- Trang chủ
- Dự án FIRST
- Thông tin Nội bộ
- BKTT_VN
- Dự báo nội mùa và dự báo mùa
- Đề tài QG.22.81
- Dự án 11-P04-VIE
- Giới thiệu DA 11-P04-VIE
- Báo cáo tổng kết dự án
- Mở đầu
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Kết luận
- Phụ lục
- Điều tra khảo sát thực địa
- Hệ thống TTNBTG (PIS)
- Kết quả và tài liệu
- Các công trình công bố
- Dự báo thời tiết
- Ảnh thực địa và tài liệu khác
- Tin tức và sự kiện
- Kiến thức về Biến đổi Khí hậu
- Các thành viên tham gia Dự án
- Liên hệ
- Dành cho Sinh viên
Số người đang truy cập
Hiện tại có 43 người đang truy cập, trong đó có 0 thành viên.Tổng số truy cập 4361193
CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DỰ ÁN
1.1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là sự biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan là một trong những mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Nhiều bằng chứng cho thấy, BĐKH đã và đang có tác động đáng kể với xu hướng ngày càng gia tăng, đến nền kinh tế quốc dân, thậm chí còn tác động mạnh hơn đến sinh kế của những nhóm dân cư nghèo ở khu vực nông thôn. Nhận thức được các nguy cơ trên, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với BĐKH và nước biển dâng (NBD), mà một trong những mục tiêu của nó là nhằm nâng cao năng lực thích ứng và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do BĐKH của các địa phương trên cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra Khung Kế hoạch Hành động thích ứng và giảm thiểu BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020. Cộng đồng quốc tế đã và đang tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững các địa phương, đặc biệt là những khu vực kém phát triển và nghèo khó.
Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình có dân số khoảng 5,2 triệu dân, trong đó khoảng 70% đang sinh sống ở các vùng đồng bằng và ven biển, với đại bộ phận cư dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Do điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội, NHQ nằm trong số những tỉnh có GDP bình quân đầu người ở vị trí áp chót của Việt Nam. Với đường bờ biển dài hơn 350 km tiếp giáp Biển Đông, vùng đồng bằng và ven biển của những tỉnh này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Chỉ trong năm 2010, vùng ven biển NHQ đã hứng chịu hai sự kiện trái ngược: một đợt hạn hán kéo dài trong tháng 6-7 và 2 đợt lũ, lụt mạnh liên tiếp trong tháng 10. Đợt nắng nóng từ ngày 12 đến 20 tháng 6 đã gây thiệt hại khoảng 30.000 ha lúa vụ hè thu. Trong tháng 10, 2 đợt lũ, lụt liên tiếp do mưa lớn (800 - 1.658 mm) đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vùng ở NHQ: trên 155.000 ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn người phải sơ tán, 66 người chết.
Trong tương lai, BĐKH còn có thể tác động xấu đến một số cộng đồng, trong đó có những nơi có thể chịu tổn thương nặng và biện pháp thích ứng dài hạn tốt nhất cho họ là tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai và thúc đẩy việc phát triển sinh kế bền vững. Trong bối cảnh mà nông nghiệp và thủy sản, hai hệ thống sản xuất chính (đóng góp tới 35,5% GDP), chủ yếu dựa vào nguồn nước (cả số lượng và chất lượng), thì những kinh nghiệm tích lũy được trong việc đối phó với thiên tai và những kiến thức bản địa của cộng đồng cư dân đồng bằng và ven biển NHQ có vai trò quyết định trong việc duy trì cuộc sống của họ cho đến nay. Tuy nhiên, tác động của thiên tai nói chung và thuỷ tai (lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,...) nói riêng gây nên bởi BĐKH rất có thể sẽ làm trầm trọng hơn tính dễ bị tổn thương đối với cộng đồng. Do đó, điều quan trọng là cần xác định xem những kiến thức bản địa nào được tích lũy từ đời này qua đời khác trong việc ứng phó với thiên tai có thể nhân rộng trong bối cảnh mới này.
Do bản chất liên ngành và tính chất phức tạp, các chương trình nghiên cứu và thích ứng với BĐKH ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như: về mặt khoa học chưa có được sự hiểu biết một cách cơ bản và đầy đủ mối tương tác phức tạp giữa các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội trong bối cảnh BĐKH; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu sự hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực và đặc biệt là thiếu cơ sở hạ tầng về số liệu không gian cũng như những công cụ hữu hiệu có thể áp dụng trong quá trình ra quyết sách như hệ thống thông tin nhiều bên tham gia.
Khái niệm “hệ thống thông tin nhiều bên tham gia” (PIS) gần đây đã được hình thành và phát triển trong lĩnh vực môi trường và quản lý rủi ro, nhưng hầu như vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hơn nữa, những vấn đề liên quan đến việc đánh giá BĐKH và tác động của thuỷ tai, đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH,... cũng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh NHQ. Tính dễ bị tổn thương do thuỷ tai được hiểu như là mức độ mà một hộ gia đình, một nhóm cộng đồng hay một quốc gia dễ bị tổn hại bởi, hoặc không thể chống chọi với những ảnh hưởng của thuỷ tai gây nên do BĐKH. Tính dễ bị tổn thương mang tính đa ngành (kinh tế, chính trị và xã hội) và đa cấp (cá nhân, hộ gia đình, nhóm người hay cộng đồng). Các tài liệu hiện có chỉ ra rằng những tác động bất lợi của BĐKH rất khác nhau giữa các nhóm kinh tế - xã hội, trong đó các nhóm nghèo khó và kém phát triển (về chính trị, xã hội) sẽ rất dễ bị tổn thương. Đặc biệt đối với Việt Nam, như Fortier (2010) nhận xét, những người nghèo thường bộc lộ rõ và nhạy cảm với BĐKH. Từ những điều tra thực địa ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam, Few và Tran (2010) đã cho thấy một trong những vấn đề chính mà thông qua đó sự nghèo khó làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương hơn là vị trí địa lý của các hộ dân cư nằm trong những vùng chịu ảnh hưởng của bão, lụt.
Từ đó nảy sinh những vấn đề cần giải quyết là: 1) Nghiên cứu liên ngành nào có thể đóng góp làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ nói riêng và ở Việt Nam nói chung; 2) Làm thế nào để lôi kéo các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cư dân địa phương vào kế hoạch hành động làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH ở các vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ?; 3) Làm thế nào để chuyển tải những thông tin đa ngành về dạng đơn giản, dễ truy cập và sử dụng được cho cộng đồng, biến chúng thành những công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân ở các tỉnh NHQ? Để giải quyết các vấn đề trên cần làm rõ mối tương tác giữa ba nhóm hưởng lợi (cộng đồng địa phương, chính quyền và các nhà khoa học) dựa trên các giả thiết sau:
1) Những hiện tượng cực đoan liên quan đến chế độ thủy văn có thể gia tăng do BĐKH và có tác động xấu hơn đến hệ thống sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các tỉnh NHQ. Hiểu biết đầy đủ những tác động này, và nếu được truyền thông hiệu quả, sẽ góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng và ven biển các tỉnh NHQ.
2) Cộng đồng địa phương có nhu cầu đối với hệ thống thông tin nhiều bên tham gia, trong đó tích hợp công nghệ, kiến thức khoa học liên ngành và đa ngành với những kinh nghiệm bản địa. Việc tích hợp như vậy có thể cung cấp công cụ hữu hiệu nhằm tăng cường tính chống chịu của cộng đồng đối với tác động của BĐKH, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững địa phương bằng biện pháp mọi người cùng chung sức xây dựng.
3) Các hiện tượng cực đoan liên quan đến thuỷ tai có thể tác động theo những cách khác nhau tới các nhóm bị tổn thương dưới các hình thức mất sinh kế, tài sản và việc làm. Các nhóm dễ bị tổn thương ở đây có thể được xác định trên cả mặt xã hội và phân bố không gian.
4) Tác động của BĐKH có thể được phân tích rộng hơn trong mối quan hệ tương tác với các nhân tố kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó những nỗ lực thích ứng với BĐKH cần phải được định hướng toàn diện, bao gồm cả việc đánh giá thực tiễn quản lý tài nguyên và hỗ trợ cho việc quản lý môi trường.
1.2. Cơ sở đề xuất và hình thành dự án
Dự án được đề xuất và hình thành trên cơ sở Hiệp định khung của Chương trình hợp tác nghiên cứu thí điểm giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch, trong đó qui định cơ quan thụ hưởng dự án phải tổ chức và thực hiện dự án theo đúng các nội dung và kinh phí đã được phê duyệt. Phía tài trợ (Đan Mạch) sẽ tổ chức kiểm toán độc lập khi kết thúc dự án. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là cơ quan chủ trì dự án cam kết sẽ thực hiện các ràng buộc này với nhà tài trợ.
Việc phát triển năng lực nghiên cứu cho các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam là một trong những định hướng ưu tiên trong Hiệp định khung hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH. Chương trình hợp tác nghiên cứu thí điểm Việt Nam – Đan Mạch đã lựa chọn chủ đề “Biến đổi khí hậu, bao gồm ứng dụng công nghệ”. Các vấn đề nghiên cứu của dự án hoàn toàn phù hợp với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.
Sau khi bản đề xuất của dự án đã được đánh giá qua các vòng phản biện độc lập từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như phía nhà tài trợ Đan Mạch, dự án đã được cả phía nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam phê duyệt cho phép thực hiện dưới sự giám sát của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội (Cơ quan Chủ quản), trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (Cơ quan Chủ trì) và Trung tâm quản lý quĩ học bổng Chương trình hỗ trợ phát triển Đan Mạch (DFC).
1.3. Giới hạn địa bàn và thời gian nghiên cứu
Địa bàn nghiên cứu và thực hiện dự án là vùng ven biển phía Bắc miền Trung, gồm các tỉnh NHQ, trong đó 3 xã được lựa chọn để triển khai thí điểm là: xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sau đây gọi tắt là vùng dự án. Thời gian nghiên cứu và thực hiện dự án là từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 7 năm 2016.
1.4. Mục tiêu của Dự án
1.4.1. Mục tiêu tổng quát
1) Xây dựng cách tiếp cận nhiều bên hưởng lợi tham gia vào việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do BĐKH phục vụ phát triển ở qui mô địa phương;
2) Nâng cao khả năng ứng phó của chính quyền và cộng đồng địa phương đối với tác động của BĐKH;
3) Góp phần triển khai thực hiện các hoạt động: Đánh giá tác động của BĐKH ở Việt Nam, tăng cường năng lực cho các tổ chức, cơ quan và chính quyền về BĐKH và nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với BĐKH ở các tỉnh NHQ.
1.4.2. Mục tiêu cụ thể
1) Đánh giá được tác động của BĐKH đến thuỷ tai và hệ quả của nó đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các tỉnh NHQ;
2) Xây dựng một mô hình làm việc nhóm bao gồm các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng địa phương để tích hợp các kinh nghiệm bản địa và các kiến thức khoa học;
3) Thiết lập một hệ thống thông tin nhiều bên tham gia phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ quá trình ra quyết định và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và hỗ trợ năng lực cho chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc áp dụng công nghệ mới;
4) Phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thích ứng với BĐKH.
1.5. Phương pháp nghiên cứu
1.5.1. Phương pháp thu thập, thống kê, tổng hợp tài liệu
Trong phạm vi dự án, các nguồn dữ liệu, tài liệu được thu thập bao gồm cả về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu của dự án, từ cấp tỉnh đến cấp huyện (Hưng Nguyên, Đức Thọ, Quảng Ninh) và cấp xã (Hưng Nhân, Yên Hồ, Võ Ninh). Đó là số liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn, bản đồ các loại, niên giám thống kê đến cấp huyện, các văn bản, tài liệu liên quan đến qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, v.v. Tất cả các số liệu, tài liệu sau khi thu thập được thống kê và tổng hợp để đưa ra bức tranh tổng quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cũng như những tác động của BĐKH lên khu vực nghiên cứu.
Việc phân tích và tổng hợp các tài liệu, các công trình nghiên cứu trước mang lại một số lợi ích cơ bản: giúp tránh sự trùng lặp; kế thừa các kết quả nghiên cứu trước; biết được những vấn đề tồn tại của các nghiên cứu trước đó và định hướng được các nghiên cứu ở mức độ phát triển cao hơn. Các tài liệu này liên tục được cập nhật, bổ sung và được phân tích một cách chi tiết để tìm ra các nội dung phù hợp và cần thiết.
1.5.2. Phương pháp điều tra khảo sát thực địa
Hầu hết các hoạt động của dự án đều gắn liền với việc điều tra khảo sát thực địa. Việc điều tra, khảo sát thực địa nhằm bổ sung thông tin chi tiết cho các hoạt động nghiên cứu của dự án. Các hình thức khảo sát thực địa được thực hiện theo các chuyên đề, như đánh giá tổng quan, khí tượng, thuỷ văn, điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu,... Các đợt khảo sát thực địa có thể được tổ chức phối hợp giữa các nhà khoa học Đan Mạch và Việt Nam. Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế sẽ giúp làm rõ hơn về các đặc điểm điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, các biểu hiện và tác động của BĐKH, vấn đề quản lý tài nguyên đất và nước thích ứng BĐKH, đồng thời sẽ được sử dụng trong quá trình nghiên cứu của dự án. Các đợt khảo sát chính đã được thực hiện tại ba tỉnh NHQ được trình bày trong bảng 1.3.
1.5.3. Phương pháp tham vấn ý kiến chuyên gia
Trong thiết kế và phân tích nghiên cứu, cũng như trong quá trình thu thập dữ liệu, những đóng góp chuyên môn của các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau (tài nguyên, môi trường, khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, thủy sản,...) là rất quan trọng. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, do vậy rất cần kiến thức chuyên sâu để đánh giá các nguồn tác động và mức độ tác động của nó. Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia, một trong những nội dung chính của dự án cũng cần phải có sự đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học am hiểu về vấn đề này. Tham vấn ý kiến chuyên gia có thể dưới hình thức cố vấn chuyên môn hoặc thông qua các hội thảo, seminar khoa học.
1.5.4. Phương pháp bản đồ và GIS
Việc ứng dụng các phần mềm, xây dựng các bản đồ cùng các phép phân tích không gian trong môi trường GIS và thể hiện kết quả nghiên cứu trên bản đồ rất hữu ích cho mục đích nghiên cứu ứng phó với BĐKH ở ba tỉnh NHQ.
Bản đồ không chỉ là phương tiện phản ánh những đặc điểm không gian về các dạng tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, mà còn là cơ sở để mô phỏng, dự báo các vấn đề đó. Để thể hiện một cách khoa học và chính xác trong nghiên cứu, phương pháp bản đồ và GIS đòi hỏi phải sử dụng kết hợp các mô hình bản đồ, các loại bản đồ với các phần mềm thành lập, biên tập chuyên dụng. Dự án đã sử dụng các phần mềm chuyên dụng như MapInfo, ArcGis, ArcView trong việc xây dựng bản đồ tổn thương ngập lụt trên lưu vực, bản đồ xâm nhập mặn, v.v. trên khu vực nghiên cứu.
1.5.5. Phương pháp điều tra xã hội học
Thông tin đa chiều về tác động của BĐKH và tính dễ bị tổn thương, về kế hoạch hành động làm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, đặc biệt là các cộng đồng nghèo khó ven biển miền Trung, nơi mà cư dân địa phương sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản,... sẽ được thu thập thông qua các chuyến khảo sát, điều tra bằng phiếu câu hỏi và phỏng vấn sâu đối tượng một cách trực tiếp. Việc xử lý thống kê bộ phiếu điều tra trong vùng dự án đã đem lại những kết quả rất lý thú về nhận thức của người dân đối với BĐKH, về kiến thức bản địa, v.v… Điều tra xã hội học được tiến hành chủ yếu tại ba xã nghiên cứu thí điểm.
1.5.6. Phương pháp mô hình toán
Mô hình toán là phương pháp chủ đạo trong nghiên cứu mô phỏng, dự báo và dự tính BĐKH, chế độ thủy văn, thuỷ lực các sông lớn trong vùng nghiên cứu. Trong dự án này đã sử dụng các mô hình khí hậu khu vực CCAM, RegCM, MM5, REMO (trong dự tính BĐKH), mô hình thuỷ văn MIKE (trong mô phỏng và dự tính xâm nhập mặn, ngập lụt), và một số mô hình khác. Các mô hình được kiểm chứng bằng số liệu đo đạc thực tế từ các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, kết hợp với số liệu khảo sát thực địa tại vùng dự án, vì vậy kết quả chạy mô hình là đáng tin cậy.
1.6. Các nội dung nghiên cứu chính của Dự án
Các hoạt động của dự án có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm các hoạt động chung có sự liên kết giữa các nội dung công việc và nhóm các hoạt động riêng biệt theo từng nội dung. Những hoạt động chung bao gồm tổng quan tài liệu, thu thập dữ liệu, nghiên cứu thực địa, hội nghị, hội thảo, seminar khoa học, đào tạo, tập huấn, truyền thông, trao đổi khoa học, v.v.
Tất cả các hoạt động của dự án được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các sở, ngành có liên quan thuộc các tỉnh NHQ, như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, Chi cục thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh,… Ngoài ra, khi tiến hành điều tra khảo sát đến cấp huyện, xã và hộ gia đình dự án cũng đã phối hợp với chính quyền các cấp tương ứng. Những hoạt động đòi hỏi sự phối hợp bao gồm: 1) Thiết kế hệ thống thông tin nhiều bên tham gia; 2) Thu thập dữ liệu kinh tế - xã hội, các văn bản liên quan đến chính sách địa phương về BĐKH, phòng tránh thiên tai; 3) Điều tra hộ gia đình về sinh kế và tri thức bản địa; 4) Đo đạc, khảo sát thực địa,... Các hoạt động nghiên cứu của dự án được trình bày tóm tắt dưới đây.
1.6.1. Điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp dữ liệu (WP1)
Những công việc chính của nội dung này là điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu và tài liệu từ tất cả những nguồn hiện có ở các tỉnh NHQ, sắp xếp, bố cục lại, kiểm định chất lượng và đánh giá nhu cầu thông tin, dữ liệu đối với các bên hưởng lợi.
Đối với nhóm mô hình hóa BĐKH và đánh giá tác động, cần phải thu thập chuỗi thời gian các bộ số liệu khí tượng thủy văn trên toàn khu vực ba tỉnh NHQ. Số liệu bản đồ bao gồm bản đồ địa hình có độ phân giải đến cấp xã, các bản đồ chuyên đề, số liệu thống kê về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội ở qui mô cấp huyện và cấp xã cũng đã được thu thập.
Việc điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu được dựa trên cách tiếp cận nhiều bên tham gia và nghiên cứu thực địa tại địa phương. Việc khảo sát thực địa và điều tra hộ gia đình được thực hiện kết hợp với nghiên cứu tính dễ bị tổn thương. Số liệu nền về kinh tế - xã hội và kiến thức bản địa được thu thập thông qua điều tra phỏng vấn ở các địa phương trong quá trình thu thập dữ liệu. Toàn bộ dữ liệu và tài liệu thu thập đã được chuẩn hóa, kiểm định chất lượng, tập hợp lại và tích hợp trong hệ thống thông tin nhiều bên tham gia để sử dụng rộng rãi.
1.6.2. Tích hợp kiến thức bản địa (WP2)
Kiến thức bản địa, kiến thức truyền thống hay kiến thức địa phương thường được hiểu là những tri thức mà người dân và cộng đồng tích lũy được qua nhiều đời ở một môi trường sống cụ thể, một cách tiềm tàng bảo đảm sinh kế ổn định cho họ tại chính nơi mà họ sinh sống. Đó có thể bao gồm cả những công nghệ đã được thích ứng, kinh nghiệm thực tiễn, hệ thống tri thức và niềm tin riêng biệt về mặt văn hóa, biểu thị dấu ấn mạnh mẽ của địa phương trong một bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể. Những kiến thức này được xem là quan trọng trong bối cảnh BĐKH vì nhiều lý do: Chúng có thể đóng góp tiềm tàng vào tri thức chung của nhân loại, tiềm năng của chúng chưa được ứng dụng một cách đầy đủ và chúng là một bộ phận của cuộc sống hàng ngày của người dân nông thôn. Có rất ít nghiên cứu về kiến thức bản địa trong ứng phó với thời tiết, khí hậu của người nông dân ở Việt Nam, đặc biệt ở NHQ. Việc nghiên cứu hệ thống hóa các kiến thức bản địa trong thích ứng với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên và xã hội ở NHQ là rất hữu ích, vì cộng đồng địa phương ở đây đã phải đối mặt với bão, thuỷ tai và nhiều thách thức khác hàng thế kỷ nay. Nội dung này thực hiện việc điều tra tổng thể kết hợp với đánh giá nông thôn có sự tham gia của nhiều bên (PRA), phỏng vấn sâu,... Những kiến thức về tác động của BĐKH và thuỷ tai cũng như tính dễ bị tổn thương trong nông nghiệp, thuỷ sản và các khía cạnh khác của cuộc sống người dân địa phương cũng là những vấn đề quan tâm của nội dung này.
Trong quá trình thực hiện, các cán bộ địa phương (huyện,xã) được mời tham gia trực tiếp và phối hợp trong việc thu thập các kiến thức bản địa và các cách thức phân loại, chuẩn hóa.
1.6.3. Đánh giá BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan (WP3)
BĐKH và thuỷ tai có liên quan chặt chẽ với nhau. BĐKH có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng cực đoan, do đó có thể làm gia tăng thuỷ tai. Nói cách khác, BĐKH có thể ảnh hưởng đến thuỷ tai thông qua đó làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng đối với hiểm họa thủy văn, đặc biệt làm suy giảm hệ sinh thái và biến đổi sinh kế. Hệ quả là BĐKH làm giảm khả năng đối phó với ngay cả những hiểm họa thủy văn hiện hữu của cộng đồng. Do đó, nội dung này nhằm cung cấp những thông tin chi tiết về BĐKH và các hiện tượng cực đoan trên khu vực nghiên cứu. Sản phẩm của nội dung này là đầu vào theo yêu cầu của các nội dung khác.
Những vấn đề được đề cập đến trong nội dung này bao gồm: 1) Đánh giá BĐKH dựa trên số liệu quan trắc từ mạng lưới trạm khí tượng ở NHQ, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan; 2) Dự tính BĐKH cho tương lai bằng phương pháp hạ qui mô động lực; 3) Đánh giá sự biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan có liên quan tới thuỷ tai. Để giải quyết vấn đề 2) và 3) các mô hình khí hậu khu vực sẽ được ứng dụng.
1.6.4. Phân tích và đánh giáthuỷ tai (WP4)
Từ khảo sát thực địa trong quá trình xây dựng dự án và phân tích sơ bộ điều kiện tự nhiên trên vùng nghiên cứu có thể nhận thấy những hiện tượng thiên tai thường xuyên gây nên thiệt hại trầm trọng cho cộng đồng địa phương chủ yếu liên quan đến thủy văn, trong đó đáng chú ý là lũ lụt về mùa mưa, hạn hán và xâm nhập mặn về mùa khô.
Do đó, nội dung này nhằm cung cấp thông tin chi tiết về thuỷ tai ở qui mô địa phương cho cộng đồng cư dân và chính quyền trên các vùng dễ bị tổn thương ở NHQ cũng như cho các nội dung khác. Nội dung này giải quyết các vấn đề: 1) Phát triển mô hình thủy văn cho các lưu vực nhỏ và mô hình thủy lực cho mạng lưới sông (mô hình một chiều) và mô hình lũ đồng bằng (mô hình hai chiều) để đánh giá hiểm họa lũ lụt trên vùng nghiên cứu với độ phân giải cao, chú trọng đến các vùng thí điểm; 2) Xây dựng các bản đồ ngập lụt (mực nước, độ sâu, vận tốc cực trị, thời gian kéo dài,…) cho vùng nghiên cứu với các tỷ lệ khác nhau từ cấp tỉnh đến cấp xã; 3) Phát triển mô hình tính toán cân bằng nước theo các kịch bản BĐKH và kịch bản phát triển kinh tế - xã hội; 4) Phát triển các mô hình bình lưu/khuếch tán cho mạng lưới sông vùng hạ du để mô phỏng hiện trạng xâm nhập mặn theo các kịch bản BĐKH và nước biển dâng; 5) Phân tích và chuẩn hóa các kết quả về định dạng GIS; 6) Tiến hành khảo sát bổ sung với sự tham gia đánh giá của nhiều bên và thẩm định kết quả cuối cùng.
1.6.5. Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương (WP5)
Trong nội dung này việc đánh giá tính dễ bị tổn thương được thực hiện trong mối quan hệ với tác động của thuỷ tai do BĐKH đến nông nghiệp và thủy sản.
Đánh giá tác động chủ yếu căn cứ vào việc phân tích xã hội dựa trên các khung lý thuyết sẵn có về tác động xã hội và đói nghèo, các công cụ phân tích chính sách và thể chế. Việc đánh giá được dựa vào các bộ số liệu thứ cấp từ các tỉnh kết hợp với số liệu gốc thu thập được từ điều tra hộ gia đình và các phỏng vấn định tính. Số mẫu điều tra chiếm khoảng 10-15% số hộ gia đình cho mỗi xã (khoảng 100-150 hộ được điều tra trong một xã). Tổng cộng đã có khoảng 500 phiếu phỏng vấn được thực hiện trong đợt điều tra đồng bộ trên cả ba tỉnh NHQ. Ngoài ra còn có một số phỏng vấn sâu từ các đợt thực địa bổ sung hàng năm. Các cuộc phỏng vấn định tính với các cá nhân, các nhóm tiêu điểm với kỹ thuật tiếp cận nhiều thành phần tham gia khác nhau đã được sử dụng để mô tả chi tiết hơn về kinh nghiệm ứng phó và tính dễ bị tổn thương trong mối quan hệ với lũ lụt và hạn hán.
Nội dung này xoay quanh các hoạt động sau: 1) Đánh giá tác động của thuỷ tai do BĐKH: (i) về phương diện kinh tế, xem xét qua hệ thống sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các vùng nghiên cứu; (ii) về phương diện xã hội, đánh giá qua các nhóm bị tổn thương khác nhau; và (iii) về không gian, đánh giá qua các cấp tỉnh/huyện/xã. 2) Phân tích khả năng đối phó của các nhóm xã hội, cộng đồng và chính quyền địa phương đối với thuỷ tai. 3) Chuyển tải các thông tin trên về định dạng của PIS và đưa vào PIS để tinh chỉnh việc đánh giá tác động.
1.6.6. Xây dựng hệ thống thông tin nhiều bên tham gia dựa trên GIS (WP6)
Hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) được xây dựng dựa trên nền web với công cụ tương tác GIS. PIS có ba chức năng: (i) lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau; (ii) giúp các nhà khoa học truy cập, phân tích dữ liệu và (iii) truyền tải thông tin đến cộng đồng người sử dụng.
Do khối lượng dữ liệu thu thập được từ dự án rất lớn nên ngoài một số bộ phận được cung cấp qua máy chủ truyền nhận dữ liệu (ftp server), phần lớn dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống kho dữ liệu của dự án. Người dùng có thể gửi yêu cầu để nhận các bộ dữ liệu này, bao gồm các file số liệu định dạng chuẩn NetCDF, GRIB, dạng ảnh, phim, bản vẽ, ảnh vệ tinh, văn bản, sản phẩm dự báo các loại. Ngoài ra, hầu hết các dạng dữ liệu văn bản, hoặc hình ảnh liên quan đến các sản phẩm đầu ra của các nội dung đều được cung cấp qua website tiếng Anh (http://danida.vnu.edu.vn/cpis/en/) hoặc tiếng Việt (http://danida.vnu.edu.vn/cpis/vn/) và PIS (http://danida.vnu.edu.vn:8083/).
Các nhà khoa học và người dùng có cam kết có thể truy cập trực tiếp đến các nguồn dữ liệu của dự án thông qua ftp server của PIS khi sử dụng tài khoản được cung cấp.
Đối với đông đảo cộng đồng người sử dụng, hệ thống cho phép truy cập cơ sở tri thức bằng trình duyệt web (trên PC hoặc điện thoại di động) qua Internet đến các website kể trên. PIS được thiết kế để có thể truy cập đến công cụ tương tác GIS (http://danida.vnu.edu.vn:8083/cong-cu-tuong-tac/cong-cu) theo các mức ưu tiên khác nhau cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng địa phương.
1.6.7. Các hoạt động khác
· Đào tạo và trao đổi khoa học
Trong quá trình thực hiện, dự án đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, hỗ trợ các cán bộ tham gia dự án đi trao đổi, hợp tác nước ngoài thông qua các chuyến đi công tác, hội nghị hội thảo quốc tế. Việc tổ chức các seminar khoa học giữa các nhóm chuyên gia Việt Nam và Đan Mạch cũng được thực hiện thường xuyên mỗi khi các chuyên gia Đan Mạch sang Việt Nam thực hiện các chuyến thực địa.
· Tăng cường trang thiết bị
Nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu của dự án, lưu trữ số liệu, tài liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các nhà khoa học, chính quyền và cộng đồng địa phương, dự án đã trang bị một hệ thống máy chủ có kết nối Internet qua đó tất cả các thành viên tham gia dự án và cư dân địa phương có thể truy cập để thu nhận và cập nhật các số liệu, tài liệu cần thiết. Dự án cũng đã trang bị cho cộng đồng địa phương các hệ thống máy tính có kết nối Internet để họ có thể khai thác thông tin từ máy chủ như những người dùng đầu cuối. Một số trang thiết bị khác cũng đã được mua sắm nhằm phục vụ công tác điều tra, khảo sát thực địa.
· Truyền thông
Công tác truyền thông cũng là một trong những hoạt động chính của dự án. Hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực BĐKH thông qua việc xuất bản các ấn phẩm khoa học, hội nghị khoa học quốc tế, seminar khoa học,...
Dự án đã xây dựng một website, trên đó đăng tải và cập nhật thường xuyên các thông tin, hoạt động của dự án, sản phẩm của dự án và những thông tin hữu ích khác liên quan đến dự án. Nhờ có website, các thành viên tham gia dự án và cộng đồng người dùng ở NHQ nói riêng, các đọc giả từ nhiều nơi trên thế giới nói chung đã biết đến dự án và những hoạt động của dự án.
Các hội thảo, seminar khoa học, trao đổi thông tin giữa các thành viên, các nhóm thực hiện dự án, lãnh đạo chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng cư dân là những hoạt động thường xuyên trong quá trình thực hiện dự án. Thông qua các hoạt động này, các bên tham gia cùng xây dựng hệ thống PIS hướng tới các đối tượng người dùng ở các góc độ khác nhau.
Nội dung truyền thông của dự án còn bao gồm cả các hoạt động xuất bản phẩm. Dự án khuyến khích, cổ vũ và hỗ trợ tất cả các thành viên đăng tải các bài báo khoa học trên các tạp chí có phản biện độc lập về các nội dung nghiên cứu của dự án, nhất là các bài đồng tác giả giữa các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch. Việc tham dự và trình bày các báo cáo tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế liên quan đến dự án cũng được khuyến khích.
1.7. Tổ chức quản lý thực hiện Dự án
Dự án được triển khai trên địa bàn ba tỉnh NHQ, tập trung thí điểm tại ba xã: Hưng Nhân (Nghệ An), Yên Hồ (Hà Tĩnh) và Võ Ninh (Quảng Bình), được tổ chức thực hiện dựa trên các nguyên tắc quản lý sau:
· Mô hình tổ chức quản lý được thực hiện theo qui định của Hiệp định khung đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về chương trình nghiên cứu thí điểm.
· Việc triển khai nghiên cứu sẽ thực hiện theo sự thỏa thuận giữa đối tác Việt Nam và Đan Mạch.
· Các nội dung công việc sẽ được thực hiện theo Hợp đồng giữa Chủ nhiệm dự án với các thành viên tham gia trên cơ sở đồng ý của Cơ quan chủ trì dự án.
· Ban quản lý dự án được thành lập, tổ chức và thực hiện theo thông tư 03/2007/TT- BKH ban hành ngày 12/03/2007 về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của Ban quản lý dự án ODA.
· Chủ nhiệm dự án chịu trách nhiệm với Cơ quan chủ trì dự án điều hành mọi hoạt động của dự án thông qua Ban quản lý dự án.
1.8. Các sản phẩm khoa học - công nghệ của Dự án
Theo đề cương đã được phê duyệt, những sản phẩm, kết quả dự kiến của dự án gồm:
1) Thiết lập được một mô hình làm việc nhóm theo cơ chế các bên hưởng lợi cùng tham gia xây dựng một hệ thống thông tin bao gồm các nhà khoa học, lãnh đạo chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của tất cả các bên tham gia.
2) Xây dựng được một hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS) trong đó tích hợp tất cả các kiến thức khoa học và kiến thức bản địa cũng như các công cụ khai thác nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và tăng cường sức chống chịu cho cộng đồng địa phương nơi triển khai dự án.
3) Đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị thực hiện dự án cũng như cho cộng đồng địa phương trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, thuỷ tai và tác động của chúng.
4) Thúc đẩy và tăng cường đăng tải các xuất bản phẩm khoa học, bao gồm các bài báo khoa học, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo quốc tế,...
5) Củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như giữa các nhà khoa học và các cơ quan của Việt Nam và Đan Mạch.
Sau hơn 3 năm (10/2012- 7/2016) thực hiện,về cơ bản những kết quả và sản phẩm đạt được của dự án đã đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó có những sản phẩm vượt mức kỳ vọng. Cụ thể như sau:
1) Về mô hình làm việc nhóm:
Trong quá trình thực hiện dự án, một mạng lưới gồm các nhà khoa học, chính quyền địa phương và cộng đồng đã được thiết lập và hoạt động hiệu quả. Các nhà khoa học tham gia dự án, thông qua Ban Quản lý dự án, đã có mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp và với cộng đồng cư dân nơi triển khai dự án. Lãnh đạo và cộng đồng địa phương đã hết sức hỗ trợ, giúp đỡ, cung cấp thông tin cho dự án. Ngược lại, các nhà khoa học, trong quá trình thực hiện các chuyến thực địa, đã có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, nâng cao nhận thức cho họ thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn hoặc tiếp xúc trực tiếp. Các nhà khoa học Đan Mạch cũng đã tham gia vào quá trình trên trong các đợt công tác đến các địa điểm triển khai dự án. Ngoài ra, đội ngũ các nhà khoa học tham gia dự án là những chuyên gia từ các chuyên ngành khác nhau, như khí tượng khí hậu, thuỷ văn, địa lý, công nghệ thông tin, các nhà xã hội học, kinh tế học. Sự đa dạng đó đã tạo nên một nhóm làm việc liên ngành và đa ngành. Nói tóm lại, một cơ chế làm việc phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều đối tượng khác nhau đã được thiết lập tạo nên một mô hình làm việc nhịp nhàng, hiệu quả, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho nhau, nhằm hướng tới việc xây dựng một PIS hữu hiệu.
2) Về hệ thống thông tin nhiều bên tham gia (PIS):
Trên cơ sở những kết quả thu nhận được từ các nhóm làm việc, một hệ thống dữ liệu, số liệu, tài liệu rất lớn được tích hợp nhờ hệ thống PIS. PIS được thiết kế và xây dựng dựa trên web với các chức năng khác nhau nhằm cung cấp thông tin về BĐKH, thuỷ tai, tác động của chúng và những kiến thức bản địa. PIS cũng bao hàm một bộ công cụ cho phép tương tác trực tuyến với người sử dụng như là một phương tiện tính toán, xử lý giúp người sử dụng nhận được những thông tin hữu ích theo yêu cầu. Thông tin dự báo thời tiết cũng được tích hợp vào PIS như là một nguồn tham khảo thường xuyên cho người sử dụng. Chi tiết về PIS sẽ được trình bày trong chương 7.
3) Về đào tạo nguồn nhân lực:
Thông qua dự án đã có 04 học viên cao học và 04 nghiên cứu sinh (NCS) tham gia vào các hoạt động của dự án và nhận được sự hỗ trợ từ dự án cả về tài liệu, số liệu và kinh phí (bảng 1.1). Ba trong số bốn NCS đã được gửi đi thực tập ở Nhật Bản và Cộng hoà Liên bang Đức. Trong số các học viên cao học và NCS tham gia dự án, 04 người đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, 01 người bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Dự án đã tạo điều kiện cho hơn 10 lượt cán bộ tham gia dự án đi dự và trình bày báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo quốc tế. Dự án đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ và cộng đồng địa phương về phương thức khai thác, sử dụng hệ thống thông tin PIS.Thông qua các đợt khảo sát, nghiên cứu thực địa, các cán bộ nghiên cứu và cộng đồng địa phương có những trao đổi kiến thức khoa học, kinh nghiệm bản địa với nhau, qua đó các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương được nâng cao kỹ năng thực tiễn trong việc tích hợp kiến thức bản địa và kiến thức khoa học. Các cán bộ địa phương và cộng đồng cư dân được bồi dưỡng kiến thức về đánh giá tác động của BĐKH, được nâng cao nhận thức, tăng cường sức chống chịu trước tác động của các hiện tượng thuỷ tai thông qua quá trình cùng thiết lập hệ thống PIS cũng như tham gia các đợt tập huấn về hệ thống PIS.
Bảng 1.1: Kết quả đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ
TT |
Họ và tên |
Bậc đào tạo |
Tiến độ |
Ghi chú |
1 |
Ngô Thị Thanh Hương |
Tiến sỹ |
Đang thực hiện |
|
2 |
Nguyễn Đức Hạnh |
Tiến sỹ |
Đang thực hiện |
|
3 |
Ngô Chí Tuấn |
Tiến sỹ |
Đang thực hiện |
|
4 |
Lê Như Quân |
Tiến sỹ |
Đã bảo vệ luận án |
Đang chờ cấp bằng |
5 |
Lê Hà Phương |
Thạc sỹ |
Đã bảo vệ luận văn |
Đã được cấp bằng |
6 |
Nguyễn Xuân Hậu |
Thạc sỹ |
Đã bảo vệ luận văn |
Đã được cấp bằng |
7 |
Lê Văn Hoàn |
Thạc sỹ |
Đã bảo vệ luận văn |
Đã được cấp bằng |
8 |
Nguyễn Kim Ngọc Anh |
Thạc sỹ |
Đã bảo vệ luận văn |
Đã được cấp bằng |
4) Về các xuất bản phẩm:
Một trong những nhóm sản phẩm được dự án chú trọng là các công trình khoa học mang tầm quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế của nền khoa học Việt Nam. Các cán bộ tham gia dự án đã công bố được 20 công trình trên các tạp chí quốc tế và các kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung liên quan đến dự án (bảng 1.2), trong đó:
· 10 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/Scopus
· 10 bài đăng trong các kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Myanmar, Philippin, Campuchia và Việt Nam.
· 02 bài là đồng tác giả Việt Nam - Đan Mạch đăng trong tạp chí “Journal of Geography, Environment and Earth Sciences International”.
Hiện tại đã gửi đăng một số bài báo khác và đang trong quá trình phản biện độc lập. Có thể nói, ấn phẩm khoa học là sản phẩm nổi bật nhất của dự án.
Bảng 1.2 Danh mục các công trình công bố của dự án
TT |
Tên tác giả, tên công trình, tên tạp chí, số tạp chí |
Loại ấn phẩm |
---|---|---|
1 |
Ole Bruun and Olivier Rubin, 2015: Introduction: The Social Dimensions of Disasters. Asian Journal of Social Science, Volume 43, Issue 6, pp. 671-683 |
Bài báo ISI |
2 |
Ole Bruun and Mette Fog Olwig, 2015: Is Local Community the Answer? The Role of “Local Knowledge” and “Community” for Disaster Prevention and Climate Adaptation in Central Vietnam. Asian Journal of Social Science, Volume 43, Issue 6, pp. 811-836 |
Bài báo ISI |
3 |
Casse Thorkil, Anders Milhøj, Thao Phuong Nguyen, 2015: Vulnerability in north-central Vietnam: do natural hazards matter for everybody? Nat Hazards (2015) 79:2145–2162 |
Bài báo ISI |
4 |
Mogens Buch-Hansen, Luu Bich Ngoc, Man Quang Huy and Tran Ngoc Anh, 2015: The Complexities of Water Disaster Adaptation Evidence from Quang Binh Province, Vietnam. Asian Journal of Social Science, Volume 43, Issue 6, pages 713 – 737 |
Bài báo ISI |
5 |
Tan Phan-Van, Long Trinh-Tuan, Hai Bui-Hoang, Chanh Kieu, 2015:Seasonal forecasting of tropical cyclone activity in the coastal region of Vietnam using RegCM4.2. Climate Research, Vol. 62: 115-129 |
Bài báo ISI |
6 |
Rubin, O, 2014:Social vulnerability to climate-induced natural disasters: Cross-provincial evidence from Vietnam. Asia Pacific Viewpoint, Vol. 55, Issue 1, pp. 67-80 |
Bài báo ISI |
7 |
Tan Phan Van, Hiep Van Nguyen, Long Trinh Tuan, Trung Nguyen Quang, Thanh Ngo-Duc, Patrick Laux, and Thanh Nguyen Xuan, 2014:Seasonal Prediction of Surface Air Temperature across Vietnam Using the Regional Climate Model Version 4.2 (RegCM4.2). Advances in Meteorology. Volume 2014, Article ID 245104, 13 pages. |
Bài báo ISI |
8 |
Ngo-Duc, T. , C. Kieu, M. Thatcher, D. Nguyen-Le, and T. Phan-Van, 2014:Climate projections for Vietnam based on regional climate models. Climate Research, Vol. 60:199-213 |
Bài báo ISI |
9 |
Vu-Thanh H., T. Ngo-Duc, and T. Phan-Van, 2013:Evolution of meteorological drought characteristics in Vietnam during the 1961-2007 period. Theoretical and Applied Climatology, Volume 118, Issue 3, p367-375 |
Bài báo ISI |
10 |
Thao Phuong Nguyen, Thanh Thi Ha Nguyen and Huy Quang Man, 2016: Assessing Adaptive Capacity to Flood in the Downstream Communities of the Lam River. Journal of Geography, Environment and Earth Science International, Vol. 5 (3), pp.1-13 |
Bài báo quốc tế |
11 |
Luu Bich Ngoc, Bui Thi Hanh, 2015:Indigenous Knowledge – A Human Capital for Response to Climate Change in Agriculture at North Central region, Vietnam. 2st International Conference on Social-Economic Issues in Development Venue: Grand Convention Hall (Level 2, Building 10), NEU, Vietnam May 25-26, 2015 |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
12 |
Huy Man Quang, Thanh Bui Quang, 2014:Developing GIS Decision Support to Stakeholders on Agricultural Land Use Planning in Ha Tinh Province, Vietnam. Proceeding of the 35th Asian Conference on Remote Sensing, Nay Pyi Taw, Myanmar 27- 31, October 2014 |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
13 |
Bui Quang Thanh, Nguyen Quoc Huy, Nguyen Trung Kien, Pham Van Cu, Pham Minh Hai, 2014:Web-based Participatory Information System for Vulnerability Mapping in Central Provinces of Vietnam. The GIS-IDEAS Conference on "Geoinformatics Education and Capacity Building for Urban Management and Smart Cities", December 6 - 9, 2014, Danang City, Vietnam |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
14 |
Nguyen Phuong Thao, Nguyen Thi Ha Thanh, Man Quang Huy, 2014:Adaptive capacity to flood of communities in North Central Vietnam. Case studies in Yen Ho commune, Duc Tho district, Ha Tinh province and Hung Nhan commune, Hung Nguyen district, Nghe An province. Proceeding of SEAGA2014 (Southeast Asian Geography Association), Geography that matters: unraveling the destiny, environment, society and people in Asia, co-organised by Royal University of Phnom Penh and Southeast Asian Geography Association, held in Cambodia, 25-28th November, 2014, pp.48-49 |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
15 |
Nguyen Duc Hanh, Tran Ngoc Anh, Shinichiro Onda, Luong Phuong Hau and Nguyen Kien Dung, 2014:Three-dimensional numerical simulation and analysis of flows around a series of reverse circulation structures in a channel bend. Proceedings of the 19th IAHR-APD Congress, 21-24 September 2014, Hanoi, Vietnam. ISBN: 978604821338-1. |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
16 |
Hang Vu-Thanh, Thanh Ngo-Duc, and Tan Phan-Van, 2013:An analysis of meteorological drought features in Vietnam during the 1961-2007 period. The 3rd International MAHASRI/HyARC workshop on Asian Monsoon and Water Cycle, August 28-30, 2013, DaNang, Vietnam. P 117-124. |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
17 |
Thanh Ngo-Duc, Huong Ngo-Thi-Thanh, Hue Nguyen-Thanh, Trung Nguyen-Quang,2013:Summer Monsoon Onset over Vietnam for the Period of 1961-2000 using RegCM4.2. Proceeding: The second International Workshop on Climatic Changes and Their Effects on Agriculture in Asian Monsoon Region, 4-6 March, 2013, The Forest Lodge, Camp John Hay, Baguio City, Philippines |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
18 |
Huong Ngo-Thi-Thanh, Hue Nguyen-Thi-Thanh, Hang Vu-Thanh, Thanh Ngo-Duc,2013:A study on rainy season onset dates over Vietnam for the period 1951-2007 using the APHRODITE data. The 3rd International MAHASRI/HyARC workshop on Asian Monsoon and Water Cycle, August 28-30, 2013, DaNang, Vietnam. P 201-208 |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
19 |
Quan Le-Nhu, Tan Phan-Van, Trung Nguyen-Quang, Thanh Ngo-Duc, 2013:Trends in extreme rainfall events over Vietnam: Historical data and model verification. The 3rd International MAHASRI/HyARC workshop on Asian Monsoon and Water Cycle, August 28-30, 2013, DaNang, Vietnam. P 209-216 |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
20 |
Tran Ngoc Anh, Shinichiro Onda, Nguyen Duc Hanh and Nguyen Thanh Son, 2013:3D Simulation of Flows Around Hydraulic Structures. The 14th Asian Congress of Fluid Mechanics - 14ACFM October 15 - 19, 2013; Hanoi and Halong, Vietnam |
Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế |
5) Về tăng cường mối quan hệ hợp tác:
Việc củng cố và tăng cường các mối quan hệ hợp tác và cộng tác giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giữa các cơ quan nghiên cứu Việt Nam và Đan Mạch là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án. Do tính chất liên ngành và xuyên ngành của vấn đề nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch tham gia dự án có chuyên ngành rất khác nhau. Bởi vậy quá trình hoạt động nghiên cứu trong phạm vi dự án đã tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, trong đó các nhà khoa học có cơ hội chia sẻ kiến thức kinh nghiệm cho nhau, cùng nâng cao kiến thức của mình về các lĩnh vực khác, qua đó hình thành một cộng đồng thống nhất có thể hợp tác lâu dài. Những hoạt động có tính phối hợp quốc tế, liên ngành và đa ngành được thể hiện qua các hoạt động cụ thể của dự án là:
- Các chuyến khảo sát thực địa với sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu Đan Mạch và Việt Nam (bảng 1.3)
- Các buổi seminar khoa học, thảo luận nhóm giữa các nhà khoa học với cộng đồng địa phương, giữa các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch, trong đó đáng chú ý là các hội thảo quốc tế do các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch phối hợp tổ chức với sự tham gia đông đảo của các cấp lãnh đạo và cộng đồng cư dân ba tỉnh NHQ diễn ra tại Thành phố Hà Tĩnh vào ngày 08 tháng 12 năm 2014 và tại Thành phố Vinh vào các ngày 18-19 tháng 12 năm 2015.
- Các bài báo quốc tế đồng tác giả giữa các nhà khoa học tham gia dự án, trong đó có những bài đồng tác giả giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Bảng 1.3: Các đợt thực địa trong Dự án
TT |
Thời gian |
Nội dung |
Thành phần tham gia |
---|---|---|---|
1 |
12/2012 |
Khảo sát tổng quan lựa chọn địa điểm nghiên cứu |
Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Đan Mạch |
2 |
2/2013 |
Thực địa bổ sung về việc chọn địa điểm thí điểm, đồng thời tìm kiếm, lựa chọn đơn vị, cá nhân làm đầu mối tại các địa phương |
Các nhà khoa học Việt Nam |
3 |
5/2013 |
Khảo sát thực địa về tình hình thuỷ tai và tác động của thuỷ tai; điều tra xã hội học |
Các nhà khoa học Việt Nam |
4 |
9/2013 |
Điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu |
Các nhà khoa học Việt Nam |
5 |
11/2013 |
Điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu |
Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Đan Mạch |
6 |
3/2014 và 5/2014 |
Khảo sát thực địa và điều tra xã hội học bổ sung |
Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Đan Mạch |
7 |
10/2014 |
Điều tra xã hội học bổ sung |
Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Đan Mạch |
8 |
1/2015 |
Khảo sát thực địa về PIS |
Các chuyên gia Đan Mạch |
9 |
4/2015 |
Khảo sát thực địa và điều tra xã hội học về tác động của BĐKH và tính dễ bị tổn thương |
Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Đan Mạch |
10 |
7/2015 |
Khảo sát thực địa và điều tra xã hội học bổ sung về tác động của BĐKH và tính dễ bị tổn thương |
Các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Đan Mạch |