo thu hoạch trước khi lũ về

Cũng giống như cây lúa, các cây trồng vụ Đông như ngô, lạc, kê, đỗ… được người dân Nghệ An lựa chọn để canh tác cũng đều là những giống ngắn ngày để đảm bảo có thể thu hoạch trước khi có lũ lụt về.

Hình 6.5: Cây màu vụ Đông trồng xen canh ngô, lạc

Với rau màu, người dân cũng phải căn cứ vào điều kiện thời tiết để lựa chọn giống cây cho phù hợp để có được hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn như mùa hè thì nên trồng rau muống hoặc chuối vì đây là những cây có thể chịu được điều kiện nắng hạn, trong khi mùa đông thì các loại rau cải, bắp cải, bầu bí… lại thích hợp hơn.

Hình 6.6: Rau bắp cải vụ đông

Trong kinh nghiệm, giống cây trồng được xem là yếu tố thứ tư trong quyết định mùa màng bội thu, thì đối với bà con ở các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều từ thuỷ tai, sử dụng giống cây trồng ngắn ngày được xem như là một biện pháp tối ưu, ảnh hưởng quyết định đến việc phòng tránh thiệt hại của thiên tai, cho dù năng suất cây trồng có thể thấp hơn so với những giống cây trồng dài ngày. Thực tế một vài năm qua cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc sử dụng giống ngắn ngày, giúp nông dân yên tâm thu hoạch lúa Hè thu, giảm bớt thiệt hại bởi mưa bão và lũ lụt gây ra.

6.4.5 Kinh nghiệm thu hoạch và bảo quản trong điều kiện có lũ lụt, bão, hạn hán, xâm nhập mặn…

·    “Xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do bão, lũ lụt

Đến mùa thu hoạch, khẩu hiệu người dân vùng lũ thường sử dụng là “Xanh nhà hơn già đồng”, nghĩa là vào mùa mưa bão, lũ lụt, căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết trên đài, báo, thường phải chấp nhận việc thu hoạch sớm ngay cả khi lúa còn non, có thể chưa chín hết cho dù việc này có thể làm giảm năng suất. Ngay cả với cây lúa đã bị ngâm trong nước lũ, cũng cần cố gắng thu hoạch, nếu không làm lương thực cho người thì làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

Hình 6.7: Thu hoạch sớm lúa Hè Thu

 

·    Sử dụng quạt điện và bóng điện công suất lớn để phơi sấy thóc trong hoàn cảnh mưa, lũ lụt

Với lúa thu hoạch trong điều kiện có mưa lụt, không thể sấy khô bằng ánh nắng mặt trời, thì có thể sử dụng quạt và bóng điện công suất lớn để sấy, tránh cho lúa bị mốc và mọc mầm.

·    Đóng “chạn” hay làm kho trên nóc nhà, hoặc xây nhà chòi để cất trữ lúa và các vật dụng gia đình khi có lũ lụt

Đây là hình ảnh tương đối phổ biến ở những địa phương chịu ảnh hưởng mạnh từ thuỷ tai ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Các hộ gia đình đã đầu tư xây dựng một phần nhà cao tầng hoặc căn nhà chòi (nhà dựng trên 4 cộc cao) để làm nơi cất trữ lương thực, nơi trú ẩn cho gia súc, gia cầm và các thành viên trong hộ gia đình khi có bão lũ.

Hình 6.8: Chòi cao để cất thóc, lúa, phòng tránh bão lụt

6.5. Kiến thức bản địa ứng phó với thuỷ tai do biến đổi khí hậu trong các hoạt động sống

6.5.1. Nhiễm mặn tăng, rươi xuất hiện nhiều – nguồn lợi thuỷ sản của các địa phương vùng có môi trường nước lợ

Tại các địa phương ở các vùng cửa sông, cửa biển, con rươi (rồng đất) có điều kiện phát triển vì là động vật sống trong môi trường nước lợ. Loài này có giá trị kinh tế tương đối cao hơn nay (khoảng 350.000 đến 400.000 đồng/kg). Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng và lấn sâu vào các vùng cửa sông, “cơ hội” con rươi xuất hiện nhiều hơn. Để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lợi này, trước hết cần xác định thời điểm xuất hiện của rươi để chủ động đón mùa thu hoạch rươi, ví dụ ở Nghệ An, rươi xuất hiện từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm và theo chu kỳ lên xuống của thủy triều. Tại Hà Tĩnh, rươi xuất hiện ít hơn, vào khoảng 21-22 tháng 8 âm lịch thường là sau khi trời có mưa.

6.5.2 Điều chỉnh “lịch thời vụ” để nuôi cá, nuôi tôm hiệu quả

Ở nhiều địa phương ven biển của các tỉnh NHQ, người dân dành một diện tích nhất định để nuôi thả cá, hoặc làm đầm nuôi tôm. Song do điều kiện hàng năm phải chịu cảnh ngập lụt và ảnh hưởng của mưa bão, nên chỉ nuôi cá trong 2 vụ là vụ Xuân và vụ Hè thu. Vụ Xuân là vụ chắc chắn, điều kiện thời tiết thuận lợi và thường thu hoạch tốt. Vụ Hè thu thì khả năng thu hoạch bấp bênh. Nếu mưa lũ đến sớm, có thể bị thiệt hại.

Hình 6.9: Con rươi, còn được gọi là “con rồng đất”

Cũng do mưa lũ thất thường, ở nhiều địa phương phải lựa các giống cá lớn và phải thả sớm để đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão. Tại xã Võ Ninh ở Quảng Bình có một kinh nghiệm được ghi nhận là xây dựng lịch thời vụ nuôi thủy hải sản, đảm bảo nuôi cá, tôm đúng thời vụ để có thể thu hoạch sớm tránh lũ. Chẳng hạn như nuôi tôm phải đảm bảo thời gian nuôi từ 3 đến 4 tháng và phải thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 khi lũ chưa về.

6.5.3 Nuôi trồng xen canh để tăng hiệu quả và tăng thu nhập

Hiện nay, tại nhiều hộ gia đình, người dân phân chia lịch nuôi trồng xen canh cho những loại giống thuỷ hải sản thích hợp vào các vụ trong năm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời cũng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Ví dụ, lịch nuôi tôm sú thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch để tránh mùa mưa bão. Từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán là nuôi xen canh cua bể và tôm đất. Đây là những kinh nghiệm quý báu đã đúc rút được trong quá trình sản xuất và thích ứng với thuỷ tai do biến đổi khí hậu xảy ra ở địa phương, nên áp dụng và nhân rộng mô hình kinh nghiệm này cho các nơi khác.

6.5.4. Chuyển đổi chân ruộng từ trồng lúa sang nuôi thuỷ sản nước lợ nếu ngập mặn gia tăng

Một số địa phương ở ven biển tỉnh Quảng Bình, có điều kiện tương tự như xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản được triển khai trên quy mô lớn và đa dạng để có thể tận dụng tối đa mọi nguồn lợi trong điều kiện có những biến đổi khí hậu và thiên tai. Tại những chân ruộng sâu, không ngập mặn, người dân cấy trồng một vụ, còn một vụ thì thả cá nước ngọt. Đối với những chân ruộng bị ngập mặn gia tăng, không thể trồng lúa, bà con biến thành các đầm nuôi tôm nước lợ.

Hình 6.10: Mô hình nuôi xen canh tôm sú (a và b), cua biển (c) và tôm đất (d)

Hình 6.11: Chân ruộng ngập mặn được chuyển thành đầm nuôi tômtại Võ Ninh

6.5.5 Chuẩn bị thức ăn dự trữ và phòng bệnh cho tôm, cá khi mưa bão đến

Những ngày mưa lũ, các hộ gia đình nuôi cá lồng phải chuẩn bị trước thức ăn dự trữ cho cá. Thường dùng cám gạo và thân cây chuối sứ băm thái nhỏ làm thức ăn cho cá. Dùng thân cây chuối sứ làm thức ăn cho cá, theo người dân không chỉ giúp cho cá to, béo mà còn làm sạch ruột và để cá ăn cho khỏi đau bụng.

Hình 6.12: Quạt nước để cung cấp thêm không khí cho đầm tôm

Trong hoàn cảnh lũ lụt, thủy sản nuôi trồng như tôm, cua thường rất dễ bị dịch bệnh. Kinh nghiệm là sử dụng vôi bột và máy quạt không khí để khử trùng cho hồ nuôi bị nhiễm bẩn và các loại loại thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho các vật nuôi và khả năng miễn dịch bệnh cao hơn.

Tuy nhiên, việc tạt vôi bột và sử dụng máy quạt không khí phải được thực hiện giữa lúc trời đang mưa, hoặc sau lúc mưa, còn nếu làm trước lúc mưa sẽ gây thiệt hại cho tôm.Theo những hộ gia đình nuôi tôm lâu năm, hiện tượng nhiễm mặn quá mức ở các hồ nuôi sẽ khiến cho con tôm chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả nuôi. Hiện tượng này được người nuôi nhận biết thông qua các thiết bị đo độ mặn. Giải pháp đối với việc xử lý nước hồ nuôi nhiễm mặn là chủ động khoan giếng ngầm để lấy nước ngọt để trung hoà, làm giảm độ mặn của nước hồ tôm.

6.5.6 Đóng cọc và chằng phao cho các bè cá trong mùa mưa lũ

Ở những vùng cửa sông, cửa biển, phương pháp nuôi cá lồng bè sẽ rất hiệu quả vừa cho cá được phát triển trong môi trường tự nhiên nước động, vừa tận dụng được thức ăn tự nhiên cho cá.

Tuy nhiên, để ứng phó với bão, lũ và lụt nước dâng, người dân thường đóng cọc bê tông, cọc sắt hoặc cọc tre chắc cho khu vực bè cá. Các bè cá được chằng, neo chắc chắn vào những cọc này, không sợ lũ về cuốn trôi. Dưới đáy bè gắn thêm các thùng phi nhỏ với mục đích là những chiếc phao đảm bảo giữ bè ở mực nước nhất định khi nước dâng cao.

Hình 6.13: Nuôi cá lồng bè ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình

Tuy nhiên, để ứng phó với bão, lũ và lụt nước dâng, người dân thường đóng cọc bê tông, cọc sắt hoặc cọc tre chắc cho khu vực bè cá. Các bè cá được chằng, neo chắc chắn vào những cọc này, không sợ lũ về cuốn trôi. Dưới đáy bè gắn thêm các thùng phi nhỏ với mục đích là những chiếc phao đảm bảo giữ bè ở mực nước nhất định khi nước dâng cao.

6.5.7 Làm đê bao, giăng lưới etilen cho các hồ/ đầm nuôi tôm

Đối với những hộ nuôi tôm, cua - thủy hải sản nước lợ, trên diện tích đồng nhiễm mặn được quy hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi thủy sản, người dân quai đê bao, đóng cọc và sử dụng lưới giăng etilen để rào chắn cao hơn một mét từ mặt đê bao nhằm hạn chế việc tôm bị thất thoát khi nước lũ lên cao.

Ở một số địa phương, nhiều hộ gia đình đã đầu tư lớn, xây hẳn tường bao quanh dạng đặc biệt và chăng lưới chắc chắn để nuôi cá giống hoặc nuôi cá, tôm với quy mô lớn như mô hình trang trại trong hoàn cảnh thường xuyên có bão, lũ, lụt.

Hình 6.14: Đầm tôm với đê bao và lưới giăng phòng bão, lụt


Hình 6.15: Tường bao quanh hồ nuôi cá giống của một hộ gia đình ở Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình

 

<Về đầu trang>  <Tiếp Chương 7>